thí nghiệm
Khi tham gia HĐNK, HS sẽ được giao nhiệm vụ có liên quan đến chế tạo và tiến hành thí nghiệm Vật lí. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ HS sẽ tự mình trải nghiệm nhiều giai đoạn khác nhau, mỗi giai đoạn, sẽ có những vấn đề khó khăn riêng, bằng cách nào đó, HS sẽ tìm cách vượt qua những khó khăn đó để đi đến kết quả sau cùng. Cụ thể, thông qua các buổi thảo luận hoặc hoạt động nhóm ngoại khóa, HS sẽ huy động những kiến thức đã học để tìm căn cứ cho thí nghiệm, rồi từ đó thiết kế phương án. Các phương án do HS tự thiết kế chắc chắn sẽ có những phương án bị lệch lạc, thậm chí sai hoặc không liên quan gì đến thí nghiệm, nhưng theo thời gian dưới sự hỗ trợ của GV, cũng có thể là do nỗ lực của bản thân HS, các sai sót này sẽ từng bước được khắc phục. HS sẽ có một số kinh nghiệm và sự hiểu biết ở mức độ nhất định làm nền tảng cho những bước tiếp theo. Từ đó, các thành tố NLTN được hình thành và phát triển.
Ngoài ra, do đăng ký trên tinh thần tự nguyện, không có áp lực về điểm số và thi cử, HS sẽ có tâm lí thoải mái, từ đó có thể phát huy tính sáng tạo, có thể nghĩ ra nhiều phương án thiết kế cho thí nghiệm. Dưới sự dẫn dắt của GV, HS sẽ phân tích được những ưu và nhược điểm của các dụng cụ, từ đó HS có thể từng bước lựa chọn được phương án tối ưu, để cuối cùng bộ thí nghiệm có thể hoạt động hiệu quả nhất.
Khi tham gia HĐNK, HS sẽ chủ động hơn trong việc sử dụng các dụng cụ thí nghiệm cơ bản như khóa, biến thế nguồn, pin, acquy, đèn … . Đó là những dụng cụ rất thân thuộc cả trong chương trình chính khóa đến trong thực tế đời sống, nhưng các em ít khi có cơ hội trực tiếp sử dụng. HĐNK về chế tạo và tiến hành thí nghiệm sẽ giúp các em sử dụng thành thạo các dụng cụ trên.
Khi nhận nhiệm vụ chế tạo thí nghiệm trong HĐNK, các em sẽ ngược dòng thời gian để tìm hiểu lịch sử ra đời, quá trình hình thành và cả những ứng dụng của bộ thí nghiệm, điều đó giúp các em có cái nhìn tổng quát và sâu rộng, làm cho kiến thức đã học gần gũi hơn với thực tế, khắc phục được quan điểm “trừu tượng” khi học Vật lí mà rất nhiều HS mắc phải.
Không những thế, HĐNK là cơ hội để các em có thể giao lưu trao đổi kiến thức không những với các bạn trong nhóm, ngoài nhóm mà với cả GV, người mà các em ít khi có dịp trao đổi trong giờ nội khóa với nhiều lí do khác nhau như áp lực chương trình, áp lực công việc. HS sẽ có cơ hội trải nghiệm lại con đường mà chính GV đã từng trải nghiệm, GV sẽ cung cấp cho các em những kinh nghiệm, những bí quyết để vượt qua các khó khăn và có thể tạo ra một dụng cụ hoạt động tốt. Những điều đó chỉ có thể có khi các em tham gia HĐNK về chế tạo và tiến hành thí nghiệm.
Nói tóm lại, HĐNK về chế tạo và tiến hành thí nghiệm là một sân chơi dành cho những ai yêu thích bộ môn Vật lí, môn khoa học thực nghiệm. Vì có sự yêu thích nên HS có thể tự giác tham gia, tự giác tìm tòi, tự giác suy nghĩ mà không cần phải nhắc nhở như học trong giờ nội khóa. HĐNK vừa giúp các em giao lưu, mở rộng kiến thức, kinh nghiệm, vừa giúp các em tạo ra mối quan hệ thân thiết với các bạn, với GV bộ môn. Chính tất cả những điều trên, sẽ dễ dàng hơn đối với GV để bồi dưỡng NLTN cho các em mà không phải chịu một áp lực nào. Hay nói khác đi, GV có thể bồi dưỡng được NLTN cho HS thông qua HĐNK về chế tạo và tiến hành thí nghiệm.