Các tổn thương tại chỗ ngoài động mạch

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đặc điểm dịch tễ học lâm sàng và thương tổn giải phẫu bệnh chấn thương động mạch chi dưới tại bệnh viện hữu nghị việt đức giai đoạn 2017 2019 (Trang 29 - 31)

Tổn thương tĩnh mạch:

Thành TM cũng có cấu tạo 3 lớp [44], trong đó lớp cơ gồm những sợi cơ trơn xếp theo vòng, cách nhau bởi những sợi tạo keo và ít sợi chun nên khó có khả năng co mạch để cầm máu khi có tổn thương so với ĐM. Màng đáy nội mạc và mô liên kết áo trong chứa nhiều chất sinh keo typ II và III có tác dụng tạo huyết khối khi nội mô bị tổn thương. Đặc điểm này có lợi trong cầm máu nhưng cũng có thể gây tắc mạch do huyết khối.

Hệ TM nông chi dưới nằm ngay dưới da dễ bị tổn thương cùng với phần mềm khi bị đụng dập. TM sâu đi kèm với ĐM cùng tên, nên khi có CTĐM có thể kèm theo cả tổn thương TM. TM có thể bị xé rách tạo nên vết thương bên hoặc đứt rời gây chảy máu lớn hoặc đụng dập huyết khối cản trở máu ngoại vi về trung tâm, máu bị ứ lại gây phù nề chi, làm giảm cấp máu ĐM cho ngoại vi và có nguy cơ gây HCK cẳng chân [45],[46]. Khi một TM chính của chi (TM khoeo, đùi) bị đứt sẽ ảnh hưởng xấu tới tuần hoàn ĐM vừa mới phục hồi, nó cũng có thể là nguồn gốc của di chứng tàn phế vĩnh viễn “phù đau” [47]. Việc phục hồi lưu thông TM lớn là quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả điều trị tổn thương ĐM [48].

Tổn thương thần kinh:

Thần kinh tùy hành bị kéo giãn, đụng dập hoặc đứt rời tùy thuộc vào nguyên nhân và cơ chế gây tổn thương. Dù có phục hồi lưu thông mạch tốt nhưng nếu có tổn thương thần kinh đi kèm thì sau này chức năng chi cũng bị ảnh hưởng.

Tổn thương xương, khớp:

Gặp chủ yếu trong CTĐM. Các thương tổn xương khớp phối hợp có thể gãy kín hay gãy hở làm cho chi càng biến dạng, sưng nề và lệch trục. Vị trí thường gặp là vùng quanh khớp gối có liên quan đến tổn thương ĐM khoeo [49],[50]. Nguyên nhân chính là ĐM khoeo nằm trong tổ chức xơ kém chun giãn ngay sau khớp gối được cố định phía trên bởi vòng cơ khép lớn và phía dưới bởi cung cơ dép cho nên khi có gãy xương, trật khớp sẽ gây co kéo, giằng xé làm tổn thương ĐM.

Thương tổn phần mềm và tuần hoàn phụ:

Phần mềm bao gồm da, tổ chức dưới da, cơ, các tổ chức xơ sợi như gân, dây chằng, bao khớp, cân. Thương tổn phần mềm trong CTĐM thường ở

mức độ nặng. Phần mềm thường bị dập - rách nhiều do sang chấn và các đầu xương gãy chọc vào làm mất rất nhiều hệ thống tuần hoàn phụ, tiến triển của thiếu máu cấp tính chi sớm dẫn đến không hồi phục. Tổn thương phần mềm sẽ gây phù nề sau chấn thương cùng lúc tác động lên tuần hoàn ĐM, TM dẫn tới thiếu máu ngoại vi và HCK nhất là ở vùng khoeo và cẳng chân [51].

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đặc điểm dịch tễ học lâm sàng và thương tổn giải phẫu bệnh chấn thương động mạch chi dưới tại bệnh viện hữu nghị việt đức giai đoạn 2017 2019 (Trang 29 - 31)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(95 trang)