ÔNG NGUYỄN CÔNG HÃNG

Một phần của tài liệu sach-vui-sach-tang-thuong-ngau-luc (Trang 25 - 28)

Thượng thư Nguyễn Công Hãng là quan Tể tướng có danh đời chúa An Vương (Trịnh Cương)(40). Năm 21 tuổi, đỗ tiến sĩ, làm Đốc trấn An Bang (Quảng Yên). Đất trấn ấy, lưng dựa vào núi, mặt trông ra bể. Vua Hồng Thuận (Tương Dực) xưa có thơ ngự chế, khắc vào đá, trong có câu:

巨浸汪洋朝百川

Cự tẩm nông dương triều bách xuyên

Nghĩa là: Bể lớn mênh mông trăm sông chầu về. Ông chép bài thơ ấy cho các bạn đỗ đồng niên, chép lầm chữ “巨cự” ra chữ “匝táp” nên có người thường chế giễu. Ông từ chức về kinh, học những điển cố, luật lệnh, sổ sách của triều đình, ba năm thuộc hết, bèn nói:

- Được rồi!

Bèn lại xin lĩnh chức. Ông đứng ở trong triều, gặp việc gì, cũng bạo can ngăn, lời nói thường tha thiết, thẳng thắn, làm cho chúa phải tan cơn giận. Khi đi sứ, làm bài khải tạ, có câu: “Xoa vuốt vây rồng, từng thấy tạnh quang cơn sấm sét”, chính là lời nói đúng sự thực.

Năm thứ 57 niên hiệu Khang Hy (1719) đời nhà Thanh, gặp kỳ tuế cống, ông do chức Binh bộ Tả thị lang sung làm Chánh sứ. Nguyên xưa, đức Thái Tổ hoàng đế (Lê Lợi) cùng quân Minh đánh nhau ở núi Mã Yên(41), chém chết tướng Minh là An Viễn hầu Liễu Thăng. Đến khi giảng hòa, nộp cống, người Minh bắt đền, phải đúc người vàng thay thế. Đến hồi nhà Mạc cướp ngôi, Minh sai Cừu Loan, Bao Bá Ôn sang đánh; Mạc sợ phải đúc người vàng đút lót để cầu hòa. Đầu đời Trung hưng, nhà Minh lấy cớ tự tiện giết công thần của họ là Mạc Mậu Hợp, bắt phải đúc người vàng tạ lỗi, từ đấy thành thường lệ của sự tiến cống. Đến ông xin bãi bỏ lệ ấy. Các bộ viện đem cố sự ra hỏi. Ông nói:

- Quốc vương tôi ngày nay giữ gìn nghiệp cũ, không dám bỏ khoáng việc chức cống. Còn cái chuyện cũ về việc thâu thành nạp khoản thì sứ thần không dám biết.

Họ lại hặc(42) về chuyện Liễu Thăng. Ông nói:

- Liễu Thăng là tướng nhà Minh. Hoàng Thanh(43) nay bao gồm có cả muôn nước, lại đi khư khư đòi món của đút để trả mối thù của người xưa. Như vậy sao đủ để làm khuôn mẫu cho người sau.

Lệ cống phải có hũ nước để rửa ngọc trai, lấy ở cái giếng tại Loa Thành. Ông đổ đi, múc nước giếng Ba Sơn đem theo. Họ thử, không thấy nghiệm, kỳ kèo(44). Ông nói:

- Vì khí mạch lâu ngày nó biến đổi đi.

Hai thứ đồ cống ấy được miễn là bắt đầu từ ông vậy.

Đi sứ về, cùng ông Lê Anh Tuấn ở Thanh Mai cùng làm Tể tướng, hăm hở lấy việc thiên hạ làm trách nhiệm của mình, đem hết tâm tư, nghĩ việc chế tác, những phép tắc các chốn dinh tòa, đều là do ông sửa định cả. Vì nghĩ từ hồi Trung hưng về sau, những thể lệ về việc mũ áo trăm quan chưa được đúng hợp. Khi đi sứ, ông để ý kiếm tìm chế độ nhà Minh đem về; bèn sửa lại các đồ phẩm phục. Phàm khi đại triều, các quan đội mũ phốc đầu, mặc áo bổ phục(45), đỏ là trên, lần xuống đến xanh, đến tím. Đồ mặc ngày thường làm việc thì văn chít khăn lang cân, võ chít khăn yến vĩ, mặc áo thanh cát che đằng sau, thứ đến hạng chít khăn chữ đinh. Quân phục thì nón thầy chùa, áo chẽn tay. Những thể thức ấy đến nay hãy còn dùng.

Tính hay khích lệ khí tiết của kẻ sĩ; học trò trường Giám, thường cho được ngồi nói chuyện với các quan như thể ngang hàng. Bắt chước lối kinh nghĩa của Tàu, sai các Nho thần phải tập, muốn thay đổi thể văn để thi học trò nhưng việc không thành. Vì thấy sự tiêu dùng của nhà

nước không đủ, nên giảm bớt số ruộng của các công thần, bị nhiều người oán. Chúa Trịnh muốn cho được mở phủ như ông Nguyễn Duy Thì đầu đời Trung hưng, sau có người gạt đi nên lại thôi.

Khi Uy vương (Trịnh Giang) làm thế tử, An vương (Trịnh Cương) sai ông làm chức sư phó. Ông mật đệ tờ khải(46) lên chúa, nói thế tử là người lười biếng, không thể gánh vác công việc được. An vương nói:

- Ta không phải không biết như thế, nhưng nghĩ từ ngày quyền lý việc nước, hắn không có lỗi gì lớn cho nên chưa nỡ.

Ông dập đầu nói:

- Biết con không ai bằng cha. Xin chúa thượng nên vì xã tắc mà lo tính. Chúa Trịnh bèn cất tờ khải vào trong một cái hộp.

Gặp kỳ đại lễ, thế tử làm lễ sai nhầm. Chúa giận, vời đình thần vào họp, định truất bỏ đi. Việc chưa làm xong thì chúa nhân sang chơi Cổ Bi, mất ở dọc đường. Ông bấy giờ ở kinh, Kỳ Viên phi giấu không phát tang, về đến kinh mới báo tin dữ. Ông họp trăm quan ở Đô đường nói rằng:

- Thế tử có tội với Tiên vương, Tiên vương đã có nói, vậy nay sao ta không bàn lập ông thứ? Mọi người đều lặng im. Ông Nguyễn Hiệu, người ở Lan Khê, là thầy học của thế tử, cãi lại nói: - Thế tử có lỗi gì đâu! Lời Tiên vương nói chỉ là để răn bảo. Không nên khinh dị mà bàn đến việc ấy.

Thế tử lên nối ngôi, bắt được tờ khải của ông, bèn đem ông lên an trí ở Tuyên Quang, liền lại sai Trung sứ đánh thuốc độc cho chết.

Xưa, An vương vì biết trong kiểu đất nhà mình có câu “truyền được tám đời thì vạ nổi từ trong tường vách”, nên mới bày cuộc xây dựng ở Cổ Bi để yểm trừ. Vương thường bảo ông rằng:

- Đất quý Cửu Long, tiên sinh nên đem mả nhà đến mà táng, đừng để rồi họ khác chiếm mất. Vì thế rồi ông bị những nhời nói gièm. Khi đi sứ Tàu, qua thành Ứng Sơn, có làm bài thơ viếng Trung Liệt công(47) ở Dương Thúy am, trong có hai câu:

暗主休論崇愛豎

Ám chúa hưu luân sùng ái thụ,

皇天何忍毒忠臣

Hoàng thiên hà nhẫn độc trung thần.

Nghĩa là: Kể gì chuyện một ông vua mờ tối đi tin yêu một anh quan hoạn, chỉ đáng phàn nàn sao ông giời lại nỡ độc hại người tôi trung. Hai câu này tỏ ra là lời sấm ứng nghiệm vào đời ông về sau.

Đời truyền một hôm có một thầy xem bói chiết tự(48) vào thăm. Ông bảo xem cho mình. Nhân viết mấy chữ “十二月花殘thập nhị nguyệt hoa tàn” (Tháng 12 hoa tàn) cho người ấy đoán; người ấy khuyên ông nên xử theo cách “cấp lưu dũng thoái”(49). Ông im lặng không nói gì. Chưa bao lâu thì xảy ra tai vạ.

Người thầy bói này không rõ tên họ, thường hay đi lại ở các nhà công khanh, nói nhiều câu ứng nghiệm lắm. Cuối đời Long Đức (Lê Thuần Tông) (1732-1735) vua Hiển Tông là địa vị con nối mà không được lập, trốn ở trên cái gác chuông chùa Phật Tích, gặp người thầy bói ấy, vua bảo xem hộ và viết một chữ “景cảnh”. Người ấy liền phục lạy mà nói:

Quả nhiên, sau vua Ý Tông (1735-1740) nhường ngôi. Hiển Tông được lập, đặt niên hiệu là Cảnh Hưng (1740-1786).

Một thuyết nói: Khi ông làm Tể tướng, có một ông quan trong triều ốm sắp chết, học trò đến lễ cầu đảo ở đền Tản Viên, chiêm bao thấy thần bảo: “Tòa Nam Đẩu giữ việc chú sinh(51), đó không phải việc của ta”. Người học trò cố kêu xin. Thần bảo: “Tướng công Nguyễn Hãng là bậc dị nhân, sao không đến kêu với ông ấy!”

Tỉnh dậy, người ấy về kể chuyện với ông. Ông bảo cho sống thêm một kỷ(52) nữa. Sau quả nhiên đúng như lời nói.

Một phần của tài liệu sach-vui-sach-tang-thuong-ngau-luc (Trang 25 - 28)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(156 trang)