lực hợp tác của học sinh
Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến sự hình thành và phát triển NLHT của HS như gia đình và xã hội (môi trường sống), nhà trường và lớp học (môi trường học tập) và chính bản thân các em. Trong dạy học, GV là một trong những yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến NLHT và sự phát triển NLHT của HS.
2.3.1.1. Môi trường sống
Môi trường xã hội: Ngày nay, việc đánh giá năng lực con người ngoài việc dựa vào hiệu quả công việc độc lập, còn dựa vào khả năng làm việc nhóm, hợp tác với người khác để hoàn thành nhiệm vụ của cá nhân đó. Do đó, mỗi người cần học tập, rèn luyện để đạt được chuẩn mực chung của xã hội.
Môi trường gia đình: Đây là cái nôi giáo dục có ảnh hưởng lớn đến NLHT và sự phát triển NLHT của mỗi người.
- Các bậc phụ huynh cần trang bị cho các em ngay từ nhỏ những kiến thức xã hội cần thiết, dạy cách sống hòa đồng, sống có trách nhiệm. Đây sẽ là cơ sở ban đầu rất cần thiết cho sự hình thành và phát triển NLHT ở các em.
- Tạo không khí gia đình phù hợp cho sự phát triển NLHT. Mọi thành viên trong gia đình yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau, chia sẻ công việc cùng nhau.
- Khuyến khích và tạo điều kiện cho con trẻ được tham gia các hoạt động cùng bạn bè. Khi trẻ chơi với bạn, gia đình có thể quan sát và chỉ dẫn cách chơi. Khi các con có mâu thuẫn, bố mẹ cần giúp con phân tích tìm nguyên nhân, giúp con mạnh dạn bày tỏ ý kiến bản thân với đối phương để làm sáng tỏ vấn đề; cần tránh những trường hợp xô xát để giải quyết mâu thuẫn.
Mặt khác, với những gia đình mà sự quan tâm chỉ thể hiện bằng vật chất, trẻ không được chỉ dẫn cách sống hòa đồng thì dần dần trẻ dễ trở nên thụ động, co mình lại trong lớp vỏ bọc khiến trẻ cảm thấy cô độc và mất dần khả năng hợp tác. Hay có những gia đình chỉ tập trung ôn luyện cho con em mình kiến thức sách vở mà quên đi phần kiến thức xã hội, kĩ năng sống, điều đó, tạo áp lực lớn cho trẻ, tăng tính cạnh tranh và giảm sự hợp tác, sự chia sẻ giữa con người với con người.
Quan niệm xã hội về NLHT như là chuẩn mực mà con người cần hướng đến. Truyền thống gia đình, sự giáo dục của bố mẹ là nền tảng cho sự hình thành phát triển NLHT ở trẻ.
2.3.1.2. Môi trường học tập
Nhà trường có vai trò chủ đạo trong định hướng và tổ chức các hoạt động dạy học và giáo dục HS. Nhà trường và GV không nên tạo áp lực nặng nề về tâm lí như điểm số, vấn đề thi cử, những mục tiêu cần đạt được; tất cả vô tình đẩy cao tính cạnh tranh giữa các em và làm cho sự hợp tác mất dần đi. Điều đó không chỉ ảnh hưởng đến NLHT mà còn ảnh hưởng đến những khía cạnh năng lực khác như sự thấu hiểu, sự sáng tạo….
Vì vậy, chúng ta hãy xây dựng cho HS một môi trường giáo dục đầy tính hợp tác để không chỉ phát triển NLHT mà còn phát triển các năng lực cần thiết khác.
2.3.1.3. Đặc điểm học sinh
Mỗi HS có những đặc điểm riêng, vì vậy sự hình thành và phát triển NLHT ở mỗi em là không giống nhau.
- Tính cách ảnh hưởng đến thái độ của HS khi làm việc theo nhóm. Những HS hướng ngoại thường cảm thấy thích thú khi được tương tác với bạn, thích trao đổi ý kiến, giúp đỡ bạn bè. Điều đó giúp các em dễ hòa nhập vào nhóm, tìm kiếm sự giúp đỡ cũng như chia sẻ những kiến thức của mình với người khác. Người hướng ngoại
dễ bị những yếu tố bên ngoài tác động và đôi khi khả năng kiềm chế bản thân trong quá trình giải quyết mâu thuẫn phát sinh còn hạn chế. Ngược lại, người hướng nội thường thích làm việc độc lập. Những em này thường có khả năng phân tích vấn đề khá tốt và thích làm việc theo nguyên tắc. Người hướng nội thường gặp khó khăn trong quá trình hòa nhập, tìm tiếng nói chung với các thành viên khác.
- Trình độ học vấn, hệ thống kĩ năng, kĩ xảo, kinh nghiệm của mỗi HS cũng ảnh hưởng đến NLHT. Nếu HS có nhận thức tốt thì đó là điều kiện thuận lợi cho việc tham gia vào hoạt động, các em tự tin hơn trong giao tiếp. Nếu nhận thức của HS hạn chế, các em sẽ gặp khó khăn trong việc tham gia đóng góp ý kiến, từ đó dễ tự ti vào bản thân rồi rời xa tập thể.
- Vấn đề tâm lí lứa tuổi ảnh hưởng không nhỏ đến NLHT của HS. Ở độ tuổi vị thành niên (15 – 18 tuổi), nhu cầu thể hiện, tự khẳng định bản thân tăng mạnh. Tuy nhiên vẫn còn một số HS cảm thấy mặc cảm, tự ti về bản thân, do đó các em ít giao tiếp và tham gia các hoạt động chung, dần dần mất dần khả năng hợp tác.
Như vậy, điều quan trọng là gia đình và GV phải tìm cách phát huy những điểm mạnh của mỗi em HS, thúc đẩy lòng ham học để các em tự tin hơn, thể hiện bản thân mình nhiều hơn trong cuộc sống và trong học tập. Đồng thời, cần truyền đạt, rèn luyện cho HS về NLHT để các em có thể làm việc, hòa nhập với bạn bè tốt hơn.
2.3.1.4. Năng lực giáo viên
Trong dạy học, GV tổ chức các hoạt động nhằm mục tiêu phát triển năng lực toàn diện cho HS nói chung và NLHT nói riêng. Vì vậy, GV phải có nhận thức đúng đắn về giá trị của sự hợp tác và sự cần thiết phải phát triển NLHT cho HS.
- GV cần nâng cao kĩ năng thiết kế và tổ chức hoạt động học tập để tổ chức các hoạt động hiệu quả, có mục đích. GV phải đầu tư công sức, thời gian mới có thể thực hiện bài lên lớp với vai trò là người gợi mở, động viên, cố vấn, trọng tài trong các hoạt động tìm tòi, sáng tạo, tranh luận của HS. Trong dạy học hóa học, GV cần tăng cường các hoạt động nhóm, yêu cầu HS tiến hành các thí nghiệm hóa học để tăng sự va chạm giữa HS – HS, góp phần phát triển NLHT cho HS.
- GV phải có trình độ chuyên môn sâu rộng, có trình độ sư phạm lành nghề mới có thể tổ chức, hướng dẫn các hoạt động của HS. Bởi nhiều khi diễn biến trên lớp nằm ngoài dự kiến của GV.
Do đó, GV cần không ngừng tự bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và tham gia các lớp tập huấn cho GV về PPDH phát triển NLHT cho HS.