Đối với Chính phủ

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lý kinh tế công tác quản lý thu thuế tài nguyên trên địa bàn tỉnh thái nguyên (Trang 118 - 120)

5. Kết cấu của luận văn

4.3.1.Đối với Chính phủ

4.3.1.1. Hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật về Thuế tài nguyên

Như tác giả đã chỉ ra trong phần đánh giá các yếu tố ảnh hưởng tới hoạt động quản lý thu thuế tài nguyên trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, chính sách thuế tài nguyên là yếu tố đầu tiên và cũng là quan trọng nhất ảnh hưởng đến công tác quản lý thuế tài nguyên vì đây là yếu tố quyết định đến việc tổ chức hoạt động thu nộp thuế tài nguyên. Những bất cập hiện nay của chính sách thuế tài nguyên đã và đang ảnh hưởng không nhỏ tới hiệu quả quản lý của các cơ quan thuế, và Cục thuế tỉnh Thái Nguyên cũng không phải là ngoại lệ. Trong chính sách thuế tài nguyên còn nhiều kẽ hở, chưa bao quát được hết các nguồn thu, một số quy định chưa cụ thể, rõ ràng có thể hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau; Thuế suất xác định phức tạp, chưa tính đúng, chưa tính đủ và thuế suất đối với một số loại tài nguyên là tương đối cao; Chế tài về thuế chưa mạnh

Do đó, một số kiến nghị của luận văn đối với cơ quan xây dựng hệ thống pháp luật, chính sách về thuế tài nguyên như sau:

- Chính sách thuế tài nguyên phải được xây dựng thống nhất với các văn bản pháp luật hiện hành, chặt chẽ, rõ ràng, chi tiết và dễ hiểu nhằm giúp các đối tượng có liên quan trong công tác quản lý thuế tài nguyên hiểu đúng, đầy đủ và thực hiện tốt công tác quản lý.

- Đối tượng chịu thuế: Cần tiếp tục rà soát cách xác định đối tượng chịu thuế tài nguyên trong chính sách thuế do một số loại tài nguyên còn chưa quy định cụ thể loại chịu thuế, loại không chịu thuế, một số loại tài nguyên có giá trị kinh tế cao nhưng chưa quy định thu thuế tài nguyên, hoặc thuế suất thuế tài nguyên thấp, tránh gây thất thoát lãng phí. Nghiên cứu sửa đổi bổ sung các quy định của luật thuế tài nguyên đồng bộ với Luật khoáng sản, Luật tài nguyên nước, Luật đầu tư.

- Về người nộp thuế: Thống nhất thực hiện người khai thác tài nguyên là người nộp thuế, nếu là khai thác nhỏ lẻ thì người thu mua phải là người nộp thuế, đảm bảo đúng đối tượng khai thác là người nộp thuế tránh trốn thuế. Bên cạnh đó, đảm bảo việc khai thác tài nguyên được thực hiện bởi các tổ chức có năng lực về khai thác, quản lý hoạt động.

- Sản lượng tính thuế: Quy định sản lượng tính thuế dựa trên số lượng tài nguyên khai thác thực tế. Đối với tài nguyên cần có cam kết sản lượng khai thác tối thiểu để làm căn cứ tính thuế tài nguyên tại thời điểm cấp phép khai thác. Sản lượng thực tế sẽ được thay đổi khi có sự chênh lệch giữa sản lượng cam kết và sản lượng thăm dò.

- Giá tính thuế: Sửa đổi quy định về giá tính thuế để đảm bảo tính thống nhất, phản ánh đúng bản chất của thuế tài nguyên. Giá tính thuế là giá bán tài nguyên tại nơi khai thác không bao gồm các chi phí vận chuyển nhưng không được thấp hơn giá tính thuế tài nguyên do UBND cấp tỉnh quy định.

- Mức thuế suất: Cần rà soát thuế suất của tất cả các loại tài nguyên để điều chỉnh tăng, mức tăng thuế suất tài nguyên không tái tạo cao hơn mức tăng thuế suất tài nguyên có thể tái tạo. Tăng thuế suất góp phần khuyến khích các doanh nghiệp khai thác sử dụng tài nguyên một cách tiết kiệm hiệu quả, mặt khác thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư phát triển công nghệ. Thông qua khảo sát thực tế để có một biểu thuế tài nguyên có thể áp dụng một cách dễ dàng.

4.3.1.2. Bổ sung các quy định về tăng cường quản lý thuế tài nguyên

Bổ sung các quy định cụ thể về cơ chế phối hợp giữa cơ quan thuế và cơ quan tài nguyên môi trường trong việc xác định lượng tài nguyên tính thuế trong đó xác định trách nhiệm cầu người đứng đầu, trách nhiệm phối hợp cách thức phối hợp. Tăng cường vai trò của chính quyền địa phương với việc quản lý tài nguyên, xử lý nghiêm cán bộ để xảy ra tình trạng khai thác trái phép.

4.3.1.3. Nâng mức chế tài xử lý các vi phạm về thuế tài nguyên nhằm nâng cao ý thức tuân thủ các quy định của người nộp thuế

Hiện nay các vi phạm chủ yếu về thuế tài nguyên của NNT trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên chủ yếu là không nộp thuế, chậm nộp thuế, gian lận về thuế; Rất nhiều trường hợp các doanh nghiệp hiểu rõ về quy định của pháp luật song lợi dụng kẽ hở quản lý của cơ quan Thuế địa phương nên cố tính gian lận, khai gian khối lượng khoáng sản và số thuế phải nộp; Chính vì vậy, một giải pháp hữu hiệu là cần phải nâng cao mức chế tài xử lý các hành vi này nhằm đảm bảo tính răn đe và công minh của luật pháp, tránh hiện tượng nhờn luật từ chính người nộp thuế.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lý kinh tế công tác quản lý thu thuế tài nguyên trên địa bàn tỉnh thái nguyên (Trang 118 - 120)