dạy học Vật lí ở trường phổ thông
Theo Nguyễn Ngọc Hưng (2016), Thí nghiệm Vật lí với dụng cụ tự làm từ chai nhựa và vỏ lon, việc giao cho HS nhiệm vụ thiết kế, chế tạo dụng cụ thí nghiệm đơn giản có tác dụng trên nhiều mặt, góp phần nâng cao chất lượng nắm vững kiến thức,
phát triển năng lực hoạt động trí tuệ - thực tiễn độc lập và sáng tạo của HS. Do được tự tay chế tạo và sử dụng các dụng cụ thí nghiệm để tiến hành các thí nghiệm, giải thích hoặc tiên đoán các kết quả thí nghiệm, đòi hỏi HS phải huy động các kiến thức Vật lí đã học, vì vậy các em nắm kiến thức chính xác, sâu sắc và bền vững hơn. Kiến thức không chỉ được củng cố mà còn được mở rộng, đào sâu và hệ thống hóa. Mặc dù đã có các thiết bị chế tạo sẵn được cung cấp trong phòng thí nghiệm nhà trường, nhưng các thiết bị này đôi khi có một số nhược điểm như: sự hiện đại của nó che lấp bản chất Vật lí của hiện tượng xảy ra, hoặc với sự hiện đại của nó, HS chỉ cần thực hiện thao tác rất đơn giản, không đòi hỏi kĩ năng thực nghiệm và sự sáng tạo để cải tiến dụng cụ, hơn nữa các thiết bị được cung cấp sẵn trong phòng thí nghiệm thường rất xa lạ với cuộc sống, trong khi dụng cụ thí nghiệm đơn giản tự thiết kế và chế tạo lại khắc phục được những nhược điểm đó. Lịch sử phát triển của Vật lí cho thấy: những phát minh cơ bản thường gắn với các dụng cụ thí nghiệm đơn giản. Việc chế tạo các dụng cụ thí nghiệm đơn giản và tiến hành các thí nghiệm với chúng làm tăng hứng thú học tập, kích thích tính tích cực và sáng tạo của HS. Nhiệm vụ thiết kế, chế tạo các dụng cụ thí nghiệm đơn giản và tiến hành thí nghiệm với chúng làm tăng hứng thú học tập, tạo niềm vui của sự thành công trong học tập, phát huy năng lực của HS. GV có thể cá thể hóa quá trình học tập của HS bằng cách giao cho các đối tượng HS khác nhau những nhiệm vụ chế tạo và tiến hành thí nghiệm với mức độ khó dễ, nông, sâu và mức độ hướng dẫn khác nhau. Ngoài ra, dụng cụ thí nghiệm đơn giản tự làm còn có ưu điểm là phục vụ rất kịp thời và đắc lực cho việc đổi mới nội dung và phương pháp dạy học, nâng cao hiệu quả dạy học, thậm chí của từng giờ học.