Các nhân tố ảnh hưởng đến phát triển nông nghiệp theo hướng

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phát triển nông nghiệp tỉnh bình thuận theo hướng bền vững (Trang 43 - 46)

Trên đây là các tiêu chí đánh giá NNPTBV do tác giả xây dựng để sử dụng cho luận văn đánh giá sự PTNNBV của tỉnh Bình Thuận.

1.1.3. Các nhân tố ảnh hưởng đến phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững bền vững

Vị trí địa lí

Vị trí địa lí quy định tính chất của tự nhiên nên nó ảnh hưởng tới cơ cấu, quy mô sản phẩm nông nghiệp. Vị trí địa lí cũng tạo thuận lợi hoặc khó khăn trong việc trao đổi, buôn bán các sản phẩm hoặc các yếu tố đầu vào cho sản xuất nông nghiệp

Nhân tố tự nhiên

Đất, nước, khí hậu, sinh vật là các yếu tố tự nhiên có ảnh hưởng trực tiếp tới sự phát triển nông nghiệp. Sản xuất nông nghiệp lệ thuộc vào độ màu mỡ của đất đai, chất lượng của nguồn nước và khí hậu. Ở mỗi vùng, địa phương có đặc điểm tự nhiên khác nhau dẫn tới cơ cấu ngành và các hình thức tổ chức lãnh thổ sản xuất nông nghiệp cũng khác nhau. NNPTBV cần phải phát triển dựa trên những đặc điểm riêng về tự nhiên, điều tra, đánh giá đúng ĐKTN để đưa ra quy hoạch phát triển ngành nghề, cơ cấu cây trồng vật nuôi hợp lí, tiết kiệm tài nguyên, duy trì và bảo vệ sự đa dạng sinh học. Những nơi có ĐKTN thuận lợi thì nông nghiệp sẽ có nhiều tiền đề để phát triển tốt, ngược lại những nơi ĐKTN không thuận lợi cho PTNN thì cần phải đầu tư nhiều hơn về KHKT, trang thiết bị và các yếu tố đầu vào khác.

Nhân tố kinh tế xã hội

- Dân cư lao động: Chất lượng nguồn lao động phục vụ nông nghiệp ảnh hưởng quyết định tới SXNN. Do quy mô dân số lớn nên nguồn lao động hoạt động của nước ta trong ngành nông nghiệp tương đối dồi dào nhưng chất

lượng thì còn nhiều vẫn đề cần thay đổi. Lao động nông nghiệp bao gồm cả những người quản lí và nông dân. Những người quản lí nông nghiệp có vai trò định hướng và tổ chức thực hiện giúp cho các chính sách của Nhà nước, ngành đến được với nông dân. Nông dân là người lao động trực tiếp nên trình độ của người nông dân ảnh hưởng quan trọng tới PTNNBV. Kỹ thuật sản xuất, khả năng ứng dụng công nghệ tiên tiến trong nông nghiệp phần lớn phụ thuộc vào nhận thức và khả năng của người nông dân. Nếu nông dân có trình độ cao thì việc ứng dụng KHCN, phát minh tìm tòi ra những mô hình và phương thức sản xuất hiệu quả sẽ tốt hơn từ đó giúp NNPTBV.

- Cơ sở hạ tầng, kỹ thuật phục vụ nông nghiệp bao gồm hệ thống thủy lợi, giao thông vận tải, hệ thống điện, cơ sở chế biến nông sản, nhà kho, bến bãi… giúp cho việc sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản diễn ra thuận lợi hoặc khó khăn. Nếu hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại và đồng bộ sẽ giúp tiết kiệm chi phí và thời gian sản xuất từ đó nâng cao giá trị sản phẩm, đảm bảo cho sự PTBV.

- Khoa học kỹ thuật: Hiện nay KHKT phát triển mạnh mẽ tác động tới tất cả các ngành kinh tế trong đó có ngành nông nghiệp. Công nghệ sinh học, cơ giới hóa, điện khí hóa, và những thành tựu của cuộc cách mạng 4.0 đang làm thay đổi mạnh mẽ phương thức sản xuất, cải tiến kỹ thuật nhằm mang lại năng suất cao, tiết kiệm chi phí sản xuất, sử dụng có hiệu quả các yếu tố đầu vào như tài nguyên đất, nước, hạn chế sự phụ thuộc của nông nghiệp vào ĐKTN đảm bảo cho NNPTBV.

- Chính sách phát triển nông nghiệp của quốc gia và của địa phương có tác động mạnh mẽ và được xem là bệ đỡ của sự phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững. Chính sách phát triển bao gồm quy hoạch, định hướng phát triển của toàn bộ các ngành kinh tế địa phương, chính sách thuế, đất đai, thị trường, KHCN… được ban hành dựa trên thể chế, chính sách về nông nghiệp từ Chính phủ, Bộ nông nghiệp và các bộ, ngành có liên quan nhằm định

hướng, hỗ trợ các chủ thể sản xuất kinh doanh nông nghiệp và cũng là những quy định cụ thể, bắt buộc phải tuân thủ trong quá trình sản xuất - chế biến - tiêu thụ nông sản. Nếu quy hoạch và chính sách phát triển phù hợp, đúng hướng sẽ tạo hành lang pháp lý, tạo động lực cho ngành nông nghiệp và người nông dân mạnh dạn đổi mới, chuyển đổi cơ cấu ngành nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao và bảo vệ môi trường, tài nguyên. Nếu chính sách không phù hợp với thực tế và xu hướng phát triển chung thì người nông dân sẽ mãi phát triển sản xuất theo kiểu tự phát, manh mún sẽ ít mang lại hiệu quả cao và sử dụng lãng phí TNTN, ngành nông nghiệp phát triển kém bền vững.

- Thị trường tiêu thụ có tác động mạnh mẽ đến sự phát triển nông nghiệp.Tính đa dạng của nhu cầu thị trường tác động mạnh đến sự biến đổi số lượng và cơ cấu kinh tế nông nghiệp. Nếu thị trường tiêu thụ lớn và giá cả ổn định sẽ giúp cho nông dân yên tâm sản xuất, cải tiến kỹ thuật, sử dụng có hiệu quả các tiềm lực sẵn có để đẩy mạnh các hoạt động sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên thị trường nông sản thường bấp bênh, mang tính mùa vụ nhất là đối với nền nông nghiệp của các nước chậm phát triển, chất lượng sản phẩm thường không đáp ứng được yêu cầu của những thị trường khó tính. Với xu thế toàn cầu hóa và khu vực hóa đang diễn ra mạnh mẽ, thị trường nông sản của Việt Nam được mở rộng, nhưng muốn tăng giá trị sản phẩm, khả năng cạnh tranh thì việc cải tiến kỹ thuật sản xuất, PTNNBV là yêu cầu tất yếu.

- Mô hình liên kết trong nông nghiệp: Trong thời kỳ kinh tế hội nhập, SXNN không thể phát triển riêng rẽ mà phải có sự liên kết đa ngành, đa lãnh thổ. Mô hình liên kết nông – công nghiệp; Nhà nước - nhà nông – nhà khoa học – nhà doanh nghiệp; liên kết giữa các ngành trong tỉnh hoặc giữa các tỉnh có điều kiện tương đồng sẽ tạo ra mối liên hệ sản xuất chặt chẽ, nâng cao giá trị nông phẩm, thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, tạo ra chuỗi liên kết sản xuất có sức cạnh tranh tốt trên thị trường.

1.2. Cơ sở thực tiễn về PTNN theo hướng bền vững 1.2.1. Kinh nghiệm PTNNBV của một số quốc gia

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phát triển nông nghiệp tỉnh bình thuận theo hướng bền vững (Trang 43 - 46)