Một số đặc điểm tâm lí của trẻ mẫu giáo 3-4 tuổi liên quan đến việc

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thực trạng giáo viên sử dụng phương pháp giáo dục kỹ năng tự bảo vệ cho trẻ mẫu giáo 3 4 tuổi (Trang 49 - 53)

giáo dục KNTBV cho trẻ

Ở lứa tuổi mẫu giáo thì sự nhận thức và quá trình lĩnh hội, tích lũy kinh nghiệm, biểu tượng, vốn sống so với các lứa tuổi trước đã khá phong phú hơn. Điều đó giúp trẻ có những nhận biết cơ bản về một số đồ vật không an toàn, những nơi nguy hiểm, một số tình huống khó khăn… và có những cách ứng phó và bảo vệ bản thân.

Nói cách khác, trẻ mẫu giáo 3-4 tuổi đã có những hiểu biết nền tảng và có KNTBV cho bản thân trẻ. Tuy nhiên, KNTBV của trẻ còn nhiều hạn chế. Thực tế chúng ta thấy rằng, do đặc trưng tâm lí lứa tuổi mẫu giáo, trẻ 3-4 tuổi thường hay bắt chước các hành động của người lớn. Trẻ rất dễ bị mất tập trung bởi những cảnh vật mới lạ hoặc những đồ vật trong tay trẻ nếu thình lình rơi xuống đất hoặc lăn vào những nơi nguy hiểm như hồ, ao, bể chứa nước, giếng, bụi rậm, … Trẻ sẽ tìm cách đuổi theo mà không chú ý đến những nguy hiểm trước mắt. Hơn nữa, trẻ tuổi mẫu giáo ít khi ghi nhớ những điều gì nếu chỉ nói một lần với trẻ. Để trẻ có thể nhớ những gì người lớn dạy, hãy nhẹ nhàng nhắc đi nhắc lại nhiều lần cho đến khi trẻ nhớ.

Nhu cầu khám phá thế giới, môi trường xung quanh là một trong các nhu cầu rất lớn của trẻ. Trẻ luôn khao khát tìm tòi, khám phá mọi thứ xung quanh bất kể chúng có an toàn hay không. Đặc biệt, đối với những đồ vật hàng ngày bị người lớn cấm đoán, không cho phép được tiếp xúc hoặc chơi thì khi không có sự giám sát của người lớn trẻ sẽ tò mò muốn khám phá xem chúng như thế nào.Vì thế, trẻ không lường trước được những nguy hiểm có thể gặp phải.

1.2.6.1. Sự thay đổi hoạt động chủ đạo

“Hoạt động chủ đạo là hoạt động mà sự phát triển của nó quy định những biến đổi chủ yếu nhất trong các quá trình tâm lí và các đặc điểm tâm lí của nhân cách đứa trẻ ở mỗi giai đoạn phát triển nhất định của nó” (Đinh Thị Tứ và Phan Trọng Ngọ,

2008).

Giai đoạn tuổi lên 3 ở trẻ xuất hiện mâu thuẫn giữa một bên là tính độc lập đang được phát triển mạnh, muốn tự mình làm tất cả mọi việc như người lớn, và một bên là khả năng còn quá non yếu của trẻ. Trong trường hợp này, người lớn không thể dùng biện pháp cấm đoán, vì như vậy là ngăn chặn bước đường phát triển của trẻ. Tình trạng trẻ em luôn luôn đòi hỏi “để con làm lấy!” đã dẫn đến hiện tượng khủng hoảng. Để giải quyết mâu thuẫn này, trẻ phải tìm đến một hoạt động mới: không làm thật được mọi việc như người lớn thì làm giả vờ. Do đó trò chơi đóng vai theo chủ đề (ĐVTCĐ) đã xuất hiện và trở thành hoạt động chủ đạo của trẻ chính là để thỏa mãn nhu cầu muốn được sống và làm việc như người lớn. Tuy nhiên, vì mới được chuyển sang vị trí chủ đạo nên hoạt động vui chơi chưa thể đạt tới dạng chính thức mà chỉ mới ở dạng sơ khai của nó. Giai đoạn này, hoạt động với đồ vật vẫn còn lấn át và chiếm ưu thế (Nguyễn Ánh Tuyết et al., 2002).

1.2.6.2. Sự phát triển tư duy

Giai đoạn 3-4 tuổi, tư duy trực quan hình ảnh bắt đầu hình thành nhờ trẻ tích cực hoạt động với đồ vật, hoạt động đó được lặp đi lặp lại nhiều lần, lâu dần được nhập tâm thành hình ảnh, biểu tượng trong đầu. Đó là cơ sở để cho hoạt động tư duy được diễn ra ở bình diện bên trong. Bên cạnh đó, trò chơi đặc biệt là trò chơi ĐVTCĐ giúp trẻ hình thành chức năng kí hiệu tượng trưng của ý thức. Chức năng này được thể hiện ở khả năng dùng một vật này thay thế cho một vật khác và hành động với vật thay thế như là hành động với vật thật. Tuy nhiên, bước chuyển này mới chỉ là một bước nhảy từ bờ bên này (tư duy trực quan hành động) sang bờ bên kia (tư duy trực quan hình tượng) nên nó mới chỉ là điểm khởi đầu của loại tư duy mới. Giai đoạn này tư duy trực quan hình tượng còn rất mờ nhạt. Trong khi đó, trẻ tìm hiểu các mối quan hệ trong xã hội vẫn chủ yếu dựa vào tư duy trực quan hành động (Nguyễn Ánh Tuyết et al., 2002). Ở trẻ mẫu giáo 3-4 tuổi, tư duy của trẻ còn gắn liền với xúc cảm và ý muốn chủ quan, sự quan sát và đánh giá của trẻ còn mang đậm màu sắc chủ quan, cảm tính rất dễ bị thuyết phục. Nếu những người xấu nắm được đặc điểm tâm lí của trẻ như: thích ăn kẹo, thích xem phim hoạt hình, thích nhận quà, chơi đồ chơi,… là cơ hội cho kẻ xấu lợi dụng và dụ dỗ trẻ. Hay trong những tình huống, hiện tượng bất thường nào đó xảy ra như: đi

lạc, đám cháy, động đất, bắt cóc, một tai nạn hay một vật gì đó bất ngờ đổ sập xuống trẻ …trẻ thường không đủ bình tĩnh để phán đoán, để quyết định hành động hay phải xử trí như thế nào trong những tình huống như vậy.

1.2.6.3. Đặc điểm phát triển ngôn ngữ của trẻ mẫu giáo 3-4 tuổi

Giai đoạn này vốn từ của trẻ tăng rất nhanh. Cuối hai tuổi trẻ có khoảng 300 từ, cuối ba tuổi trẻ có khoảng 1200 từ. Tăng về tất cả các loại từ: Danh từ, tính từ, động từ, đại từ…Nói chung vốn từ của trẻ đủ dùng trong sinh hoạt hàng ngày.

Do việc giao tiếp bằng ngôn ngữ được mở rộng, tai âm vị thường xuyên được luyện tập tiếp nhận các ngữ âm khi nghe người xung quanh nói, đồng thời cơ quan phát âm cũng được trưởng thành dần. Trẻ mẫu giáo 3-4 tuổi nhạy bén trong việc tiếp thu các đặc điểm phát âm của người xung quanh, trẻ hay bắt chước và bắt chước khá nhanh đặc điểm phát âm của người lớn.

Trẻ nghe và hiểu được hầu hết giao tiếp của người lớn. Trẻ 3 – 4 tuổi đã có thể sử dụng câu đơn và một số câu ghép đơn giản để giao tiếp.

1.2.6.4. Sự hình thành ý thức về bản thân

Ý thức về bản thân (còn gọi là ý thức bản ngã hay cái “tôi” của một người) bắt đầu được hình thành. Trẻ muốn tìm hiểu và khám phá về các mối quan hệ trong xã hội. Trẻ thấy được vị trí của mình trong xã hội, biết sở thích, giới tính, biết phải điều chỉnh hành vi của mình như thế nào cho phù hợp. Thông qua trò chơi ĐVTCĐ, trẻ thấy được vị trí của mình trong nhóm chơi, khả năng của mình so với các bạn ra sao, rồi cần phải điều chỉnh hành vi của mình như thế nào để phục vụ cho mục đích chơi chung. Tất cả những điều đó dần dần sẽ giúp trẻ nhận ra được chính mình (Nguyễn Ánh Tuyết, 2002). Ý thức bản ngã được xác định rõ ràng giúp trẻ điều khiển và điều chỉnh hành vi của mình dần dần phù hợp với những chuẩn mực, những quy tắc xã hội, từ đó mà hành vi của trẻ mang tính xã hội và nhân cách đậm nét hơn trước.

Độ tuổi mẫu giáo bé là điểm khởi đầu của sự hình thành ý thức bản ngã, nên trong ý thức đó còn mang đặc điểm tự kỷ (lấy mình làm trung tâm). Trẻ lứa tuổi này vẫn còn chưa nhận rõ quy luật khách quan của sự vật nên đã đem ý muốn chủ quan của mình gán cho sự vật xung quanh, còn gọi là tính chủ quan ngây thơ, hay là duy kỷ (Egocemtrisme) (Jean Piaget, 1986).

Trẻ còn chưa nhận rõ đâu là ý muốn, nhu cầu chủ quan của mình với những quy định, những luật lệ, những quy tắc trong xã hội. Phải cho trẻ thường xuyên hoạt động, giao lưu, cọ sát với thế giới xung quanh để giúp trẻ phát hiện ra quy tắc, luật lệ trong xã hội. Trò chơi ĐVTCĐ giữ vai trò tích cực trong quá trình hình thành sự tự ý thức của trẻ.

*Sự xuất hiện động cơ hành vi

Trong suốt thời kỳ mẫu giáo, ở trẻ diễn ra những biến đổi căn bản trong hành vi: Chuyển từ hành vi bột phát sang hành vi mang tính xã hội, hay là hành vi mang tính nhân cách. Tuy nhiên, ở lứa tuổi mẫu giáo bé thì bước chuyển này cũng chỉ mới ở vào thời điểm khởi đầu. Phần nhiều hành động của trẻ mẫu giáo bé còn giống với hành động của trẻ ấu nhi. Trẻ hành động thường là do những nguyên nhân trực tiếp như theo ý muốn chủ quan của mình hoặc do tình huống ở thời điểm đó thúc giục và không ý thức được nguyên cớ nào khiến mình hành động như vậy.

1.2.6.5. Nguyện vọng độc lập và sự khủng hoảng của tuổi lên ba

Khi trẻ tách được mình ra khỏi người khác và có ý thức về những khả năng của chính mình thì đồng thời cũng xuất hiện một thái độ mới đối với người lớn. Trẻ bắt đầu so sánh mình với người lớn, muốn giống như người lớn và làm những việc như người lớn. Điều này biểu hiện ở nguyện vọng được độc lập, trẻ thường muốn làm theo ý mình và tự làm tất cả, không muốn người lớn can thiệp vào. Chẳng hạn, trẻ lên ba thường hay nói: "Con tự đội mũ", "Con tự tắm rửa", hay “ Con tự ăn cơm” và không muốn người lớn can thiệp vào những việc đó. Đây là dấu hiệu của sự trưởng thành rất đáng mừng. Nhưng cùng với nó trẻ lại trở nên bướng bỉnh, thường làm những việc mà người lớn cấm hoặc bảo làm một đằng thì lại làm một nẻo. Đồng thời đứa trẻ muốn có thẩm quyền đối với mọi vật xung quanh, cái gì cũng giành về mình, kể cả những thứ không thể là sở hữu riêng được. Các nhà tâm lí học gọi đó là thời kỳ khủng hoảng của tuổi lên ba- Nó là tất yếu, là tạm thời, mang tính chuyển tiếp tạo điều kiện cho sự phát triển nhân cách ở giai đoạn sau.

Đối với những đứa trẻ đang ở vào tình trạng "khủng hoảng", người lớn thường gặp khó khăn trở ngại trong quan hệ với trẻ. Nếu được giáo dục đúng đắn, nếu người lớn kịp thời nhận thấy những khả năng mới của trẻ và thỏa mãn nhu cầu muốn độc lập

của trẻ bằng cách tạo ra những hình thức hoạt động mới, những quan hệ mới với người lớn, biết cách hướng dẫn để trẻ tự làm lấy một số việc như tự rửa tay, tự đi cầu thang, tự mặc lấy quần áo, tự đội mũ bảo hiểm, tự bấm dây đai an toàn.. hoặc làm một số việc đơn giản để giúp đỡ cha mẹ, cô giáo thì trẻ vẫn biết vâng lời mà tính độc lập vẫn phát triển, sự khủng hoảng sẽ được rút ngắn và vượt qua một cách nhẹ nhàng (Nguyễn Ánh Tuyết et al., 2002).

Với những đặc điểm tâm lí liên quan đến KNTBV của trẻ mẫu giáo 3-4 tuổi nêu trên, thiết nghĩ vấn đề giáo dục KNTBV cho trẻ là rất cấp thiết.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thực trạng giáo viên sử dụng phương pháp giáo dục kỹ năng tự bảo vệ cho trẻ mẫu giáo 3 4 tuổi (Trang 49 - 53)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(176 trang)