Tại khu vực Châu Á nói chung và khu vực Đông Nam Á nói riêng, các ngân hàng đang chuyển mình tích cực để số hóa các quy trình hoạt động, nhằm nâng cao trải nghiệm khách hàng và cải thiện hiệu quả hoạt động. Ân Độ, Hàn Quốc và Singapore là những quốc gia tiên phong và dẫn đầu trong công cuộc số hóa ngân hàng. Một số các quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á cũng đang trong quá trình nghiên cứu, xây dựng các nền tảng nhằm thúc đẩy hoạt động ngân hàng số.
Ấn Độ
Ân Độ là một trong những quốc gia tích cực nhất trong cuộc chạy đua chuyển mình sang nền tảng công nghệ số của ngành tài chính - ngân hàng. Axis Bank là một ví dụ điển hình ngân hàng Ân Độ áp dụng công nghệ số trong dịch vụ ngân hàng, nổi bật với các giải thưởng như giải Công nghệ ngân hàng xuất sắc IDRBT năm 2016-2017, Ứng dụng công nghệ số tốt nhất được trao bởi IBA năm 2017, v.v... Axis Bank cung cấp đầy đủ các dịch vụ ngân hàng trên nền tảng số như mở tài khoản, chuyển khoản, thanh toán, đầu tư, ngoại hối, ví điện tử v.v. Với sự ứng dụng của công nghệ số vào quy trình hoạt động, Axis Bank không những cải thiện trải nghiệm của khách hàng mà còn giúp giảm chi phí hoạt động cho ngân hàng. Hiện tại Axis Bank là một trong những ngân hàng có tỷ lệ chi phí trên thu nhập (cost-to-income ratio) thấp nhất tại Ân Độ, đạt 39%.
Một trong những yếu tố hỗ trợ mạnh mẽ cho sự phát triển của Ngân hàng số tại Ân Độ là việc Chính phủ Ân Độ tích cực sửa đổi bổ sung luật cũng như xây dựng cơ sở dữ liệu trung tâm, làm nền tảng cho các ngân hàng triển khai ngân hàng số. Cụ thể, Ân Độ đã ban hành Đạo luật Aadhaar năm 2016, yêu cầu tất cả các công dân Ân Độ đăng ký thông tin cá nhân với Cơ quan nhận dạng quốc gia (UIDAI). Theo đó, mỗi công dân sẽ có một mã số gồm 12 chữ số được cấp bởi UIDAI, có lưu trữ dấu vân tay hoặc quét võng
mạc. Đồng thời, Ân Độ cũng ra Thông báo chính thức về việc sửa đổi lần 2 Luật Phòng Chống Rửa tiền ban hành ngày 1/6/2017, yêu cầu chủ tài khoản ngân hàng phải liên kết mã số Aadhaar của mình với tài khoản ngân hàng. Việc triển khai áp dụng Aadhaar trên toàn quốc đã diễn ra nhanh chóng và hiệu quả. Tính tới tháng 8/2017, đã có trên 500 triệu mã Aadhaar được liên kết với hơn 700 triệu tài khoản ngân hàng.
Nhờ vào cơ sở dữ liệu công dân tập trung, quy trình nhận biết và xác minh thông tin khách hàng (KYC) tại Ân Độ có cơ sở để số hóa và chuyển thành KYC điện tử (eKYC). Đây cũng là cơ sở để Ngân hàng Trung Ương Ân Độ chấp nhận quy trình eKYC của các tổ chức tài chính tại quốc gia này. Hiện tại, quy trình eKYC tại Ân Độ đã được đơn giản hóa, chỉ dựa vào cuộc gọi hình ảnh trực tuyến (video conference), mã số định danh Aadhaar và dấu vân tay/võng mạc được lưu trữ tại UIDAI. Tính tới thời điểm hiện tại đã có khoảng 900 triệu mã Aadhaar, mỗi mã ứng với một công dân Ân Độ và gần
3,5triệu giao dịch eKYC sử dụng mã số Aadhaar được thực hiện tại 234 cơ quan xác nhận eKYC được cấp phép (KUA), bao gồm các ngân hàng, tổ chức
tín dụng và Cơ quan chính phủ.
Hàn Quốc
Là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển công nghệ số nhanh nhất thế giới, Hàn Quốc cũng không hề chậm chân trong cuộc đua số hóa ngân hàng với sự ra mắt của Kakao Bank . Trong vòng 1 tháng đầu tiên, Kakao Bank đã thu hút 3 triệu người dùng, với lượng tiền gửi lên tới 2 nghìn tỷ won (tương ứng với 1,78 tỷ đô) và cho vay tới 1,8 nghìn tỷ won. Kakao Bank cung cấp các dịch vụ cơ bản như các ngân hàng truyền thống, từ mở tài khoản, chuyển khoản qua Kakao Talk - một ứng dụng phần mềm tin nhắn trên điện thoại có chung công ty mẹ với Kakao Bank, cho vay nợ tín dụng và cho tiểu thương vay. Sức hấp dẫn của Kakao đến từ quy trình mở tài khoản dễ
dàng, lãi vay thấp, lãi tiền gửi cao, và phí chuyển khoản nước ngoài thấp. Ngoài ra, Hàn Quốc có tăng trưởng vô cùng nhanh chóng về số lượng người sử dụng điện thoại và sử dụng 3G/4G. Tính tới cuối năm 2016 có tổng cộng 61 triệu người sử dụng điện thoại tại Hàn Quốc, trong đó gần 52 triệu người có 3G/4G. Với những điều kiện thuận lợi như vậy, dự kiến lượng khách hàng sử dụng Kakao Bank sẽ còn tăng trưởng hơn nữa.
Quy trình định danh khách hàng của Kakao Bank khá khác biệt với các ngân hàng truyền thống. Theo đó, khách hàng không cần phải tới gặp trực tiếp nhân viên của Kakao Bank khi mở tài khoản như các ngân hàng truyền thống. Trong trường hợp khách hàng đã có sẵn tài khoản với một ngân hàng khác, khách hàng có thể lựa chọn cung cấp thông tin về tài khoản đó cho Kakao Bank, Kakao Bank sẽ chuyển khoản một số tiền rất nhỏ, 1 won, tới tài khoản được cung cấp với nội dung chuyển tiền là mã xác nhận. Khách hàng sẽ nhập mã xác nhận này vào ứng dụng trên điện thoại của Kakao Bank để hoàn thành quy trình định danh. Đối với trường hợp khách hàng chưa từng mở tài khoản tại bất kỳ ngân hàng nào tại Hàn Quốc, khách hàng có thể lựa chọn thực hiện cuộc gọi video với nhân viên của Kakao Bank sau khi gửi bản sao của thẻ định danh qua email hoặc qua ứng dụng để hoàn tất quá trình định danh. Với đặc trưng là ngân hàng trực tuyến toàn phần, Kakao Bank không phải duy trì các phòng giao dịch vật lý với số lượng đội ngũ nhân viên lớn, nhờ đó mà Kakao có thể cung cấp dịch vụ cho khách hàng mọi lúc, mọi nơi trên nền tảng số một cách nhanh chóng, với lãi suất và phí cạnh tranh hơn các đối thủ ngân hàng truyền thống. Trung bình, khách hàng mất từ 3 đến 7 phút để mở một tài khoản tại Kakao Bank và khoảng 60 giây cho một khoản vay 2.600 đô. Lãi vay tại Kakao Bank thấp hơn từ 0,5-2,7% trong khi lãi tiền gửi cao hơn từ 0,2-0,9% so với các ngân hàng truyền thống. Khách hàng của Kakao Bank có thể chuyển khoản nội địa và rút tiền tại 11,4 triệu ATM trên toàn quốc không
mất phí và chuyển khoản ra nước ngoài với mức phí chỉ bằng 1/10 mức phí đang áp dụng tại các ngân hàng truyền thống.
Trên thực tế, Ngân hàng số cũng là một mảng khá mới tại Hàn Quốc, do đó chưa có luật cụ thể về việc thành lập cũng như quản lý các ngân hàng số toàn phần như Kakao Bank. Việc thành lập sẽ được Cơ quan quản lý tài chính Hàn Quốc (FSS) xét duyệt theo từng trường hợp và theo nhu cầu của thị trường. Các hoạt động của ngân hàng số toàn phần hiện vẫn đang tuân theo quy định được đặt ra cho các ngân hàng truyền thống. Mặc dù vậy, việc ra đời một ngân hàng số toàn phần như Kakao Bank cũng đã cho thấy Chính phủ Hàn Quốc đang rất tích cực trong nỗ lực thúc đẩy đẩy sự phát triển ngân hàng số tại quốc gia này.
Một số quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á Singapore
Tại Đông Nam Á, Singapore là quốc gia dẫn đầu trong lĩnh vực ngân hàng số. Một ví dụ điển hình đó là ngân hàng số Digibank, thuộc ngân hàng DBS. Digibank cung cấp hơn 150 dịch vụ ngân hàng trực tuyến, cho phép kiểm tra số dư trên tài khoản, chuyển khoản trong và ngoài nước, xem sao kê, mở tài khoản, đăng ký nộp đơn mở thẻ tín dụng, thanh toán, đầu tư v.v.. .Năm 2017, Digibank được Global Finance trao giải ngân hàng số cho người tiêu dùng tốt nhất khu vực Châu Á Thái Bình Dương và Singapore, giải ngân hàng số sáng tạo nhất và giải ứng dụng ngân hàng điện thoại tốt nhất khu vực Châu Á Thái Bình Dương v.v.Khách hàng có thể đăng ký mở tài khoản Digibank ngay trên ứng dụng điện thoại bằng cách cung cấp mã định danh và ngày sinh. Là một thành viên thuộc ngân hàng DBS - một trong bốn ngân hàng được tham gia vào chương trình thử nghiệm cho phép ngân hàng có quyền truy cập hệ thống dữ liệu cá nhân quốc gia MyInfo để xác thực định danh khách hàng, Digibank/DBS có thể định danh khách hàng một cách nhanh chóng ngay sau
khi khách hàng cung cấp mã số định danh. MyInfo là hệ thống dữ liệu cá nhân quản lý tập trung mới được Singapore xây dựng gần đây, các dữ liệu được lưu trữ bao gồm mã định danh, tên tuổi, ngày sinh, nơi sinh địa chị cư trú, tình trạng cư trú, v.v... Dự kiến tới cuối năm nay, toàn bộ 3,3 triệu người sử dụng Singpass, một cổng thông tin điện tử liên kết với hàng trăm dịch vụ điện tử cung cấp bởi 60 cơ quan nhà nước được triển khai từ năm 2003, sẽ được tự động đăng ký vào MyInfo.
Về hành lang pháp lý, Chính phủ Singapore tích cực ủng hộ sự phát triển của ngân hàng số. Cơ quan quản lý tiền tệ Singapore (MAS) cho ra mắt Khung thử nghiệm pháp lý (Regulatory Sandbox) cho phép đăng ký thử nghiệm các sản phẩm công nghệ tài chính. Qua đó, các ngân hàng và các công ty công nghệ tài chính (Fintech) có thể đăng ký với MAS khi muốn triển khai thử nghiệm các công nghệ mới mà không quá lo ngại về vấn đề tuân thủ các quy định hiện hành. Ngoài ra, MAS còn có thể ủng hộ bằng cách giảm bớt một số quy định ngặt nghèo cho sản phẩm trong thời gian thử nghiệm. Sau khi thử nghiệm thành công, các công ty Fintech hoặc các ngân hàng sẽ phải hoàn toàn tuân thủ với các quy định do MAS ban hành. Tất cả các sản phẩm mà các công ty Fintech hoặc các ngân hàng đang tiến hành thử nghiệm đều được công khai trên trang web của MAS để công chúng đều biết đến.
Ngoài ra, MAS đóng một vai trò rất tích cực trong việc cung cấp hỗ trợ tài chính và hoàn thiện các văn bản pháp luật để tạo điều kiện cho Singapore nhanh chóng thích nghi với tốc độ phát triển của các công nghệ tài chính. Giữa năm 2015, MAS công bố sẽ đầu tư khoảng 166 triệu USD trong vòng 5 năm để thúc đẩy sáng tạo công nghệ trong lĩnh vực tài chính. Ngoài ra, Singapore cũng ban hành thêm một số thông tư hướng dẫn thắt chặt quản lý và giảm thiểu rủi ro trong quy trình KYC, như hướng dẫn quản lý rủi ro liên quan đến việc rửa tiền và cung cấp tài chính cho hoạt động khủng bố ban
hành tháng 6/2017 yêu cầu các ngân hàng xây dựng quy trình, quy chế về phân loại mức độ rủi ro và xác thực danh tính khách hàng.
Indonesia
Indonesia đã triển khai thẻ định danh điện tử (e-KTP) từ năm 2011, lưu trữ các thông tin cá nhân của công dân như là mã số định danh 16 số, dấu vân tay, võng mạc đã được mã hóa, ảnh và dữ liệu nhân khẩu. e-KTP có hai phương thức để xác thực danh tính. Mã số định danh được dùng để xác thực danh tính trực tuyến còn dấu vân tay được dùng để xác thực trực tiếp. Theo đó, quy trình định danh khách hàng được đơn giản hóa nhờ dữ liệu từ e-KTP và sự cho phép của chính phủ đối với việc sử dụng chữ ký điện tử. Ví dụ tiêu biểu của ngân hàng sử dụng e-KTP cho quá trình định danh khách hàng là ngân hàng điện tử Digibank của DBS tại Indonesia. Theo đó, khách hàng chỉ cần e-KTP và dấu vân tay để mở một tài khoản tại đây từ ứng dụng điện thoại.
Philippines
Là một quốc gia với dân số trên 100 triệu người, Philippines cũng rất đề cao tầm quan trọng của việc có 1 hệ thống dữ liệu thông tin cá nhân hợp nhất trên nền tảng số. Từ năm 2010, Philippines đã triển khai hệ thống định danh hợp nhất cho nhiều mục đích (UMID) cho phép người dân đăng ký theo hai phương thức xác thực danh tính trực tiếp hoặc trực tuyến. Đối với phương thức trực tiếp, việc xác thực sẽ được thực hiện tại trung tâm đăng ký, còn với phương thức trực tuyến sẽ dựa vào việc đồng nhất thông tin trên thẻ và chủ thẻ. Trong quá trình xác thực, thông tin sinh trắc học được thu thập từ máy scan dấu vân tay sẽ được kiểm tra đối chiếu với thông tin trên thẻ hoặc tại cơ sở dữ liệu trung tâm. Do UMID vẫn chưa được phổ biến rộng rãi vì khó tích hợp vào các hệ thống, sau 6 năm triển khai, mới có 8% dân số Philippines được đăng ký qua phương thức này. Vì vậy năm 2014, Hạ viện Philippines đã thông qua dự luật thành lập hệ thống định danh toàn quốc (FID) nhằm mục
đích hợp nhất tất cả các hệ thống định danh từ trước đến nay để có một hệ thống hoàn chỉnh và hiệu quả.
Thái Lan
Tháng 8 năm 2016, Ngân hàng Trung Ương Thái Lan (BOT) ban hành Thông báo SorNorSor. 7/2559 khuyến khích sử dụng KYC trên nền tảng số (ekYC) để mở tài khoản tiền gửi và nhận tiền từ công chúng. Thông báo này cũng nêu rõ yêu cầu quy trình eKYC phải đạt tiêu chuẩn giống như KYC và chỉ dành cho các khách hàng cá nhân sử dụng các thiết bị điện tử như máy tính, điện thoại hay các thiết bị điện tử khác. Tuy nhiên, trước khi triển khai eKYC, các ngân hàng và tổ chức tài chính phải nhận được sự chấp thuận của BOT. Đến thời điểm hiện tại, các ngân hàng Thái Lan còn khá dè dặt trong việc triển khai eKYC do còn đang trong giai đoạn nghiên cứu, tìm kiếm giải pháp công nghệ phù hợp. Do đó, chưa có ngân hàng Thái Lan nào chính thức đưa eKYC vào sử dụng. PromptPay là sản phẩm ví điện tử được triển khai bởi BOT từ năm 2016, cho phép các cá nhân và tổ chức chuyển khoản nhanh chóng và dễ dàng sử dụng số điện thoại hoặc mã số định danh cá nhân thay vì số tài khoản ngân hàng. Trong giai đoạn đầu tiên, PromptPay mới chỉ thực hiện được các giao dịch thanh toán ngang hàng (P2P), sau đó mới triển khai tới đối tượng khách hàng doanh nghiệp. Trong tương lai gần, chính phủ Thái Lan hy vọng sẽ có thể sử dụng PromptPay cho các lợi ích xã hội, trợ giúp tài chính, và hoàn thuế cho công dân. Để đăng ký PromptPay, người dân cần cung cấp thông tin số tài khoản, số điện thoại hoặc mã định danh. Mỗi số điện thoại hoặc mã định danh sẽ chỉ gắn với 1 số tài khoản ngân hàng. Việc đăng ký có thể tiến hành tại các chi nhánh ngân hàng, ATM, dịch vụ ngân hàng trên điện thoại hoặc Internet. Với việc triển khai PromptPay, chính phủ Thái Lan kỳ vọng sẽ khuyến khích nhân dân sử dụng các dịch vụ ngân hàng, giảm bớt
chi tiêu bằng tiền mặt, tăng hiệu quả và độ chính xác, giảm bớt gánh nặng chi phí cho hệ thống thanh toán và tăng khả năng cạnh tranh của đất nước.