2.1.6.1Quản lí khai thuế
Để thực hiện quản lý thuế đòi hỏi cơ quan thuế phải quản lý được tình trạng kê khai thuế của người nộp thuế. Với cơ chế “tự khai, tự nộp, tự chịu trách nhiệm ”, DN phải chủ động thực hiện kê khai thuế với cơ quan thuế và tự xác định đúng nghĩa vụ thuế của mình.
Cơ quan thuế thực hiện quản lý khai thuế theo Quy trình quản lý khai thuế và Quy trình khai thuế điện tử. Cụ thể như sau:
- Quản lý NNT phải kê khai và nộp hồ sơ khai thuế đúng loại hồ sơ khai thuế, cập nhật đầy đủ hồ sơ khai thuế vào cơ sở dữ liệu đảm bảo trung thực, kịp thời, chính xác. Thực hiện tốt công tác nhận và xử lý hồ sơ khai theo đúng quy định. Thường xuyên rà soát hồ sơ khai thuế, đôn đốc NNT gửi hồ sơ khai thuế đảm bảo thời gian, đúng loại tờ khai phát sinh. Thông báo kịp thời các trường hợp NNT không nộp hồ sơ khai thuế hoặc yêu cầu NNT giải trình đối với các trường hợp hồ sơ khai không đúng số liệu đang theo dõi tại cơ quan thuế.
- Thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ NNT theo nhiều kênh thông tin để thực hiện các dịch vụ hỗ trợ cho NNT như: Khai thuế bằng phần mềm HTKK, iHTKK, nộp hồ sơ khai thuế qua mạng (KTQM), nộp thuế điện tử (NTĐT).
Để triển khai và đẩy nhanh tiến độ thực hiện khai thuế và nộp thuế điện tử, Cục Thuế tỉnh Lạng Sơn đã thành lập tổ chỉ đạo, tổ triển khai KTQM, NTĐT nhằm tập trung chỉ đạo, triển khai kịp thời KTQM, NTĐT tới các doanh nghiệp trên địa bàn. Ban hành các công văn chỉ đạo trong nội bộ ngành, xây dựng kế hoạch triển khai tổng thể và chi tiết nhằm nâng cao trách nhiệm của cán bộ công chức thuế. Giao chỉ tiêu, số lượng doanh nghiệp KTQM, NTĐT cho từng Chi cục Thuế, từng phòng chức năng, từng cán bộ thuế. Tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh có công văn chỉ đạo các sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố vào cuộc, phối hợp cùng ngành Thuế triển khai KTQM, NTĐT tới các tổ chức, doanh nghiệp, NNT trên địa bàn. Phối hợp với các ngân hàng thương mại để cung cấp dịch vụ NTĐT tốt nhất cho NNT. Thông báo tới từng doanh nghiệp yêu cầu triển khai đăng ký NTĐT. Tăng cường công tác tuyên truyền và hỗ trợ người nộp thuế về lợi ích của KTQM, NTĐT trên các phương tiện thông tin đại chúng. Thực hiện hỗ trợ người nộp thuế trong suốt quá trình triển khai KTQM, NTĐT, đảm bảo mọi vướng mắc (về nghiệp vụ, sử dụng ứng dụng...) được giải đáp kịp thời.
Nhờ việc quản lý khai thuế, nộp thuế một cách tích cực, về cơ bản hầu hết các doanh nghiệp đang hoạt động đã chấp hành tốt việc tự kê khai, tự nộp thuế. Tuy nhiên ý thức tuân thủ pháp luật thuế của một số doanh nghiệp NQD mới thành lập còn nhiều hạn chế (do năng lực pháp lý của giám đốc, kế toán còn yếu, chưa chủ động tìm hiểu, nắm bắt chính sách pháp luật thuế, xa rời các dịch vụ hỗ trợ từ cơ quan thuế) dẫn đến nộp chậm hồ sơ khai thuế.
Thực hiện mục tiêu cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý thuế, Cục thuế tỉnh Lạng Sơn đã tích cực triển khai, hướng dẫn NTT thực hiện kê khai thuế qua mạng. Kết quả đạt được rất khả quan khi số lượng DN đăng ký kê khai qua mạng ngày càng tăng. Nếu như đến cuối 2015, tỷ lệ DN chi cục quản lý kê khai thuế qua mạng chỉ đạt 75,13% thì tính đến 31/12/2017 đã có 4.164 DN NQD đăng ký nộp tờ khai thuế qua mạng, đạt 96,94% số DN phải nộp tờ khai. Việc thực hiện khai qua mạng với hỗ trợ của phần mềm không chỉ giúp DN kê khai chính xác hơn, tiết kiệm nhiều thời gian, công sức, mà còn giúp cán bộ giảm tải thời gian tiếp nhận hồ sơ giấy, tập trung nhiều công sức hơn vào việc xử lý tờ khai.
Bảng 2. 10. Số lượng Doanh nghiệp NQD kê khai thuế qua mạng tại Cục thuế tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2015-2018
Doanh nghiệp 2015 2016 2017 2018 Số lượng Tỷ trọng (%) Số lượng Tỷ trọng (%) Số lượng Tỷ trọng (%) Số lượng Tỷ trọng (%)
Kê khai thuế
qua mạng 2.513 75,13 3.170 82,19 4.164 96,94 4.609 97,55
Tổng DN 3.345 3.857 4.340 4.725
Nguồn: Phòng KK-KTT Do thực hiện khai hồ sơ thuế qua mạng và có sự hỗ trợ của phần mềm khai thuế HTKK nên các lỗi số học trên hồ sơ khai thuế giảm được đáng kể. Nhìn chung, đa số DN NQD nộp tờ khai đúng hạn và đầy đủ. Tuy nhiên, vẫn còn một số DN chậm nộp hay không nộp hồ sơ khai thuế, mắc lỗi sai số học trên tờ khai.
2.1.6.2Thực trạng quản lý các căn cứ tính thuế
Thực tế cho thấy kiểm soát căn cứ tính thuế là công việc hết sức khó khăn, phức tạp đối với cán bộ thuế trong công tác quản lý thuế nói chung và quản lý thuế TNDN nói riêng. Đặc biệt đối với DN NQD để quản lý tốt số thu nhập tính thuế phải mất nhiều thời gian và công sức mới có thể hạn chế được gian lận vì hiện này các DN đều thực hiện cơ chế tự tính, tự khai, tự nộp. Về nguyên tắc, các DN phải phản ánh một cách khách quan, trung thực, kịp thời và đầy đủ các nghiệp vụ kinh tế phát sinh vào sổ sách kế toán và hoá đơn chứng từ. Việc ghi nhận các căn cứ tính thuế như doanh thu, thu nhập khác, thu nhập miễn thuế cũng phải tuân thủ theo các nguyên tắc mà luật thuế TNDN quy định. Tuy nhiên, vì nhiều lý do trong đó chủ yếu là xuất phát từ đặc điểm luôn đặt mục tiêu lợi nhuận lên trên hết, tìm mọi cách giảm số thuế phải nộp, nên DN NQD thường vi phạm các nguyên tắc trên.
Để hạn chế các vi phạm, Cục Thuế thực hiện quản lý các căn cứ tính thuế thông qua việc nắm bắt thông tin NNT, kiểm tra hồ sơ khai thuế tại Cục Thuế và kiểm tra tại trụ sở DN.
2.1.6.3Thực trạng quản lý doanh thu tính thuế
Thông qua thực tế kiểm tra các DN do Cục Thuế quản lý đã phát hiện các trường hợp DN sử dụng các thủ thuật che dấu doanh thu, nhằm mục đích giảm số thuế phải nộp như:
- Bán hàng không xuất hoá đơn: Lợi dụng thói quen của người tiêu dùng khi mua hàng hóa phục vụ mục đích cá nhân thường không lấy hóa đơn bán hàng hoặc thông đồng với người mua để ghi giá bán thấp hơn so với giá thực bán. Theo kết quả kiểm tra trong hai năm 2017, 2018 của Cục Thuế thì rất nhiều DN kinh doanh trong lĩnh vực nhà nghỉ, khách sạn kiêm cung cấp dịch vụ ăn uống trên địa bàn đều thường xuyên không cấp hoá đơn cho khách lẻ.
- Kê khai thiếu hoặc tính sai DTTT: Một số DN lợi dụng việc số lượng hoá đơn đầu ra của mình rất lớn, cán bộ thuế khó rà soát hết nên kê khai thiếu hay khai sai doanh số của một vài hoá đơn bán ra để làm giảm DTTT.
Ví dụ: Công ty CP Thành Đạt khai thiếu doanh thu của hoá đơn bán ra số 0000227 ngày 17/09/2017 làm DTTT giảm 32.500.000 đồng. Việc công ty đã hạch toán chi phí giá vốn tương ứng của hoá đơn này trên sổ kế toán mà bỏ qua doanh thu khi khai thuế cho thấy đây là hành vi cố ý bỏ sót hoá đơn đầu ra có giá trị lớn để trốn thuế của DN. Cũng có DN xuất hàng hoá để biếu tặng, trả lương cho công nhân viên nhưng lại tính vào DTTT theo giá vốn mà không tính theo giá bán hàng cùng loại hay tương đương trên thị trường.
- Dùng kỹ thuật ghi chép, tính toán để che giấu DTTT: DN phản ánh số liệu trên hoá đơn giao cho khách sai lệch với hoá đơn lưu tại DN. Do khách hàng và DN mỗi người giữ một liên của hoá đơn, cán bộ thuế khi xuống kiểm tra rất khó để đối chiếu, so sánh trực tiếp mà thường phải kết hợp với báo cáo lưu chuyển tiền tệ của DN để tìm ra dấu hiệu DN khai man hoá đơn đầu ra. Có một số DN lợi dụng sự phức tạp của số liệu kế toán để cố tình làm sai lệch các tính toán, thực hiện các thủ thuật khi chuyển số liệu giữa các báo cáo để trục lợi về thuế.
Ví dụ: Công ty TNHH đầu tư và phát triển Phú Lộc đã cộng sai số liệu trên báo cáo tài chính năm 2017 vào quyết toán thuế làm giảm DTTT 20.822.000 đồng.
- Hạch toán DTTT sai thời kỳ: Doanh thu của DN được tạo ra ở năm nay nhưng lại hạch toán vào năm tài chính kế tiếp. Lý do của việc hạch toán sai này không phải do năng lực kế toán hạn chế mà do các DN muốn giảm số thuế phải nộp trong năm hiện tại, chiếm dụng một phần vốn của nhà nước, giúp tạm thời giảm áp lực về vốn khi DN đang khó khăn về tài chính. Bản chất đây là hành vi trì hoãn việc nộp thuế nhưng cũng là một cách thức trục lợi bất chính của DN, gây ra những khó khăn nhất định cho công tác quản lý.
Ví dụ: Công ty TNHH thương mại Thịnh Vượng đã chuyển doanh thu bán đồ gia dụng năm 2016 sang năm 2017 với số tiền là 37.200.000 đồng. Với hành vi này, trong năm 2016 công ty đã chiếm dụng tạm thời một khoản thuế của NSNN là 37.200.000 x 25% = 9.300.000 đồng. Không những vậy, sang năm 2017, khi được áp mức thuế suất 20% thì công ty này đã trốn lậu được một khoản thuế là 1.860.000 đồng.
- Treo trên tài khoản: công ty nhận tiền hàng trả trước của người đã giao hàng cho khách và số tiền đó đã đủ điều kiện ghi nhận doanh thu nhưng vẫn để mua, đến cuối năm ở tài khoản người mua trả tiền trước mà không chuyển sang tài khoản doanh thu. Cũng có trường hợp DN ký gửi hàng cho đại lý bán đã được đại lý báo lại hàng đã được tiêu thụ hoặc đã được đại lý thanh toán ngay khi giao nhận hàng nhưng không ghi nhận doanh thu ngay mà vẫn để ở tài khoản hàng gửi bán.
Ngoài ra có một số DN có doanh thu bằng ngoại tệ chọn tỷ giá thấp hơn tỷ giá giao dịch thực tế trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng khi quy đổi ngoại tệ sang đồng Việt Nam.
Ngoài nguyên nhân do các hành vi cố ý trên, chỉ tiêu DTTT đôi khi còn bị kế toán DN tính sai do năng lực, hiểu biết hạn chế. Ví dụ: Công ty TNHH cơ giới xây dựng và thương mại Minh Việt không hạch toán lãi tiền gửi vào doanh thu tài chính mà hạch toán vào thu nhập khác làm DTTT giảm 4.802.625 đồng. Sau khi kiểm tra phát hiện, cán bộ thuế đã đề nghị DN chuyển lại khoản lãi trên vào DTTT và giảm trừ tương ứng vào thu nhập khác. Những lỗi như vậy tuy không gây thất thu thuế cho ngân sách
nhưng cũng gây khó khăn nhất định cho công tác quản lý và càng chứng tỏ năng lực hạch toán kế toán-thuế của một số kế toán các DN trên địa bàn còn khá hạn chế.
2.1.6.4Thực trạng quản lý chi phí được trừ
Cùng với doanh thu, chi phí là một trong những căn cứ quan trọng hàng đầu để xác định số thuế DN phải nộp. Công tác kiểm tra tại các DN NQD cho thấy hiện tượng khai tăng CPĐT rất phổ biến. Một số ít có nguyên nhân từ việc trình độ kế toán DN còn hạn chế nên chưa nắm rõ các điều kiện để một chi phí được xếp vào khoản được trừ hoặc chưa cập nhật kịp thời những quy định mới về CPĐT trong các thông tư, còn lại đa phần DN cố tình tìm cách gian lận: khai tăng CPĐT, chuyển kỳ ghi nhận CPĐT để trục lợi.
Công tác quản lý CPĐT tại Cục Thuế vẫn còn một số bất cập, khó khăn.
Thứ nhất, DN thường chỉ có DTTT đến từ một vài nguồn chủ yếu, liên quan mật thiết với lĩnh vực đăng ký kinh doanh của DN nhưng với CPĐT, các khoản chi phí là vô cùng đa dạng, phức tạp, phát sinh liên tục và rất khó dự báo. Đặc điểm này cộng với việc số lượng DN NQD lớn và không ngừng tăng lên trong khi đội ngũ cán bộ trực tiếp quản DN còn mỏng khiến cho công tác quản lý CPĐT chưa thực sự được sâu sát. Việc kiểm tra, đánh giá, phân tích mức độ sai phạm chưa thường xuyên, liên tục.
Thứ hai, ý thức tự giác tuân thủ pháp luật của DN còn hạn chế, việc nhiều quy định về cách xác định CPĐT chưa thực sự rõ ràng tạo điều kiện cho DN lách luật với thủ đoạn tinh vi. Tình trạng khai khống, khai sai CPĐT còn diễn ra phổ biến ở nhiều DN.
Qua quá trình tìm hiểu thực tế tại chi cục và cụ thể là nghiên cứu các tài liệu ở đội kiểm tra, nhận thấy các khoản chi phí mà DN hạch toán sai vào CPĐT thường không đáp ứng một trong các điều kiện xác định CPĐT.
- Chi phí không thực sự phát sinh, DN khai khống vào CPĐT. Trường hợp này thường xảy ra với một số hành vi cụ thể như:
+ TSCĐ đã khấu hao hết giá trị nhưng DN vẫn tiếp tục tính chi phí khấu hao. Cũng có một số DN khai khống nguyên giá ngay từ đầu để được gian lận chi phí khấu hao sau này.
+ Lợi dụng quy định về quản lý lãi vay chưa chặt chẽ, một số DN lập hợp đồng vay khống, áp dụng mức lãi suất cao hơn nhiều lãi suất thị trường tại thời điểm vay hoặc kê khai không chính xác thời điểm ký hợp đồng vay để lợi dụng sự chênh lệch về lãi suất giữa thời điểm ký hợp đồng và thời điểm kê khai chi phí.
+ DN lợi dụng trình độ hiểu biết còn hạn chế của người lao động, ký kết các hợp đồng lao động không thể hiện rõ ràng khoản về lương, thưởng, bảo hiểm. Nhiều DN thông đồng với người lao động hay một số ít còn bắt ép người lao động ký vào các chứng từ với số lương thực nhận ít hơn hẳn so với con số trên sổ sách, giấy tờ. Điều này thường xuyên xảy ra ở những DN sử dụng lao động phổ thông, lao động thời vụ.
Ví dụ, kết quả kiểm tra tại công ty TNHH đầu tư và phát triển Phú Lộc cho thấy: công ty đã hạch toán tiền lương của nhân viên bán hàng vào chi phí bán hàng và hạch toán tiền lương của nhân viên sản xuất vào giá thành sản phẩm con số vượt quá so với số thực trả (ghi trong hợp đồng lao động) lần lượt là: 78.750.000 đồng và 152.500.000 đồng. Đây chủ yếu là các nhân viên thời vụ được DN thuê vào mùa cao điểm, hợp đồng lao động chỉ kéo dài khoảng 2-3 tháng.
+ Một cách thức mà DN thường dùng để khai khống chi phí nguyên nhiên vật liệu, hàng hoá đầu vào là sử dụng hoá đơn khống, hoá đơn giả, hóa đơn của DN bỏ trốn hoặc hạch toán sai lệch giá trị hoá đơn.
Năm 2017, phòng kiểm tra trực thuộc Cục Thuế tỉnh Lạng Sơn đã phát hiện vụ việc mua bán hóa đơn trái phép nghiêm trọng với tổng giá trị trên hóa đơn lên đến gần 8 tỷ đồng. Công ty CP thương mại và sản xuất nội thất Vạn Lợi đã mua 16 hóa đơn GTGT của hai công ty đã bỏ địa chỉ kinh doanh để kê khai chi phí đầu vào.
- Chi phí không phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của DN, không liên quan đến DTTT. Qua kiểm tra Cục Thuế đã phát hiện một số DN vi phạm như:
+ Công ty thương mại và vận tải Đức Duy đã tính cả khoản phạt nộp chậm bảo hiểm xã hội trị giá 3.606.694 đồng vào CPĐT.
+ Năm 2016, Công ty CP Thành Đạt đã hạch toán vào CPĐT 17 hóa đơn tiền vé máy bay, chi phí vận chuyển,... không phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh với số tiền 147.760.000 đồng.
Nhìn chung, tiêu chí phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của DN là một tiêu chí khá phức tạp, đôi khi nặng về cảm tính. Tuỳ vào đặc điểm kinh doanh của DN, một