Tùy vào dạng giải phẫu bệnh, chúng tôi áp dụng phẫu thuật phục hồi lưu thông mạch máu theo các phương pháp khác nhau. Ghép đoạn mạch được sử dụng khi ĐM dập nát, phải cắt bỏ trên 2 cm. Ghép nối trực tiếp áp dụng cho
những BN đụng dập ngắn, phải cắt bỏ dưới 2 cm. Những trường hợp không đụng dập thành mạch, chỉ co thắt mạch thì áp dụng các hình thức nong mạch. Trong nghiên cứu này có 36 trường hợp cần phải ghép mạch (100% được ghép bằng ghép mạch tự thân) chiếm 50,7%. Ghép mạch tự thân có nhiều ưu điểm như dễ kiếm, khả năng đề kháng cao với nhiễm khuẩn, chịu đựng tốt với va chạm, không bị gấp, xẹp khi đi qua vùng khớp. So với mạch nhân tạo, mạch tự thân có nguy cơ tắc mạch thấp hơn, nhưng phải mất thêm thời gian để lấy mạch nên làm tăng thời gian thiếu máu chi, so với một số tác giả kết quả của chúng tôi có phần cao hơn như Schlickewei W và cộng sự (1992) thống kê cho thấy trong tổn thương ĐM kèm theo gẫy xương, tỷ lệ ghép mạch tự thân trong nhóm được ghép mạch là 96,4% [13], của Tanga C và cộng sự (2018) là 87,5% số mạch cần ghép sử dụng TM tự thân [3], nhưng lại tương đồng với hầu hết các tác giả Việt nam những năm gần đây như Nguyễn Hải Thụy (2010), Nguyễn Thái Hoàng (2013), Lê Minh Hoàng (2015) hay Nguyễn Văn Đại (2015) tỷ lệ ghép mạch bằng TM tự thân đều là 100% [8], [24],[21],[7]. Đôi khi kích thước TM nhỏ hơn so với ĐM cần ghép, chúng tôi khắc phục bằng cách tạo hình đoạn ghép TM có kích thước theo ý muốn. Tuy vậy tất cả những BN có chỉ định ghép mạch đều được tiến hành ghép bằng mạch tự thân và đều sử dụng đoạn TM hiển đảo chiều đối bên, chúng tôi không sử dụng TM hiển cùng bên vì làm tăng phù nề chi và cản trở tưới máu, về quan điểm lấy TM tự thân đối bên chúng tôi có cùng quan điểm với hầu hết các tác giả từ trước đến nay như của Đoàn Quốc Hưng (2000), Nguyễn Hữu Ước và cộng sự (2007), Lê Minh Hoàng (2015) và Tanga C và cộng sự (2019) [1],[3],[17],[21]. Tỉ lệ nối mạch trực tiếp là 32,9% và nong mạch chiếm 16,4%. Có 4 BN phải sử dụng phối hợp các phương pháp nói trên để
phục hồi lưu thông mạch vì những BN này có thương tổn nhiều mạch với nhiều hình thái giải phẫu bệnh khác nhau.
Hình 4.10 Phẫu thuật điều trị chấn thương động mạch chi dưới A: 1 - đoạn ghép TM hiển, 2 - ĐM khoeo được ghép
B: Ghép đoạn ĐM khoeo bằng TM hiển sau khi tạo hình tăng kích thước *Nguồn: A:Lương Kế T – Số lưu trữ 24368; B: Nguyễn Danh H – Số lưu trữ 60022