1.2. TỔNG QUAN VỀ PHƯƠNG THỨC TÍN DỤNG CHỨNG TỪ
1.2.5. Ưu nhược điểm của phương thức tín dụng chứng từ
1.2.5.1. Đối với người nhập khẩu
Khi sử dụng phương thức thanh toán L/C, người mua được đảm bảo rằng chỉ khi nào bên bán giao hàng hóa như các điều kiện mà L/C quy định thì họ mới phải
thanh toán cho lô hàng đó. Người nhập khẩu có quyền từ chối hoàn trả toàn bộ hay một phần số tiền của bộ chứng từ cho ngân hàng nếu xét thấy bộ chứng từ thanh toán không phù hợp với những điều kiện mà họ đã nêu ra trong L/C. Vì NHPH luôn có nghĩa vụ kiểm tra và chịu trách nhiệm hoàn toàn về sai sót trong việc kết luận bộ chứng từ phù hợp hay không. Người mua cũng có thể được ngân hàng hỗ trợ trong việc tư vấn về các điều khoản L/C cũng như tài trợ vốn trong thanh toán L/C nếu họ đáp ứng được cá điều kiện tín dụng của ngân hàng.
Tuy nhiên nhà nhập khẩu sẽ phải đối mặt với một số rủi ro khi bên xuất khẩu không thực hiện giao hàng hoặc cố tình lập chứng từ giả, chứng từ không trung thực, mâu thuẫn giữa hàng hoá và chứng từ. Do ngân hàng chỉ giao dịch trên cơ sở chứng từ nên người nhập khẩu sẽ phải chịu mọi thiệt hại xảy ra. Nếu ngân hàng phát hành rơi vào tình trạng phá sản, mất khả năng thanh toán thì người nhập khẩu sẽ phải trực tiếp thanh toán tiền hàng cho người bán.
1.2.5.2. Đối với người xuất khẩu
Người xuất khẩu sẽ được bảo đảm thanh toán khi tuân thủ các điều khoản và điều kiện của L/C và nhận được thanh toán nhanh nhất. Họ cũng sẽ được ngân hàng giúp đỡ và tư vấn trong kiểm tra chứng từ, giảm thiểu được các rủi ro. Ngoài ra, người bán có thể được tài trợ để chuẩn bị hàng xuất khấu bằng cách đề nghị ngân hàng ứng trước tiền thanh toán bộ chứng từ hay bán bộ chứng từ cho ngân hàng hay vay mua nguyên vật liệu dựa trên cơ sở L/C. Do vậy, nhà xuất khẩu có thể thu hồi vốn nhanh chóng, không bị ứ đọng vốn trong thời gian thanh toán.
Rủi ro đối với nhà xuất khẩu: Bộ chứng từ xuất trình phải tuân thủ chặt chẽ theo L/C nên nhà xuất khẩu rất có nguy cơ xuất trình bộ chứng từ không phù hợp với L/C nếu không nắm vững các nghiệp vụ về tín dụng chứng từ. Khi đó lô hàng hóa của người xuất khẩu có thể bị từ chối thanh toán hoặc chấp nhận và họ sẽ phải tự giải quyết bằng cách dỡ hàng, lưu kho, bán đấu giá... hoặc phải chở hàng quay về nước, đồng thời họ phải chịu tất cả các khoản chi phí liên quan như lưu hàng trên tàu quá hạn, phí lưu kho hay lưu bãi, mua bảo hiểm hàng Iioa.... Một rủi ro mà người xuất khẩu có thể gặp phải là trường hợp NH phát hành hoặc NH xác nhận mất khả năng thanh toán thì mặc dù bộ chứng từ xuất trình có phù hợp cũng không
được thanh toán. Rủi ro này tùy thuộc về hệ số tín nhiệm của NH phát hành cũng như rủi ro chính trị hay rủi ro do cơ chế chính sách của nhà nước thay đổi.
1.2.5.3. Đối với ngân hàng phát hành
Khi cung cấp dịch vụ phát hành thư tín dụng, Ngân hàng sẽ thu được các khoản phí thủ tục kể từ khâu phát hành, xử lý chứng từ, chấp nhận thanh toán cho đến lúc thanh toán L/C. Ngoài ra, Ngân hàng còn thu hút được một khoản tiền khá lớn từ khoản kí quỹ L/C của khách hàng, đặc biệt có trường hợp kí quỹ 100% giá trị L/C. Ngân hàng cũng có thể cung cấp thêm một số nghiệp vụ khác như cho vay XNK, phát hành bảo lãnh nhận hàng, xác nhận, mua bán ngoại tệ... NHPH chỉ chịu trách nhiệm kiểm tra bề mặt của các chứng từ chứ không chịu trách nhiệm kiểm tra tính xác thực, tính pháp lý của chứng từ, vì thế mọi sự tranh chấp về hàng hóa sẽ do hai bên mua tự giải quyết và NH được miễn trách nhiệm trong trường hợp rơi vào rủi ro bất khả kháng như chiến tranh, đình công, nổi loạn, động đất, lụt lội... Hơn nữa, thông qua nghiệp vụ này Ngân hàng có thể mở rộng quan hệ quốc tế với các ngân hàng trên thế giới, nâng cao uy tín và vai trò của ngân hàng trên thị trường tài chính quốc tế.
Tuy nhiên khi phát hành một thư tín dụng, ngân hàng đã bị ràng buộc trách nhiệm thanh toán đối với người bán, nếu nhà nhập khẩu không có khả năng thanh toán hay cố tình không thực hiện thanh toán thì Ngân hàng sẽ chịu thiệt hại rất lớn. Kể cả trong trường hợp Ngân hàng có thể nắm giữ lô hàng của L/C thì việc xử lý hàng hóa cũng sẽ gặp nhiều khó khăn và tốn kém chi phí. Hơn thế nữa quy trình nghiệp vụ thư tín dụng thường khá phức tạp chỉ cần kiểm soát không chặt chẽ thì NH sẽ phải chịu mọi trách nhiệm đối với người mua hay người bán.
1.2.5.4. Đối với các ngân hàng khác
Đối với các ngân hàng khác khi thực hiện nghĩa vụ liên quan đến L/C đều thu được các khoản phí thủ tục. Thông qua nghiệp vụ này uy tín và mối quan hệ của ngân hàng trên thị trường tài chính quốc tế cũng được củng cố và mở rộng.
Đối với ngân hàng thông báo không chịu trách nhiệm về những hậu quả phát sinh do sự chậm trễ hoặc mất mát chứng từ trên đường đi đến ngân hàng mở L/C.
Nhưng NHTB có thể gặp rủi ro khi nhận phải một L/C giả (hoặc sửa đổi giả) mà không có ghi chú gì, NH thông báo sẽ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm với các bên liên quan theo thông lệ quốc tế.
Đối với NH chiết khấu, rủi ro xảy ra khi các NH này thực hiện chiết khấu cho nhà xuất khẩu với điều kiện truy đòi (with recourse) để trợ giúp cho nhà xuất khẩu. Nếu NHPH hay nhà xuất khẩu gặp rủi ro về khả năng thanh toán thì NH chiết khấu sẽ không thu lại được khoản tiền trên.
Đối với NH xác nhận, phí xác nhận họ được hưởng khá cao và khi thực hiện xác nhận một L/C, họ thường yêu cầu NHPH kí quỹ tiền theo trị giá L/C có khi tới 100% trị giá của L/C. Họ sẽ gặp rủi ro khi không nắm vững được năng lực tài chính của NH phát hành mà xác nhận theo yêu cầu của họ để rồi khi xảy ra hậu quả thì lại phải chịu trách nhiệm thanh toán thay cho NH phát hành do NH phát hành thiếu thiện chí hay mất khả năng thanh toán, thậm chí bị phá sản.