Giáo dục kỹ năng sống Giáo dục KNTBV cho trẻ mẫu giáo 3-

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thực trạng giáo viên sử dụng phương pháp giáo dục kỹ năng tự bảo vệ cho trẻ mẫu giáo 3 4 tuổi (Trang 34 - 36)

Giáo dục (theo nghĩa rộng) là một quá trình toàn vẹn hình thành nhân cách được tổ chức một cách có mục đích và có kế hoạch, thông qua các hoạt động và các quan hệ giữa người giáo dục và người được giáo dục nhằm truyền đạt và chiếm lĩnh những

kinh nghiệm xã hội của loài người (Bùi Thanh Huyền, 2012).

Giáo dục (theo nghĩa hẹp) là một bộ phận của quá trình giáo dục (nghĩa rộng); là quá trình hình thành niềm tin, lý tưởng, động cơ, tình cảm, thái độ, những nét tính cách của nhân cách xã hội chủ nghĩa, những hành vi và thói quen cư xử đúng đắn trong xã hội, thuộc các lĩnh vực tư tưởng - chính trị, đạo đức, lao động, học tập, thẩm mỹ, vệ sinh …(Bùi Thanh Huyền, 2012).

Giáo dục là một quá trình tác động có mục đích, được tổ chức một cách có kế hoạch, có phương pháp nhằm hình thành và phát triển nhân cách con người phù hợp với những yêu cầu của xã hội trong mỗi giai đoạn phát triển của nó (Đặng Vũ Hoạt, 1987).

Theo Bùi Thanh Huyền, giáo dục là hiện tượng xã hội đặc biệt; là hoạt động của thế hệ trước truyền lại những kinh nghiệm xã hội cho thế hệ sau và hoạt động của thế hệ sau lĩnh hội những kinh nghiệm xã hội đó, để tham gia đời sống xã hội, tham gia lao động sản xuất và các hoạt động xã hội khác (Bùi Thanh Huyền, 2012).

Tác giả Nguyễn Ánh Tuyết lại cho rằng theo nghĩa rộng: nói đến giáo dục là nói đến sự tác động tới con người của toàn xã hội và của thực tiễn xung quanh. Đối với trẻ thơ, giai đoạn đầu tiên của đời người( từ lọt lòng đến 6 tuổi) giáo dục nhằm phát triển các chức năng tâm lý, hình thành những cơ sở ban đầu của nhân cách con người, chuẩn bị cho những giai đoạn phát triển sau được thuận lợi (Nguyễn Ánh Tuyết et al., 2002).

Giáo dục không chỉ phản ánh mối quan hệ giữa người với người như những hiện tượng xã hội khác, mà mối quan hệ ở đây là việc truyền thụ và lĩnh hội kinh nghiệm giữa các thế hệ trước và thế hệ sau.

Tóm lại, giáo dục là một hiện tượng xã hội đặc biệt chỉ có ở xã hội loài người. Bản chất của hiện tượng giáo dục là truyền thụ và lĩnh hội kinh nghiệm xã hội của thế hệ đi trước và thế hệ đi sau.

Trong mối quan hệ với khái niệm giáo dục theo nghĩa rộng và nghĩa hẹp nêu trên, tác giả Nguyễn Thị Diệu Hà trong đề tài: “Biện pháp giáo dục kỹ năng sống cho trẻ mẫu giáo lớn thông qua hoạt động vui chơi” đã trình bày, giáo dục kỹ năng sống là quá trình tác động có định hướng, có chủ đích phù hợp với tâm lý đối tượng nhằm bồi

dưỡng hoặc làm thay đổi những phẩm chất và năng lực của đối tượng (Nguyễn Thị Diệu Hà, 2011).

Giáo dục kỹ năng sống là hình thành cách sống tích cực trong xã hội hiện đại, là xây dựng những hành vi lành mạnh và thay đổi những hành vi, thói quen tiêu cực trên cơ sở giúp người học có cả kiến thức, giá trị, thái độ và các kỹ năng thích hợp (Nguyễn Thanh Bình, 2011).

Giáo dục kỹ năng sống là quá trình tác động sư phạm có mục đích, có kế hoạch nhằm hình thành năng lực hành động tích cực, có liên quan với kiến thức và thái độ, giúp cá nhân ý thức về bản thân, quan hệ xã hội, giao tiếp, thực hiện công việc, ứng phó có hiệu quả với các yêu cầu, thách thức của cuộc sống hàng ngày, thông qua những mối quan hệ liên nhân cách trong điều kiện sống cụ thể.

Giáo dục kỹ năng sống nói chung và giáo dục KNTBV nói riêng có mục tiêu chính là làm thay đổi hành vi của trẻ từ thói quen thụ động, có thể gây rủi ro, mang lại hậu quả tiêu cực chuyển thành những hành vi mang tính xây dựng, tích cực và có hiệu quả để nâng cao chất lượng cuộc sống cá nhân và góp phần phát triển bền vững cho xã hội (Nguyễn Thanh Bình, 2011).

Có thể thấy rằng, quá trình giáo dục nói chung và quá trình giáo dục KNTBV cho trẻ mẫu giáo 3-4 tuổi nói riêng là một quá trình giáo dục gồm nhiều thành tố: mục đích, nội dung, phương pháp, phương tiện và hình thức. Các thành tố có quan hệ mật thiết và có tính biện chứng với nhau, đặc biệt là với phương pháp giáo dục để thực hiện mục tiêu giáo dục, mục đích của quá trình sư phạm.

Và như vậy, theo chúng tôi: “Quá trình giáo dục KNTBV cho trẻ mẫu giáo 3-4

tuổi là quá trình dưới sự tổ chức, lãnh đạo có mục đích của giáo viên, trẻ 3-4 tuổi được trang bị những kiến thức giữ an toàn và học cách nhận biết, thực hành các hành động đúng và kịp thời để bảo vệ bản thân trước các tình huống nguy hiểm”.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thực trạng giáo viên sử dụng phương pháp giáo dục kỹ năng tự bảo vệ cho trẻ mẫu giáo 3 4 tuổi (Trang 34 - 36)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(176 trang)