Nghiên cứu định lượng

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) các nhân tố ảnh hưởng đến ý định chọn homestay làm nơi lưu trú của du khách nội địa khi du lịch vũng tàu (Trang 44 - 46)

Thứ nhất, phương pháp chọn mẫu: đó là chọn mẫu theo phương pháp thuận tiện. Lý do để chọn phương pháp chọn mẫu này là vì người trả lời dễ tiếp cận, họ sẵn sàng trả lời bảng câu hỏi đồng thời có thể tiết kiệm thời gian và chi phí cho người nghiên cứu. Các du khách đến từ rất nhiều nơi khác nhau có các đặc điểm cá nhân khác nhau, thêm vào đó thời gian khảo sát không được thuận lợi (do tác động của dịch bệnh) nên có thể nói đây là phương pháp tối ưu nhất có thể.

Thứ hai, kích thước mẫu: Một số nghiên cứu về kích thước mẫu được các nhà nghiên cứu đưa ra. Mô hình lý thuyết của Bollen (1989) cho rằng kích thước mẫu ít nhất là 5 quan sát cho một tham số cần ước lượng.

Theo Hair và cộng sự (2006) kích thước mẫu tối thiểu phải ≥ m x 5, trong đó m là số biến quan sát. Vậy, với 25 biến quan sát trong nghiên cứu này kích thước mẫu tối thiểu phải ≥ 25 x 5 = 125 quan sát.

Theo Tabachnick và Fidell (2007), để phân tích hồi quy tốt nhất thì kích thước mẫu phải đảm bảo tối thiểu theo công thức: n ≥ 50 + 8p. Với n: là kích thước mẫu tối thiểu cần thiết và p: là số lượng biến độc lập trong mô hình (Nguyễn Đình Thọ, 2013). Nên kích thước mẫu tốt nhất cho hồi quy tối thiểu là: 50 + 8 x 5 = 90 quan sát trở lên.

Tuy nhiên, để đảm bảo số lượng mẫu tối thiểu theo các phương pháp trên được tổng hợp lại là 125, tác giả dự kiến sẽ thu thập gấp 2 lần (250 quan sát ) nhằm tăng độ tin cậy cho nghiên cứu.

3.1.3.2. Thiết kế bảng câu hỏi khảo sát

Sau khi thực hiện thảo luận nhóm, dựa trên thang đo tác giả thiết kế bảng câu hỏi nghiên cứu với hình thức câu hỏi đóng.

Phần mở đầu giới thiệu mục đích nghiên cứu và cam kết bảo mật thông tin của cuộc khảo sát.

Phần A: Thông tin cá nhân gồm các câu hỏi để người được khảo sát cung cấp những thông tin cá nhân: Giới tính, độ tuổi, thu nhập trung bình hàng tháng, tần suất chọn homestay làm nơi lưu trú và mức độ hài lòng.

Phần B: Thông tin chi tiết khảo sát đánh giá của du khách nội địa, bảng câu hỏi được xây dựng để đo lường sự ảnh hưởng của các nhân tố đến ý định chọn homestay làm nơi lưu trú của du khách nội địa khi du lịch Vũng Tàu. Các biến quan sát đều sử dụng thang đo Likert 5 mức độ.

Phần C: Ý kiến đóng góp của du khách nhằm nâng cao dịch vụ lưu trú homsetay đối với điểm đến du lịch Vũng Tàu.

Nội dung chi tiết của bảng câu hỏi khảo sát được trình bày ở Phụ lục 2.

3.1.3.3. Phương pháp thu thập dữ liệu

Thông tin mẫu nghiên cứu được thu thập bằng phương pháp phỏng vấn du khách nội địa bằng bảng câu hỏi được soạn sẵn từ trước. Bảng câu hỏi khảo sát được gửi trực tiếp đến các du khách nội địa hiện đang thực hiện lưu trú tại các cơ sở homestay trên địa bàn thành phố Vũng Tàu. Khi điều tra, tác giả luôn kiểm soát cân đối các đặc điểm cá nhân đa dạng. Kết quả khảo sát, sau khi làm sạch (loại bỏ các bảng câu hỏi có nhiều ô thiếu thông tin) được nhập vào ma trận dữ liệu trên phần mềm SPSS 20.0.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) các nhân tố ảnh hưởng đến ý định chọn homestay làm nơi lưu trú của du khách nội địa khi du lịch vũng tàu (Trang 44 - 46)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(113 trang)