3.1.2.1 - Đánh giá về cơ hội
Nhờ có sự phát triển kỹ thuật số, quá trình hiện đại hoá đã mang lại cho các ngân hàng truyền thống cơ hội tiếp cận thông minh, gia tăng thêm mức độ hài lòng và sự trung thành của khách hàng, thúc đẩy mối quan hệ lâu dài và tạo ra những cơ hội mới. Theo thống kê của McKinsey từ năm 2015, tác động ảnh hưởng của công nghệ số mang lại lợi nhuận ròng của ngân hàng dao động trong khoảng 43% - 48%, trong khi thách thức đối với lợi nhuận của ngân hàng dao động trong khoảng là 29% -36%. Điều đó cho thấy, vai trò của số hóa với hoạt động của ngân hàng là không hề nhỏ.
Công nghệ số không chỉ có sức lan tỏa lớn mà còn làm thay đổi phương thức hoạt động của các tổ chức tài chính truyền thống, thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng của khách hàng và gia tăng lợi nhuận cho ngân hàng. Giải pháp công nghệ số hiện đại đang tạo ra cuộc cách mạng trên thị trường tài chính nói chung và việc cung cấp các sản phẩm dịch vụ ngân hàng nói riêng.
VPBank với vị thế của một trong những ngân hàng bán lẻ hàng đầu, cùng với đó là ngân hàng triển khai sớm nhất dịch vụ ngân hàng số góp phần phát triển hệ sinh thái ngân hàng số tại Việt Nam. So với dịch vụ ngân hàng truyền thống, dịch vụ ứng dụng công nghệ số giúp ngân hàng tạo ra sự khác biệt. Nó không chỉ giúp tiết giảm chi phí, mà quan trọng hơn còn giúp khách hàng tiếp cận các sản phẩm dịch vụ ngân hàng của VPBank một cách dễ dàng hơn. Từ đó gia tăng lợi nhuận cần thiết để phục vụ những phân khúc khách hàng ngày càng rộng lớn.
3.1.2.2 - Nhận định về thách thức
Bên cạnh những khía cạnh tích cực thì việc chuyển đổi mô hình hoạt động sang ngân hàng số cũng đặt ra những thách thức nhất định. Các ngân hàng phải đối diện với bài toán quản lý phức tạp nếu không nhận diện một
cách đầy đủ và có biện pháp quản lý hiệu quả các rủi ro trong quá trình hoạt động. Một số khó khăn, thách thức mà VPBank cũng như nhiều ngân hàng gặp phải khi triển khai ngân hàng số:
(i) Đảm bảo an toàn, bảo mật thông tin
Về phía ngân hàng, khi chuyển đổi hoạt động sang mô hình ngân hàng số đồng nghĩa với việc áp dụng phương thức cung cấp dịch vụ trên nền tảng công nghệ mới, do đó mô hình quản lý cũng phải thay đổi để thích nghi, ví dụ:
- Quản trị từ xa qua môi trường mạng, không làm việc tại văn phòng; - Đa dạng dịch vụ trực tuyến, hỗ trợ kết nối đa phương tiện;
- Cấu trúc và vai trò của các bộ phận cấu thành của tổ chức phải đáp ứng được yêu cầu linh hoạt, hiệu quả trong quản lý rủi ro.
Việc phát triển đa dạng dịch vụ kéo theo hệ thống CNTT phải mở rộng, đòi hỏi cấu trúc hệ thống CNTT ngày càng đa dạng, phức tạp, tích hợp nhiều loại thiết bị, sản phẩm khác nhau (hệ thống máy chủ, phần mềm hệ thống, cơ sở dữ liệu, thiết bị truyền thông và an ninh,...). Bên cạnh đó, việc cung cấp dịch vụ ngân hàng số trên môi trường mạng internet hiện nay gặp nhiều thách thức về tội phạm công nghệ cao. Vì vậy hạ tầng ứng dụng CNTT cho ngân hàng số nếu không được quản lý, kiểm soát chặt chẽ sẽ dễ bị mất an toàn nếu bất cứ thành phần nào có lỗ hổng bảo mật hoặc năng lực tổ chức quản lý kém, không am hiểu đầy đủ về đặc tính của mô hình dịch vụ mới.
Về phía khách hàng của VPBank, hệ thống công nghệ thông tin dù hiện đại như thế nào đi chăng nữa thì cũng cần sự tương tác với con người trong việc cung cấp thông tin đầu vào. Một trong các rào cản lớn trong việc đảm bảo an toàn bảo mật khi cung cấp dịch vụ ngân hàng số tại Việt Nam đó là nhận thức về an toàn thông tin của người dùng trên môi trường mạng. Các sai sót trong quá trình tương tác không đúng với quy định hoặc vượt ngoài tầm
kiểm soát, sàng lọc thông tin đầu vào thiếu chặt chẽ sẽ dẫn đến mất an toàn cho hệ thống và cho khách hàng. Các chuyên gia quốc tế khi đánh giá đã cho rằng nhận thức đảm bảo an toàn, bảo mật thông tin của người dùng ngân hàng Việt Nam là khá thiếu hiểu biết và lỏng lẻo. Bởi vậy đã phát sinh nhiều vụ việc tin tặc đã lợi dụng sự bất cẩn của khách hàng để lừa đảo, đánh cắp thông tin đăng nhập hệ thống ngân hàng điện tử, mật khẩu một lần (OTP) để thực hiện hành vi đánh cắp tiền và các hành vi phạm pháp khác.
(ii)Thiếu hạ tầng xác thực khách hàng điện tử (eKYC/elD)
Ngoài yêu cầu về an toàn khi cung cấp dịch vụ ngân hàng số, các ngân hàng phải đảm bảo yếu tố thuận tiện cho khách hàng. Trong khi đó, thuận tiện luôn không song hành cùng với an toàn, do vậy cần có sự cân bằng giữa sự tiện lợi và an toàn trong việc cung cấp và sử dụng dịch vụ.
Với phương thức giao dịch truyền thống, khách hàng đến làm việc tại điểm giao dịch và tương tác với nhân viên của ngân hàng. Với mô hình ngân hàng số, dù áp dụng công nghệ hiện đại, đem lại thuận tiện cho khách hàng nhưng giao dịch giữa khách hàng và ngân hàng tại Việt Nam vẫn chưa từ bỏ cách thức xác thực mà giao dịch truyền thống đã áp dụng như trên. Cơ bản vẫn dựa trên việc xác thực các yếu tố có thuộc tính chỉ khách hàng có và duy nhất khách hàng sở hữu, ngoài ra có bổ sung thêm yếu tố xác thực thứ mà khách hàng biết như PIN, mật khẩu...
Hiện nay, giải pháp đang được nhiều ngân hàng hướng tới là sử dụng yếu tố sinh trắc học. Đây là giải pháp phù hợp với mô hình ngân hàng số và thuận tiện cho khách hàng. Tuy nhiên trở ngại trong việc xác thực khách hàng dựa trên yếu tố sinh trắc học cá nhân như khuôn mặt, mống mắt, vân tay, giọng nói tại Việt Nam vẫn chưa có một cơ sở dữ liệu tập trung, tin cậy để cung cấp cho các ngân hàng. Do đó, một trong các điều kiện quan trọng để phát triển mô hình ngân hàng số tại Việt Nam là đầu tư nghiên cứu và sớm
triển khai cơ sở dữ liệu tập trung về thông tin khách hàng cũng như giải pháp xác thực khách hàng điện tử.
(iii) Cơ sở pháp lý chưa hoàn thiện
Trước sự phát triển rất nhanh của công nghệ thông tin nhiều quy định không còn phù hợp và gây cản trở cho việc phát triển ứng dụng công nghệ cao trong ngành ngân hàng nói chung và việc triển khai ngân hàng số nói riêng.
Hiện nay, tại Việt Nam nền tảng xác thực giao dịch điện tử có tính chất pháp lý, mang tính quản lý nhà nước mới chỉ có quy định về chữ ký số. Trong khi đó việc sử dụng “chữ ký số” không phải lúc nào cũng thuận tiện, chẳng hạn khi khách hàng lần đầu đăng ký/sử dụng dịch vụ của ngân hàng số vì chữ ký số chỉ được cấp sau khi khách hàng đã đăng ký thành công sử dụng dịch vụ và chữ ký số buộc phải có thiết bị lưu trữ chuyên dụng, khách hàng phải luôn mang theo gây bất tiện. Bên cạnh đó, chưa có Luật về nhận dạng điện tử công dân, chưa có quy định và chưa có cơ quan chịu trách nhiệm trong việc cấp phát nhận dạng điện tử cho công dân cũng như cơ chế chia sẻ dữ liệu nhận dạng điện tử liên quan đến thủ tục hành chính, hoạt động kinh tế xã hội cho các tổ chức xã hội. Do đó, yêu cầu tối thiểu khi mở tài khoản và đăng ký sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử vẫn yêu cầu khách hàng phải đến các điểm giao dịch vật lý của ngân hàng.
(iv) Thiếu hụt nhân lực chất lượng cao
Mặc dù đã được quan tâm, chú trọng tăng cường cả về số lượng và chất lượng nguồn nhân lực CNTT thông qua các chính sách tuyển dụng, sử dụng, đào tạo và đã đáp ứng được cơ bản nguồn lực CNTT cho hoạt động của ngành ngân hàng trong thời gian qua, nhưng ngành ngân hàng vẫn phải đối mặt với những khó khăn về thiếu hụt nguồn nhân lực CNTT chất lượng cao, nhất là đội ngũ chuyên gia làm công tác an ninh thông tin. Sự thiếu hụt về nguồn lực dẫn đến công tác phát triển ứng dụng CNTT cũng như quản lý, kiểm soát an
toàn bảo mật không tương xứng với nhu cầu hoạt động của ngân hàng, không đảm bảo về an toàn bảo mật, dễ lúng túng, bị động trước những cuộc tấn công quy mô lớn, có tổ chức của tội phạm công nghệ cao.