1.3.2.1. Sử dụng các phương pháp dạy học tích cực
Một số phương pháp dạy học tích cực
* Dạy học phát hiện và giải quyết vấn đề (dạy học nêu vấn đề)
Trong bài “Phát huy tính tích cực học tập của học sinh như thế nào” (1979), I.Z.Kharlamop viết: “Dạy học nêu vấn đề là sự tổ chức quá trình dạy học bao gồm việc tạo ra các tình huống có vấn đề trong giờ học, kích thích ở học sinh nhu cầu giải quyết các vấn đề nảy sinh, lôi cuốn các em vào hoạt động nhận thức tự lực nắm vững kiến thức, kĩ năng, kĩ xảo mới, phát triển tính tích cực trí tuệ và hình thành cho các
em năng lực tự mình thông hiểu và lĩnh hội thông tin khoa học mới”. Sơ đồ các bước dạy học phát hiện và giải quyết vấn đề được mô tả dưới đây
Nguồn: Hà Lê Yến Anh (2012)
Hình 1.2. Sơ đồ các bước dạy học phát hiện và giải quyết vấn đề
Tùy theo mức độ tham gia của học sinh vào quá trình nghiên cứu và giải quyết vấn đề, người ta phân chia dạy học phát hiện và giải quyết vấn đề thành bốn mức độ:
+ Mức 1: GV nêu vấn đề, nêu cách giải quyết vấn đề; HS thực hiện cách giải quyết vấn đề theo hướng dẫn của GV. GV đánh giá kết quả làm việc của HS.
+ Mức 2: GV nêu vấn đề, gợi ý để HS tìm ra cách giải quyết vấn đề. Học sinh thực hiện cách giải quyết vấn đề. GV và HS cùng đánh giá.
+ Mức 3: GV cung cấp thông tin tạo tình huống, HS phát hiện và xác định vấn đề nảy sinh, tự lực đề xuất các giả thuyết và lựa chọn giải pháp, học sinh thực hiện cách giải quyết vấn đề với sự giúp đỡ của giáo viên khi cần. GV cùng HS đánh giá.
+ Mức 4: HS tự lực phát hiện vấn đề nảy sinh trong hoàn cảnh của mình hoặc cộng đồng, lựa chọn vấn đề cần giải quyết. HS giải quyết vấn đề, tự đánh giá chất lượng và hiệu quả học tập.
* Phương pháp thực nghiệm
Phương pháp thực nghiệm là một trong những phương pháp đặc thù của hóa học, là một phương pháp nhận thức khoa học, hình thành kiến thức bằng con đường quy nạp từ một số lớn các hiện tượng được kiểm tra bằng thực nghiệm khoa học và
được khái quát thành các định luật, các thuyết khoa học. Các giai đoạn của phương pháp thực nghiệm:
- Làm xuất hiện vấn đề - Xây dựng dự đoán - Suy luận rút ra hệ quả
- Đề xuất và thực hiện phương án thí nghiệm, kiểm tra sự phù hợp của hệ quả với thực nghiệm
- Ứng dụng kiến thức.
Trong phương pháp này thí nghiệm đóng vai trò quan trọng, nó như là vật phân tích thực tế khách quan được con người sử dụng có ý thức để nghiên cứu các mối quan hệ khách quan; là tiêu chuẩn chân lí của lí thuyết, giả thuyết dưới các điều kiện thí nghiệm được thực hiện.
* Phương pháp dạy học kết hợp giữa tập thể và cá nhân
Để đảm bảo cường độ và tiến độ học tập diễn ra như mong muốn, đạt hiệu quả cao thì việc phối hợp giữa các cá nhân trong hoạt động học tập là rất cần thiết. Lớp học là một môi trường giao tiếp giữa thầy – trò, trò – trò tạo nên mối quan hệ hợp tác giữa các cá nhân trên con đường đi tìm chân lí. Thông qua thảo luận, tranh luận trong tập thể, ý kiến cá nhân được điều chỉnh, khẳng định hay bác bỏ. Qua đó người học nâng lên một trình độ mới; bài học vận dụng được vốn hiểu biết, kinh nghiệm của mỗi cá nhân và cả lớp. Trong hoạt động học tập hợp tác, tính cách và năng lực của mỗi cá nhân được bộc lộ, được uốn nắn; tình bạn, ý thức tổ chức kỉ luật, tinh thần tương trợ cộng đồng được phát triển (Trịnh Văn Biều, 2010).
1.3.2.2. Tăng cường sử dụng phương tiện trực quan
Phương tiện dạy học là các dụng cụ mà GV và HS sử dụng trong quá trình dạy học, tạo điều kiện cần thiết để đạt được các mục tiêu dạy học. Trong quá trình dạy học, nội dung - phương pháp - phương tiện luôn dạy với nhau vì vậy lựa chọn và phối hợp tốt 3 yếu tố này hợp lý thì hiệu quả dạy học sẽ được nâng cao. Trong dạy học hóa học phương tiện dạy học được sử dụng rộng rãi bao gồm:
- Phương tiện dạy học truyền thống: vật thật trong đời sống kỹ thuật, mô hình vật chất, thiết bị thí nghiệm, tranh ảnh…
-Phương tiện dạy học hiện đại: phim học tập, phần mềm vi tính...
Theo quan điểm của lý luận dạy học thì các phương tiện dạy học tạo hiệu quả như: kích thích hứng thú học tập nhận thức của HS, tạo động cơ học tập, hình thành kiến thức, kỹ năng, củng cố kiến thức, giúp ôn tập đào sâu, mở rộng, hệ thống hóa;kiểm tra thức của HS, kỹ năng thu được của HS, góp phần phát triển năng lực nhận thức của HS…
1.3.2.3. Sử dụng các kĩ thuật trong dạy học tích cực
Kỹ thuật dạy học là những biện pháp, cách thức hành động của của giáo viên và học sinh trong các tình huống hành động nhỏ nhằm thực hiện và điều khiển quá trình dạy học. Các kỹ thuật dạy học là những đơn vị nhỏ nhất của phương pháp dạy học. Có những kỹ thuật dạy học chung, có những kỹ thuật đặc thù của từng phương pháp dạy học, ví dụ kỹ thuật đặt câu hỏi trong đàm thoại. Ngày nay người ta chú trọng phát triển và sử dụng các kỹ thuật dạy học phát huy tính tích cực, sáng tạo của người học như “động não”, “tia chớp”, XYZ, Bản đồ tư duy...(Trịnh Văn Biều, 2010).