Khách du lịch là người Trung Quốc

Một phần của tài liệu giao-trinh-tam-ly-va-kngt-voi-kdl (Trang 77 - 81)

2. Những đặc điểm tâm lý của khách du lịch theo dân tộc

2.12. Khách du lịch là người Trung Quốc

2.12.1. Những đặc điểm chung:

Trung Quốc là quốc gia có diện tích lớn thứ 3 trên thế giới (khoảng 9.630.000 km2) nhưng lại là quốc gia có dân số lớn nhất thế giới. Tiếng Hán (ở Bắc Kinh) là tiếng phổ thông của Trung Quốc, ngoài ra còn bảy loại tiếng địa phương lớn : Tiếng miền Bắc, tiếng Quảng Đông, tiếng Hồ Nam, tiếng Phúc Kiến, tiếng Giang Tây, tiếng Khách, tiếng Ngô (Tô Châu). Trung Quốc có 56 dân tộc, trong đó tộc người hán chiếm 92%, tôn giáo phổ biến là : Đạo giáo, Phật giáo và một số tôn giáo khác (nhưng chỉ chiếm tỷ trọng rất nhỏ).

78

Trung Quốc có thiên nhiên phong phú, đa dạng, có nhiều núi cao, sông dài, nhiều hồ nước đẹp. Đặc biệt Trung Quốc có nền văn hoá phát triển lâu đời (5000 năm) với những giá trị văn hoá rực rỡ cống hiến to lớn cho nền văn hoá của nhân loại.

Văn hoá Trung Quốc có ảnh hưởng sâu sắc đối với các nước trong khu vực, với nhiều triết lý, nhân sinh quan sâu sắc và bí ẩn. Chính nền văn hoá và bề dày lịch sử đó để lại những di sản văn hoá vật thể và văn hoá tinh thần hết sức đa dạng phong phú có giá trị. Trung Quốc là quốc gia có rất nhiều di tích lịch sử, các công trình kiến trúc tuyệt mỹ, có giá trị đặc biệt như Vạn Lý Trường Thành, Cố Cung, Di Hoà Viên, Lăng mộ Tần Thuỷ Hoàng... ; có nhiều dân tộc thiểu số với những nền văn hoá đặc sắc, nhiều lễ hội, phong tục tập quán lạ,... Từ xa xưa, Trung Quốc đã nổi tiếng về hàng thủ công mỹ nghệ, điêu khắc, dệt, kim hoàn, nghệ thuật ẩm thực.

Cùng với sự phát triển nhanh chóng của đời sống kinh tế - xã hội, mức sống của người dân Trung Quốc ngày càng được nâng cao, đi kèm với sự cải thiện về mức sống người dân Trung Quốc ngày càng có điều kiện đi du lịch không chỉ trong nước mà còn đến nhiều nước khác, đặc biệt là các nước trong khu vực. Trong giai đoạn hiện nay, khách Trung Quốc đang là thị trường mục tiêu đối với du lịch Việt Nam.

Đặc điểm về tính cách dân tộc của khách du lịch Trung Quốc.

- Tính cách dân tộc.

+ Văn hoá Trung Quốc có ảnh hưởng rất lớn đến các nước trong khu vực. Do có rất nhiều điểm tương đồng về điều kiện tự nhiên, điều kiện xã hội lịch sử nên văn hoá Việt Nam có nhiều điểm tương đồng với văn hoá Trung Quốc, tính cách dân tộc cũng có nhiều điểm tương đồng với tính cách dân tộc của người Việt, có thể nhận thấy điều này trong ngôn ngữ, văn hoá, phong tục tập quán truyền thống... Ngoài ra Trung Quốc còn có một số đặc điểm cần lưu ý như:

+ Người Trung Quốc khá thân thiện, khiêm nhường, cần cù, ham học hỏi.

+ Người Trung Quốc khá khách khí, khi nói chuyện thường dùng từ “hảo’’ (với nghĩa tốt, được) trong nhiều trường hợp. Tuy nhiên trong giao tiếp họ không quá coi trọng các lễ nghi. Đối với người Trung Quốc khi chào hỏi chỉ cần giơ tay hay gật đầu cũng được, ngoài ra cũng có thể bắt tay khi gặp mặt, tuy nhiên khi gặp người có địa vị xã hội cao hoặc người già nên hơi cúi người và bắt tay bằng cả hai tay.

+ Người Trung Quốc thường gọi nhau bằng họ (khác với người Việt Nam) hoặc có thể gọi kèm chức vụ, nghề nghiệp cũng khá phổ biến.

+ Người Trung Quốc thích đề cập đến các chủ đề về: lịch sử, văn hóa, gia đình và những thành tựu của đất nước Trung Quốc trong khi trò chuyện. Tuy nhiên cũng có thể hỏi người Trung Quốc (trừ những người ở các thành phố lớn) về các vấn đề riêng tư như: thu nhập, tài sản, tuổi tác, gia đình...

+ Người Trung Quốc ngại người khác đụng chạm vào cơ thể của mình như ôm vai hay vỗ lưng.

79

+ Người Trung Quốc thích các số 6 (lục - gần giống với từ lộc chỉ sự phát đạt), số 8 (gần giống với âm phát, chỉ sự phát đạt), số 2, số 10... họ cũng thích các số 5, số 7 (đồng âm với từ thất, chỉ sự mất mát hay thất bại)

- Khẩu vị và cách ăn uống.

+ Khẩu vị và tập quán ăn uống của người Trung Quốc rất đa dạng phong phú, cũng giống như văn hoá nó ảnh hưởng đến các nước trong khu vực. Cách ăn uống của người Trung Quốc được bắt nguồn từ nền kinh tế trồng trọt và chăn nuôi, cơ cấu bữa ăn gồm 3 bữa: sáng - trưa - tối.

+ Trong mọi suy nghĩ và hành động của người Trung Quốc nói chung và trong nghệ thuật ẩm thực nói riêng, người Trung Quốc thường dựa vào triết lý Nho Giáo, Ngũ hành, cân bằng Âm - Dương, nên họ thường dùng phối hợp giữa: nóng - lạnh, mặn - ngọt, chua - cay, ngay cả thức ăn cũng mang tính cân bằng giữa chất béo và chất xơ... chính những điều này không chỉ đảm bảo dinh dưỡng, mà còn giữ gìn sức khỏe và tạo ra những món ăn ngon miệng.

+ Cũng giống như người Việt Nam, người Trung Quốc ăn theo mâm, dùng bát đũa, ở các gia đình thường ngồi ở chiếu hoặc trên phản, giường, trong các nhà hàng thường dùng bàn tròn hoặc bàn vuông. Ngày nay, khi họ ngồi ăn đông thường dùng bàn hai lớp, lớp giữa có thể xoay tròn.

+ Người có địa vị, có tuổi hoặc vai trò thấp hơn thường phải chờ và mời người có địa vị

cao hơn trước khi ăn, sau khi ăn phải chắp tay xin phép.

+ Kỹ thuật chế biến món ăn của người Trung Quốc khá đa dạng và có phần phức tạp cầu

kỳ. Có nhiều món ăn ngon, được chế biến hết sức công phu, cầu kỳ cẩn thận từ khâu chọn giống, nuôi trồng... Mặt khác sự phong phú đặc sắc mang tính chất từng vùng, từng nhà hàng, thậm chí đối với từng người chế biến một, vì người Trung Quốc thường kín đáo giữ gìn những bí quyết chế biến của mình, sử dụng nhiều loại gia vị, với những cách chế biến, pha chế khó có thể học tập được nếu không được chính bản thân họ truyền nghề.

+ Cơ cấu bữa ăn bao gồm: các món nguội để khai vị và nhắm rượu, tiếp đến là các món

nấu, các món mặn để ăn với cơm, bánh bao hấp hoặc bánh mì, cuối cùng là món súp, canh và món tráng miệng. Bữa ăn thường lệ từ 6 -7 món, những bữa tiệc có từ 10 đến 15 món, nếu có yêu cầu những đầu bếp trung bình cũng có thể chế biến được 50 đến 60 món ăn khác nhau.

+ Khác với người Châu Âu, người Trung Quốc thường chỉ uống rượu khi có đồ nhắm

hay uống rượu trong các bữa ăn. Trung Quốc có khá nhiều loại rượu khác nhau, nhưng chủ yếu là các loại rượu được sản xuất bằng phương pháp chưng cất các loại ngũ cốc như gạo, ngô, khoai sắn, cao lương… Một trong những loại rượu khá nổi tiếng là rượu Mao Đài, ngoài ra người Trung Quốc còn có nhiều loại rượu ngâm thuốc bắc, hoặc ngâm các loại cao, các loại động vật (chủ yếu là bò sát) tương tự như người Việt Nam.

80

+ Người Trung Quốc cũng rất thích uống trà, tuy việc uống trà không cầu kỳ như một

tôn giáo hay một nghệ thuật như người Nhật, nhưng cách uống trà của người Trung Quốc cũng có nhiều loại khác nhau. Trà uống là trà xanh, pha trong ấm hoặc cốc, họ thường uống trà vào lúc sáng sớm, sau các bữa ăn, vào chiều tối, trong những lúc đàm đạo, chuyện trò…

2.12.2. Đặc điểm khi đi du lịch:

Việt Nam có nhiều thuận lợi trong việc phát triển du lịch với Trung Quốc, khách Trung Quốc có thể dễ dàng đến Việt Nam cả bằng đường bộ, đường sắt, đường thuỷ, đường không. Mặt khác giá cả dịch vụ ở Việt Nam tương đối phù hợp với túi tiền của khách du lịch Trung Quốc, lại có nhiều điểm gần gũi về mặt văn hoá, lịch sử…

Nhìn chung khách du lịch Trung Quốc đến Việt Nam với mục đích chủ yếu là thương mại, thăm thân và nghỉ mát. Theo truyền thống họ thường đi theo nhóm, theo các chương trình trọn gói của các công ty du lịch Trung Quốc tổ chức. Khách du lịch Trung Quốc thích mua sắm, họ xem việc đi du lịch cũng là một cơ hội để mua sắm và thường mua những loại hàng hoá không có hoặc rẻ hơn ở trong nước, thường chọn du lịch ngắn ngày (từ 2 đến 3 ngày), sử dụng các dịch vụ có thứ hạng trung bình khá và thường đi du lịch với tính chất tham quan. Khách Trung Quốc thường chú trọng đến hình thức phục vụ hơn là nội dung, thường đi theo nhóm, thường nói nhiều, thích ăn theo kiểu Trung Quốc. Quảng cáo du lịch với người Trung Quốc cần nhấn mạnh "giá rẻ" nhưng chất lượng lại cao hoặc đảm bảo…

2.12.3. Vài nét về người Hoa Kiều

Hoa Kiều là từ để chỉ những người thuộc dân tộc Trung Quốc nhưng đang sống và làm việc ở những quốc gia khác. Nhìn chung người Trung Quốc thường giữ gìn được bản sắc cộng đồng cho dù có sống và làm ăn ở xa quê hương một thời gian rất lâu, thậm chí đã trải qua khá nhiều thế hệ. Người Hoa Kiều ở trên thế giới và đặc biệt là người Trung Quốc ở Đài Loan, Hồng Kông, Ma Cao…vẫn giữ được nhiều nét về tính cách dân tộc Trung Quốc. Tuy nhiên bên cạnh đó do những điều kiện chính trị, kinh tế, xã hội khác nhau nên họ còn có những đặc điểm khác về cách sống và suy nghĩ, ngoài ra họ còn mang những đặc điểm của quốc gia nơi họ sống…

Trong số Hoa Kiều đến Việt Nam người Đài Loan chiếm một tỷ lệ khá cao. Khi tiếp xúc với khách du lịch là người Đài Loan cần chú ý một số điểm sau:

- Khách du lịch là người Đài Loan thường có những biểu hiện khá đầy đủ về du lịch, cũng như những tổ chức du lịch quốc tế, họ có nhiều kinh nghiệm khi đi du lịch ở nước ngoài.

- Phụ nữ Đài Loan thường tự tìm hiểu và tự quyết định việc lựa chọn điểm đến du lịch, thường rất ưa chuộng những chương trình du lịch trọn gói.

- Khách Đài Loan hay "lo xa", họ thường chuẩn bị cho việc giữ chỗ ít nhất một tháng trước ngày khởi hành. Họ thích đi thăm nhiều nơi, nhiều nước trong một chuyến đi. Thời gian đi nghỉ khoảng từ một đến 3 tuần, và thích đi vào mùa xuân hoặc mùa hè..

81

Nhìn chung khả năng thanh toán cao hơn khách du lịch Trung Quốc, nhưng họ cũng thường sử dụng những dịch vụ có thứ hạng trung bình/khá, tương tự như người Trung Quốc, họ cũng thích bầu không khí vui vẻ, thích đi theo nhóm, nhưng tự nhiên và quyết đoán hơn.

Một phần của tài liệu giao-trinh-tam-ly-va-kngt-voi-kdl (Trang 77 - 81)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(166 trang)