a. Về cơ chế chính sách
Luật Quản lý thuế ra đời là một bước cải cách lớn trong công tác quản lý thuế, tạo điều kiện thuận lợi cho cả người nộp thuế và cơ quan Thuế. Qua nhiều năm thực hiện cũng đã bộc lộ một số hạn chế cần sửa đổi bổ sung để phù hợp tình hình thực tế, cụ thể: - Việc nợ thuế của các doanh nghiệp xây dựng công trình có nguồn vốn Ngân sách Nhà nước, nhưng chủ đầu tư chậm thanh toán, theo quy định của Luật Quản lý thuế trong trường hợp này doanh nghiệp không được giãn nợ thuế. Do vậy nếu doanh nghiệp phải đi vay để trả nợ thuế thì sẽ tăng thêm gánh nặng về chi phí vốn, làm giảm hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Còn nếu doanh nghiệp không có nguồn khác để trả nợ thuế thì đương nhiên doanh nghiệp đã vi phạm Luật Quản lý thuế, bị phạt chậm nộp tiền thuế (hiện nay mỗi ngày chậm nộp tiền thuế bị phạt 0,03% trên số tiền thuế nợ). Bất luận trong trường hợp nào thì doanh nghiệp cũng gánh chịu thiệt hại.
- Các biện pháp cưỡng chế nợ thuế chưa linh hoạt để cơ quan thuế chủ động thực hiện dẫn đến giảm hiệu quả thu nợ thuế. Theo quy định hiện hành có 7 biện pháp cưỡng chế, nhưng cơ quan thuế chỉ được thực hiện các biện pháp cưỡng chế sau nếu biện pháp cưỡng chế trước phải chứng minh được là không thể thực hiện. Do vậy mặc dù biết chắc chắn các biện pháp cưỡng chế nợ thuế trước không thể thực hiện, nhưng cơ quan thuế vẫn phải làm các thủ tục để chứng minh, sẽ kéo dài thời gian xử lý nợ, từ đó tạo cho doanh nghiệp điều kiện dễ bề có những mánh khóe đối phó. Hoặc ngay trong một biện pháp cưỡng chế cũng có điều bất ổn, như quy định không kê biên tài sản nếu tài sản không đủ giá trị để thực hiện cưỡng chế. Nhưng Hội đồng định giá tài sản kê biên chỉ được lập sau khi tài sản đã kê biên. Điều này là mâu thuẫn và kèm theo thực tế là tự bản thân cơ quan thuế và cán bộ thuế thì không thể xác định đúng giá trị thị trường của tài sản kê biên, do vậy khi tiến hành thực hiện biện pháp kê biên tài sản để cưỡng chế sẽ rất khó khăn.
- Đối với việc mở tài khoản của doanh nghiệp tại các ngân hàng là không hạn chế. Doanh nghiệp có thể mở nhiều tài khoản tại các ngân hàng khác nhau. Quy định này tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhưng cũng dễ bị doanh nghiệp lợi dụng để tránh sự kiểm soát của cơ quan thuế trong việc kiểm tra doanh thu hoặc thực hiện cưỡng chế nợ thuế bằng biện pháp trích tiền trên tài khoản.
b. Về đội ngũ cán bộ
Công tác cán bộ luôn là vấn đề quan trọng trong bất kể lĩnh vực nào. Ngành thuế Lạng Sơn trong một thời gian dài sau mở cửa, với lực lượng mỏng chưa được đào tạo cơ bản mà trong đó công chức là bộ đội chuyển ngành chưa qua đào tạo cơ bản chiếm tỷ lệ không nhỏ (chiếm khoảng 30% tổng biên chế toàn tỉnh), ngoài việc thực hiện chuyên môn phải thường xuyên có nhiệm vụ tham gia liên ngành theo yêu của của địa phương. Khoảng thời gian những năm 1990 đến 1995, ngành thuế Lạng Sơn đã tạo điều kiện cho các công chức theo học các lớp đào tạo trung cấp ngắn hạn tại trường Trung cấp Tài chính Hưng Yên. Cho đến nay 100% công chức đã được đào tạo từ trình độ trung cấp chuyên nghiệp trở lên. Mặc dù vậy thì phần lớn công chức vẫn bộc lộ một số yếu kém về chuyên môn, kỹ năng giao tiếp, ứng xử đặc biệt là ngoại ngữ, tin học. Nhiều cán bộ còn ngại tiếp cận, sử dụng công nghệ hiện đại, ngại nghiên cứu học hỏi, vẫn mang nặng tư duy quản lý theo chủ nghĩa kinh nghiệm.
c. Công tác kiểm tra hồ sơ khai thuế còn chậm chễ, mất nhiều thời gian
Do trình độ năng lực của công chức thuế còn nhiều hạn chế, phần mềm hỗ trợ khai thuế, kiểm tra thuế tuy đã được triển khai nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế. Vì vậy công tác xử lý tờ khai thuế, công tác kiểm tra thuế còn mất nhiều thời gian và thiếu chính xác.
Áp dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác quản lý thuế là một trong những yêu cầu đòi hỏi ngày càng cấp bách. Công nghệ thông tin sẽ loại trừ các vi phạm đơn giản như về số học, về thời gian nộp theo quy định, đồng thời cung cấp các thông tin nhanh, chính xác để trên cơ sở đó thực hiện ngăn ngừa, chống các hành vi vi phạm phức tạp. Thực tế hiện nay, việc thu thập, tra cứu thông tin vẫn còn làm thủ công, thông tin tra cứu được trên trang Website của ngành thuế còn rất nghèo nàn, trong khi các hành vi gian lận thuế vẫn diễn ra tương đối phổ biến, nên khả năng phát hiện chậm và thấp.
d. Việc quản lý các doanh nghiệp xây dựng cơ bản vãng lai ngoại tỉnh chưa được thường xuyên rà soát
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, trong những năm qua nền kinh tế nước ta có tốc độ tăng trưởng khá cao và ổn định, thúc đẩy đầu tư phát triển về mọi mặt, trong đó có đầu tư cho lĩnh vực xây dựng cơ bản, góp phần thúc đẩy các ngành sản xuất vật liệu xây dựng phát triển không ngừng và tạo nguồn thu thuế ổn định cho Ngân sách Nhà nước. Công tác quản lý thu thuế từ hoạt động xây dựng cơ bản trong những năm qua từng bước được hoàn thiện, góp phần tăng thu cho ngân sách Nhà nước.
Theo quy định của Luật Quản lý thuế thì trường hợp các doanh nghiệp có trụ sở ngoài tỉnh đến xây dựng trên địa bàn thì phải tự kê khai doanh thu và thuế giá trị gia tăng là 2% trên giá trị thanh toán công trình, hạng mục công trình khi thực hiện cấp phát, thanh toán vốn nộp tại địa phương. Thực tế, trong thời gian qua hầu hết các nhà thầu chưa ý thức thực hiện trách nhiệm của mình. Trong quý IV/2018, Cục thuế tỉnh Lạng Sơn đã chủ động liên hệ với các ngành có liên quan như Kho bạc Nhà nước tỉnh, Sở Kế hoạch & Đầu tư, Sở Xây dựng, và một số chủ đầu tư để xác định các nhà thầu vãng lai ngoại tỉnh. Chỉ qua rà soát đối với 02 dự án đã phát hiện trên 10 nhà thầu vãng lai chưa kê khai nộp thuế với tổng giá trị hoàn thành lên tới trên 300 tỷ đồng. Trên cơ sở đó Cục thuế đã xác định được số thuế giá trị gia tăng xây dựng cơ bản vãng lai phải nộp trên 6 tỷ đồng. Đồng thời, cơ quan thuế cũng hướng dẫn cho các nhà thầu này kê khai, nộp thuế giá trị gia tăng xây dựng cơ bản vãng lai cho khối lượng hoàn thành sau này. Ngoài ra, Cục thuế cũng đang tiến hành kiểm tra đối với các doanh nghiệp thi công một số dự án khác.
e. Công tác quản lý nợ còn nhiều lúng túng, hiệu quả chưa cao
Theo quy định, doanh nghiệp chỉ phải khai báo với cơ quan thuế một hoặc vài tài khoản tiền gửi khi đăng ký thuế để được cấp mã số thuế nhưng việc đăng ký tài khoản không mang tính bắt buộc. Khi muốn tiến hành xác minh thông tin về toàn bộ tài khoản tiền gửi của doanh nghiệp, cơ quan thuế buộc phải gửi văn bản xác minh thông tin ở tất cả các ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn, nhằm tránh “bỏ sót” tài khoản đăng ký của doanh nghiệp. Việc gửi văn bản này, trên thực tế tốn khá nhiều thời gian và mất công sức của các ngân hàng và làm gián đoạn việc xử lý cưỡng chế thuế.
Để có số liệu chính xác, cơ quan thuế phải đối chiếu với thông tin từ phía ngân hàng nhưng có thể vì lý do nào đó các tổ chức tín dụng từ chối cung cấp thông tin hoặc cấp chậm hoặc không chính xác.
Một số khoản nợ dưới 90 ngày chưa được phát hành thông báo đôn đốc kịp thời. Chưa kiên quyết thực hiện các biện pháp đôn đốc thu nợ. Bộ phận kiểm tra thuế, bộ phận kê khai và kế toán thuế chưa phối hợp tốt trong việc đôn đốc người nộp thuế nộp số thuế bị phát hiện sau kiểm tra và phạt vi phạm pháp luật thuế, theo các quyết định của cơ quan thuế. Những tồn tại này đã ảnh hưởng đến kết quả thu nợ thuế.
h. Hạn chế trong bản thân nội tại doanh nghiệp
Nhìn chung sự phát triển của các doanh nghiệp ngoài quốc doanh trong thời gian qua chủ yếu mới được nhìn nhận về số lượng, thì sự tồn tại và phát triển của các doanh nghiệp sau đăng ký kinh doanh lại chưa được chú trọng. Tỷ suất lợi nhuận quá thấp đã và đang đe doạ tới sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Trong bối cảnh hệ thống pháp lý chưa ổn định, môi trường kinh doanh chưa thực sự ổn định, các doanh nghiệp Việt Nam nói chung, doanh nghiệp tại Lạng Sơn nói riêng lại chưa xây dựng được các chiến lược kinh doanh, kế hoạch kinh doanh lâu dài và bền vững. Thay vào đó, nhiều doanh nghiệp lại ưa chuộng các cơ hội đầu tư ngắn hạn, thậm chí mang tính “chụp giật”. Bên cạnh đó, sự kém minh bạch, thiếu công khai về quản lý tài chính trong loại hình doanh nghiệp này cũng đang trong tình trạng báo động, rất nhiều doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm đến việc thực hiện chế độ báo cáo tài chính theo quy định của Luật doanh nghiệp, Luật Quản lý thuế. Việc lập báo cáo tài chính, các sổ sách kế toán thiếu chính xác chủ yếu là đối phó với cơ quan thuế, chưa phải để công khai giúp cho những ai quan tâm đếu có thể hiểu đúng và đủ về tình hình của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp đều nằm trong tình trạng khai thấp đi doanh số và lợi nhuận so với thực tế mà doanh nghiệp đó đạt được.