các chất cụ thể về sau. GV cần thiết kế nhiệm vụ phù hợp để HS hoạt động hợp tác ở nội dung này.
Yêu cầu cơ bản đối với HS khi học hóa hữu cơ là viết đúng công thức cấu tạo và gọi đúng tên chất. So với công thức và danh pháp của các chất vô cơ thì công thức và danh pháp của các chất hữu cơ gây cho HS nhiều khó khăn khi tiếp thu hơn. Công thức cấu tạo của hợp chất hữu cơ thường dài và phức tạp hơn hợp chất vô cơ. Mặt khác một hợp chất hữu cơ có thể được gọi theo tên thay thế, tên thường hoặc tên gốc chức… Mỗi cách gọi lại tuân theo một qui luật riêng, nên HS dễ bị nhầm lẫn, khó áp dụng. Vì vậy khi thiết kế nhiệm vụ hợp tác GV nên chú trọng cho HS rèn luyện hai nội dung này.
Trong khi dạy học, GV nên tạo ra mối liên hệ giữa các chất hữu cơ với các chất vô cơ HS đã học như: so sánh các khái niệm (axit vô cơ và axit cacboxylic, phản ứng oxi hóa khử trong hữu cơ), cách gọi tên dẫn xuất halogen có phần giống cách gọi tên muối halogen hoặc cách gọi tên muối của axit cacboxylic tương tự cách gọi tên các muối vô cơ… Nhờ mối liên hệ đó, HS tìm được sự liên tục giữa các kiến thức và sẽ dễ tiếp thu, dễ nhớ hơn.
Việc nghiên cứu các loại chất hữu cơ cụ thể cần xuất phát từ sự phân tích thành phần cấu tạo phân tử (đặc điểm liên kết hóa học, các nguyên tử, nhóm nguyên tử đặc trưng), phân tích ảnh hưởng của các nguyên tử, nhóm nguyên tử trong phân tử đến khả năng phản ứng, loại phản ứng, cơ chế phản ứng, các dạng sản phẩm tạo ra… Trong khi nghiên cứu loại chất mới, GV nên sử dụng dạng bài tập so sánh hoặc bài tập phân loại, cho HS tìm ra điểm giống, khác nhau giữa chất đang nghiên cứu với những chất hữu cơ đã học, để HS rút ra mối liên hệ giữa các chất hữu cơ giúp các em nắm chắc hơn đặc trưng của từng chất.