Nguyễn Ngọc Diễm Phương (2016) nghiên cứu mối quan hệ giữa chất lượng, sự hài lòng và ý định hành vi của khách du lịch nội địa khi tham gia loại hình du lịch homestay tại Việt Nam. Nghiên cứu nhằm mục đích giúp các nhà hoạch định du lịch và tiếp thị có thể nắm bắt được cảm nhận cũng như ý định của du khách về ngành du lịch “homestay” tại Việt Nam hiện nay, có được một sự hiểu biết đầy đủ về hiện trạng chất lượng của loại hình du lịch dựa vào cộng đồng này, qua đó có thể cung cấp một nền tảng cho các quyết định chiến lược tiếp thị của họ. Các nhân tố bao gồm Sự cảm thông (EM), Phương tiện hữu hình (TA), Năng lực phục vụ (AS), Độ tin cậy (TR), Mức đáp ứng (RE). Các thang đo được xây dựng và đã kiểm định ở nhiều nước trên thế giới là cơ sở xây dựng, phát triển và điều chỉnh thang đo phù hợp với thị trường Việt Nam. Kết quả nghiên cứu cho thấy các thành phần chất lượng dịch vụ du lịch homestay tác động trực tiếp và thuận chiều đến sự hài lòng của khách du lịch nội địa, thông qua đó quyết định ý định hành vi của họ trong tương lai. Một điều quan trọng đối với một nhà cung cấp dịch vụ đó là hiểu được mong đợi và nhu cầu của khách hàng, những điều mà họ mong muốn khi sử dụng dịch vụ, nhưng điều này hiện tại đang rất thiếu trong lĩnh vực du lịch homestay tại Việt Nam. Trong thực tế, kết quả này rất hữu ích trong việc thấu hiểu khách du lịch, cũng như đánh giá được chất lượng dịch vụ hiện tại của homestay, xu hướng lựa chọn và hành vi truyền miệng của du khách trong tương lai, điều này mang đến cho các nhà cung cấp dịch vụ những gợi ý có thể cải thiện, nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng được nhu cầu và mong đợi của du khách trong tương lai, thu hút càng nhiều khách du lịch trải nghiệm loại hình này hơn và khách du lịch nội địa thông qua đó sẽ có được điều kiện để hiểu hơn về đất nước của mình.
Trần Thị Họa Mi (2018) thực hiện đề tài các nhân tố ảnh hưởng đến ý định chọn Homestay làm nơi lưu trú khu du lịch trong khu vực TP.HCM. Từ các lý thuyết hành động hợp lý TRA, lý thuyết hành vi hoạch định TPB, lý thuyết về hành vi cá nhân TIB, mô hình hành vi hướng đến mục tiêu MGD, mô hình thái độ và tiến trình
ra quyết định của Moutinho, lý thuyết hai nhân tố đẩy và kéo của Dann, kiểm soát nhận thức tài chính, cùng với các công trình nghiên cứu trước đây đã xây dựng mô hình nghiên cứu đề xuất với 6 nhân tố ảnh hưởng đến ý định chọn homestay làm nơi lưu trú khi du lịch bao gồm thái độ, chuẩn chủ quan, động lực, phương tiện hữu hình, tính kinh tế, quảng cáo. Các nhân tố này đều có tác động tích cực đến ý định chọn homestay làm nơi lưu trú. Tổng cộng có 324 bảng khảo sát hợp lệ cùng 31 biến quan sát được sử dụng, trong đó 28 biến quan sát đo lường cho 6 biến độc lập và 3 biến quan sát đo lường cho 1 biến phụ thuộc. Tác giả đề xuất các hàm ý quản trị tập trung vào 6 nhân tố để giúp chủ homestay nắm bắt được các mong đợi, nhu cầu và biết cách làm thế nào để thu hút du khách, cũng như các hàm ý chính sách để đảm bảo an toàn vệ sinh, an ninh trật tự, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động homestay ngày càng phát triển hơn nữa.