Củng cố, hoàn thiện hệ thống thông tin tíndụng

Một phần của tài liệu 0888 nâng cao công tác quản trị rủi ro trong cho vay của NH nông nghiệp và phát triển nông thôn việt nam chi nhánh huyện thanh hà tỉnh hải dương luận văn thạc sỹ kinh tế (Trang 91 - 93)

Hệ thống thông tin tín dụng đóng vai trò quan trọng trong quá trình thẩm định và ra quyết định cho vay của cán bộ tín dụng, góp phần lựa chọn khách hàng và hạn chế rủi ro tín dụng. Hiện nay, trong thẩm định vay vốn của ngân hàng còn hạn chế mà nguyên nhân chủ yếu là thiếu thông tin để phân tích, đánh giá về khách hàng vay vốn, nhiều thông tin thu thập được không chính xác, thiếu trung thực.

Thông tin trong bộ hồ sơ vay vốn của khách hàng không đẩy đủ, nhiều khi khách hàng còn dựng các số liệu giả, nhất là các báo cáo tài chính. Hầu hết các số liệu trong các báo cáo tài chính của doanh nghiệp cung cấp cho ngân hàng chưa được kiểm toán.

Ngoài ra, hệ thống thông tin lưu trữ tại ngân hàng còn thiếu và không cập nhật thường xuyên, chưa được tập hợp có hệ thống nên khó khăn cho việc tra soát.

Thông tin CIC còn sơ sài, cập nhật chậm, một số thông tin có thể khai thác được từ cơ quan thuế, kiểm toán ,...thì lại không lấy được số liệu do chưa có cơ chế phối hợp giữa ngân hàng và các cơ quan này, chủ yếu tìm hiểu được là nhờ quan hệ.

Để nâng cao chất lượng thông tin phục vụ công tác tín dụng, Chi nhánh cần thực hiện một số biện pháp sau:

Thứ nhất, thiết lập hệ thống thông tin đa dạng từ nhiều nguồn khác nhau:

- Nguồn thông tin do chính khách hàng cung cấp trong bộ hồ sơ vay vốn, ngân hàng cần yêu cầu các nguồn thông tin này được kiểm toán của cơ quan có thẩm quyền. Đối với khách hàng doanh nghiệp, các báo cáo tài chính chưa được kiểm toán cần thận trọng khi xem xét hồ sơ, nếu nghi ngờ thì cần kiểm chứng thêm bằng các nguồn thông tin khác hoặc yêu cầu khách hàng có những giải trình bằng hóa đơn, chứng từ, sổ sách,...

- Nguồn thông tin từ việc trực tiếp tiếp xúc với khách hàng: phỏng vấn trực tiếp, phát phiếu điều tra, trực tiếp quan sát hoạt động kinh doanh của khách hàng,...Đây là cách thẩm định phổ biến mà hiện nay cán bộ tín dụng đang áp dụng để tìm hiểu về các thông tin định tính, định lượng của khách hàng. Nó thực sự quan trọng và cần thiết bởi vì nhiều thông tin rất giá trị, có ý nghĩa lớn cho việc ra quyết định cấp tín dụng mà hồ sơ vay vốn không phản ánh hết được.

- Nguồn thông tin từ trung tâm thông tin tín dụng (CIC) của NHNN: tuy thông tin còn ít, cập nhật chậm nhưng cũng rất quan trọng và cần thiết.

- Nguồn thông tin từ chứng từ lưu trữ trong hệ thống thông tin của ngân hàng hay chính là lịch sử vay vốn của khách hàng tại ngân hàng. Đây cũng là một cơ sở để Ngân hàng đánh giá, xếp loại và có chính sách riêng áp dụng cho mỗi đối tượng khách hàng.

- Nguồn thông tin khác: từ bạn hàng, đối thủ cạnh tranh, báo chí, internet,...

Thứ hai, lưu trữ, sắp xếp thông tin khoa học, thuận tiện cho việc tìm kiếm:

Nguồn thông tin sau khi được thu thập cần được tổ chức sắp xếp để lưu trữ, bảo quản, cung cấp thông tin thật hiệu quả. Agribank Thanh Hà cần hoàn thiện hơn việc này, cụ thể:

- Cần đẩy nhanh áp dụng, cập nhật công nghệ thông tin hiện đại trong quản lý khách hàng, sử dụng phần mềm tin học để hỗ trợ quá trình này. Chi nhánh đã có những thực hiện nhưng chưa đồng nhất, hiệu quả do đó cần quán triệt cán bộ nghiêm túc trong quá trình phân loại thông tin thành 2 loại như sau: thông tin tài chính và thông tin phi tài chính. Thông tin tài chính là: kết quả kinh doanh, khoản phải thu, phải trả, nhu cầu vốn, hiệu quả phương án, dự án vay vốn, khả năng trả nợ, tài sản bảo đảm,...Thông tin phi tài chính là: tư cách, uy tín, năng lực quản lý, quan hệ gia đình, xã hội, kinh tế, thị trường,...

- Thông tin tín dụng phải được lưu trữ và sử dụng theo chế độ bảo mật. Những người có liên quan đến mới được truy cập, khai thác, sử dụng thông tin. Trong quá trình lưu trữ phải thường xuyên cập nhật thông tin mới và loại bỏ thông tin cũ nhằm mục đích thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời.

- Tài liệu lưu trữ cần được thực hiện theo mẫu biểu thống nhất và quy chuẩn.

Thứ ba, tăng cường hợp tác, trao đổi và chia sẻ thông tin giữa các NHTM trong việc cung cấp thông tin về khách hàng.

Hiện nay, do tình trạng các ngân hàng cạnh tranh với nhau gay gắt cho nên các ngân hàng thường bí mật các nguồn thông tin về khách hàng với nhau. Đây chính là nguyên nhân lớn gây ra rủi ro tín dụng khi khách hàng đem một tài sản thế chấp đi vay tại nhiều ngân hàng hoặc cố tình lừa đảo ngân hàng,...Khi đó việc trao đổi, chia sẻ thông tin giữa các ngân hàng về khách hàng vay là vô cùng cần thiết.

Một phần của tài liệu 0888 nâng cao công tác quản trị rủi ro trong cho vay của NH nông nghiệp và phát triển nông thôn việt nam chi nhánh huyện thanh hà tỉnh hải dương luận văn thạc sỹ kinh tế (Trang 91 - 93)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(112 trang)
w