ÔNG PHẠM NGŨ LÃO

Một phần của tài liệu sach-vui-sach-tang-thuong-ngau-luc (Trang 75 - 78)

Tùng Niên

Ông Phạm Ngũ Lão người làng Phù Ủng, huyện Đường Hào. Nhà mấy đời vẫn làm nghề nông. Ông mặt mũi khôi ngô, có văn tài võ lược. Nhà ông ở gần đường cái quan, thường ngồi xếp bằng vót nan ở bên đường. Nhân khi đức Trần Hưng Đạo từ dinh Vạn Kiếp về kinh, quân đi trước đến nơi, quát đuổi đứng dậy. Ông vẫn ngồi im không cựa cậy. Quân lấy ngọn giáo đâm vào đùi; ông vẫn cứ ngồi yên như cũ. Rồi xe ngài đến. Ngài lấy làm lạ hỏi. Ông thưa rằng:

- Tôi đương mải nghĩ một việc nên không để ý đến.

Ngài càng lạ. Hỏi đến sự học thì kinh truyện thao lược, ứng đáp rất đâu ra đấy. Ngài sai lấy thuốc rịt vào chỗ bị đâm, rồi cho đi một chiếc xe sau đưa về, tiến lên triều đình, cho coi quân Cấm vệ. Vệ sĩ không phục, tâu xin cùng ông so đọ. Ông bằng lòng, nhưng trước khi so đọ, xin phép về nghỉ nhà ba tháng. Về nhà, ngày ngày ông ra cái gò lớn ngoài đồng, đứng cách một tầm mà nhảy lên. Nhảy mãi đến nỗi cái gò phải trụt thấp xuống mất một nửa. Hết hạn nghỉ, ông lại trở lại Cấm thành, cùng bọn vệ sĩ so đọ tài nghệ. Tay đấm chân đá, đi lại vùn vụt như bay, nghìn người không thể kháng cự nổi, ai nấy đều phải phục tài cả.

Bấy giờ, tù trưởng Ai Lao đem hơn một vạn con voi kéo sang cướp phá các trấn Hoan, Diễn; đi đến đâu thì quân bộ, quân kỵ của ta đều phải vỡ chạy. Triều đình sai ông đi đánh. Ông truyền cho những dân ngoài biên, làng nào cũng phải chặt những khúc gốc tre dài năm, sáu thước, để tích sẵn đấy. Khi gặp giặc, ông xua quân đứng lùi lại, một mình đi chân không vào, vớ những khúc tre mà đánh vào chân voi. Voi đau, kêu rống lên rồi chạy tán loạn. Quân Ai Lao đương đêm phải trốn.

Đức Hưng Đạo Vương hai phen đánh giặc Hồ Nguyên, ông cũng có giúp sức được nhiều. Ông trải làm đến Điện súy Thượng tướng quân, khi mất được phong làm phúc thần, dựng miếu thờ dựng ở ngay chỗ nền nhà cũ.

Ông thường có thơ rằng:

橫槊江山恰幾秋

Hoành sóc giang sơn cáp kỷ thu,

三軍貔虎氣吞牛

Tam quân tỳ hổ khí thôn Ngưu.

男兒未了功名債

Nam nhi vị liễu công danh trái,

羞聽人閒說武候

Tu thính nhân gian thuyết Vũ hầu.

Nghĩa là: “Cầm ngang ngọn giáo giữa non sông đã trải mấy thu, ba quân như hùm như sói có cái khí hùng muốn nuốt cả sao Ngưu. Làm người con giai mà không giả xong nợ công danh, sẽ phải hổ thẹn khi nghe người ta nói đến chuyện Gia Cát, Vũ hầu”. Cái khí khái của ông thủa sống thế nào, nay xem bài thơ cũng có thể tưởng tượng thấy được.

Gần đây ông Phạm Quý Thích ở bên làng láng giềng, làm bài thơ đề miếu ông, có những câu:

三朝事業餘編在

萬古江山一槊橫

Vạn cổ giang sơn nhất sóc hoành.

Nghĩa là: Sự nghiệp ba triều trong sử sách còn chép, non sông muôn thủa một ngọn giáo cầm ngang.

Lại có câu:

書生亦有吞牛志

Thư sinh diệc hữu thôn Ngưu chí,

惆悵遺吟和不成

Trù trướng di ngâm họa bất thành.

Nghĩa là: Kẻ thư sinh này cũng có chí nuốt sao Ngưu, nhưng buồn thay bài thơ của ông muốn họa mà không thành được. Đó là những nhời làm ra vì mối sở cảm vậy.

THI HỘI

Tùng Niên

Từ hồi Trung hưng trở về sau, mỗi khi gặp khoa thi hội nào, ngày vào trường (kỳ) thứ nhất, sáng sớm từ đầu trống canh năm, trong ngoài đã phải chỉnh túc(86) đâu đấy. Tờ mờ sáng,

hoàng thượng ngự ra với sự tiền hô hậu ủng đến điện Giảng Sách, hoặc gọi là điện Thi. Soái phủ (chúa Trịnh) đến trước ngự tọa làm lễ tham yết. Hoàng thượng đứng dậy, truyền miễn lạy và cho ngồi. Trăm quan đội mũ phốc đầu, mặc áo bổ phục, đi hia, đóng đai chững chạc, chầu hầu chung quanh. Thị thần soạn đầu bài thi, tiến trình, rồi quan Khâm sai chịu mệnh mà đi ra cửa, ngồi kiệu che lọng vào trướng, ra đầu bài thi. Gần trưa thì ngự giá về cung. Đến trường thứ hai, trường thứ ba, trường thứ tư, thì Súy phủ đi thay. Các quan chỉ phải chít khăn, mặc áo rộng xanh, đi giày buộc dải, làm lễ, bốn lạy dâng đầu đề, rồi quan Khâm sai chịu mệnh đi ra như trường thứ nhất. Trải qua các triều, vua chúa đều coi làm thường lệ.

Đến khoa thi Hội năm Ất Mùi (1775) niên hiệu Cảnh Hưng, Thành Tổ Thịnh Vương (Trịnh Sâm) đến điện Giảng Sách, truyền chỉ cho trăm quan mũ áo triều yết phải như khi Hoàng thượng ngự ra xem thi. Quan Thượng thư Nguyễn Bá Lân chỉ mặc đồ thường phục, làm lễ bốn lạy, khải lên nói: “Các đấng liệt thánh tiên vương, xưa nay vẫn giữ đạo tôn phù nhà vua, truyền dõi trải hơn hai trăm năm; nay một sớm đổi thay, sợ làm kinh hãi cho sự xem nghe của mọi người.

Nguyễn Hoãn là Sư phó đại thần, không biết uốn nắn cho chúa đi vào đường chính, lại còn xin chém đầu ông Nguyễn Bá Lân để tạ thiên hạ. Chúa không vui lòng, bèn hồi loan.

Tối hôm ấy, một người học trò ở trong trường ra, ngủ gà nằm phục ở bên ngoài điện; đêm nghe thấy trong điện có tiếng người nói:

- Ba giường(87) đã đứt, nhà Lê còn bền được sao!

Bừng dậy tìm xem. Trong điện vắng vẻ, chẳng có một ai cả, bèn ra về. Sau khi vạc đổi, người ấy mới kể câu chuyện này với những người quen thuộc.

Một phần của tài liệu sach-vui-sach-tang-thuong-ngau-luc (Trang 75 - 78)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(156 trang)