các NHTM tại Việt Nam
1.3.3.1 Nhu cầu dịch vụ Ngân hàng điện tử
Sự phát triển và hội nhập của Việt Nam trong những năm gần đây không chỉ được nhận thấy ở tốc độ phát triển kinh tế mà còn có thể nhận thấy được trong phong cách tiêu dùng, thanh toán của người dân Việt Nam. Trên nền tảng công nghệ thông tin, đặc biệt là internet, hoạt động thương mại điện tử ở Việt Nam đã có sự phát triển mạnh mẽ. Trong vòng mười năm trở lại đây, tỷ lệ sử dụng Internet tại Việt Nam có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực. Theo những số liệu chính thức thu thập được, 31% dân số Việt Nam có truy cập Internet và mỗi năm có thêm khoảng 2-3 triệu người truy cập Internet. Hình thức mua bán hàng hóa và dịch vụ qua các website thương mại điện tử hiện nay cũng khá phổ biến. Đến nay, đã có rất nhiều doanh nghiệp, tổ chức bán hàng hóa dịch vụ qua website thương mại điện tử, đi đầu là các doanh nghiệp trong lĩnh vực hàng không, du lịch, siêu thị,.. .Theo kết quả điều tra của Bộ Công thương cuối năm 2009 cho thấy, gần như 100% doanh nghiệp được điều tra đã tổ chức triển khai ứng dụng thương mại điện tử ở nhiều quy mô và mức độ khác nhau và phát triển trên hầu khắp các tỉnh thành cả nước. Nhờ đó, nhu cầu về các dịch vụ Ngân hàng điện tử đang ngày càng phát triển mạnh mẽ và là động lực thúc đẩy các NHTM Việt Nam không ngừng ứng dụng công nghệ ngân hàng hiện đại trong việc cung ứng dịch vụ đáp ứng nhu cầu của KH trong thời gian qua.
Dịch vụ tài khoản cá nhân của hệ thống NHTM phát triển khá nhanh. Số lượng tài khoản cá nhân tăng trung bình mỗi năm 130%-150% về số lượng tài khoản và 120% về số dư. Do vậy, năm 2004 mới chỉ có 3 NHTM cung cấp dịch vụ Internet Banking cho KH đến năm 2008 đã tăng lên 24 ngân hàng và hiện nay hầu hết các NHTM đều tham gia cung cấp dịch vụ này cho KH. Mobile Banking xuất hiện ở Việt Nam vào năm 2003, đến nay dịch vụ này đã phát triển tại nhiều NHTM với nhiều chức năng và tiện ích mới.
Trong tương lai, tháp dân số vàng của Việt Nam với 56,3% dân số đang trong độ tuổi lao động, tầng lớp trung lưu và dân cư đô thị tăng lên nhanh chóng cùng quá trình đô thị hóa sẽ trở thành đối tượng KH tiềm năng rất lớn của dịch vụ Ngân hàng điện tử. Không những thế, nền kinh tế Việt Nam hiện cũng đã vượt qua ngưỡng thu nhập trung bình (trên 1000USD/người/năm) và theo đánh giá của các chuyên gia thuộc công ty nghiên cứu thị trường hàng đầu của Mỹ Research&Markets thì Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng khoảng 18,5% trong giai đoạn từ nay đến năm 2014. Những yếu tố đó đang mở ra một tương lai phát triển mạnh mẽ của thị trường dịch vụ Ngân hàng điện tử thời gian tới và cơ hội kinh doanh cho những NHTM biết tận dụng đầu tư khai thác mảng dịch vụ này ngay từ hôm nay.
Như vậy, tóm lại nhu cầu về dịch vụ Ngân hàng điên tử xuất phát từ nhu cầu của các đối tượng KH, NHTM và các nhà cung cấp
❖Nhu cầu của KH
Đứng trên quan điểm của các cá thể kinh tế đóng vai trò là KH sử dụng dịch vụ NHTM, họ đều có nhu cầu về sự tiện lợi, an toàn, tin cậy, thời sự và nhiều lúc còn mang tính phong trào. Dịch vụ Ngân hàng điện tử ra đời và phát triển hoàn toàn có thể đáp ứng được những nhu cầu cơ bản đó của KH. Không những thế, Ngân hàng điện tử còn góp phần đem lại hiệu quả vật chất cho chính những người sử dụng dịch vụ.
❖ Nhu cầu của các NHTM
Do nhu cầu kinh doanh của các NHTM, mà trước hết là nhu cầu về huy động vốn, đặc biệt là các nguồn vốn giá rẻ, họ luôn tìm cách đáp ứng được nhu cầu của KH bằng cách cung ứng ra thị trường nhiều dịch vụ mới. Ngân hàng điện tử cũng là một trong số các dịch vụ mà các ngân hàng luôn tìm tòi, triển khai nhằm tận dụng nguồn tiền gửi thanh toán với lãi suất không kỳ hạn.
❖ Nhu cầu của các nhà cung cấp
Các nhà cung cấp dịch vụ là cầu nối giữa các NHTM và KH như: Các công ty viễn thông, các công ty cung cấp dịch vụ cần thanh toán... Những nhà cung cấp đó có đủ năng lực vê công nghệ, và với sự chuyên môn hoá trong ngành nghề kinh doanh họ luôn tìm cách triển khai nhiều dự án nhằm tận dụng nguồn KH của ngân hàng nhằm mang lại thu nhập từ thu dịch vụ. Ngân hàng điện tử là một trong những dịch vụ nằm trong tầm ngắm của các công ty này.
1.3.3.2 Xu hướng phát triển dịch vụ Ngân hàng điện tử
Thông qua nghiên cứu về tiền đề phát triển dịch vụ Ngân hàng điện tử và nhu cầu của thị trường, chúng ta có thể khẳng định Ngân hàng điện tử đang có nhu cầu ngày càng cao, từ hầu như tất cả các thành phần kinh tế. Nhu cầu này ngày càng được phát triển cả về số lượng và chất lượng. Cụ thể:
❖ Xu hướng phát triển dịch vụ Phone-banking
Dịch vụ Phone-banking có xu hướng nhằm vào các đối tượng KH ở nông thôn, các quận/huyện ngoại thành, các cụ già đã nghỉ hưu... những người thường xuyên sử dụng điện thoại cố định và không thích sử dụng công nghệ.
Dịch vụ Phone-banking có xu hướng phát triển dưới dạng các tổng đài hỗ trợ (Contact-Center). Theo đó, KH chỉ cần gọi điện đến số tổng đài và nghe theo các chỉ dẫn giao dịch một cách tự động, đơn giản.
Các dịch vụ triển khai qua Phone-banking có xu hướng tập trung đến các giao dịch truy vấn thông tin như số dư tài khoản, lịch sử giao dịch, địa điểm thanh toán... Không có xu hướng phát triển các giao dịch thanh toán qua Phone-banking.
❖ Xu hướng phát triển dịch vụ Internet-banking
Dịch vụ Internet-banking có xu hướng nhằm vào các đối tượng KH là sinh viên, những người trí thức, các thương gia, những người thường xuyên đi lại, thậm chí là những người đang sinh sống hay làm việc ở nước ngoài... Nhóm KH này thường xuyên sử dụng máy vi tính và am hiểu về công nghệ thông tin cũng như mạng Internet.
Dịch vụ Internet-banking có xu hướng phát triển dưới dạng các Website tổng hợp (cổng thông tin điện tử), trong đó có cả các mục về tin tức, thông tin tham khảo và cả các mục giao tiếp thanh toán với ngân hàng.
Các dịch vụ triển khai qua Internet-banking có xu hướng tập trung đến các giao dịch truy vấn thông tin về tài khoản, thực hiện các giao dịch thanh toán trong hay ngoài hệ thống ngân hàng với hạn mức nhỏ, các giao dịch thanh toán hoá đơn...
❖ Xu hướng phát triển dịch vụ Homebanking
Dịch vụ Homebanking có xu hướng nhằm vào các đối tượng KH các doanh nghiệp có lượng giao dịch với ngân hàng lớn. Các doanh nghiệp này mang lại lượng tiền gửi hoặc phí dịch vụ tương đối lớn cho ngân hàng.
Dịch vụ Homebanking có xu hướng phát triển dưới dạng các phần mềm bảo mật do ngân hàng cung cấp, cài tại trụ sở của doanh nghiệp sử dụng dịch vụ.
Các dịch vụ triển khai qua Homebanking có xu hướng tập trung đến các giao dịch thanh toán trong hay ngoài hệ thống ngân hàng với số lượng lớn, các yêu cầu vay tín dụng, mua bán ngoại tệ hay thanh toán các L/C...
❖ Xu hướng phát triển dịch vụ Mobile-banking
Dịch vụ Mobile-banking có xu hướng nhằm vào các đối tượng KH là sinh viên, những người trí thức, các thương gia, những người thường xuyên sử dụng điện thoại di động và có thể thao tác giao dịch trên điện thoại di động.
Dịch vụ Mobile-banking có xu hướng phát triển dưới dạng tin nhắn SMS (Short Message Service). Theo đó, KH gửi các yêu cầu giao dịch bằng tin nhắn SMS đến số tổng đài do ngân hàng cung cấp và chờ đợi kết quả trả lời từ tổng đài.
Các dịch vụ triển khai qua Mobile-banking có xu hướng tập trung đến các giao dịch truy vấn thông tin về tài khoản, thực hiện các giao dịch thanh toán trong hệ thống ngân hàng với hạn mức nhỏ, các giao dịch thanh toán hoá đơn tiền điện, nước, điện thoại...
❖ Xu hướng phát triển dịch vụ Thẻ
Dịch vụ thẻ có xu hướng tập trung vào tất cả các đối tượng KH như: doanh nghiệp, cán bộ công nhân, viên chức, doanh nhân, học sinh, sinh viên, người dân... nhưng đặc biệt được quan tâm là đối tượng các doanh nghiệp, người có thu nhập cao, doanh nhân thành đạt thường xuyên tiếp xúc với công nghệ hiện đại và xu hướng thanh toán tiện dụng.
Do vậy, xu hướng mà các NHTM hướng tới là phát triển thẻ thông minh (smartcard) trong tất cả các ngành dịch vụ như: các ứng dụng trong việc tự động thanh toán vé tàu điện, tiền điện, nước.. .Trong lĩnh vực Ngân hàng, liên minh thẻ EMV (Euro pay, MasterCard và Visa) được coi là nền tảng để nhiều ngân hàng đâu tư triển khai giải pháp phát hành thẻ thông minh.