Bài học quốc tế

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) giải pháp huy động nguồn lực thực hiện xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện định hóa, tỉnh thái nguyên giai đoạn 2017 2021 (Trang 32 - 36)

7. Cấu trúc của luận văn

1.3.1. Bài học quốc tế

Trên thế giới có nhiều chương trình phát triển nông thôn theo hướng tiếp cận dựa vào cộng đồng. Một số kết quả nghiên cứu có liên quan đến đề tài là:

a. Phong trào làng mới Saemaul Undong của Hàn Quốc

Chiến dịch Saemaul Undong của Hàn Quốc bắt đầu từ năm 1970 với mục tiêu nâng cao điều kiện sống của người dân nông thôn. Chính phủ Hàn Quốc tập trung vào các dự án đem lại sức sống mới cho cộng đồng làng xã như sửa sang nhà cửa, mở rộng đường, xây cầu, đường nội đồng, trung tâm cộng đồng, các cơ

sở cung cấp nước, tăng thu nhập cho người dân thông qua trồng trọt để thu hoa lợi, thực hiện và duy trì chiến dịch xóm làng sạch sẽ và chiến dịch tiết kiệm, cải thiện chế độ ăn uống, thực hiện các chiến dịch chi tiêu thông minh, đọc sách, đào tạo… Các nội dung của Saemaul Undong gần tương đồng với chiến lược phát triển đồng bộ kinh tế - xã hội trong chương trình MTQG về NTM hiện nay ở Việt Nam. Cách làm của Hàn Quốc, chủ trương hỗ trợ một phần nguồn vốn từ ngân sách, phần còn lại dựa vào sự tích cực và năng động của cộng đồng. Người dân được chủ động quyết định nội dung ưu tiên cho phát triển và tự chịu trách nhiệm toàn bộ về thiết kế, thi công, nghiệm thu công trình. Mức hỗ trợ của nhà nước giảm dần song song với mức gia tăng các nguồn vốn do cộng đồng đóng góp. Nhờ sự tích cực của cộng đồng cũng như chính sách hỗ trợ hợp lý của nhà nước, phong trào Saemaul Undong được đẩy mạnh, chỉ sau 4 năm thu nhập của người dân nông thôn đã cao hơn thành thị, hầu hết các xã đã có thể độc lập về mặt kinh tế. [6]

Một số bài học chính rút ra từ kinh nghiệm của chương trình Saemaul Undong của Hàn Quốc là:

- Chính phủ có một quyết tâm chính trị cao, đặt ra mục tiêu, dùng nhiều hình thức, chính sách để tác động, can thiệp, tạo điều kiện để đạt được các mục tiêu đó.

- Saemaul Undong được phát động thành một phong trào rộng khắp toàn quốc, được nhân dân hưởng ứng nhiệt liệt, quyết tâm tham gia thi đua. Hình thức biểu dương, khen thưởng giúp các làng xã tích cực phấn đấu (làng nào làm tốt được hỗ trợ nhiều thêm, làng nào không đạt kết quả tốt sẽ không được nhà nước hỗ trợ).

- Cán bộ các làng được tập trung đào tạo, được trang bị đầy đủ nhận thức về trách nhiệm, vai trò của mình để dẫn dắt làng xã của mình xây dựng làng mới.

- Nỗ lực của chính bản thân người dân. Họ không mang tâm lý trông chờ, ỷ lại sự đầu tư của nhà.

- Cơ chế chính sách thực hiện Saemaul Undong tạo điều kiện thuận lợi giúp người dân phát huy vai trò làm chủ, tự bàn bạc, lựa chọn ưu tiên làm gì.

b. Kinh nghiệm xây dựng nông thôn mới ở Trung Quốc

Năm 1997, Trung Quốc chính thức có văn kiện quy định cụ thể về hệ thống chính sách với vấn đề “tam nông”, mặc dù thực tế vấn đề tam nông đã tồn tại và phát triển ở Trung Quốc từ năm 1949, khi nhà nước CHND Trung Hoa ra đời. Giai đoạn trước đây, do thực hiện “cơ chế khoán” nên người dân phải đóng góp quá nhiều. Do vậy, chính phủ Trung Quốc đã có những chính sách mới từ năm 1997 để giảm nhẹ đóng góp của nông dân và ổn định tình hình, hạn chế hiện tượng lao động nông nghiệp bỏ đồng ruộng đi ra thành thị.

Xây dựng “NTM xã hội chủ nghĩa” được Trung ương Đảng cộng sản và Quốc vụ viện nêu ra vào năm 2006, với phương châm “cho nhiều, lấy ít, nuôi sống”. Nông nghiệp Trung Quốc chưa đảm bảo mức sống của nhân dân, khoảng cách đô thị và nông thôn ngày càng xa, nông dân thiếu đất sản xuất. Do vậy, mục tiêu của xây dựng NTM ở Trung Quốc là: Tăng năng suất sản xuất ở nông thôn, xây dựng CSHT nông thôn, phát triển xã hội và mức sống. [7]

Trung Quốc không xây dựng Bộ tiêu chí NTM cụ thể như Việt Nam mà chỉ đặt ra 5 tiêu chí chung: Sản xuất phát triển, cuộc sống sung túc, diện mạo sạch sẽ, thôn xóm văn minh, quản lý dân chủ. Vấn đề đất đai được đặc biệt quan tâm trong xây dựng NTM ở Trung Quốc. Ruộng đất ở các thôn do doanh nghiệp đứng ra tổ chức sản xuất tập trung một hoặc vài loại sản phẩm. Người nông dân cho doanh nghiệp thuê đất rồi vào làm công nhân, được doanh nghiệp hướng dẫn, tập huấn nghề. Nông dân vừa có thu nhập từ tiền lương, và có thu nhập từ tiền cho thuê đất. Công tác quy hoạch trong xây dựng NTM ở Trung Quốc cũng rất bài bản, đồng bộ. Cấp thôn được chọn làm đơn vị quy hoạch. Việc công khai quy hoạch với dân được coi trọng đặc biệt, tại bất cứ mô hình NTM nào được triển khai cũng đều có đầy đủ sơ đồ, bản vẽ thiết kế được treo nơi công cộng.

Bên cạnh đó, khi xây dựng NTM, Trung Quốc xây dựng một đội ngũ cán bộ thôn có năng lực, có trình độ quản lý, hiểu biết khoa học kỹ thuật. Đây là vấn đề quan trọng mà xây dựng NTM ở Việt Nam cần phải học hỏi để tăng cường năng lực cho cán bộ cơ sở, có như vậy mới vận động được quần chúng nhân dân hưởng ứng tham gia xây dựng NTM.

c. Phong trào mỗi làng một sản phẩm ở Nhật Bản

Phong trào “Mỗi làng một sản phẩm” (One Village, one Product – OVOP) hình thành và phát triển đầu tiên tại Nhật Bản. Qua gần 25 năm, sự thành công và kinh nghiệm của phong trào đã lôi cuốn không chỉ các địa phương trên khắp Nhật Bản mà còn lôi cuốn rất nhiều các quốc gia khác quan tâm tìm hiểu và áp dụng.

Phong trào OVOP có 3 nguyên tắc cơ bản để thực hiện và phát triển: + Hành động địa phương nhưng suy nghĩ toàn cầu;

+ Tự chủ, tự lập, nỗ lực sáng tạo; + Phát triển nguồn nhân lực.

Trong đó nhấn mạnh đến vai trò của chính quyền địa phương trong việc hỗ trợ kỹ thuật, quảng bá, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm được xác định là thế mạnh. Mỗi địa phương lựa chọn ra những sản phẩm độc đáo, mang đậm nét đặc trưng của địa phương để phát triển. [8]

Kinh nghiệm từ OVOP có thể áp dụng cho hoạt động xây dựng NTM ở Việt Nam tại những địa phương có làng nghề và có sản phẩm đặc sản. Các cơ quan quản lý các cấp cũng đã có những hỗ trợ nhất định, nhằm giúp các địa phương phát hiện được thế mạnh của mình và tìm cách bán sản phẩm ra thị trường.

Người dân ở Việt Nam có kỹ năng sản xuất khéo léo, tạo ra được nhiều sản phẩm độc đáo, nhiều đặc sản có giá trị cao, song chưa tham gia tốt trên thị trường, chưa có cách quản lý khoa học để sản phẩm có chất lượng tốt. Mặt khác, trong nội bộ

nhiều làng, do tập quán giữ bí quyết làng nghề nên chưa có sự chia sẻ. Vì vậy, để khơi dậy năng lực và thúc đẩy người dân phát triển các ngành nghề của mình, công tác tuyên truyền, vận động xây dựng NTM cần lồng ghép giới thiệu những bài học kinh nghiệm hay trong nước và trên thế giới.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) giải pháp huy động nguồn lực thực hiện xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện định hóa, tỉnh thái nguyên giai đoạn 2017 2021 (Trang 32 - 36)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(143 trang)