Trong quá trình CNH – HĐH đất nước, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng giảm tỉ trọng ngành nông nghiệp, tăng dần tỉ trọng ngành công nghiệp và dịch vụ. Mặc dù chiếm tỉ trọng ngày càng nhỏ nhưng ngành nông nghiệp trong những năm sau đổi mới đến nay đã đạt được nhiều thành tựu to lớn. Đặc biệt các nghị quyết, quyết định, văn kiện của Đảng và chính sách về PTBV nông nghiệp nông thôn đã khẳng định sự quan trọng của PTNNBV và vai trò của nông nghiệp trong sự nghiệp đổi mới đất nước. Ngành nông nghiệp đạt được những thành tựu cả về lĩnh vực kinh tế, xã hội và môi trường song cũng còn nhiều han chế, thách thức.
PTBVNN về kinh tế
Thành tựu đầu tiên của ngành nông nghiệp từ sau đổi mới là từ một nước thiếu đói, Việt Nam đã chủ động về mặt sản xuất lương thực thực phẩm, đảm bảo an ninh lương thực trong nước và có dư để xuất khẩu. Năm 2017, nông nghiệp đạt giá trị sản xuất 482.417 tỉ đồng đóng góp 15,34% GDP cả nước, tạo việc làm cho 40,2% lao động; nông thôn là khu vực sinh sống của 65% dân số cả nước. (Tổng cục thống kê, 2018)
Qua biểu đồ 1.1, giá trị sản xuất nông nghiệp giai đoạn 2010 - 2017 tăng liên tục (1.1 lần), tốc độ tăng trưởng các năm sau so với năm 2010 cũng tăng lên 21.6%, trung bình đạt 3%/năm nhưng vẫn thấp hơn so với công nghiệp và dịch vụ. Điều này được giải thích chủ yếu do việc áp dụng những tiến bộ mới trong sản xuất, tác động tích cực từ các chính sách phát triển nông nghiệp nên giá trị toàn ngành tăng lên. Song năng suất, sản lượng trong nông nghiệp đã gần tới hạn, chịu tác động mạnh của BĐKH, yếu tố thị trường và chất lượng sản phẩm chậm được nâng cao hơn so với ngành kinh tế khác làm tốc độ tăng trưởng chậm.
Biểu đồ 1.1. GDP và tốc độ tăng GDP ngành nông nghiệp Việt Nam giai đoạn 2010 – 2017
Nguồn: Tác giả xử lí từ “Niên giám thống kê Việt Nam năm 2017”
NSLĐ ngành nông nghiệp cũng tăng lên qua các năm. Năm 2010, bình quân mỗi lao động ngành nông nghiệp có thu nhập 16,3 triệu đồng thì đến năm 2015 tăng lên 30,6 triệu đồng, năm 2017 con số này là 35,6 triệu đồng. Như vậy tốc độ tăng NSLĐ cả giai đoạn đạt 31%/năm, đây là dấu hiệu rất đáng mừng trong việc cải thiện thu nhập và nâng cao CLCS cho người nông dân. Tuy nhiên so với mức chung của cả nước thì NSLĐ ngành nông nghiệp vẫn thấp chỉ chiếm khoảng 1/3.
Trên thị trường thế giới, Việt Nam trở thành nước xuất khẩu đứng thứ nhất về hồ tiêu (chiếm 14,3 % thị phần) và cà phê vối (chiếm 40% thị phần), thứ hai về lúa gạo (chiếm 12 % thị phần) và hạt điều (chiếm 9.5 % thị phần). Tổng kim ngạch xuất khẩu nông – lâm - thủy sản năm 2017 đạt 36,6 tỉ USD,
tăng 17,5 tỉ USD so với năm 2010. Nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực như gạo, cà phê, hạt tiêu, điều nhân, sản phẩm gỗ... góp phần tiếp tục khẳng định được vị thế của nông sản Việt Nam trên thị trường thế giới.
PTBVNN về xã hội
Nông nghiệp vẫn đang là ngành có lực lượng lao động đông đảo nhất trong toàn bộ nền kinh tế và mặc dù có xu hướng giảm tỉ lệ nhưng số lượng này vẫn rất lớn. Trong điều kiện quỹ đất nông nghiệp và các nguồn lực khác trong nông nghiệp hạn chế thì số lượng đông đảo nguồn lao động đang là gánh nặng với NSLĐ nông nghiệp và cả nền kinh tế, nhất là khi tỉ lệ lao động đã qua đào tạo còn thấp (4,2% - 2017). Chất lượng lao động ít được cải thiện, đây là rào cản lớn cho nhiều mục tiêu phát triển kinh tế mặc dù nhận được khá nhiều chính sách hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực.(Lưu Tiến Dũng, 2016)
Tỷ lệ nghèo ở cả khu vực thành thị và nông thôn đều giảm mạnh. Theo tiêu chuẩn về thu thập do chính phủ quy định, tỷ lệ nghèo đơn chiều cả nước đã giảm từ 14,2% năm 2010 xuống còn 9,8% năm 2013, và còn 5,8% năm 2016. Theo chuẩn nghèo đa chiều thì năm 2016, tỉ lệ chung của cả nước là 9.2%. Trong đó khu vực nông thôn có mức giảm mạnh từ 17.4% năm 2010 xuống còn 7,5% năm 2016, tức giảm 9,9%. Trong khi khu vực thành thị có mức giảm từ 6,9% năm 2010 xuống còn 2% năm 2016. Theo tiêu chuẩn nghèo đa chiều thì mặc dù thu nhập bình quân tăng lên nhưng khả năng được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người dân ở nông thôn còn rất hạn chế.
Bảng 1.1. Tỉ lệ hộ nghèo phân theo thành thị, nông thôn từ 2010 – 2016 (Đơn vị:%)
Năm 2010 2013 2014 2015 2016*
Cả nước 14.2 9.8 8.4 7.0 9.2
Thành thị 6.9 3.7 3.0 2.5 3.5
Nông thôn 17.4 12.7 10.8 9.2 11.8
Đời sống dân cư nông thôn tiếp tục được cải thiện. Số hộ nông thôn có đồ dùng lâu dài tăng lên: Năm 2016, tỷ lệ hộ có ti vi chiếm 92,5% tổng số hộ nông thôn; tỷ lệ hộ nông thôn có xe máy chiếm 83,3% tổng số hộ; tỷ lệ hộ có tủ lạnh 64,2%; tỷ lệ hộ có người sử dụng điện thoại di động 89,5%. Tỷ lệ hộ sử dụng điện chiếm 99,2% năm 2016; có gần 5,06 triệu hộ sử dụng nước từ công trình cấp nước sạch tập trung xây dựng trên địa bàn nông thôn, chiếm 31,6% tổng số hộ; dịch vụ khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe ban đầu được tăng cường. Số bác sỹ của trạm y tế xã bình quân 1 vạn dân khu vực nông thôn tăng từ 1,12 người năm 2011 lên hơn 1,37 người năm 2016… (Tổng cục thống kê, 2017)
PTBVNN về môi trường
Tổng lượng phát thải nhà kính trong sản xuất nông nghiệp tương đương 88,35 triệu tấn CO2 năm 2010; 466,0 triệu tấn vào năm 2020 và 760,5 triệu tấn vào năm 2030 (Nguyễn Văn Viết, Vũ Đình Thanh, 2017). Trong đó, lớn nhất vẫn là trồng lúa (50,49%), đất nông nghiệp (26,95%), quản lý phân bón (9,69%), đốt phế thải trên đồng ruộng (2,15%) (Lưu Tiến Dũng, 2016). Phát thải khí nhà kính cũng đang tăng mạnh trong ngành chăn nuôi và ước đạt 24,36 triệu tấn vào năm 2020, trong đó các yếu tố như số lượng, trọng lượng đàn gia súc, số lượng và chất lượng thức ăn chăn nuôi, phương pháp kiểm soát và xử lý chất thải trong chăn nuôi là các yếu tố cần quan tâm bởi chúng tác động mạnh mẽ nhất đến lượng phát thải nhà kính của ngành chăn nuôi
Hiện tượng sa mạc hóa và thoái hóa đất nông nghiệp diễn ra mạnh nhiều vùng trong cả nước. Theo báo cáo của LHQ tại cuộc họp chống sa mạc hóa (UNCCD) thì cả nước có khoảng 7.850.000 ha đất đang chịu tác động của sa mạc hóa, chiếm 30% tổng diện tích đất sản xuất nông – lâm – ngư nghiệp. Mỗi năm, cả nước mất khoảng 100 – 120 ngàn ha đất SXNN. Nguyên nhân chủ yếu của hiện tượng này nằm ở phương thức sản xuất nông nghiệp thiếu bền vững như tăng diện tích đất sản xuất bằng cách phá rừng, mức độ ứng dụng
các biện pháp thực hành nông nghiệp bền vững thấp, sử dụng quá nhiều phân bón vô cơ, xử lý rác thải trong sinh hoạt, nông nghiệp, công nghiệp.
Cùng với thoái hóa đất, tình trạng xâm nhập mặn sớm, xâm nhập sâu, độ mặn cao và thời gian duy trì dài xảy ra phổ biến ở các tỉnh ĐBSCL. Nước mặn xâm nhập sâu kết hợp với suy giảm nguồn nước ở hạ lưu đã gây ảnh hưởng lớn đến nhiều diện tích đất sản xuất nông nghiệp, nhất là ở những diện tích luân canh lúa – thủy sản (Lưu Tiến Dũng, 2016).
Trong ngành lâm nghiệp, từ 2010 đến 2017 tổng diện tích rừng tăng lên (đạt 14377.7 nghìn ha - 2017) trong đó chủ yếu là tăng diện tích rừng trồng. Độ che phủ rừng theo đó cũng tăng lên đạt 41.2% (2017). Mỗi năm trung bình cả nước có hơn 200 nghìn ha rừng trồng mới chủ yếu là rừng sản xuất. Tuy vậy chất lượng rừng vẫn chưa được cải thiện, nhiều khu rừng nguyên sinh ở Tây Nguyên, Bắc Trung Bộ bị chặt phá bừa bãi làm suy giảm đa dạng sinh học.
Tiểu kết chương 1
Nông nghiệp là ngành sản xuất vật chất cơ bản đầu tiên và quan trọng của xã hội. Có nhều khái niệm khác nhau như nông nghiệp hàng hóa, nông nghiệp cổ truyền, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp CNC. Nông nghiệp có vai trò quan trọng đối với đời sống, KT - XH của các quốc gia. SXNN ngoài những đặc điểm vốn có như phụ thuộc vào ĐKTN, đất trồng là tư liệu sản xuất chủ yếu, đối tượng sản xuất là các cơ thể sống.. thì hiện nay nó còn có thêm đặc điểm mới do tác động của cách mạng công nghiệp 4.0 và BĐKH toàn cầu.
Cơ cấu nông nghiệp theo ngành được hiểu theo nghĩa rộng bao gồm nông – lâm – thủy sản còn theo nghĩa hẹp bao gồm trồng trọt, chăn nuôi và dịch vụ nông nghiệp. Ngành nông nghiệp trong những năm qua đang có sự chuyển dịch trong toàn bộ ngành cũng như trong nội bộ từng ngành để phù hợp hơn với điều kiện thực tế và nhu cầu thị trường.
NNPTBV được quan tâm và trở thành xu hướng phát triển tất yếu của tất cả các nước trên thế giới trong đó có Việt Nam. Khái niệm PTNNBV được nhiều tổ chức, cá nhân đưa ra và có sự thay đổi ở từng thời kỳ, từng quốc gia. NNPTBV cũng chịu tác động của hàng loạt các nhân tố tự nhiên, KT – XH.
Nội dung PTNNBV bao gồm PTBV về kinh tế, xã hội và môi trường. Để đánh giá sự phát triển nông nghiệp tỉnh Bình Thuận theo hướng bền vững, tác giả căn cứ vào các tài liệu nghiên cứu để đưa ra một số chỉ tiêu cụ thể cả trên ba phương diện của PTBV.
Trên thế giới và nhiều địa phương ở nước ta đã tiến hành những biện pháp phát triển nông nghiệp cũng như PTNNBV để Bình Thuận học hỏi kinh nghiệm. Hàn Quốc, Thái Lan, vùng ĐBSCL, Ninh Thuận… mỗi địa phương đều có những giải pháp nhằm thúc đẩy ngành nông nghiệp phát triển phù hợp với điều kiện riêng.
Nông nghiệp Việt Nam từ sau đổi mới đã có nhiều khởi sắc và đang phát triển theo hướng bền vững. Trên lĩnh vực kinh tế mặc dù tỉ trọng giảm nhưng
giá trị sản xuất vẫn tăng cao, giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho người nông dân. Trên phương diện xã hội, SXNN giúp thay đổi bộ mặt vùng nông thôn, giảm tỷ lệ nghèo và nâng cao CLCS dân cư. Về mặt môi trường, do phát triển nông nghiệp vẫn còn phụ thuộc nhiều vào khai thác TNTN, kỹ thuật sản xuất chậm được đổi mới nên gây ra hiện tượng sa mạc hóa, hoang mạc hóa, môi trường đất, nước và không khí bị ô nhiễm do khí thải từ trồng trọt, chăn nuôi gây ra; diện tích rừng và tỉ lệ che phủ rừng mặc dù tăng nhưng chất lượng rừng ngày càng suy giảm. Nạn phá rừng vẫn còn diễn ra ở nhiều nơi nhất là ở Tây Nguyên.
Chương 2. THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP TỈNH BÌNH THUẬNTHEO HƯỚNG BỀN VỮNG 2.1. Khái quát về tỉnh Bình Thuận
Bình Thuận có diện tích tự nhiên là 7.828,46 km2 chiếm 2,38% diện tích cả nước. Dân số năm 2017 là 1.230.417 người chiếm 1,31% cả nước. Hệ tọa độ địa lí được xác định từ 10033’42’’ đến 11033’18’’ vĩ độ Bắc; từ 107023’41’’ đến 108052’42’’kinh độ Đông. Phía Bắc giáp Lâm Đồng và Ninh Thuận; phía Tây giáp Đồng Nai; phía Tây Nam giáp Bà Rịa – Vũng Tàu; phía Đông và Đông Nam giáp biển Đông. Ngoài diện tích đất liền nằm ở cực Nam của duyên hải miền Trung, Bình Thuận còn có đảo Phú Quý nằm cách bờ 120 km là một trong 12 huyện đảo của Việt Nam.
Trong lịch sử phát triển, Bình Thuận đã từng có nhiều lần thay đổi tên gọi cũng như địa giới hành chính. Năm 1697 phủ Bình Thuận được thành lập bao gồm diện tích rộng lớn của Ninh Thuận, Bình Thuận, Lâm Đồng. Trải qua các triều đại phong kiến, có lúc phủ Bình Thuận được đổi thành dinh, trấn. Năm 1832 được gọi là tỉnh Bình Thuận có hai phủ là Ninh Thuận và Hàm Thuận. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, phục vụ cho mục đích chính trị thì ranh giới hành chính của tỉnh có nhiều lần thay đổi, thu hẹp lại gần giống ngày nay. Kết thúc chiến tranh năm 1975, tỉnh Bình Thuận lúc này đã tách ra thành hai tỉnh Bình Thuận và Bình Tuy. Năm 1976, thành lập tỉnh Thuận Hải (bao gồm tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận bây giờ). Năm 1991, tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa VIII đã quyết định tách tỉnh Thuận Hải thành hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận. Từ đó đến nay, địa giới hành chính Bình Thuận được ổn định với 1 thị xã Phan Thiết và 9 huyện. Năm 1999, thị xã Phan Thiết được nâng cấp thành thành phố, ngoài ra còn có thêm thị xã Lagi (Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Thuận, 2007).
2.2. Các nhân tố ảnh hưởng đến phát triển nông nghiệp tỉnh Bình Thuận 2.2.1. Vị trí địa lí 2.2.1. Vị trí địa lí
Bình Thuận là tỉnh duyên hải cực Nam Trung Bộ, nằm trong khu vực chịu ảnh hưởng của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Thành phố Phan Thiết là trung tâm tỉnh chỉ cách thành phố Hồ Chí Minh 200km về phía Đông Bắc. Với vị trí tiếp giáp các tỉnh thuộc vùng Tây Nguyên, duyên hải Nam Trung Bộ, Đông Nam Bộ và đường bờ biển kéo dài 192km ở phía Đông cùng với các tuyến quốc lộ 1a, quốc lộ 55, 28 và tuyến đường sắt Bắc – Nam là điều kiện cho tỉnh giao lưu, trao đổi hàng hóa với các tỉnh, các vùng lân cận. Trong điều kiện sản xuất nông nghiệp ngày càng phát triển mạnh theo các hình thức liên kết sản xuất, khối lượng hàng hóa sản xuất lớn, nhu cầu sử dụng vật tư nông nghiệp ngày càng nhiều thì vị trí địa lí góp phần tạo thuận lợi trong lưu thông, trao đổi hàng hóa. Việc giáp với các tỉnh Đông Nam Bộ cũng tạo điều kiện rất lớn trong khâu chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của tỉnh cũng như tăng khả năng trao đổi, tiếp thu KHKT hiện đại phục vụ SXNN.
2.2.2. Nhân tố tự nhiên
Địa hình
Bình Thuận nằm ở phía nam của dãy Trường Sơn Nam, đại bộ phận lãnh thổ là đồi núi thấp, đồng bằng ven biển nhỏ hẹp, địa hình hẹp ngang (khoảng 65km), kéo dài theo hướng Đông Bắc – Tây Nam (khoảng 162km) chia thành bốn dạng chính:
- Đồi cát và cồn cát ven biển phân bố thành dải phía đông kéo dài từ Tuy Phong đến Hàm Tân, rộng lớn nhất là ở Bắc Bình. Loại địa hình này chiếm 18,22% diện tích tự nhiên toàn tỉnh, độ cao từ 100 đến dưới 200m, nhiều khu vực có các đụn cát lớn và di động do tác động của gió (Mũi Né, Hàm Tân…)
- Đồng bằng phù sa chiếm 9,43% diện tích tự nhiên bao gồm: đồng bằng phù sa ven biển ở các lưu vực từ sông Lòng Sông đến sông Dinh có độ cao từ
0 – 12m khá nhỏ hẹp; đồng bằng thung lũng sông La Ngà có độ cao từ 90 – 210m
- Vùng gò đồi chiếm 31,66% diện tích kéo dài theo hướng Đông Bắc – Tây Nam, từ Tuy Phong đến Đức Linh có độ cao từ 30 – 50m
- Vùng núi thấp chiếm 40,7% diện tích, là những dãy núi từ phía Bắc huyện Bắc Bình đến Đông Bắc huyện Đức Linh, độ cao từ 200 – 1.302m, độ chia cắt mạnh, có một số đỉnh núi cao trên 1400m như Bnom M’hai, B’namSrinung, Hòa Diêm.
Tài nguyên đất
Theo số liệu của tổng cục thống kê năm 2017, tổng diện tích đất tự nhiên toàn tỉnh là 794.393 ha. Trong đó diện tích đất nông nghiệp là 361.463 ha; đất lâm nghiệp có rừng là 344.066 ha; đất nuôi trồng thủy sản là 2.962 ha; đất phi nông nghiệp là 72.786 ha; đất chưa sử dụng là 11.566 ha. (Cục thống kê tỉnh Bình Thuận, 2018)
Có 10 nhóm đất chính (bảng 2.1), trong đó loại đất có diện tích lớn là đất đỏ vàng phân bố chủ yếu ở Tánh Linh, Đức Linh; đất cát biển phân bố ở các huyện ven biển: Tuy Phong, Bắc Bình, Phan Thiết, Hàm Thuận Nam, Hàm Tân; đất phù sa ở Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam. Các loại đất tương đối đa dạng thuận lợi cho phát triển cây công nghiệp, cây ăn quả, lâm nghiệp. Tuy nhiên do nằm trong vùng khí hậu khô hạn nên đất thực sự có khả