Tùng Niên
Lê triều khi mới Trung hưng, việc binh đao vừa yên, tà yêu quỷ quái nổi lên nhiều, dân gian rất khổ sở. Tại làng An Đông, huyện Quảng Xương, có người tên là Trần Lộc, vốn làm nghề phù thủy. Một hôm đi qua núi Na, nhân đương ngày hè nắng dữ, Trần Lộc ngồi nghỉ ở dưới núi, bỗng ở trên đỉnh núi, giữa khoảng rừng cây rậm rạp, có một ông già đầu bạc phơ, đương đứng ngó xuống mà vẫy. Trần Lộc xắn áo đi lên, giữa trưa thì lên đến đỉnh núi, phục xuống làm lễ bái yết. Ông già vỗ về rằng:
- Nhà ngươi là người thành thực, đôn hậu, Thượng đế khen ngợi, sai ta trao cho những bí quyết.
Bèn ghé vào tai mà bảo cho và nói:
- Đó là những phép Phật thượng không. Nhà ngươi nên siêng năng làm việc tế độ, tòa sen sẽ chẳng xa gì.
Nói xong thì không thấy đâu cả. Trần Lộc trông lên trên không mà bái tạ. Rồi đem những phép ấy ra thử dùng thì đều linh nghiệm. Từ đấy nổi tiếng về nghề phù lục(68). Người ta gọi Trần là Phật Tổ Như Lai, hai con là Tả Hữu Tôn Thánh, người đồ đệ giỏi nhất là Tiền Quan Tôn Thánh, còn những người khác là Bồ Tát, Kim Cương, Minh Sư, Thượng, Trung, Hạ Thặng v.v… Nghe núi Mỏ Diều có một con yêu, thường làm tai nạn cho những khách qua đường, bèn đến để trị. Con yêu vận mặc lối cung trang, giữ trên đầu núi, cùng Tổ sư chống cự ba ngày không phân thua được. Tổ sư tức lắm, phóng một cái quyết lật đổ núi. Yêu hóa làm con quạ bay vút lên giời. Tổ sư lại phóng mấy cái quyết trúng vào mình nó, nó phải sa xuống đất mà chết.
Mười hai cửa bể ở miền tây nam, mỗi cửa đều có một thần sóng, thường làm cho nước bốc cao lên như núi, chốc lát lại tan đi. Thuyền bè gặp phải, không tài nào sống sót được. Tổ sư sai đồ đệ đi bắn, trừ được chín, còn sót lại ba. Xảy có việc phải đi coi nom ở Sùng Sơn nên không trừ nốt được.
Bấy giờ vua Thần Tông mắc một bệnh lạ. Có người bảo là cái nhân quả tái thế của vua Lý Thần Tông (xem Lĩnh Nam chích quái). Trong triều ngoài dã đều lo ngại. Đại nguyên súy Thanh Vương tính kế, xin vua nhường ngôi cho Thái tử, xưng Thái thượng hoàng, ở cung riêng để dưỡng bệnh. Trải dùng bùa, thuốc trong mấy năm, không chút hiệu nghiệm gì cả. Nghe tiếng Tổ sư, triều đình sai trung sứ đến vời. Tổ sư nghĩ vì cái yêu khí ở vùng tây nam mới yên, chưa dám rời mà đi vội, cử đồ đệ là Pháp bộ Kim cương đi thay; đấm vào ngực mà niệm chú. Hơn một tháng, Thượng hoàng khỏi bệnh, trở lại ngôi rồng, truyền xuống dựng đền thờ Nội đạo để tinh biểu(69). Kim cương trở về; đường qua làng Bố Vệ. Giữa khi người làng đương làm lễ tế thần, Kim cương đứng đái ở trước đình, bị mấy người trẻ tuổi trong làng tức giận trói lại. Kim cương nói mãi mới được tha ra, bèn bắt một cái quyết trói, rồi đi. Lập tức già trẻ trong đình, ai nấy hai tay chập vào nhau mà ngồi dựa cột, chỗ năm người, chỗ ba người, muốn giằng ra cũng không được. Cả làng đều kinh ngạc. Có người nói vừa nãy có một vị thuật sĩ vô lễ, người làng trói rồi tha ra, hay là hắn phản chăng? Cho người đi tìm thì chẳng thấy đâu cả. Việc đến tai triều đình, vua nói:
- Đó là Pháp bộ Kim cương đấy.
Hỏi đến Tổ sư. Tổ sư sợ, trách mắng Kim Cương, rồi bao nhiêu bài quyết đã trao cho, đều thu lại hết, chỉ còn những bài quyết thỉnh Phật và trừ tà là còn để lưu hành ở đời. Ở vùng Giang Bắc, có một phái gọi là Nội đạo tràng, lấy trượng trị bệnh. Đó không phải là phái này.