Kính Phủ
Ông Chu Văn Trinh đời nhà Trần, húy là Văn An, tự là Linh Triệt, hiệu là Tiều Ẩn tiên sinh, người làng Quang Liệt, huyện Thanh Trì, đỗ tiến sĩ, làm quan đến chức Tư nghiệp ở Quốc tử giám.
Đời vua Dụ Tông, dâng bài sớ xin chém bảy người, treo mũ từ quan, về ẩn ở núi huyện Chí Linh, dạy học trò. Sĩ phu đều kính ngưỡng như núi Thái Sơn, sao Bắc Đẩu. Quan tư đồ Chương Túc hầu Trần Nguyên Đán có tặng bài thơ rằng:
黼冕桓圭心已灰
Phủ miện hoàn khuê tâm dĩ hôi,
風霜安敢困寒梅
Phong sương an cảm khốn hàn mai.
白雲萬曡山屝掩
Bạch vân vạn điệp sơn phi yểm,
紫陌多岐我馬隤
Tử mạch đa kỳ ngã mã đôi.
蕙帳勿驚孤鶴怨
Huệ trướng vật kinh cô hạc oán,
蒲輪好為下民迴
Bồ luân hảo vị hạ dân hồi.
煕朝社稷天方祚
Hy triều xã tắc thiên phương tộ,
肯使先生老碧隈
Khẳng sử tiên sinh lão bích ôi.
Nghĩa là: Cái lòng mũ đai trâm hốt (tức là lòng công danh) của tiên sinh đã nguội lạnh rồi, thân như một cây mai lạnh, không gió sương nào làm khốn được. Mây trắng muôn đợt cài cánh cửa núi, chỗ tiên sinh ở ẩn; đường trần lắm lối làm cho ngựa tiên sinh chồn mỏi mà không muốn đi. Nằm trong màn huệ, đừng giật mình vì tiếng một con hạc lẻ bay kêu (đó là nói cái cảnh thanh cao của sự ẩn dật), nhưng xe bồ êm ái, tưởng cũng nên vì bọn hạ dân trông cậy vào mình mà quay trở lại. Xã tắc của hoàng triều đương được nhà Trời vùa giúp, lẽ đâu lại để cho tiên sinh già đời ở chốn non xanh.
Ấy, ông được đời kính trọng như vậy.
Đời truyền là khi ông dạy học ở thôn Cung Hoàng, trong bọn học trò có hai người thiếu niên, dung mạo kỳ vĩ, không bao giờ ngồi cùng chiếu với các học trò khác. Có người trông thấy họ đi từ nước lên; ông biết họ là thủy thần. Gặp năm nắng to, ông sai đi làm mưa. Hai người từ chối:
- Thượng đế phong khóa cả sông hồ, không có giọt nào mà làm được. Ông bảo lấy nước ở cái ao rửa nghiên. Hai người nói:
- Lời thầy dạy không dám trái, nhưng trái ý Thượng đế, sẽ đều phải nghiêm phạt cả.
Hai thiếu niên đi thì một lúc, mưa xuống như trút. Bỗng chốc thấy có hai thân thuồng luồng cụt đầu rơi xuống. Ông thu nhặt lại rồi đem chôn. Nay mả ở ngoài lũy làng, tục gọi mả thuồng luồng.
Sau khi ông mất, người làng nhân chỗ nền cũ nhà học dựng nên đền thờ, lấy những bậc thân sĩ trong làng phối hưởng.
Trong năm Cảnh Hưng, ông Bùi Huy Bích chấp chính, dò hỏi dòng dõi, còn được mười sáu người, thấy đã đổi sang họ Nguyễn và đều ngu độn không biết gì, đều ở vào hạng cùng dân cả. Ông bắt trở lại họ cũ, và chọn một đứa trẻ dạy cho học, muốn sẽ tiến dẫn lên triều đình, bàn việc phong ấm, như người Tàu đối với dòng dõi Tống Nho là ông Trình, ông Chu. Nhưng chợt gặp biến nên việc ấy lại không làm được.