1.5.2.1. Khái niệm thí nghiệm
Theo từ điển tiếng Việt thí nghiệm có 2 nghĩa: nghĩa thứ nhất là “gây ra một hiện tượng, một sự biến đổi nào đó trong điều kiện xác định để tìm hiểu, nghiên cứu, kiểm tra hay chứng minh”; nghĩa thứ hai là “làm thử để rút kinh nghiệm (Trung tâm từ điển học, 2007).
Trong đề tài nghiên cứu này, khái niệm thí nghiệm được giới hạn trong một phạm vi hẹp hơn là “thực hiện các phản ứng, quá trình hóa học phục vụ cho việc dạy học hóa học”.
1.5.2.2. Vai trò của thí nghiệm trong dạy học môn hóa học
Đối với bộ môn hóa học, thí nghiệm giữ vai trò đặc biệt quan trọng như một bộ phận không thể tách rời của quá trình dạy – học. Thí nghiệm hóa học được sử dụng với tư cách là nguồn gốc, là xuất xứ của kiến thức để dẫn đến lý thuyết, hoặc với tư cách là kiểm tra giả thuyết. Thông qua thí nghiệm, HS nắm kiến thức một cách hứng thú, vững chắc và sâu hơn; góp phần rèn luyện kĩ năng thực hành hóa học cho HS. Thí nghiệm hóa học còn có tác dụng phát triển tư duy, giáo dục thế giới quan duy vật biện chứng và củng cố niềm tin khoa học của HS, giúp hình thành những đức tính tốt của người lao động mới (Trần Thị Thu Huệ, 2012).
Vì vậy, khuynh hướng chung hiện nay cần tăng tỷ lệ giờ và nâng cao chất lượng các thí nghiệm hóa học trong trường phổ thông.
1.5.2.3. Quy trình tổ chức bài thực hành Bước 1: Chuẩn bị.
GV chuẩn bị hóa chất, dụng cụ đầy đủ; Thiết kế kế hoạch dạy học với các câu hỏi tư duy, liên quan nội dung thực hành và bài cũ HS đã học; Tổ chức chia nhóm.
HS trước khi vào phòng thực hành phải đọc kĩ nội dung, cách tiến hành các thí nghiệm trong bài; Chuẩn bị bài tường trình (ghi rõ tên thí nghiệm, hóa chất, dụng cụ cần có, cách tiến hành). HS nắm được phương pháp đánh giá, cho điểm của GV.
Bước 2: Tiến hành thí nghiệm
Sau khi kiểm tra sự chuẩn bị bài ở nhà của HS (để đảm bảo các em nắm được nội dung bài thực hành), GV tổ chức cho các nhóm tiến hành các thí nghiệm trong bài.
Trong quá trình thực hành, GV thường xuyên theo dõi nhằm uốn nắn thao tác thực hành đúng cho HS.
Lưu ý: Có thể tiến hành lần lượt từng thí nghiệm một, tức là: kiểm tra sự chuẩn bị thí nghiệm 1 của HS rồi cho HS thực hành ngay lúc đó, xong thí nghiệm 1 mới chuyển sang thí nghiệm 2 theo trình tự như thí nghiệm 1. Tuy nhiên, cách làm này mất nhiều thời gian hơn (vì phải đảm bảo tất cả các nhóm hoàn thành thí nghiệm này mới chuyển sang thí nghiệm khác) và bất tiện trong một số thí nghiệm liên quan nhau có trong bài. Vì vậy, GV nên kiểm tra sự chuẩn bị toàn bài của HS, sau đó tổ
chức cho HS thực hành thí nghiệm để tiết kiệm thời gian (các thành viên trong nhóm có thể giúp đỡ nhau, mỗi HS thực hiện một thí nghiệm sẽ nhanh hơn) và có thể linh động trong thực hiện những vẫn đảm bảo đầy đủ các thí nghiệm trong bài.
Bước 3: Tổng kết
Các thí nghiệm kết thúc, GV yêu cầu HS nêu hiện tượng mà nhóm thu được, giải thích một vài thí nghiệm tiêu biểu, trả lời những câu hỏi liên quan thí nghiệm và hoàn thành bài tường trình ngay tại lớp. Gv giúp HS chốt lại kiến thức trọng tâm, nhận xét, đánh giá.
Các nhóm vệ sinh sạch sẽ khu vực thực hành của nhóm mình. GV quan sát, kiểm tra công tác thực hành trên lớp, kết hợp bài tường trình để đánh giá, cho điểm HS theo nhóm và cá nhân nổi trội.
1.5.2.3. Những lưu ý để dạy học thực hành thí nghiệm đạt hiệu quả
Đối với thí nghiệm biểu diễn, GV cần lựa chọn thí nghiệm phù hợp nội dung bài học, có tính trực quan cao, số lượng thí nghiệm vừa phải. Có thể sử dụng thí nghiệm để định hướng kiến thức hoặc để kiểm tra giả thuyết nêu ra. GV cần phối hợp thí nghiệm với lời giảng để tăng hiệu quả dạy học.
Đối với bài thực hành: GV cần nghiên cứu kĩ mục tiêu, nội dung bài thực hành, những thông tin có thể khai thác từ các thí nghiệm; nắm rõ cách tiến hành, lường trước những khó khăn có thể xảy ra đối với HS. Trước buổi thực hành, GV cần chuẩn bị đầy đủ dụng cụ, hóa chất; HS cần nắm rõ cách tiến hành và trang bị một số kiến thức liên quan đến thí nghiệm. Trong giờ thực hành, GV phải sát sao và nghiêm túc trong tổ chức thực hiện, phải xây dựng một nếp làm việc khoa học, chặt chẽ, khuyến khích HS hoạt động tìm tòi nâng cao hiệu quả tiết thực hành.