SỰ CẦN THIẾT PHẢI THIẾT LẬP TUYẾN ĐƯỜNG SẮT LÊN ĐÀ LẠT

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) lịch sử tuyến đường sắt răng cưa tháp chàm đà lạt (1898 1945) (Trang 30 - 33)

V. BỐ CỤC CỦA KHÓA LUẬN

2.2. SỰ CẦN THIẾT PHẢI THIẾT LẬP TUYẾN ĐƯỜNG SẮT LÊN ĐÀ LẠT

Có thể nói rằng, từ khi biết tới cao nguyên Lâm Viên như một nơi lý tưởng để thiết lập viện điều dưỡng dành cho người Pháp, Toàn quyền Paul Doumer đã dự tính về việc xây dựng đường sắt lên nơi đây từ năm 1898.

“Người châu Âu sau một vài giờ đi tàu từ Sài Gòn lên đây, khí hậu nơi này sẽ gợi nhớ cho họ lại khí hậu của nước Pháp. Họ sẽ rời khỏi cái nóng của vùng thấp để đi lên Langbian. Họ sẽ được nghỉ ngơi, xua đi cái mệt mỏi và trở lại công việc mà không mất nhiều thời gian và chi phí”(8).

Vai trò quan trọng của tuyến đường sắt này đã thể hiện ngay trong bản kế hoạch xây dựng đường sắt Đông Dương bằng đoạn Sài Gòn – Khánh Hòa – Langbian. Một khi đã kết nối được với Sài Gòn bằng đường sắt, Đà Lạt hoàn toàn có thể cho phép người Pháp suy trì sự hiện diện ở Đông Dương, vì vậy Paul Doumer cho rằng “cần phải thiết lập tuyến đường bộ và đường sắt trước khi có sự phát triển quan trọng nào trên trạm nghỉ dưỡng này” [10; 122].

Cũng ngay trong năm 1898, bác sĩ Yersin đã tiên liệu về vai trò của tuyến đường sắt rằng: “Trên Langbian, người Âu sẽ tìm thấy một khí hậu nhắc nhở họ về nước Pháp, chỉ cách Sài Gòn vài giờ tàu hỏa” [10; 138].

Như vậy, vai trò to lớn của tuyến đường sắt tương lai dẫn lên cao nguyên Lâm Viên đã được xác định từ rất sớm và đã thôi thúc nhà cầm quyền thực dân Pháp lúc bấy giờ quyết tâm thực hiện. Tuyến đường sắt sau khi được xây dựng hoàn thành sẽ có thể phục vụ đắc lực mục đích giúp người Pháp tiếp cận với Đà Lạt một cách dễ dàng và nhanh chóng, tạo điều kiện giao thông thuận lợi để xây dựng nơi đây trở thành một “thiên đường trốn nóng” của người Pháp và là một “vườn ươm” nòi giống Pháp ngay tại thuộc địa Đông Dương.

Bên cạnh đó, cao nguyên Lâm Viên từ những ngày đầu thực hiện triển khai xây dựng là miền sơn cước hoang vu mới vừa được biết tới và là một “vùng đất hứa” cần được xây dựng từ đầu, nên việc tiếp cận nơi này không hề dễ. Mặc dù đường bộ là loại hình giao thông đầu tiên được xây dựng dẫn lên cao nguyên, nhưng với tính chất phức tạp của địa hình nên ban đầu chỉ mới làm được đường mòn và vận chuyển bằng la thồ hoặc bằng sức người. Về sau này, mặc dù đường bộ được phát triển hơn, kết nối Đà Lạt trực tiếp với nhiều nơi hơn, nhưng đường bộ lại có nhược điểm là phương tiện giao thông không thể để vận chuyển một lúc với khối lượng lớn và nhanh như đường sắt, trong bối cảnh Đà Lạt đang cần một nguồn nhân lực và vật lực khổng lồ để xây dựng. Hơn nữa, đường sắt là phương tiện giao thông an toàn hơn so với đường bộ, vì tàu hỏa là phương tiện được thiết kế chỉ chạy trên một đường ray ấn định và được ưu tiên khi đi cắt ngang giao điểm với đường bộ.

Chính vì vậy, vai trò của đường sắt dẫn lên cao nguyên Lâm Viên một lần nữa cho người Pháp nhận thấy đây là sự lựa chọn tối ưu và cần thiết phải được xây dựng để thực hiện những tham vọng của mình đối với Đà Lạt.

TIỂU KẾT CHƯƠNG 2

Tuyến đường sắt răng cưa Tháp Chàm – Đà Lạt là một công trình vô cùng tốn kém, khó khăn và phức tạp, do việc phải xây dựng trên địa hình không hề thuận lợi, kỹ thuật mới và tốn một nguồn kinh phí khổng lồ. Quyết tâm về việc xây dựng thành công tuyến đường này đã cho thấy tầm quan trọng vô cùng lớn lao của nó đối với người Pháp những ngày đầu xây dựng Đà Lạt trở thành viện điều dưỡng trên núi. Về sau, tuyến đường sắt này còn có vai trò vô cùng lớn, giúp vận chuyển nhân lực và vật lực từ miền xuôi lên để xây dựng và phát triển nơi này, để rồi ở thời kỳ hoàng kim phát triển 1940 – 1945, Đà Lạt đã thật sự trở thành thủ phủ của Đông Dương.

Có thể khẳng định rằng, trong thời kỳ lịch sử 1897 – 1945, sự phát triển nhảy vọt của Đà Lạt có mối quan hệ gắn bó mật thiết với tiến trình xây dựng, kết nối, kéo dài Tuyến đường sắt răng cưa Tháp Chàm – Đà Lạt. Kể từ năm 1932, khi tuyến đường sắt đã hoàn tất xây dựng và đưa vào khai thác, nguồn đầu tư cho Đà Lạt từ Nam Kỳ ngày càng tăng do điều kiện giao thông đã trở nên thuận lợi. Đặc biệt, khi toàn tuyến Hà Nội – Sài Gòn đã hoàn tất kết nối bằng đường sắt vào năm 1936, Đà Lạt lại có thêm một bước phát triển nhanh về mọi mặt, dân số tăng nhanh, nhiều công trình lớn được đầu tư xây dựng và nhiều cơ quan quan trọng của chính quyền thuộc địa Đông Dương cũng được chuyển về đây. Ở thời kỳ hoàng kim phát triển của mình, dù trong thời gian ngắn ngủi nhưng Đà Lạt đã hội tụ những yếu tố của một thủ phủ Đông Dương, Toàn quyền Đông Dương Jean Decoux đã gần như chuyển về nơi này để làm việc và sinh sống, người đứng đầu các xứ và vua Bảo Đại cũng thường xuất hiện ở đây.

Từ tầm nhìn ban đầu của Toàn quyền Paul Doumer, tuyến đường sắt này dù không dài nhưng là một tuyến đường vô cùng quan trọng, góp phần phục vụ đắc lực cho công cuộc cai trị và khai thác Đông Dương của thực dân Pháp, có vai trò then chốt đối với sự phát triển của Đà Lạt đi tới biến nơi này trở thành thủ phủ Đông Dương.

CHƯƠNG 3. LỊCH SỬ XÂY DỰNG VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA TUYẾN ĐƯỜNG

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) lịch sử tuyến đường sắt răng cưa tháp chàm đà lạt (1898 1945) (Trang 30 - 33)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(77 trang)