Bài học kinh nghiệm của một số nước trong xuất khẩu thủy sản

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tiềm năng xuất khẩu thủy sản việt nam sang thị trường các nước thuộc hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên thái bình dương (CPTPP) (Trang 40 - 44)

Phần II NỘI DUNG NGHIÊN CỨU

1.2. Cơ sở thực tiễn

1.2.5. Bài học kinh nghiệm của một số nước trong xuất khẩu thủy sản

1.2.5.1. Kinh nghiệm từ Thái Lan

Thủy sản là 1 trong những mặt hàng đứng đầu thế giới về giá trị xuất khẩu. Thủy sản của Thái Lan được đánh giá là 1 đầu mối quan trọng trong thương mại thủy sản toàn cầu. Sản phẩm xuất khẩu Thủy sản của Thái Lan chủ yếu là sản phẩm đã qua chế biến, chỉ một phần nhỏ là sản phẩm đông lạnh, cá tươi nguyên con, cá sống, thủy sinh khác.

- Người dân Thái Lan luôn luôn chú trọng việc đảm bảo các tiêu chuẩn quốc tế về an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, tính toàn vẹn môi trường, trách nhiệm xã hội và nội quy lao động. Để giảm chi phí sản xuất, ngành thủy sản nước này cũng tiến hành nghiên cứu thêm về các công thức nuôi trồng thủy sản, phát triển hệ thống chứng nhận tiêu chuẩn nuôi trồng và cải thiện kết quả xét nghiệm.

- Mối quan hệ 4 nhà: nhà nước, nhà khoa học, nhà nông và thương nhân luôn phối hợp với nhau chặt chẽ và hài hòa về lợi ích làm cho sản xuất ổn định, có hiệu quả và giữ được giá cả sản phẩm.

- Chính phủ dành nhiều ưu đãi về vốn, tăng cường bảo hiểm cho người nông dân, tìm kiếm thị trường tiêu thụ, đẩy mạnh hình thức hợp đồng “chính phủ với chính phủ” là khi giá thị trường thấp chính phủ bỏ tiền ra bao tiêu sản phẩm của nông dân.[6]

Theo thống kê mới nhất của Hiệp hội Thực phẩm Đông lạnh Thái Lan, tháng 1/2018, Thái Lan tiếp tục đẩy mạnh XK sang Mỹ, Nhật Bản và Việt Nam, trong đó, Mỹ là thị trường XK hàng đầu của tôm Thái Lan, chiếm 32,3% tổng XK. Tôm đông lạnh (HS 030617) chiếm tỷ trọng XK lớn nhất của các DN Thái Lan trong thời gian này tương đương 44,6% tổng giá trị XK. Ngoài ra, sản phẩm tôm chế biến (HS 160521) và tôm chế biến (HS 160529) cũng được gia tăng XK trong đầu năm 2018 sang 2 thị trường chính là Mỹ và Nhật Bản.

Năm 2017, Thái Lan xuất khẩu mặt hàng Tôm sang Mỹ đứng số 1 với giá trị là 829.666 nghìn USD đạt 43% so với giá trị xuất khẩu tôm ra thị trường Thế giới là 1.921.502 nghìn USD và sang thị trường Nhật là 453.816 nghìn USD đạt 23,6% so giá trị tôm xuất khẩu ra thế giới. Cả 2 thị trường Mỹ và Nhật chiếm 66,6% giá trị xuất khẩu Tôm của Thái Lan. [16]

1.2.5.2. Kinh nghiệm từ Indonesia

Nuôi trồng thủy sản là một thành phần quan trọng của ngành thủy sản Indonesia vì nó góp phần đảm bảo an ninh quốc gia thực phẩm, thu nhập tạo nhiều việc làm và thu nhập ngoại hối từ việc xuất khẩu các sản phẩm thủy sản.

Để đảm bảo sản phẩm thủy sản đạt chất lượng và có giá trị cao, Chính phủ Indonesia đã xây dựng Kế hoạch phát triển nuôi thủy sản theo hướng bền vững với các mục tiêu cụ thể như : (1) Tăng sản lượng nuôi trồng thủy sản để xuất khẩu, đặc biệt tập trung vào việc tăng cường lợi thế cạnh tranh thông qua việc phát triển và ứng dụng công nghệ hiệu quả và thân thiện với môi trường; (2) Phát triển các sản phẩm thủy sản phục vụ cho tiêu dùng trong nước, đặc biệt là tập trung vào tăng cường và củng cố cơ sở hạ tầng các vùng nuôi; (3) Thiết lập cơ chế để kiểm soát việc sản xuất, mua bán: thức ăn, hóa chất, chế phẩm sinh học và trang thiết bị phục vụ nuôi trồng thủy sản,…(4) Từng bước phát triển và cải thiện các vùng nuôi theo hướng bền vững (đất liền và trên biển); (5) Phát triển nghề nuôi trồng thủy sản theo hướng hàng hóa (ứng dụng khoa học kỹ thuật, mở rộng thị trường, thu hút đầu tư, đặc biệt đầu tư nước ngoài và tăng cường nguồn nhân lực,…); (6) phục hồi và cải thiện hệ thống phục vụ cho nuôi trồng thủy sản: điện, thủy lợi, hệ thống sản xuất giống, các phòng thí nghiệm,…Một số kết quả đạt được khả quan: Tốc độ tăng trưởng của ngành nuôi trồng thủy sản của Indonesia luôn ở mức tăng khoảng 9,34%/năm. Diện tích và sản lượng nuôi trồng thủy sản tăng nhanh, giá trị xuất khẩu thủy sản liên tục tăng từ 1.584,5 triệu USD (2000) lên đến 3.181,9 triệu USD (2014), chiếm 3% GDP của Indonesia. Chính những thành quả này đã đưa Indonesia trở thành quốc gia xuất khẩu thủy sản hàng đầu khu vực Châu Á chỉ sau Trung Quốc và Ấn Độ. [5]

1.2.5.3. Kinh nghiệm từ Trung Quốc

Trong việc nâng cao sản lượng xuất khẩu làm tăng kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc là thực hiện kế hoạch đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm nuôi dựa vào ưu thế vùng. Những sản phẩm xuất khẩu của Trung Quốc mang rõ đặc tính sản phẩm sản xuất theo vùng như sản phẩm tôm he xuất khẩu chủ yếu có nguồn gốc từ Quảng Đông, tôm thẻ chân trắng với tên Trung Quốc. Ngành chế biến thủy sản được đầu tư với quy mô lớn với những cơ sở chế biến lớn và hiện đại đã giúp cho các doanh nghiệp chế biến của Trung Quốc hoạt động có hiệu quả với chi phí sản xuất và lao động thấp.

Trung Quốc đang giành chiến thắng trong cuộc cạnh tranh giữa các nước châu Á để tiến tới là nước đứng đầu về sản xuất thủy sản.

Ba yếu tố chính đang giúp Trung Quốc trong các nỗ lực của mình: Một nỗ lực mở rộng nhanh chóng và được trợ cấp để xâm nhập vào các thị trường khu vực, cho phép đất nước bắt đầu cung cấp và dễ dàng bán sản phẩm giá trị gia tăng ở nước ngoài; Một nền kinh tế nội địa có tốc độ phục hồi đáng kể đã làm cho nhu cầu trong nước đối với hàng thủy sản ở mức cao; Và thị trường phức tạp của nó - và thường là thị trường bảo hộ, ngăn cản các công ty nước ngoài cạnh tranh bên trong Trung Quốc. Số liệu thương mại gần đây cho thấy thành công của Trung Quốc trong việc xuất khẩu thủy sản chế biến cho các nước Đông Nam Á. Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) là nước nhập khẩu thủy sản lớn nhất của Trung Quốc trong quý I năm 2017, với xuất khẩu thủy sản của Trung Quốc sang ASEAN tăng 32,6% về khối lượng và 7,9% về giá trị. Xuất khẩu thủy sản của Trung Quốc sang Philippines đã tăng lần lượt 53,8% và 25,9% về khối lượng và giá trị lên 61.000 tấn và 192 triệu USD (171,9 triệu EUR). Xuất khẩu thủy sản của Trung Quốc sang Malaysia tăng 33% lên 24.800 tấn, sang Indonesia tăng 476% lên 35.900 tấn trị giá 77 triệu USD (69 triệu EUR), tăng 407% so với cùng kỳ năm ngoái. [17]

1.2.5.4. Bài học kinh nghiệm từ các nước rút ra cho Việt Nam

- Thứ nhất, vấn đề an toàn hóa chất, kháng sinh phải được quan tâm tối đa để duy trì hình ảnh và bảo đảm khả năng cạnh tranh của thủy sản Việt Nam trên thị trường thế giới.

- Thứ hai, hoạt động truy xuất nguồn gốc cũng như chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (khai thác IUU) cần phải được tiến hành sớm để theo kịp tốc độ phát triển cũng như đòi hỏi của các thị trường nhập khẩu. Quan trọng hơn hết là phải có một hệ thống dữ liệu có khả năng truy xuất tốt nhất để đáp ứng các yêu cầu của thị trường xuất khẩu tạo ra được điểm khác biệt.

- Thứ ba, tập trung cải tiến và đưa công nghệ vào chế biến làm tăng thêm tỷ trọng giá trị gia tăng để đáp ứng yêu cầu cạnh tranh.

- Thứ tư, vấn đề con giống và quản lý dịch bệnh phải được đảm bảo.

- Thứ năm, mối liên kết 4 nhà “nhà nước, nhà khoa học, nhà nông và thương nhân” luôn phối hợp với nhau chặt chẽ và hài hòa về lợi ích làm cho sản xuất ổn định, có hiệu quả và giữ được giá cả sản phẩm.

Chương 2. PHÂN TÍCH TIỀM NĂNG XUẤT KHẨU THỦY SẢN VIỆT NAM SANG CÁC NƯỚC THUỘC HIỆP ĐỊNH ĐỐI TÁC

TOÀN DIỆN VÀ TIẾN BỘ XUYÊN THÁI BÌNH DƯƠNG (CPTPP)

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tiềm năng xuất khẩu thủy sản việt nam sang thị trường các nước thuộc hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên thái bình dương (CPTPP) (Trang 40 - 44)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(101 trang)