Núi Đông Liệt đứng trên bờ đầm, trên đỉnh có một chỗ trũng, tương truyền là vết cũ sao sa, rộng đến hơn một mẫu, nước có khi đầy có khi cạn. Trong núi có bàn cờ đá, cạnh bàn có một lốt bàn chân, to hơn chân người thường. Có một người con gái giẫm chân vào đấy, bụng thấy cảm động rồi có mang, sinh ra một đứa con gái. Đứa con ấy lọt lòng ra đã biết nói, biết quá khứ và vị lai. Tiếng đồn đến triều đình, được vời vào kinh, hỏi việc quỷ thần. Hỏi đâu trả lời ngay đấy. Vì thấy là của quái dị, triều đình lại cho về. Được ba tuổi thì đứa bé chết. Người ta cho là tiên, lập miếu phụng thờ. Nay miếu hãy còn ở dưới núi.
NÚI RẾT
Núi ở giữa khoảng hai châu Hoan (Nghệ An), Ái (Thanh Hóa) có cái miếu thờ làm ngay ở cửa hang. Hằng năm phải lấy người làm vật cúng tế, người làng cắt lượt nhau mà chịu. Họ thường đem vàng bạc đi mua chuộc những người lang thang bốn phương đem về làm vật thế thân. Có một anh nghèo kiết kia, đến lượt phải làm vật tế thần, không biết làm thế nào. Tới kỳ, anh tắm gội sạch sẽ để đi làm vật hy sinh, nhưng trong mình giấu sẵn một con dao sắc. Canh tư, anh ta hăng hái ra đi. Làng tế xong, khóa trái cửa lại rồi về. Anh ta cầm con dao, đứng ở cửa hang chực sẵn. Chừng độ một trống canh, thấy có mùi tanh nồng nặc. Rồi một con rết cực lớn, từ trong hang bò ra. Anh ta giơ dao đâm ngay, chỉ chốc lát thì con rết chết. Từ đấy, không còn cái quái ấy nữa. Núi này nay thành một nơi danh thắng, như là núi Phục Dực.