Một số hạn chế và nguyên nhân của hạn chế

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lý kinh tế công tác quản lý thu thuế tài nguyên trên địa bàn tỉnh thái nguyên (Trang 98 - 103)

5. Kết cấu của luận văn

3.5.2. Một số hạn chế và nguyên nhân của hạn chế

3.5.2.1. Một số hạn chế

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý thu thuế tài nguyên tại Cục thuế Thái Nguyên vẫn còn những tồn tại hạn chế trong thực hiện quản lý thu thuế theo chuyên môn nghiệp vụ:

Thứ nhất, công tác quản lý thu thuế tài nguyên chưa thực sự được quan tâm một cách đúng mực: Mặc dù trong những năm trở lại đây Cục thuế tỉnh Thái Nguyên đã quan tâm hơn đến công tác quản lý thu thuế tài nguyên, song do đặc thù của thuế tài nguyên trong quá trình quản lý thu thuế theo quy trình lại được quản lý chung cùng với các sắc thuế khác và được thực hiện chung trong các quy trình về thanh tra, kiểm tra thuế, kê khai và kế toán thuế và quản lý nợ thuế nên sự sát sao trong công tác quản lý thuế tài nguyên của cục thuế chưa thực sự đem lại hiệu quả rõ rệt.

Thứ hai, công tác tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế đối với loại thuế tài nguyên cũng chưa được quan tâm nhiều: Xuất phát từ số tiền thu thuế tài

nguyên nhỏ và số lượng đơn vị khai thác tài nguyên trên địa bàn không nhiều nên công tác tuyên truyền hỗ trợ người nộp thuế thường chỉ chú trọng, ưu tiên tuyên truyền các sắc thuế khác như: thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân. Trên thực tế, thuế tài nguyên là loại sắc thuế phát sinh nhiều vướng mắc và thay đổi liên tục về cơ chế chính sách nên đòi hỏi công tác tuyên truyền yêu cầu phải được chú trọng, đầu tư hơn. Mặt khác, khi có những vướng mắc, các đơn vị khai thác tài nguyên không chủ động hỏi cơ quan thuế. Điều này một phần khiến cho các đơn vị không thực hiện đúng việc kê khai và nộp thuế tài nguyên, dẫn đến số truy thu lớn trong các cuộc thanh tra, kiểm tra.

Thứ ba, việc tiến hành kiểm tra, kiểm soát công tác tự khai, nộp thuế tài nguyên vẫn chưa được triển khai kịp thời: Công tác thanh tra, kiểm tra thuế tài nguyên trong giai đoạn vừa qua mặc dù được coi là đạt hiệu quả, nhưng kết quả từ các cuộc thanh tra, kiểm tra thuế tài nguyên là số truy thu tiền thuế tài nguyên lớn đã gây khó khăn rất nhiều cho các đơn vị trong việc thực hiện quyết định xử phạt vi phạm pháp luật về thuế. Đối với người nộp thuế, do người nộp thuế không cập nhật sự thay đổi về chính sách thuế tài nguyên và không nắm rõ các quy định nên dẫn đến việc kê khai thiếu số thuế tài nguyên. Về phía cơ quan thuế, trong quá trình kiểm tra, giám sát hồ sơ khai thuế của đơn vị, bộ phận kiểm tra đã không sát sao để phát hiện vi phạm trong việc kê khai sản lượng và giá tính thuế tài nguyên, dẫn đến đơn vị tiếp diễn việc kê khai không đúng, kê khai thiếu trong thời gian dài. Và kết quả là khi có các đoàn thanh tra, kiểm tra vào làm việc tại đơn vị, phát hiện ra số truy thu rất lớn.

Thứ tư, công tác quản lý nợ thuế tài nguyên gặp nhiều khó khăn: Nguyên nhân chính là do tình hình kinh tế khủng hoảng, nguồn tài chính của các đơn vị gặp nhiều khó khăn, dẫn đến các đơn vị không có tiền nộp vào NSNN. Thêm vào đó, có trường hợp cố tình chiếm dụng tiền thuế; trong khi đó công tác quản lý nợ thuế chưa thực sự hiệu quả, thể hiện ở việc không

mạnh dạn đưa ra các giải pháp đôn đốc và cưỡng chế nợ có hiệu ứng mạnh, như phối hợp với UBND tỉnh thu hồi giấy phép khoáng sản với các đơn vị nợ đọng thuế tài nguyên.

Thứ năm, về thực hiện công tác kê khai và kế toán thuế: Số lượng các đơn vị khai thác tài nguyên không nhiều. Tuy nhiên, công tác quản lý việc nộp thuế và kế toán thuế của bộ phận kê khai và kế toán thuế vẫn còn những thiếu sót. Thuế tài nguyên là loại thuế được điều tiết 100% cho ngân sách địa phương, do đó các đơn vị khai thác phải ghi chi tiết tới địa chỉ xã, phường nơi khai thác tài nguyên trên giấy nộp tiền vào NSNN. Trên thực tế, các đơn vị nộp thuế tài nguyên thường bỏ sót hoặc ghi địa chỉ nơi đóng trụ sở, khác với nơi khai thác, gây ra việc điều tiết ngân sách không đúng tới địa bàn khai thác. Điều này đã làm cho công tác kế toán thuế phát sinh thêm nhiều thao tác điều chỉnh số nộp, đôn đốc và nhắc nhở người nộp thuế để ghi đúng các thông tin yêu cầu trên giấy nộp tiền để khắc phục tình trạng gây khó khăn cho công tác kế toán thuế.

3.5.3.2. Nguyên nhân của hạn chế

Thứ nhất, trách nhiệm của cán bộ công chức thuế trong công tác quản lý thu thuế tài nguyên chưa được nhìn nhận đúng vai trò: Sự quan tâm chỉ đạo của cán bộ lãnh đạo còn chưa chú trọng đúng mức do nguồn thu từ thuế tài nguyên chiếm tỷ trọng nhỏ so với số thu từ các sắc thuế khác trong kế hoạch thu NSNN chung của Tỉnh. Việc đầu từ cho công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu về riêng từng sắc thuế, đặc biệt với các sắc thuế nhỏ vẫn chưa được đẩy mạnh nên chưa tạo ra sự nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng của việc quản lý thuế tài nguyên, bởi không chỉ mang tính chất đóng góp vào số thu của NSNN mà nó còn góp phần bảo vệ và quản lý sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên của quốc gia.

Thứ hai, số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ thuế có trình độ chuyên môn nghiệp vụ làm công tác thuế tài nguyên còn hạn chế và bất cập: trước đòi

hỏi về nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu công tác quản lý thuế trong tình hình mới, vẫn còn một số ít cán bộ công chức thuế có năng lực công tác thấp, kỹ năng nghề nghiệp hạn chế, chưa tâm huyết với nghề, đạo đức nghề nghiệp còn yếu, chưa dành thời gian nghiên cứu chính sách thuế và ngại va chạm quan hệ công tác dẫn đến hiệu quả và chất lượng công việc chưa cao, chưa nâng cao được năng lực thích ứng và sẵn sàng tiếp nhận xử lý công việc.

Thứ ba, việc sửa đổi, bổ sung liên tục một số điều của các Luật thuế hiện hành gây không ít khó khăn cho doanh nghiệp và cơ quan thuế cũng như công tác quản lý thu thuế tài nguyên: Trong điều kiện tình hình kinh tế trong và ngoài nước có nhiều biến động, mức độ hội nhập quốc tế của nền kinh tế nước ta ngày càng cao, thực tiễn đã phát sinh một số vấn đề đòi hỏi phải sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật thuế hiện hành nhằm tiếp tục xây dựng hệ thống chính sách thuế đồng bộ, thống nhất, công bằng, hiệu quả, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Do đó, hệ thống các văn bản chính sách pháp luật mới ban hành cần có thông tư hướng dẫn cụ thể, chi tiết, kịp thời để giúp doanh nghiệp nắm bắt cũng như dễ dàng thực hiện đúng, đủ quyền và nghĩa vụ của mình. Mặc dù các doanh nghiệp đánh giá cao những cải cách trong chính sách, pháp luật về thuế trong thời gian gần đây nhưng chính sự thay đổi liên tục này cũng gây ra không ít khó khăn cho doanh nghiệp trong việc cập nhật thông tin để tuân thủ. Thực tiễn công tác quản lý thuế còn gặp khó khăn khi áp dụng kịp thời hệ thống các chính sách thuế mới.

Thứ tư, do công tác phối hợp giữa các sở, ban, ngành trong Tỉnh còn yếu: Công tác phối hợp với các cơ quan thuộc ngành Tài chính đóng trên địa bàn như Kho bạc, Ngân hàng, Hải quan được thực hiện theo chương trình, dự án của toàn ngành. Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng tin học phục vụ việc truyền tải dữ liệu nhiều khi chưa đảm bảo, dẫn tới công tác phối hợp chưa chuẩn nhất. Thêm vào đó, các cán bộ thực hiện đôi khi vẫn thụ động theo quy trình, không linh hoạt trong quá trình phối hợp, gây khó khăn trong quá trình thực hiện

quản lý. Đối với công tác phối hợp với cơ quan Đài, Báo truyền thông, đôi khi việc tuyên truyền chưa đem lại hiệu quả cao, do lựa chọn kênh thông tin chưa phù hợp, không thu hút được sự quan tâm chú ý của NNT. Từ đó dẫn tới ý thức chấp hành tuân thủ về nghĩa vụ thuế tài nguyên của NNT chưa cao, có trường hợp còn cố tình vi phạm nghĩa vụ thuế.

CHƯƠNG 4

QUAN ĐIỂM, ĐỊNH HƯỚNG VÀ CÁC GIẢI PHÁP TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ THU THUẾ TÀI NGUYÊN TRÊN ĐỊA BÀN

TỈNH THÁI NGUYÊN

4.1. Quan điểm, định hướng, mục tiêu quản lý thu thuế tài nguyên trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lý kinh tế công tác quản lý thu thuế tài nguyên trên địa bàn tỉnh thái nguyên (Trang 98 - 103)