Hoạt động ngân hàng số không chỉ căn cứ bởi số chi nhánh, ứng dụng hoặc trải nghiệm người dùng vì việc khởi chạy các ứng dụng dành cho thiết bị di động mới không nhất thiết phải chuyển một ngân hàng truyền thống sang một ngân hàng kỹ thuật số. Do đó, xác định mô hình cho ngân hàng số sẽ liên quan đến việc đổi mới kỹ thuật số của ngân hàng. Đây là vấn đề then chốt vì nó có sức lan tỏa đến các nhân tố ảnh hưởng liên quan và tác động vào
sự đảm bảo thành công khi triển khai mô hình đó. Nhìn từ các khía cạnh chuyển đổi từ mô hình ngân hàng truyền thống bao gồm từ hệ thống hạ tầng, back-office đến các kênh phân phối, sản phẩm dịch vụ cũng như phương thức quảng bá thì có thể phân chia ngân hàng số thành một số mô hình cơ bản:
Hình 1.2 : Một số mô hình ngân hàng số trên thế giới
(Nguồn: Suman Kumar Chandra, 2017) Mô hình thứ nhất (model A): Thương hiệu ngân hàng số
Nhiều ngân hàng truyền thống lâu đời với đầy đủ các dịch vụ nhận định khó có thể tiếp cận nhóm khách hàng trẻ, đồng thời họ cũng không muốn làm thay đổi hình ảnh với các khách hàng hiện hữu của họ. Đối với mô hình này, việc thiết lập một thương hiệu mới thông qua việc thiết kế các
sản phẩm, chính sách bán hàng và quảng bá thu hút phân khúc khách hàng trẻ là một chiến lược an toàn. Mô hình này về cơ bản được nhìn nhận như một ngân hàng số kiểu mới, tuy nhiên các ngân hàng này sẽ tận dụng tối đa các nguồn lực, hệ thống hạ tầng, back-office, kênh phân phối,...của chính ngân hàng mẹ bất cứ khi nào có thể. Ví dụ: FRANK của OCBC tại Singapore và LKXA của CaixaBank ở Tây Ban Nha.
Mô hình thứ hai (model B): Kênh phân phối ngân hàng số
Nâng cao hơn mô hình đầu tiên, ngân hàng số theo mô hình này nhấn mạnh đến trải nghiệm người dùng và coi đó là yếu tố quan trọng để có thể đạt được thành công, bằng cách cung cấp các ứng dụng trực tuyến và di động mới tập trung vào trải nghiệm của khách hàng. Mô hình này này thường sử dụng lại văn phòng và giấy phép hoạt động ngân hàng truyền thống hiện có, sau đó họ xây dựng và phát hành sản phẩm và dịch vụ với giao diện người dùng nâng cao, hoàn toàn khác với sản phẩm dịch vụ ngân hàng hiện hữu đang có. Ví dụ: Simple và Moven ở Mỹ.
Mô hình thứ ba (model C): Ngân hàng số như một công ty con
Các ngân hàng lớn với tư duy đổi mới toàn diện đã thấy rằng các hệ thống ngân hàng hiện tại của họ quá lớn và cồng kềnh trong chặng đường chuyển đổi. Do đó họ thành lập một công ty con trực thuộc như một mô hình ngân hàng độc lập với toàn bộ hệ thống từ back-end đến front-end và hoàn toàn tách khỏi ngân hàng mẹ. Ví dụ: Hello Bank của BNP Paribas, First Direct của HSBC.
Mô hình thứ tư (model D): Ngân hàng số thuần thúy
Mô hình này xây dựng giá trị sản phẩm hoàn toàn dựa trên nền tảng cốt lõi công nghệ số. Một số ngân hàng được xây dựng theo mô hình này có thể không tồn tại bất kì chi nhánh vật lý nào. Khách hàng của các ngân hàng sẽ
tương tác với ngân hàng chủ yếu thông qua các kênh kỹ thuật số. Ví dụ: Ngân hàng Fidor của Đức, Tangerine của Canada.
1.2.4 - Chỉ tiêu đánh giá phát triển ngân hàng số
Tăng trưởng khách hàng hoạt động
Đối với ngân hàng số, với sự phát triển của công nghệ thông tin hiện đại, các khách hàng được cung cấp nhiều dịch vụ tiện ích. Khi khách hàng đến giao dịch tại các ngân hàng có dịch vụ hiện đại, họ sẽ cảm thấy thoải mái hơn, vui vẻ hơn, vì họ sẽ được ngân hàng đáp ứng nhu cầu của mình một cách nhanh nhất, giúp họ tiết kiệm được thời gian để làm những công việc quan trọng khác.
Tăng trưởng khách hàng trực tuyến
Ngân hàng hiện đại chú trọng đầu tư và phát triển mạnh nền tảng công nghệ và dịch vụ ngân hàng số coi đây như một trong những mảng chiến lược để nâng cao tính cạnh tranh, thu hút khách hàng khi mà lượng người dùng Internet tại Việt Nam đang ngày càng tăng.
Tăng trưởng khách hàng số
Nằm trong lượng khách hàng trực tuyến, khách hàng số là một bộ phận sử dụng các dịch vụ ngân hàng số nói chung. Trong giao dịch truyền thống các giao dịch thực hiện bên ngoài lãnh thổ thường phức tạp và gây nhiều khó khăn, phiền toái cho khách hàng. Nhưng với dịch vụ ngân hàng số, khách hàng khi đi công tác ở ngoài lãnh thổ Việt Nam vẫn có thể thực hiện các giao dịch một cách bình thường.
Giá trị thương hiệu của sản phẩm số
Bên cạnh việc đầu tư áp dụng công nghệ hiện đại, đa dạng hóa sản phẩm, nhiều ngân hàng còn nâng cao chất lượng phục vụ cũng như tung ra những chương trình chăm sóc khách hàng thân thiết nhằm tăng trưởng số lượng khách hàng, đối với các sản phẩm ngân hàng số, do tính khó định hình
một cách cụ thể nên việc xây dựng sản phẩm có đặc trưng và giá trị nhận biết riêng biệt là vô cùng cần thiết.
1.2.5 - Tầm quan trọng của phát triển ngân hàng số đến sự phát triển
NHTM
Hiện tại, sự phát triển của ngân hàng số trong hệ thống ngân hàng nói chung đang ở mức xu thế. Có nghĩa là, ngân hàng số chưa phải là yếu tố cốt lõi trong cách thức hoạt động của các ngân hàng thương mại, mô hình ngân hàng truyền thống vẫn đang đóng vai trò chủ đạo và đem lại lợi nhuận chủ yếu cho các ngân hàng. Nhưng thực tế cho thấy, nhờ sự phát triển của công nghệ số đã giúp xóa bỏ rào cản về khoảng cách không gian, thời gian và địa lý, từ đó cho phép các NHTM có thể cung cấp những sản phẩm, dịch vụ với chi phí thấp hơn và tạo điều kiện cho nhiều khách hàng dễ dàng tiếp cận hơn. Theo dòng chảy của sự phát triển thì việc hướng tới các dịch vụ ngân hàng hiện đại và dựa vào nền tảng số là điều tất yếu. Vì vậy, các NHTM không thể đứng ngoài cuộc chơi công nghệ số khi mà số hóa trong hoạt động ngân hàng ngày càng trở nên phổ biến. Từ chỗ là mô hình mang tính tham khảo và bắt kịp xu thế, phát triển ngân hàng số trở thành một trong những chiến lược trọng tâm của các NHTM.
Theo đó, đóng góp quan trọng nhất của phát triển ngân hàng số chính là nhờ việc ứng dụng các công nghệ số hóa trong quá trình tương tác với khách hàng (front-end) nhằm mang tới cho khách hàng một trải nghiệm xuyên suốt với đầy đủ các hệ thống an ninh và xác thực; đồng thời ứng dụng công nghệ số hóa trong các quy trình xử lý giao dịch và nội bộ (back-end) nhằm tối ưu hóa hiệu suất hoạt động của ngân hàng. Ngân hàng số sẽ giúp nâng cao trải nghiệm khách hàng thông qua việc tăng tiện ích của sản phẩm, dịch vụ; giảm thời gian giao dịch và chi phí đi lại. Đồng thời các ngân hàng sẽ tiết kiệm được chi phí vận hành và hoạt động thông qua việc tự động hóa quy trình ở
mức tối đa, giúp tiết kiệm chi phí nhân viên, chi phí thuê văn phòng,... từ đó, giúp tăng biên độ lợi nhuận của các ngân hàng.
Xét trên bình diện rộng hơn, với khả năng lan tỏa và bao phủ rộng lớn, sự phát triển của ngân hàng số sẽ giúp nâng cao khả năng tiếp cận các sản phẩm và dịch vụ tài chính như giao dịch, thanh toán, tiết kiệm,. tới đại bộ phận dân chúng, thúc đẩy tiến trình Tài chính toàn diện (Financial Inclusion). Tỷ lệ Tài chính toàn diện trên toàn cầu trong thời gian qua đã tăng trưởng nhanh chóng nhờ sự phát triển của các công ty công nghệ tài chính (Fintech). Theo Ngân hàng Thế giới, tính tới tháng 6/2017, ước tính có thêm 679 triệu người trưởng thành trên toàn thế giới đã sở hữu ít nhất một tài khoản ngân hàng, phấn đấu đạt 1 tỷ người năm 2020. Sự phát triển của ngân hàng số sẽ giúp hiện thực hóa mục tiêu này do ngân hàng số có khả năng mở rộng đối tượng khách hàng ra các khu vực mà các chi nhánh ngân hàng truyền thống chưa tới được. Khi một hệ sinh thái số trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng được tạo lập và ngày càng mở rộng, không chỉ khách hàng, các NHTM, mà bất cứ chủ thể nào trong hệ sinh thái trên đều hưởng lợi.
Như vậy, trước lợi ích lớn của việc ứng dụng công nghệ số, cùng với nhu cầu sử dụng các sản phẩm dịch vụ có yếu tố công nghệ ngày càng cao của khách hàng, đặc biệt là thế hệ am hiểu và ưa chuộng công nghệ, việc phát triển ngân hàng số là một xu thế tất yếu mà bất kỳ ngân hàng nào cũng cần phải chú trọng ngay từ bây giờ và đưa vào chiến lược trong tương lai.