Theo Nguyễn Quang Đông (2006), Phương pháp tổ chức hoạt động ngoại khóa Vật lí, HĐNK có những tác dụng sau:
Tác dụng giáo dục
HĐNK góp phần giáo dục tính tổ chức, tính kế hoạch, tinh thần làm chủ và hợp tác trên cơ sở những hoạt động thực tế. Ngoại khóa được thực hiện cơ bản dựa trên sự tự nguyện, tự giác của HS cộng với sự giúp đỡ của GV sẽ động viên HS nỗ lực để giải quyết vấn đề đặt ra.
HĐNK làm cho quá trình dạy học Vật lí thêm phong phú đa dạng và dễ hiểu, làm cho việc học tập của HS thêm hứng thú và sinh động, tạo cho HS lòng hăng say yêu lao động, đó là điều kiện để phát triển những năng lực ở HS.
Tác dụng giáo dưỡng
HĐNK góp phần củng cố, bổ sung kiến thức cho HS. Thông qua HĐNK, kiến thức HS thu nhận sẽ sâu sắc hơn. Trong khi tiến hành HĐNK, HS tự mình nghiên cứu, tự mình tìm hiểu vấn đề nên HS có thể phát huy tính sáng tạo, phát triển trí lực …
Vì điều kiện thời gian, trong chương trình nội khóa có những phần GV không giới thiệu hết được. Nếu phần này được bổ sung bởi HĐNK thì HS sẽ được mở rộng kiến thức. HS có thể thu nhận kiến thức này dưới nhiều hình thức như hoạt động nhóm, câu lạc bộ Vật lí, hội thi, hội vui …
Tác dụng giáo dục kỹ thuật tổng hợp, định hướng nghề nghiệp
Qua HĐNK, HS được rèn luyện một số kỹ năng như: tập nghiên cứu một vấn đề, thuyết minh trình bày trước đám đông, tập sử dụng những dụng cụ, thiết bị thường gặp trong đời sống, những máy móc từ đơn giản đến hiện đại. Qua đó sẽ nảy nở tình cảm nghề nghiệp ở HS và bước đầu có ý thức nghề nghiệp mà HS có thể chọn trong tương lai.
HĐNK là điều kiện thuận lợi để GV có thể thử nghiệm các phương pháp dạy học
Qua HĐNK GV có điều kiện tốt để thực hiện và kiểm tra các kết quả nghiên cứu của mình, GV nắm vững khả năng, tâm lí của HS nên hiệu quả thử nghiệm sẽ cao hơn.
1.3.4. Nội dung ngoại khóa Vật lí
Nội dung ngoại khóa phải bổ sung, củng cố, đào sâu, mở rộng các kiến thức trong chương trình khi học nội khóa. Theo Nguyễn Thị Hoa, (2017), Tổ chức hoạt động ngoại khóa “Tiến hành thí nghiệm về từ trường với dụng cụ tự chế tạo từ vỏ lon và chai nhựa” theo hướng phát huy tính tích cực và phát triển năng lực sáng tạo của học sinh lớp 11, nội dung ngoại khóa Vật lí ở trường phổ thông rất đa dạng nhưng có thể chia thành hai nội dung chính: lí thuyết và thực nghiệm. Cụ thể đó là các nội dung như:
- Nghiên cứu lí thuyết: Nghiên cứu những kiến thức lí thuyết về Vật lí và kĩ thuật.
- Nghiên cứu thực nghiệm: Nghiên cứu những ứng dụng của Vật lí trong đời sống, kĩ thuật và thiết kế, chế tạo dụng cụ và làm thí nghiệm Vật lí với dụng cụ đã chế tạo.
Xuất phát từ đặc điểm nội dung kiến thức Vật lí có tính trừu tượng, khó hiểu nhưng có nhiều ứng dụng trong thực tiễn mà trong chương trình nội khóa chưa
nghiên cứu hết được do điều kiện thời gian hay phương tiện dạy học, GV có thể chọn một nội dung thích hợp để tổ chức HĐNK. Mặt khác, những nội dung ngoại khóa được GV lựa chọn phải hấp dẫn, mới mẻ để thu hút được đông đảo HS tự nguyện tham gia.