- Thị trường: Nghiên cứu, dự báo nhu cầu của thị trường trong và ngoài nước đối với các mặt hàng nông sản để có hướng sản xuất phù hợp; tuyên truyền để các địa phương, doanh nghiệp và người dân có phương án sản xuất, kinh doanh đáp ứng được nhu cầu thị trường. Đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và xây dựng thương hiệu, truy xuất nguồn gốc hàng nông sản. Tổ chức, tham gia các hội chợ quảng bá, giới thiệu các mặt hàng nông sản đến người tiêu dùng. Xây dựng các kênh bán hàng đa dạng nhằm thuận tiện cho người tiêu dùng, tiết kiệm thời gian mua sắm.
Các thị trường đầu vào phục vụ SXNN như thị trường vốn, vật tư, trang thiết bị cần được quan tâm, nghiên cứu nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của người sản xuất. Thông qua ngân hàng Chính sách xã hội và ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, tạo điều kiện cho nông dân, doanh nghiệp nông nghiệp được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi; đơn giản hóa và hướng dẫn rõ ràng các thủ tục vay vốn; phát triển cả hình thức cho vay thế chấp và tín chấp.
Đối với thị trường trang thiết bị kỹ thuật, ngoài các sản phẩm đã được sản xuất quy mô lớn trên thị trường, cần phát triển thêm các sản phẩm đã đạt giải tại các cuộc thi sáng tạo KHKT do tỉnh tổ chức phục vụ cho SXNN; nắm bắt, khảo sát nhu cầu của người SXNN đối với các máy móc, thiết bị kỹ thuật nhằm có hướng phát triển sản phẩm phù hợp.
- Hình thức sản xuất: thay đổi hình thức tổ chức SXNN từ hộ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất quy mô lớn, tức phát triển kinh tế trang trại hoặc mô hình “cánh đồng mẫu lớn” trên cơ sở các sản phẩm có lợi thế của địa phương. Đây
là biện pháp hữu hiệu nhằm giải quyết bốn bất cập lớn của nông nghiệp hiện nay là: hiện tượng được mùa rớt giá; thiếu vốn; thu nhập nông dân thấp hơn và tăng chậm hơn so với các ngành kinh tế khác; xuất khẩu nông sản không ổn định, bị động trong khâu tiêu thụ. Tức giải quyết tốt mối quan hệ giữa quan hệ sản xuất với tổ chức sản xuất trong điều kiện kinh tế thị trường.
- KHCN, nông nghiệp CNC: Tăng cường nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng KHCN vào SXNN như:
Công nghệ sinh học, nano: sản xuất, sử dụng các chế phẩm sinh học như các loại phân hữu cơ, phân vi sinh, thuốc bảo vệ thực vật, kháng sinh thảo dược, chế phẩm cung cấp kháng thể, chế phẩm xử lý môi trường nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm tác động tiêu cực tới môi trường.
Trong trồng trọt: có các công nghệ tiên tiến nhằm tăng năng suất chất lượng cây trồng như công nghệ nuôi cấy mô thực vật nhằm tạo ra những loại cây giống sạch bệnh; công nghệ trồng cây trong nhà kính, nhà màng nhằm kiểm soát tốt quá trình phát triển của cây trồng; công nghệ trồng cây thủy canh có thể phát triển mạnh ở những vùng đô thị hoặc những vùng đất đai cằn cỗi; công nghệ tưới tự động, tưới nhỏ giọt. Tiếp tục thực hiện “cánh đồng mẫu lớn”; chương trình “ba giảm ba tăng” trong sản xuất lúa; trồng thanh long leo giàn công nghệ Đài Loan; phát triển các cây rau màu vùng ven đô thị với các giống thích hợp khí hậu nóng như nha đam, đậu bắp, măng tây.
Trong chăn nuôi: ứng dụng các phần mềm thông minh để quản lý sức khỏe, môi trường, lượng thức ăn của con nuôi; cải tiến phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm; sản xuất các chế phẩm sinh học nhằm giảm ô nhiễm môi trường, tiết kiệm chi phí chăn nuôi.
Trong thủy sản: ứng dụng công nghệ sinh học xử lý nước, phòng chống và trị bệnh trong thủy sản nuôi; sản xuất giống đơn tính, giống tam bội… Đối với khai thác thủy sản, giảm dần khai thác gần bờ và sử dụng các loại phương tiện khai thác lạc hậu. Khuyến khích ngư dân đóng mới tàu lớn khai thác ngoài
khơi xa dài ngày, kết hợp khai thác với bảo quản và sơ chế hải sản ngay trên tàu đảm bảo được vệ sinh an toàn thực phẩm và bảo quản được dinh dưỡng của sản phẩm.
Phát triển mạnh nông nghiệp công nghệ cao nhằm tạo đột phá về năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và nâng cao khả năng cạnh tranh, hiệu quả của ngành nông nghiệp. Phấn đấu đến năm 2025, tỷ trọng của nông nghiệp CNC đạt 7% giá trị sản xuất toàn ngành. Thực hiện việc thành lập vùng nông nghiệp ứng dụng CNC quy mô 2.000 ha tại huyện Bắc Bình gắn với quảng bá từ đầu để thu hút các nhà đầu tư có tiềm lực công nghệ, thị trường đầu tư các sản phẩm nông nghiệp giá trị kinh tế cao. Bình Thuận xác định nông nghiệp CNC chính là hướng đi tất yếu để PTNNBV.
- Khuyến khích phát triển nông nghiệp hữu cơ, tức chủ yếu sử dụng các loại phân bón, thuốc trừ sâu sinh học trong chăm sóc cây trồng. Các sản phẩm này cần được cấp chứng chỉ và xây dựng thương hiệu mạnh gắn với chỉ dẫn địa lý. Tăng cường sản xuất theo chuẩn VietGAP và GlobalGAP theo chiều sâu, thực chất, nghĩa là bên cạnh việc hướng dẫn kỹ thuật sản xuất sạch cho nông dân cần phải đi đôi với việc đảm bảo đầu ra cho sản phẩm với giá cao hơn hoặc ổn định hơn so với các sản phẩm không đạt tiêu chuẩn.
- Phát triển công nghiệp chế biến các sản phẩm địa phương có thế mạnh về nguồn nguyên liệu, đa dạng về quy mô, sản phẩm; giảm dần tỷ lệ xuất khẩu các sản phẩm thô, sơ chế; đầu tư xây dựng các kho lạnh để bảo quản, lưu trữ nguyên liệu và sản phẩm chế biến; di dời các cơ sở sơ chế, chế biến gây ô nhiễm vào khu, cụm công nghiệp.
- Phát triển loại hình du lịch nông nghiệp, đặc biệt là gắn du lịch với nông nghiệp CNC. Các vườn thanh long, trang trại trồng trọt CNC và các địa điểm nuôi trồng thủy sản được đưa vào khai thác phục vụ khách du lịch nhằm mang lại doanh thu cho người nông dân, doanh nghiệp, tạo việc làm, tăng thu nhập
cho các cộng đồng dân cư. Đây cùng là một hình thức quảng bá sản phẩm nông nghiệp đặc thù đến người tiêu dùng.
- Cơ sở hạ tầng nông nghiệp – nông thôn: Huy động các nguồn lực xã hội, thúc đẩy hoạt động đầu tư theo hình thức đối tác công tư để phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn ngày càng hiện đại, đáp ứng yêu cầu của nền sản xuất hàng hóa quy mô lớn, hội nhập quốc tế; tăng cường năng lực phòng chống, giảm nhẹ thiên tai, thích ứng với BĐKH và xây dựng nông thôn mới.
Tiếp tục hoàn thiện các công trình thủy lợi theo quy hoạch phát triển của tỉnh nhằm giải quyết tốt tình tạng thiếu nước khu vực phía Bắc và phía Nam; hoàn thiện hơn hệ thống đập, kênh đầu mối, phối hợp với người dân các địa phương để đầu tư, sử dụng, khai thác tốt các công trình sẵn có. Khuyến khích, hướng dẫn và hỗ trợ người dân sử dụng các mô hình tưới tiết kiệm nước. Phát triển thủy lợi không chỉ phục vụ trồng trọt mà còn phục vụ nuôi trồng thủy sản tập trung.
Xây dựng các cảng phục vụ cho nhu cầu phát triển thủy sản, các khu neo đậu tránh trú bão ở Mũi Né, Chí Công, Ba Đăng, Phú Quý.
- Chuyển dịch cơ cấu ngành nông nghiệp: việc chuyển dịch cơ cấu ngành nông nghiệp trong những năm qua diễn ra còn chậm và nhiều chỗ còn chưa đúng quy hoạch phát triển. Cơ cấu ngành cần được điều chỉnh cho phù hợp với xu hướng phát triển chung của cả nước và thế giới đồng thời phát huy được lợi thế của địa phương. Trong thời gian tới, cần đầu tư nhiều hơn để tăng tỷ trọng ngành thủy sản, giữ ổn định tỷ trọng ngành lâm nghiệp trong tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp.
Các dịch vụ nông nghiệp phát triển theo hướng đa dạng hóa nhằm hỗ trợ tốt hơn cho người SXNN. Bên cạnh các dịch vụ đã có như cung ứng vật tư, thiết bị, máy móc…thì cần phát triển mạnh và rộng khắp các dịch vụ như
giống, kỹ thuật sản xuất, thú y, xử lý môi trường, hướng dẫn sử dụng các công nghệ mới vào sản xuất.
Tiếp tục chuyển dịch cơ cấu ngành trồng trọt theo hướng tăng tỷ trọng các cây trồng có lợi thế như cây ăn quả, cây công nghiệp lâu năm, giữ vững diện tích và tỷ trọng cây lương thực. Phát triển các trang trại trồng trọt quy mô lớn theo hướng chuyên môn hóa nhưng phải hài hòa với sự phát triển của các HST tự nhiên.
Ngành chăn nuôi cần có các giải pháp cải thiện kỹ thuật, thức ăn, hình thức chăn nuôi, kiểm soát dịch bệnh để khuyến khích người nuôi tăng cường sản xuất. Trong giai đoạn tới, hai loại vật nuôi được chú trọng phát triển là đàn lợn và đàn bò với hình thức nuôi trang trại và công nghiệp là chủ yếu, sản phẩm chính vẫn là nuôi lấy thịt.
Ngành thủy sản ngoài các biện pháp tăng sản lượng khai thác thì cần chú trọng đến khâu nuôi trồng và chế biến. Để phát triển thủy sản bền vững cần tăng tỷ trọng của ngành nuôi trồng trong tổng giá trị sản xuất, trong đó chủ yếu là nuôi trồng thủy sản nước mặn, ngọt. Đặc biệt, ngành sản xuất tôm giống được coi là ngành có lợi thế phát triển của tỉnh nên có nhiều chính sách ưu đãi phát triển.
3.3.3. Nhóm giải pháp về phát triển nông nghiệp gắn với giải quyết các vấn đề xã hội
- Nâng cao chất lượng nhân lực, đào tạo nghề nông thôn: chất lượng lao động là đòn bẩy để PTNNBV. Người nông dân được đào tạo có kỹ thuật và tư duy lớn sẽ thay đổi phương thức sản xuất, mạnh dạn đầu tư KHKT, ứng dụng tốt thành tựu KHCN trong nông nghiệp. Thời đại cách mạng 4.0 bùng nổ, người nông dân cũng phải được trang bị kiến thức, kỹ thuật cần thiết để có thể làm chủ được các thiết bị, công nghệ thông minh. Để nâng cao chất lượng lao động nông nghiệp, cần mở các khóa học tại chỗ về kỹ thuật canh tác, hướng dẫn chuyển giao KHKT cho nông dân, nhất là lao động trẻ. Các trường đại
học, cao đẳng, trung cấp đào tạo về nông nghiệp cần thay đổi mô hình đào tạo từ nặng lý thuyết sang chú trọng thực hành. Những kỹ sư nông nghiệp được đào tạo bài bản trên ghế nhà trường cũng cần biết làm nông nghiệp ngoài đồng ruộng, cùng sống với nghề nông và người nông dân để tìm ra những giải pháp, mô hình PTNN hiệu quả. Chuyển mạnh lao động nông nghiệp sang lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ và ngành nghề nông thôn.
Đối với con em nông dân, là lực lượng lao động trong tương lai cần có chiến lược giáo dục đào tạo phù hợp với xu hướng CNH – HĐH đất nước. Bên cạnh chương trình giáo dục bắt buộc, nâng cao nhận thức của học sinh trong việc BVMT, thích ứng với BĐKH và các vấn đề về PTNNBV phù hợp với tình hình thực tế SXNN của các địa phương. Đa dang hóa các hình thức đào tạo nghề nông thôn nhằm đáp ứng nhu cầu lao động hiện tại và tương lai.
Trình độ, chất lượng của những người quản lý ngành nông nghiệp, chính quyền địa phương các cấp cũng cần được nâng cao nhằm tạo điều kiện để thực hiện tốt các chính sách, nhiệm vụ về phát triển nông nghiệp – nông thôn. Cử những người có trình độ đi đào tạo, học tập ở những nước nông nghiệp phát triển như Nhật Bản, Ixraen, Hàn Quốc… và mang những tiến bộ đó phát triển nông nghiệp nước nhà.
- Thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội; chế độ, chính sách đối với người có công với cách mạng, hộ nghèo, hộ cận nghèo; tiếp tục thực hiện tốt các giải pháp giảm nghèo bền vững; quan tâm hơn đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
- Nâng cao năng suất, chất lượng sản xuất nông nghiệp nhằm nâng cao thu nhập cho nông dân tạo cơ sở để cải thiện CLCS. Đa dạng hóa các ngành nghề ở nông thôn. Bên cạnh SXNN, chú trọng phát triển các ngành công nghiệp chế biến nông – lâm – thủy sản vừa nâng cao giá trị nông sản, vừa giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn.