1.3.1 Khái niệm rủi ro
1.3.1.1. Thế nào là rủi ro?
Trong bất cứ lĩnh vực nào của cuộc sống xã hội đều bao hàm yếu tố rủi ro, đặc biệt là hoạt động kinh doanh. Ngân hàng thương mại là tổ chức kinh doanh một lĩnh vực nhạy cảm là kinh doanh tiền tệ, do đó yếu tố rủi ro cần được đề cao hơn bao giờ hết. Có thể nói mọi nghiệp vụ Ngân hàng đều có rủi ro, nhất là trong bối cảnh hội nhập, cạnh tranh gay gắt, Việt Nam lại là một thị trường non trẻ và là một nước nghèo, bởi vậy thách thức về sự rủi ro càng lớn hơn bao giờ hết. Vậy rủi ro là gì?
Theo trường phái truyền thống, rủi ro được xem là sự không may mắn, sự tổn thất mất mát, nguy hiểm. Nó được xem là điều không lành, không tốt, bất ngờ xảy đến. Đó là sự tổn thất về tài sản hay sự giảm sút lợi nhuận thực tế so với lợi nhuận dự kiến. Rủi ro còn được hiểu là những bất trắc ngoài ý muốn xảy ra trong quá trình kinh doanh, sản xuất của doanh nghiệp, tác động xấu đến sự tồn tại và phát triển của một doanh nghiệp. Tóm lại, theo quan
điểm này thì rủi ro là những thiệt hại, mất mát, nguy hiểm hoặc các yếu tố liên quan đến nguy hiểm, khó khăn hoặc điều không chắc chắn có thể xảy ra cho con người
Theo trường phái hiện đại, rủi ro là sự bất trắc có thể đo lường được, vừa mang tính tích cực, vừa mang tính tiêu cực. Rủi ro có thể mang đến những tổn thất, mất mát cho con người nhưng cũng có thể mang lại những lợi ích, cơ hội. Nếu tích cực nghiên cứu rủi ro, người ta có thể tìm ra những biện pháp phòng ngừa, hạn chế những rủi ro tiêu cực, đón nhận những cơ hội mang lại kết quả tốt đẹp cho tương lai.
1.3.1.2. Các yếu tố xác định rủi ro
Qua các khái niệm trên, có thể thấy rủi ro có các tính chất, đó là: bất ngờ, gây ra tổn thất và xuất hiện ngoài mong đợi của con người. Một sự kiện xảy ra được xác định là rủi ro khi có đủ cả ba yếu tố trên
* Bất ngờ. Rủi ro là những sự kiện bất ngờ xảy ra mà người ta không thể dự đoán một cách chắc chắn. Mọi rủi ro đều bất ngờ nhưng mức độ bất ngờ của các rủi ro khác nhau là khác nhau. Nếu khoa học nhận dạng và dự báo được chính xác được rủi ro xảy ra, tính chất bất ngờ của rủi ro không còn nữa thì rủi ro chỉ còn là những bất lợi ngoài mong muốn
* Gây ra tổn thất: Rủi ro là nguyên nhân gây ra tổn thất, mặc dù tổn thất gây ra có thể nghiêm trọng, có thể không. Mọi tổn thất do rủi ro gây ra có đặc tính chung là gây ra thiệt hại, làm giảm sút lợi ích của con người
* Không mong đợi: Vì rủi ro gây ra tổn thất cho con người nên rủi ro là những sự kiện nằm ngoài mong đợi của con người. Thông thường con người chỉ mong đợi những điều may mắn, tốt đẹp đến với mình
Như vậy, khi một sự kiện xuất hiện cả ba yếu tố trên sẽ được coi là rủi ro. Nếu một sự kiện biết chắc được sẽ xảy ra hay không xảy ra, hoặc do ý muốn con
1.3.2 Phân loại rủi ro
1.3.2.1 Ý nghĩa của việc phân loại rủi ro
Trong thực tế, rủi ro ồn tại dưới rất nhiều dạng khác nhau. Có rủi ro có thể dự đoán được, đo lường được mức độ tác động của nó, cũng có những rủi ro xảy ra ngoài khả năng dự đoán và đo lường. Hơn nữa mỗi loại rủi ro đều xuất phát từ những nguyên nhân khác nhau, do vậy tính chất và mức độ gây ra tổn thất của các rủi ro khác nhau là khác nhau. Do vậy cần phải phân loại rủi ro theo các tiêu thức và góc độ khác nhau để hiểu rõ hơn bản chất của rủi ro, từ đó có cơ sở đề ra các biện pháp phòng ngừa, hạn chế rủi ro một cách hiệu quả nhất
1.3.2.2 Các tiêu thức phân loại
- Theo tính chất rủi ro:
* Rủi ro suy đoán (còn gọi là rủi ro đầu cơ): là loại rủi ro tồn tại cơ hội kiếm lời cũng như nguy cơ tổn thất. Loại rủi ro này thường xuyên xuất hiện trong kinh doanh vì mỗi cơ hội kiếm lời bao giờ cũng hàm chứa nguy cơ tổn thất và mất mát. Để phòng tránh rủi ro này thì biện pháp an toàn nhất là từ bỏ cơ hội đó, cũng là từ bỏ rủi ro đó. Nhưng đây là một loại rủi ro phổ biến trong hầu hết các hoạt động của con người, với cách né tránh rủi ro như trên cũng chính là chúng ta đã bỏ qua rất nhiều cơ hội kiếm lời. Do vậy, biện pháp tối ưu nhất trong trường hợp này là tính toán và so sách xác suất xảy ra rủi ro và xác suất thành công. Nếu xác suất thành công lớn hơn xác suất rủi ro thì người ta sẽ tận dụng cơ hội đó để kiếm lời và ngược lại
* Rủi ro thuần túy (rủi ro thuần): là những rủi ro mà chỉ có thể dẫn tới thiệt hại mất mát mà không có cơ hội kiếm lời. Nguyên nhân gây ra các rủi ro này là những mối đe dọa, nguy hiểm luôn rình rập như: các hiện tượng tự nhiên bất lợi hoặc những hành động sơ ý, bất cẩn của con người hay những hành động xấu cố ý gây thiệt hại của người khác. Những rủi ro này xảy ra hay
không xảy ra phụ thuộc vào các nguyên nhân và yếu tố gây ra rủi ro có xuất hiện hay không xuất hiện. Mỗi khi rủi ro thuần xảy ra đều mang lại thiệt hại cho tổ chức và cá nhân gánh chịu rủi ro đó
Hiện nay khoa học ngày càng phát triển kéo theo khả năng dự đoán và đối phó với rủi ro của con người ngày càng cao, những biện pháp phòng chống, hạn chế rủi ro ngày càng có hiệu quả nên những rủi ro suy đoán được ngày càng được hạn chế. Do vậy, các rủi ro xảy ra trong thực tế hiện nay chủ yếu là rủi ro thuần. Cách phòng chống hoặc hạn chế rủi ro này là phải tác động đến các nhân tố ảnh hưởng đến rủi ro, qua đó làm nhẹ tổn thất hoặc chia sẻ rủi ro bằng cách mua bảo hiểm
- Phân chia theo phạm vi ảnh hưởng của rủi ro:
* Rủi ro cơ bản: là những rủi ro phát sinh từ những nguyên nhân nằm ngoài tầm kiếm soát của con người. Hậu quả của rủi ro cơ bản thường rất nghiêm trọng, khó lường, có ảnh hưởng trên diện rộng, có thể ảnh hưởng đến toàn xã hội. Các rủi ro thường thấy của loại này là: nạn thất nghiệp, khủng hoảng kinh tế, tiền tệ, động đất, núi lửa, sóng thần, chiến tranh, xung đột chính trị... Biện pháp phòng chống, hạn chế tốt nhất với loại rủi ro này là dự đoán chính xác và né tránh rủi ro. Ngoài ra với một số loại rủi ro, người ta có thể hạn chế thiệt hại bằng cách mua bảo hiểm hoặc tác động đến rủi ro để giảm thiệt hại
* Rủi ro riêng biệt: là những rủi ro xuất phát từ những biến cố chủ quan hoặc khách quan của từng cá nhân, tổ chức. Phạm vi tác động và gây thiệt hại của loại rủi ro này không lớn, chỉ ảnh hưởng đến từng cá nhân hoặc từng tổ chức, không ảnh hưởng đến toàn xã hội. Cách phòng chống và hạn chế rủi ro tốt nhất với loại rủi ro này là quản trị rủi ro bằng nhiều cách khác nhau như: mua bảo hiểm, di chuyển rủi ro, xử lý rủi ro, dự phòng rủi ro
* Rủi ro động: là những rủi ro liên quan đến sự luôn thay đổi, đặc biệt trong nền kinh tế. Đó là những rủi ro mà hậu quả của nó có thể có lợi, nhưng cũng có thể mang đến sự tổn thất
* Rủi ro tĩnh: là những rủi ro mà hậu quả của nó chỉ liên quan đến sự xuất hiện tổn thất hay không, chứ không có khả năng sinh lời, và không chịu sự ảnh hưởng của những thay đổi trong nền kinh tế. Những rủi ro tĩnh thường liên quan đến các đối tượng: tài sản, con người, trách nhiệm dân sự
1.3.3 Thế nào là rủi ro trong nghiệp vụ thanh toán thẻ
Hoạt động kinh doanh Ngân hàng là hoạt động tiềm ẩn rất nhiều rủi ro bất trắc. Hầu như tất cả các nghiệp vụ kinh doanh ngân hàng đều chứa đựng rủi ro, đặc biệt lĩnh vực thanh toán thẻ là một lĩnh vực còn khá mới mẻ ở Việt Nam. Do vậy có thể nói, thanh toán thẻ là một nghiệp vụ chứa đầy rủi ro. Vậy thế nào là rủi ro kinh doanh thẻ?
Rủi ro trong hoạt động thanh toán thẻ là các tổn thất về vật chất hoặc phi vật chất có liên quan đến hoạt động thanh toán thẻ. Đối tượng chịu rủi ro chính là Ngân hàng, chủ thẻ, hoặc đơn vị chấp nhận thẻ
1.3.4 Các loại hình rủi ro trong nghiệp vụ thanh toán thẻ
1.3.4.1 Xét từ góc độ vĩ mô
* Rủi ro do môi trường pháp lý
Trong hoạt động kinh doanh thẻ, cụ thể là nghiệp vụ thanh toán thẻ, quá trình thực hiện giao dịch đôi khi có liên quan đến các chủ thẻ nước ngoài, do vậy có một số vấn đề không những bị điều chỉnh bởi luật pháp trong nước mà còn bị điều chỉnh bởi luật pháp nước ngoài, thông lệ quốc tế. Nếu các chủ thể tham gia trong hoạt động thẻ không nắm bắt được hết các nội dung, quy phạm pháp luật sẽ dễ dẫn đến rủi ro
* Rủi ro do tình hình kinh tế thay đổi
Sự phát triển của hoạt động thanh toán thẻ cũng như của các lĩnh vực khác phụ thuộc chủ yếu vào sự phát triển của nền kinh tế. Khi nền kinh tế
thay đổi, cụ thể là các cơ chế, chính sách như thuế thu nhập, thuế nhập khẩu,. sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu chi tiêu hoặc du lịch, cũng như khả năng hoàn trả của chủ thẻ. Bên cạnh đó còn ảnh hưởng đến hiệu quả của việc đầu tư, đổi mới trang thiết bị ngành thẻ của các ngân hàng
* Rủi ro do tình hình chính trị thay đổi
Hệ thống chính trị xảy ra biến cố sẽ tác động đến nền kinh tế, dẫn đến khả năng xảy ra rủi ro, đặc biệt trong quan hệ với nước ngoài hoặc các tổ chức quốc tế. Bất cứ một lệnh cấm vận nào có hiệu lực thực hiện với nước có liên quan đều ảnh hưởng và có thể gây tổn thất
1.3.4.2 Xét từ góc độ Ngân hàng thương mại
* Rủi ro do giả mạo
Giả mạo có thể xảy ra trong toàn bộ quá trình kinh doanh thẻ, từ khâu phát hành đến khâu thanh toán. Giả mạo thẻ có thể bao gồm các hình thức: đơn phát hành thẻ với thông tin giả mạo, thẻ giả, ĐVCNT giả mạo, sao chép và tạo băng từ giả, giao dịch thanh toán không xuất trình thẻ (giao dịch internet, qua fax.). Rủi ro sẽ xảy ra khi chủ thẻ vô tình để lộ thông tin cá nhân liên quan đến thẻ, bị kẻ gian thực hiện sao chép thông tin thẻ, nhất là giao dịch qua internet, hoặc rủi ro do chủ thẻ cố tình gian lận
* Rủi ro tín dụng:
Rủi ro này thường xảy ra ở các loại thẻ tín dụng, khi chủ thẻ không có khả năng thanh toán hoặc thanh toán không đầy đủ các khoản chi tiêu bằng thẻ tín dụng. Rủi ro sẽ xảy ra khi khâu thẩm định khách hàng không tốt, không xác thực thông tin về chủ thẻ, không sử dụng các biện pháp đảm bảo cần thiết, hoặc chủ thẻ cố tình gian lận
* Rủi ro kỹ thuật:
Đây là loại rủi ro liên quan đến hệ thống quản lý thẻ như: sự cố về nghẽn mạng, trục trặc về xử lý thông tin, bảo mật. Đây là loại rủi ro rất cần được
quan tâm vì khi sự cố xảy ra, tác hại rất lớn, không chỉ ảnh hưởng đến một khách hàng, một ngân hàng mà có tác hại đến cả hệ thống hoạt động thẻ. Rủi ro này có thể xảy ra do sự cố bất khả kháng, và cũng có thể do nguyên nhân chủ quan là hệ thống không được đầu tư đúng mức, công tác cập nhật, bảo quản không được quan tâm một cách nghiêm túc để kẻ gian xâm nhập vào hệ thống đánh cắp thông tin
* Rủi ro về đạo đức của cán bộ ngân hàng
Đây là loại rủi ro liên quan đến cán bộ ngân hàng trong lĩnh vực kinh doanh thẻ. Hành vi cán bộ lợi dụng chức vụ, vị trí công tác, sự hiểu biết về nghiệp vụ thẻ, quy trình tác nghiệp không chặt chẽ, ... để thực hiện các hành vi gian lận, giả mạo gây tổn thất cho ngân hàng hoặc khách hàng
Rủi ro sẽ xảy ra khi tư cách đạo đức của cán bộ bị thoái hóa, biến chất, công tác soạn thảo quy trình nghiệp vụ không được kiểm soát chặt, công tác kiểm tra kiểm soát nội bộ không thực hiện đúng chuẩn mực
* Rủi ro do trình độ dân trí
Chủ thẻ là người trực tiếp sử dụng thẻ, khi nhận thức chưa hết trách nhiệm, quyền hạn, quy định cũng như ràng buộc có thể dẫn đến những sai sót, vi phạm vô tình hoặc cố ý đều có thể gây nên rủi ro cho chính bản thân chủ thẻ hoặc cho các chủ thể khác. Bên cạnh đó, đông đảo tầng lớp dân cư cho dù không phải chủ thẻ cũng có thể gây tổn thất, rủi ro cho ngân hàng như: làm hư hỏng trang thiết bị giao dịch tự động đặt nơi công cộng
Rủi ro này xảy ra do người dân chưa có ý thức sử dụng các dịch vụ công cộng, chưa có ý thức cảnh giác với bọn gian lận, chưa tự bảo vệ thông tin thẻ, ngoài ra, thói quen tin người cũng dễ bị kẻ gian lợi dụng, rủi ro của chủ thẻ sẽ liên quan trực tiếp đến ngân hàng
KẾT LUẬN CHƯƠNG 1
Như vậy, Ngân hàng thương mại cùng với các hoạt động cơ bản của mình đã ngày càng phát triển và mở rộng loại hình kinh doanh, trong đó hoạt động kinh doanh thẻ là một trong những loại hình ngày càng được chú trọng và đầu tư thích đáng. Là một hoạt động kinh doanh nên thanh toán thẻ cũng hàm chứa những rủi ro như bất cứ hoạt động kinh doanh nào. Việc tìm hiểu những lý luận cơ bản nhất về rủi ro, cụ thể hơn là rủi ro thanh toán thẻ, chính là nền tảng cơ bản, là tiền đề để có thể đưa ra những giải pháp nhằm hạn chế rủi ro trong hoạt động thanh toán thẻ
CHƯƠNG 2
THỰC TRẠNG RỦI RO TRONG HOẠT ĐỘNG KINH DOANH THẺ TẠI NGÂN HÀNG ĐẦU TƯ VÀ PHÁT TRIỂN VIỆT NAM (BIDV)
2.1. GIỚI THIỆU VỀ NHĐT&PT VIỆT NAM VÀ TRUNG TÂM THẺNHĐT&PT VIỆT NAM NHĐT&PT VIỆT NAM
2.1.1. Giới thiệu về NHĐT&PT VIỆT NAM* Giới thiệu tổng quan * Giới thiệu tổng quan
Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) được thành lập theo quyết định 177/TTg ngày 26/04/1957 của Thủ tướng Chính phủ. Trong quá trình hoạt động và trưởng thành, Ngân hàng được mang các tên gọi khác nhau phù hợp với từng thời kỳ xây dựng và phát triển của đất nước:
- Ngân hàng Kiến thiết Việt Nam từ ngày 26/4/1957
- Ngân hàng Đầu tư và Xây dựng Việt Nam từ ngày 24/6/1981 - Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam từ ngày 14/11/1990
BIDV là một trong bốn ngân hàng thương mại lớn nhất ở Việt Nam đời nhất và có lịch sử xây dựng phát triển lâu đời nhất; BIDV là doanh nghiệp nhà nước hạng đặc biệt, được tổ chức hoạt động theo mô hình Tổng công ty nhà nước. Một trong những mục tiêu trọng tâm của ngân hàng trong những năm gần đây là thực hiện đúng tiến độ công tác cổ phần hoá.
Sau 54 năm hoạt động, tích luỹ và phát triển, BIDV đã tạo dựng được hình ảnh một ngân hàng hiện đại, hoạt động đa năng, đa lĩnh vực, có nền tảng công nghệ tiên tiến, hệ thống mạng lưới phủ rộng trong toàn quốc và đang