phương và cơ quan liên quan
Thuế là công cụ điều tiết vĩ mô nền kinh tế, là nguồn thu chủ yếu của Ngân sách Nhà nước. Chính sách thuế gắn liền với bất kỳ nhà nước nào. Chúng ta có khẩu hiệu “Tiền thuế là của dân, do dân đóng góp, phục vụ lợi ích của dân”. Tiền thuế là nguồn thu chủ yếu đảm bảo cho hoạt động của bộ máy quản lý nhà nước. Thuế là một khoản đóng góp bắt buộc từ các thể nhân và pháp nhân cho Nhà nước theo mức độ và thời hạn được pháp luật quy định nhằm sử dụng cho mục đích công cộng. Do vậy việc quản lý thuế là nhiệm vụ chung của cơ quan thuế, chính quyền địa phương và cơ quan liên quan. Quan điểm này đã được cụ thể hóa bằng Luật Quản lý thuế đã quy định trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện pháp luật về thuế.
Trách nhiệm của HĐND, UBND các cấp: Chỉ đạo các cơ quan có liên quan tại địa phương phối hợp với cơ quan quản lý thuế lập dự toán thu Ngân sách Nhà nước về tổ chức thực hiện nhiệm vụ thu Ngân sách Nhà nước trên địa bàn; Kiểm tra việc thực hiện pháp luật về thuế; Xử lý vi phạm và giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến việc thực hiện pháp luật về thuế theo thẩm quyền.
Trách nhiệm của các cơ quan khác của Nhà nước: Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về thuế; phối hợp với cơ quan quản lý thuế trong việc quản lý thuế; tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ thuế. Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát, Tòa án trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử kịp thời, nghiêm minh tội phạm vi phạm pháp luật thuế theo quy định của pháp luật và thông báo tiến độ, kết quả vụ việc cho cơ quan quản lý thuế. Trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp: tổ chức động viên nhân dân, giáo dục hội viên nghiêm chỉnh thi hành pháp luật về thuế; phê phán các hành vi vi phạm pháp luật về thuế. Phối hợp với cơ quan quản lý thuế trong việc cung cấp thông tin liên quan đến việc quản lý thuế.
Trách nhiệm của cơ quan thông tin, báo chí: Tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về thuế; Nêu gương tổ chức, cá nhân thực hiện tốt pháp luật về thuế; Phản ánh và phê phán các hành vi vi phạm pháp luật về thuế.
Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khác trong việc tham gia quản lý thuế: cung cấp thông tin liên quan đến việc xác định nghĩa vụ thuế theo đề nghị của cơ quan thuế; Phối hợp thực hiện các quyết định xử lý vi phạm pháp luật về thuế; Tố giác các hành vi vi phạm pháp luật về thuế; Yêu cầu người bán hàng, người cung cấp dịch vụ đúng số lượng, chủng loại, giá trị thực thanh toán khi mua hàng hóa, dịch vụ.
Việc chỉ đạo công tác thuế tại tỉnh Lạng Sơn luôn được cấp ủy và chính quyền địa phương quan tâm. Công tác thuế được đưa lên vị trí hàng đầu. Hàng năm UBND tỉnh Lạng Sơn đều tổ chức gặp mặt các doanh nghiệp, nhằm tăng thêm sự gần gũi, hiểu biết giữa doanh nghiệp với các cơ quan quản lý nhà nước, cũng như lắng nghe kiến nghị của doanh nghiệp.
Dựa trên Quy chế phối hợp giữa Tổng cục Thuế với Tổng cục Cảnh sát. Cơ quan Công an tỉnh Lạng Sơn thường có sự phối hợp với Cơ quan thuế nhằm làm rõ hành vi vi phạm của doanh nghiệp thông qua nghiệp vụ điều tra của cơ quan Công an.
Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về thuế tại tỉnh Lạng Sơn đã được các cơ quan như Mặt Trận Tổ quốc, Ban Tuyên giáo xây dựng thành một trong những nội dung của chương trình hoạt động từng năm. Các cơ quan báo chí, truyền hình, truyền thanh trên địa bàn cũng bày tỏ quan điểm phối hợp khi có đề nghị của cơ quan thuế.