1.2.2.1. Ngữ liệu dạy học Tập đọc
Phạm Phương Anh (2015) nói rằng ngữ liệu là một phần của tư liệu dạy học đọc. Ngữ liệu đảm nhận ba nhiệm vụ trong dạy học đọc, đó là: một đối tượng ngôn ngữ đơn thuần để GV và HS khai thác các yếu tố cơ bản như cấu trúc ngữ pháp, từ
vựng,… trong quá trình học ngôn ngữ; với khả năng đọc hiểu, phân tích, tổng hợp, dự đoán của người đọc, ngữ liệu còn là một phương tiện cho việc truyền tải thông tin đến họ; đối tượng làm bàn đạp cho sự sáng tạo, phát triển tư duy phản biện và suy nghĩ độc lập ở HS.
Trong đề tài nghiên cứu của chúng tôi, ngữ liệu dạy học Tập đọc với tư cách là một ngữ liệu cho một đơn vị bài dạy học đọc. Nó đáp ứng các mục tiêu giáo dục trong quá trình dạy học đọc ở TH nói chung: phát triển NLĐ, giáo dục lòng ham đọc sách, thói quen tự học, làm giàu kiến thức, hoàn thiện nhân cách cho HS.
Ngữ liệu dạy học Tập đọc theo quan điểm phát triển NLĐ chứa đựng những hiện tượng ngôn ngữ, sự vật, tình huống, câu chuyện,…vừa quen thuộc vừa mới mẻ mà HS có thể khám phá. Ngữ liệu hay, phù hợp, đa dạng thì người đọc sẽ thích thú đọc, tạo ra môi trường học tập tích cực, chủ động. Các em thấy đọc có ý nghĩa với bản thân, với cuộc sống xung quanh mình. Từ đó, các em đọc có ý thức, có tư duy và tự tin, sẵn sàng vận dụng những hiểu biết của bản thân vào thực tiễn.
Ngữ liệu dạy học Tập đọc theo hướng phát triển NLĐ không chỉ giúp HS rèn kiến thức, kĩ năng, thái độ như rèn đọc thành tiếng, đọc hiểu, hình thành nhân cách tốt mà còn tạo ra những tình huống giao tiếp để HS vận dụng, có hành động phù hợp.
Ngữ liệu dạy học Tập đọc ở TH gồm văn bản đọc, tranh ảnh minh họa, phần giải nghĩa từ, câu hỏi hay bài tập tìm hiểu bài. Trong đó, các VB đọc là yếu tố chính được khai thác để hướng đến phát triển NLĐ cho HS.
Ngữ liệu dạy học Tập đọc SGK lớp 2 hiện hành gồm đủ các yếu tố trên. Chúng được trình bày trên một hoặc hai trang sách với cách trình bày rõ ràng, riêng biệt cho các phần:
1.2.2.2. Các loại ngữ liệu dạy học Tập đọc a) Bài đọc (văn bản đọc)
Theo Lê Phương Nga (2001), VB là một sản phẩm của lời nói, một chỉnh thể ngôn ngữ, thường bao gồm một tập hợp các câu và có thể có một đầu đề, nhất quán về chủ đề và trọn vẹn về nội dung, được tổ chức theo một kết cấu chặt chẽ nhằm một mục đích giao tiếp cụ thể.
Tác giả cũng nói về tính chỉnh thể của VB ở hai phương diện:
- Nội dung nhất quán với chủ đề, có sự phát triển của nội dung và bộc lộ tính nhất quán, rõ rệt ở mục tiêu văn bản.
- Hình thức: kết cấu mạch lạc, giữa các bộ phận trong văn bản có các hình thức liên kết và toàn VB có một tên gọi.
VB mà tác giả Lê Phương Nga nói đến là những VB được thể hiện ở mặt chữ viết. Còn The Program for International Student Assessment (PISA) cho rằng: VB được hiểu bao gồm tất cả những gì liên quan đến văn bản ngôn từ sử dụng các hình thức biểu tượng: viết tay, bản in và dạng điện tử. Chúng bao gồm tất cả các sản phẩm thị giác như biểu đồ, tranh ảnh, bản đồ, bảng biểu, đồ thị và tranh hài hước, châm biếm kèm theo ngôn ngữ viết. Theo PISA, VB không chỉ là VB được thể hiện bằng chữ viết mà còn là VB đa phương thức. Những VB này được sử dụng ở mức độ hỗ trợ cho quá
trình dạy học và cũng có thể là bài học cho HS khai thác. Sự đa dạng về hình thức của VB có thể tránh sự nhàm chán cho HS, tạo sự gần gũi, dễ tiếp nhận, khám phá vì chúng gần gũi, thiết thực, xuất hiện xung quanh cuộc sống của các em..
Văn bản đọc có hai dạng: Văn bản liền mạch (continuous texts) và văn bản không liền mạch (non- contiuous texts)
- Văn bản liền mạch: được hiểu là một đoạn văn, một bài, một chương…hoàn chỉnh, liền mạch. Loại văn bản này bao gồm các dạng văn bản sau: tự sự (Narration), giải thích (Exposition), miêu tả (Description), lập luận (Argumetation), giới thiệu (Instruction), tư liệu hoặc ghi chép (A document or record), siêu văn bản (Hypertext).
- Văn bản không liền mạch: văn bản kết hợp nhiều hình thức thề hiện, nhiều kí hiệu khác nhau…Không được kết cấu bằng những đoạn văn liền mạch. Ví dụ: biểu đồ, đồ thị, bảng biểu, hình dạng, quảng cáo, hóa đơn, văn bằng,…
Dạy đọc cũng là dạy cách làm việc với VB, dạy cách giao tiếp. Làm việc với VB là một quá trình làm việc hai chiều. Nó giống như là sự giao lưu, tương tác giữa một bên là tác giả (người làm ra tác phẩm - VB) và bên còn lại là người đọc - bên tiếp nội dung và đích của VB. Chính nội dung, ý nghĩa VB đọc sẽ tác động rất lớn đến lí trí, cảm xúc của người đọc. VB dù đích là thông tin, giải trí, tạo lập quan hệ,… thì cuối cùng cũng là hướng đến đích hành động để giúp HS phát triển và hoàn thiện về mặt nhân cách.
Trong dạy học Tập đọc, bài đọc (VB đọc) là nguồn ngữ liệu quan trọng. Nó chính là phương tiện để HS được khai thác các yếu tố về từ vựng, ngữ pháp, được giao tiếp với môi trường xung quanh khi tìm hiểu nội dung bài. Vì vậy, HS có khả năng sử dụng tiếng Việt văn hóa, vận dụng những điều được học vào các tình huống khác nhau, rèn kĩ năng giao tiếp.
Để đáp ứng nhu cầu của người học, VB được chọn lọc đa dạng về thể loại, có giá trị nội dung hay nghệ thuật nhất định, nội dung gần gũi, phù hợp mục tiêu chủ điểm, mục tiêu chương trình và đối tượng HS.
Trong luận văn, chúng tôi sẽ đề cập đến hai loại VB, đó là VB văn chương và VB thông tin.
- VB văn chương: gồm các tác phẩm văn học thuộc thể loại truyện, thơ, kí, kịch,… Ví dụ: Bài thơ Cô giáo lớp em của tác giả Nguyễn Xuân Sanh (TV 2, tập 1, tr 60)
- VB thông tin: gồm các VB không hư cấu về văn hóa, khoa học, hành chính. Ví dụ: VB Danh sách học sinh tổ 1 – lớp 2A (Năm học 2003 – 2004) (TV 2, tập 1, tr 25)
Mỗi loại VB đều mang lại cho người tiếp nhận những lợi ích khác nhau cả về tư duy, trí tuệ, kĩ năng và xúc cảm trong quá trình đọc VB. Những VB này thông thường có tác dụng phát triển kĩ năng phê phán, đánh giá, phát triển năng lực đọc hiểu cho HS và giúp HS đọc rộng hơn. Thông qua hình thức, nội dung đặc trưng từng kiểu, thể loại VB, HS vừa học đọc trên những ngữ liệu này vừa có cơ hội học đọc đến đâu thì dùng đọc để học, để tích lũy kiến thức, bồi dưỡng tâm hồn đến đó. Điều này dẫn dắt HS nhận ra chức năng quan trọng của việc đọc trong cuộc sống. Các em hứng thú, say mê với đọc hơn.
b) Tranh ảnh minh họa
Theo Bùi Thanh Truyền (2010), tranh ảnh tức là hệ thống hình ảnh (có vẽ hay sang chụp) hỗ trợ, minh họa rõ hơn cho nội dung bài học. Đây là một kênh hình
thuộc dạng: cố định (trong SGK) và di động (ngoài SGK).
Tranh ảnh có rất nhiều vai trò trong tiết học Tập đọc. Nó được dùng vào nhiều hoạt động khác nhau trong tiết học như:
- Hoạt động giới thiệu bài: Có nhiều cách giới thiệu bài trong dạy học Tập đọc, trong đó sử dụng tranh ảnh là một cách phổ biến và có tác dụng tốt đọc đối với HS TH. Tranh ảnh giúp HS quan sát, nêu ý kiến về những gì được nhìn thấy, được cảm nhận. Từ ý kiến của HS, GV dẫn dắt vào bài.
- Tìm hiểu VB: Tranh ảnh thể hiện một phần nội dung VB hay những chi tiết đặc sắc, có giá trị liên quan đến VB. Quan sát, tìm hiểu tranh ảnh minh họa bài sẽ hỗ trợ quá trình tìm hiểu bài đọc.
- Củng cố nội dung bài: Tranh ảnh minh họa có thể giúp GV tổ chức các hoạt động cho HS củng cố lại các kiến thức, kĩ năng, thái độ đã có. Tranh ảnh cũng có tác dụng gây ấn tượng, giúp HS lưu giữ những điều quan trọng liên quan bài đọc.
Tư duy HS TH mang tính trực quan sinh động nên sử dụng tranh ảnh trong dạy học gây hứng thú cho người học. Trong dạy học Tập đọc, sử dụng tranh ảnh vừa hỗ trợ cho việc khai thác, tìm hiểu bài đọc vừa giúp kích thích tư duy, sự tưởng tượng, sáng tạo và năng lực thẩm mĩ ở HS. Nội dung tranh ảnh liên quan mật thiết đến bài đọc, vì vậy tìm hiểu tranh ảnh minh họa góp phần hiểu biết thêm về bài học. Tranh ảnh đẹp làm tăng khả năng cảm thụ nghệ thuật. Tranh ảnh còn giúp HS phát triển ngôn ngữ khi các em nêu nhận xét, sự hiểu biết, cảm nhận của mình sau khi quan sát tranh ảnh đó.
Tranh ảnh minh họa trong phân môn Tập đọc có thể cung cấp thêm kiến thức khác ngoài kiến thức tiếng Việt. Khi quan sát bức tranh minh họa cho một bài văn miêu tả, HS biết thêm về vẻ đẹp của một danh lam thắng cảnh hay một lễ hội, trang phục truyền thống một quốc gia,…
Tuy nhiên, tranh ảnh phải được sử dụng đúng lúc, đúng hoàn cảnh thì mới hiệu quả. Việc sử dụng tranh ảnh một cách tùy tiện, theo cảm hứng sẽ tạo ra tác dụng ngược, HS chỉ chú ý đến bức tranh mà nội dung, kiến thức không đọng lại được gì. Nội dung và hình thức của tranh ảnh cần được quan tâm đúng mức. Nội dung tranh giúp người dạy hướng dẫn HS đạt được mục tiêu tùy thuộc vào hoạt
động sử dụng tranh ảnh đó trong tiết học (giới thiệu bài, tìm hiểu bài,…). Hình thức tranh phải có sự khoa học và thẩm mĩ để tạo cảm hứng, dễ quan sát.
Ví dụ: Bài Tập đọc Cò và Cuốc (TV 2, tập 2, tr 37)
Tranh ảnh minh họa thể hiện hai nhân vật chính trong câu chuyện là Cò và Cuốc. Nội dung tranh có những chi tiết liên quan đến nhận vật, sự việc trong VB đọc (Cò có bộ lông trắng, ngày ngày chăm chỉ lội ruộng bắt tép. Nhờ vậy mới có lúc thảnh thơi bay lên trời cao.). Tranh cũng để GV giới thiệu vào bài. GV có thể dẫn dắt HS vào bài bằng cách đặt câu hỏi cho HS: Em thấy hình ảnh hai con vật nào trong tranh?, Em biết gì về hai con vật đó?,…Ngoài tính chất minh họa nội dung bài, tranh còn cung cấp thêm thông tin về thế giới tự nhiên (2 con vật cò và cuốc).
c) Chú thích
Phần chú thích trong dạy học Tập đọc là một phần không thể thiếu. Phần này chủ yếu là giải nghĩa từ ngữ trong VB đọc. Những từ ngữ được giải nghĩa là những từ HS mới gặp hay ít gặp, từ có nghĩa đặc biệt trong VB. Ngoài ra, có thể chú thích về nhân vật lịch sử, thời gian của một số sự kiện quan trọng, giới thiệu sơ lược danh lam thắng cảnh. Phần giải nghĩa từ này sẽ giúp HS có cơ hội hiểu biết những từ ngữ mới, gia tăng vốn từ, hỗ trợ việc tìm hiểu VB.
Có nhiều cách giải nghĩa từ khác nhau. GV dựa vào ý nghĩa của từ đó trong VB, đối tượng HS để chọn cách giải nghĩa từ phù hợp. Có các cách giải nghĩa như sau:
- Giải nghĩa từ bằng trực quan - Giải nghĩa từ bằng định nghĩa
- Giải nghĩa từ bằng từ đồng nghĩa, gần nghĩa hoặc trái nghĩa - Giải nghĩa từ bằng cách chiết tự
- Giải nghĩa từ bằng cách đối chiếu, so sánh - Giải nghĩa từ bằng ngữ cảnh
Phần chú thích thường ngắn gọn, đơn giản, dễ hiểu với số lượng từ 1 - 5 từ/bài để phù hợp năng lực tâm lí - ngôn ngữ và khả năng nhận thức của HS lớp 2.
Ví dụ: Câu chuyện bó đũa (TV 2, tập 1, tr 112 - 113)
Phần chú thích gồm 5 từ được giải nghĩa. Những từ này xuất hiện trong VB đọc và liên quan đến nội dung chính và ý nghĩa câu chuyện. Từ được giải thích rất ngắn gọn với những từ ngữ HS dễ hiểu. Ngoài ra, khi giải thích những từ này, GV có thể giúp liên hệ với thực tế cuộc sống để HS nhớ từ lâu hơn.
- Va chạm: ý nói cãi nhau vì những điều nhỏ nhặt. - Dâu(con dâu): vợ của con trai.
- Rể (con rể): chồng của con gái. - Đùm bọc: giúp đỡ, che chở.
- Đoàn kết: yêu mến nhau, chung sức lại để làm việc.
d) Câu hỏi tìm hiểu bài
Trong cuộc sống, khi không biết, chưa rõ về một điều gì hay vấn đề gì, người ta thường đặt câu hỏi để giải đáp thắc mắc. Trong học tập cũng vậy, câu hỏi là công cụ giúp việc dạy và học trở nên hiệu quả. Nhờ vào câu hỏi, thầy và trò cùng nhau phát hiện kiến thức, phát triển nội dung bài học, khuyến khích sự động não, tư duy.
Theo SGK TV lớp 4, tập 1 ở trang 131 có định nghĩa câu hỏi (còn gọi là câu nghi vấn) dùng đề hỏi về những điều chưa biết.
Nguyễn Thị Ngọc Thúy (2014) cho rằng hệ thống câu hỏi là công cụ để “kích hoạt” và dẫn dắt những hoạt động tương tác giữa GV và HS, tạo môi trường cho HS phát huy tư duy tối đa. Câu hỏi tạo điều kiện để HS giải mã ý nghĩa của VB cũng như khuyến khích các em kiến tạo nghĩa cho VB.
Theo Trần Thị Loan (2015), câu hỏi trong dạy học Tập đọc không phải là những câu hỏi đưa ra để đánh đố HS mà là những câu hỏi gợi mở để hướng các em vào tìm hiểu bài học. Các câu hỏi đưa ra có mục đích rõ ràng. Mục đích này hướng
đến những kiến thức, kĩ năng, thái độ mà HS cần có. Qua đó, HS nắm được những tri thức, kĩ năng nhằm phục vụ cho học tập và cuộc sống. Trong dạy học phân môn Tập đọc ở chương trình SGK TH sau năm 2000, tác giả cũng phân loại hệ thống câu hỏi theo nhóm. Mỗi nhóm câu hỏi có những tác dụng khác nhau trong việc khai thác nội dung bài học từ mức độ thấp đến mức độ cao hơn.
Câu hỏi có vai trò quan trọng trong việc dạy học Tập đọc phát triển NLĐ cho HS. Mục đích câu hỏi sau mỗi bài là để phản ánh lại việc suy nghĩ về nội dung VB đọc, tạo ra sự so sánh giữa nội dung với kiến thức bản thân, mở rộng hiểu biết. Khi HS có những hiểu biết nhất định, các em biết sử dụng chúng để hành động, vận dụng vào thực tiễn. Đó chính là năng lực giải quyết vấn đề.
Theo Nguyễn Tấn Kiệt (2017), hệ thống câu hỏi trong phần tìm hiểu phân môn Tập đọc cần hướng đến phát triển tư duy của người học. Hệ thống câu hỏi phát huy khả năng tư duy theo bậc thang nhận thức. Bên cạnh câu hỏi ở mức độ tái hiện, phải có câu hỏi ở mức đánh giá, tổng hợp, gắn với tình huống của cuộc sống để HS trả lời theo hướng thể hiện quan điểm cá nhân, thể hiện sự suy ngẫm, nhận xét, đưa ý kiến, phải phân tích sâu, thuyết phục. Nhờ đó, kĩ năng đọc hiểu, cảm thụ được phát triển tốt hơn.
Đặt câu hỏi theo các cấp độ nhận thức trong thang đo của Bloom (1956) gồm nhận biết, thông hiểu, ứng dụng, phân tích, đánh giá, sáng tạo:
- Câu hỏi “nhận biết”: kiểm tra trí nhớ của HS, giúp HS tái hiện lại hoặc xác định, nhận ra những thông tin, chi tiết, sự kiện quan trọng trong VB.
Ví dụ: Người mẹ hiền (TV 2, tập 1, tr 63)
Từ câu hỏi 1 đến câu hỏi 4 đều là câu hỏi yêu cầu tái hiện lại các sự việc trong câu chuyện:
1. Giờ ra chơi, Minh rủ Nam đi đâu? 2. Các bạn ấy định ra phồ bằng cách nào?
3. Khi Nam bị bác bảo vệ giữ lại, cô giáo đã làm gì? 4. Cô giáo làm gì khi Nam khóc?
- Câu hỏi “thông hiểu”: nhằm kiểm tra HS về sự thông hiểu các yếu tố trong VB, cách liên hệ, kết nối các chi tiết, sự kiện, đặc điểm,…khi tiếp nhận thông tin.
HS sẽ có khả năng hiểu câu, ý, đoạn, xác định đúng nội dung cả bài.