Một số nguyên nhân dẫn đến các hạn chế

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tăng cường quản lý thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp ngoài quốc doanh trên địa bàn tỉnh lạng sơn (Trang 90 - 94)

a. Công tác cán bộ

Hầu hết công chức thuế Lạng Sơn chỉ quen với công việc quản lý thu đối với hộ kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán, hoặc hộ thực hiện chế độ kế toán hộ kinh

doanh với phương pháp kế toán đơn giản. Trong điều kiện kể từ khi Luật Doanh nghiệp năm 2005 ra đời, thì tốc độ phát triển các doanh nghiệp tăng mạnh, buộc ngành thuế Lạng Sơn phải lựa chọn những cán bộ đủ trình độ, năng lực vào công tác quản lý doanh nghiệp, nhưng cũng cần phải coi trọng các công tác khác. Do vậy số cán bộ có đủ trình độ đáp ứng công việc này không đủ theo nhu cầu đòi hỏi. Cục thuế buộc phải bố trí đan xen để vừa làm vừa hướng dẫn cán bộ còn thiếu kinh nghiệm, thiếu kiến thức quản lý doanh nghiệp. Cách làm này tuy có thể tạm thời đáp ứng được yêu cầu công tác, có đủ cán bộ quản lý theo đầu doanh nghiệp, tạo điều kiện cho cán bộ vừa làm vừa học. Nhưng chất lượng không cao, dễ dẫn đến làm việc theo lối mòn, bảo thủ. Lạng Sơn là tỉnh miền núi, các huyện đều có địa bàn rộng, địa hình phức tạp. Số công chức sinh sống tại địa phương không đủ biên chế tại các Chi cục. Trước tình hình đó, Cục thuế tỉnh Lạng Sơn đã phải ban hành Quy chế điều động cán bộ, theo đó các cán bộ đều được luân chuyển từ Chi cục này đến Chi cục khác theo một thời gian nhất định. Riêng trong năm 2018, Cục Thuế đã chuyển đổi vị trí công tác đối với 277 lượt cán bộ, gồm: công chức quản lý thuế tại các đội thuế liên phường, xã, thu lệ phí trước bạ và thu khác; công chức làm công tác kiểm tra thuế; trực tiếp giải quyết các thủ tục hành chính thuế, thủ tục đăng ký thuế, cấp mã số thuế, mua hoá đơn, tiếp nhận hồ sơ kê khai thuế, trực tiếp xử lý hồ sơ xoá nợ thuế, miễn, giảm thuế, hoàn thuế; công chức làm công tác nhân sự, quản lý tài chính, tài vụ. Mặt khác ngành thuế là một trong những ngành nhạy cảm, theo quy định của Chính phủ thì công chức công tác tại một vị trí không được quá 3 năm. Quy định này có thể phòng chống được tiêu cực có thể xảy ra, nhưng lại làm mất đi tính chuyên sâu, nhất là trong điều kiện cơ quan thuế đang thực hiện mô hình quản lý thuế theo chức năng.

Với khả năng hạn chế về nhân lực như hiện nay, ngành thuế Lạng Sơn khó có thể đảm bảo kiểm soát sự tuân thủ pháp luật thuế một cách toàn diện khi số lượng doanh nghiệp ngày càng tăng.

b. Triển khai áp dụng các phần mềm hỗ trợ

Hiện nay Cục thuế tỉnh Lạng Sơn đang áp dụng phần mềm quản lý thuế tập trung. Thế nhưng phần mềm này lại hay xảy ra lỗi, dẫn đến sự sai lệch về số liệu. Mỗi lần nâng cấp ứng dụng đều mất nhiều thời gian để kiểm tra độ chuẩn xác của dữ liệu.

Các phần mềm hỗ trợ khác được triển khai còn chậm, những tiện ích mà một số phần mềm đó đáp ứng lại không đáng kể.

c. Công tác phối hợp

Các cơ quan chức năng chưa có sự phối hợp chặt chẽ trong công tác quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp. Ở các cấp, các ngành, chưa chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Công tác hậu kiểm doanh nghiệp sau đăng ký kinh doanh còn nhiều yếu kém, việc nắm bắt thông tin về tình hình hoạt động của doanh nghiệp còn chưa đầy đủ, chưa phát hiện kịp thời những doanh nghiệp vi phạm pháp luật trong kinh doanh. Chưa thực sự tạo lập được môi trường kinh doanh thực sự công bằng, bình đẳng, minh bạch.

Việc công khai, phổ biến về quy hoạch phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh, quy hoạch phát triển ngành, quy hoạch đô thị, quy hoạch sử dụng đất cho các doanh nghiệp để làm cơ sở xây dựng chiến lược, hoạch định kế hoạch sản xuất kinh doanh còn chậm chễ.

Đối với tình trạng thất thu từ hoạt động xây dựng vãng lai ngoại tỉnh: các ngành liên quan chưa thựcsự quan tâm trao đổi thông tin, phối hợp chặt chẽ trong quản lý, sử dụng, thanh toán vốn đầu tư xây dựng nên các nhà thầu lợi dụng chậm kê khai nộp thuế, trốn tránh nghĩa vụ liên quan. Các chủ đầu tư đôi khi vì lý do tế nhị, lợi ích song phương mà thiếu kiểm tra, bỏ qua việc thực hiện nghĩa vụ tài chính liên quan của nhà thầu, tâm lý "khoán trắng" nhiệm vụ quản lý thuế cho ngành thuế cũng làm gia tăng thất thu thuế trong lĩnh vực xây dựng cơ bản. Xét về chủ quan, ngành thuế chưa làm tròn trách nhiệm trong quản lý, khai thác triệt để nguồn thu từ xây dựng cơ bản. Trách nhiệm của cán bộ, cơ quan thuế phải thường xuyên cập nhật, nắm nguồn thu phát sinh, kiểm tra, đôn đốc, theo dõi nhà thầu thực hiện nghĩa vụ giao nộp thuế cho nhà nước. Ngay cả trong nội bộ cơ quan thuế cũng chưa chủ động trong việc cung cấp thông tin về các nhà thầu. Hầu hết các nhà thầu vãng lai đều không có trụ sở tại Lạng Sơn và trên công trường khó nắm được người có đầy đủ tư cách pháp nhân làm đại diện.

Nhìn từ góc độ quản trị điều hành doanh nghiệp cho thấy hầu hết các các chủ doanh nghiệp NQD chưa được đào tạo cơ bản về quản trị kinh doanh. Cách thức điều hành doanh nghiệp còn mang nặng tính gia đình. Bởi trên thực tế, người chủ sở hữu thường đồng thời là người quản lý, giám đốc, quản đốc của doanh nghiệp. Ngoài quan hệ góp vốn cùng kinh doanh, họ còn có quan hệ huyết thống, gia đình, bạn bè thân thiết. Vì vậy, trong quản lý nội bộ và tổ chức kinh doanh rất khó phân biệt rõ ràng về mặt pháp quyền, quyền lợi và nghĩa vụ của người chủ, người quản lý và người lao động, nên trong quá trình ra quyết định thường bị chi phối bởi tình cảm gia đình. Hệ quả là, không những không phát huy được tính sáng tạo trong kinh doanh, mà nó còn làm cho công tác quản trị điều hành của không ít doanh nghiệp thiếu minh bạch.

Nhiều doanh nghiệp NQD cho rằng, càng công khai, càng minh bạch trong quản lý tài chính thì công ty càng chịu thiệt, bởi trong môi trường kinh doanh hiện nay ở nước ta, những nỗ lực minh bạch hóa thông tin về doanh nghiệp nhiều khi không bảo vệ quyền lợi các cổ đông mà có thể còn có tác động ngược lại khi bị các công ty khác cạnh tranh không lành mạnh.

Từ đó có thể thấy, việc đề ra các giải pháp nhằm khắc phục các tồn tại, hạn chế để nâng cao chất lượng quản lý thuế đặc biệt là thuế TNDN với DN NQD tại Cục Thuế tỉnh Lạng Sơn là thực sự cấp thiết.

Kết luận chương 2

Chương 2 đã trình bày về thực trạng công tác quản lý thuế TNDN đối với doanh nghiệp ngoài quốc doanh trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Qua đó cho thấy Cục Thuế tỉnh Lạng Sơn đã và đang tích cực, trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ quản lý thuế trên các nội dung như: quản lý xây dựng cơ bản vãng lai, rà soát tình trạng hoạt động của người nộp thuế, quản lý khai thuế, nộp thuế, thanh tra, kiểm tra thuế, xử lý vi phạm về thuế... Tác giả đã đánh giá những mặt đạt được cũng như những mặt hạn chế của của quá trình quản lý thuế TNDN. Kết quả rút ra từ việc đánh giá này sẽ là cơ sở để đề xuất những giải pháp và kiến nghị ở chương sau.

CHƯƠNG 3 MỘT SỐ GIẢI PHÁP NHẰM TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ THUẾ THU NHẬP DOANH NGHIỆP ĐỐI VỚI CÁC DOANH NGHIỆP NGOÀI QUỐC DOANH TẠI CỤC THUẾ TỈNH LẠNG SƠN

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tăng cường quản lý thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp ngoài quốc doanh trên địa bàn tỉnh lạng sơn (Trang 90 - 94)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(124 trang)