Hiện nay theo thông tin từ Cục thương mại điện tử và Công nghệ thông tin, ngành thương mại điện tử Việt Nam đang có mức tăng trưởng vào khoảng 25% và lượng doanh nghiệp đầu tư và lĩnh vực này ngày càng nhiều. Hàng loạt website thương mại điện tử được mọc ra càng nhiều. Các quỹ đầu tư và tập đoàn thương mại điện tử nước ngoài cũng tích cực mua cổ phần, đầu tư cho các sàn và các trang web thương mại điện tử trong nước.
Thị trường Thương Mại Điện Tử (TMĐT) Việt Nam chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ với sự tham gia và phát triển mạnh mẽ của Shopee, bên cạnh những tên tuổi cũ như Lazada, Thegioididong, Tiki, Adayroi hay Sendo. Theo báo cáo của Google và Temasek về thị trường Online, Việt Nam đã vươn lên đứng thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á trong năm 2018, với doanh thu TMĐT ước tính đạt 2.8 tỉ USD, vượt qua Malaysia, Singapore và Philippines. Con số này dự kiến sẽ tăng trưởng lên 15 tỉ USD vào năm 2025.
Thêm vào đó, thương mại điện tử năm 2018 cũng có những con số ấn tượng về tăng trưởng người dùng, tốc độ tăng tưởng lũy kế (CAGR 2018 – 2023) theo báo cáo của Statista. Cụ thể, doanh thu tổng thị trường tăng 29.4% đạt 2.2 tỉ đô (nhỏ hơn so với báo cáo của Google/Temasek), mức tăng trưởng lũy kế hơn 4,4 tỉ đô, số lượng người mua hàng TMĐT lên đến gần 50 triệu người.
Sự phát triển đầy bứt phá đã biến thị trường này trở thành một sân chơi đầy hứa hẹn cho những nhà đầu tư trong và ngoài nước. Đầu tư vào thị trường còn non trẻ tạo ra cơ hội khai thác lớn, khi thị trường đã trưởng thành sẽ thu được quả ngọt xứng đáng. Vì vậy, những “đại gia” TMĐT, mà cụ thể là các nhà đầu tư từ Trung Quốc đã không giấu nổi tham vọng với thị trường Việt Nam khi liên tục rót vốn, bất chấp lỗ “đậm” trong giai đoạn đầu.
Hình 3.2: Mức lỗ của các trang TMĐT hàng đầu Việt Nam (CafeF.vn)
Theo báo cáo tài chính bán niên 2018 của VNG, Tiki đã được công ty này đầu tư thêm 122 tỷ VNĐ, mặc dù trước đó Tiki đã lỗ 380 tỷ đồng vào năm 2016 và 2017. Chưa dừng lại ở đó, JD tuyên bố sẽ đầu tư vào thị trường Việt Nam thông qua
trang thương mại điện tử Tiki.vn với con số hứa hẹn là 44 triệu USD vào tháng 11/2017. Chỉ trong 2 tháng sau đó, JD chính thức “bơm” tiền vào Tiki vào ngày 16/1/2018 với con số không được tiết lộ (Theo DealStreetAsia). Sau khi nhận được các khoảng đầu tư, công ty này đã có những bước tiến ngoạn mục. Hồi cuối quý 3/2018, iPrice ghi nhận số lượt truy cập website của Tiki tăng đến 47,59% so với quý 2. Và đến tháng 10 thì Tiki đã bất ngờ leo lên vị trí thứ hai toàn quốc về số lượt truy cập website trung bình.
Đối đầu với JD, Alibaba cũng có những cuộc “rượt đuổi” tại thị trường Đông Nam Á thông qua Lazada. Theo Bloomberg, Alibaba đã rót 2 tỷ USD vào Lazada Đông Nam Á để chuẩn bị cho cuộc chiến dữ dội tại thị trường này. Sendo cũng nhận được một khoản đầu tư 51 triệu USD từ tập đoàn tài chính SBI Holdings hồi tháng 8/2018.
Không thua kém các đối thủ, trong năm 2018, sàn Sendo cũng kêu gọi được tổng cộng 51 triệu USD từ SBI Holdings (Nhật Bản) và một số công ty khác. Dòng tiền đầu tư này đã ngay lập tức đem lại sức mạnh cho các công ty thương mại điện tử Việt Nam và tạo ra nhiều biến động cho thị trường. Sendo cũng có sự tăng trưởng không ngừng trong năm 2018. Đặc biệt, vào dịp Black Friday hồi tháng 11, Sendo công bố đã đạt 5 triệu sản phẩm bán ra trong một tuần. Đây là mức doanh số kỷ lục của sàn này.
Nhưng đáng chú ý hơn cả là Shopee, chỉ sau 2 năm gia nhập thị trường Shopee đã có những thành tựu vô cùng nổi bật nhờ những “gã khổng lồ” đứng sau. Để chuẩn bị cho cuộc chiến dài hơi, công ty mẹ của Shopee Việt Nam – tập đoàn SEA đã rót 50 triệu USD. Giới chuyên gia nhận định Tencent chính là “ông trùm” đứng sau những con số đầu tư khủng vào Shopee Việt Nam. Vào cuối năm 2018, Shopee đã bất ngờ chiếm “ngôi vương” trên bảng xếp hạng các sàn thương mại điện tử Việt Nam.
Hình 3.3: Các website Thương mại điện tử được truy cập nhiều nhất (CafeF.vn)
Nhờ sự mở rộng kinh doanh mà các doanh nghiệp lớn mang về lượng doanh thu tăng vọt, nhiều chương trình khuyến mãi đồng loạt ra đời và ăn theo nhau nhằm mục đích thu hút khách hàng.
Một số chiến dịch khuyến mãi cạnh tranh với quy mô lớn của các doanh nghiệp như Lazada, Robin, Tiki… cũng siêng được triển khai như “Cách mạng mua sắm trực tuyến” (Lazada), “Online Fever” (Robin)…Và khi thực hiện chiến dịch khuyến mãi càng lớn thì doanh thu thu về lại càng cao có khi gấp 10-20 lần so với ngày thường.
Song song với cuộc đua riêng lẻ của những doanh nghiệp đó là sự hợp tác của một số doanh nghiệp thương mại điện tử khác để mở rộng phạm vi kinh doanh và đa dạng các mặt hàng. Ví dụ như Lazada hợp tác với trang web bán phiếu mua
hàng theo nhóm (groupon) Nhommua.com để mở ngành hàng bán phiếu mua hàng ưu đãi (voucher), hay FPT Shop cũng bắt đầu đưa các sản phẩm của mình bán trên sàn thương mại điện tử Lazada.vn,….
Sức hút của thị trường thương mại điện tử Đông Nam Á thể hiện rất rõ ràng trong bối cảnh hiện tại. Dù được xem là “mỏ vàng mới” nhưng cũng rất khó “nuốt” với sự cạnh tranh gây gắt từ nhiều ông lớn với những khoản đầu tư liên tục.
Tuy nhiên, đây là tín hiệu tích cực đối với những người bán hàng online trên các kênh TMĐT. Với những khoản đầu tư lớn để triển khai các kế hoạch thu hút người sử dụng, người bán hàng sẽ là những người được hưởng lợi nhất. Quá trình mua bán trên các kênh TMĐT sẽ càng trở nên chuyên nghiệp và người mua cũng sẽ tăng trưởng cả về số lượng và sản lượng giao dịch.
Sự bùng nổ mua bán trực tuyến, bên cạnh những yếu tố tích cực, còn tồn đọng nhiều yếu tố tiêu cực như:
- Một số cá nhân, doanh nghiệp lợi dụng thương hiệu uy tín của các website mua bán trực tuyến nhằm rao bán sản phẩm kém chất lượng hoặc lừa đảo người tiêu dùng. Sự thiếu trung thực trong giới thiệu sản phẩm, thiếu trung thực trong giao dịch khiến người tiêu dùng trở nên e dè hơn trong việc mua bán sản phẩm trên mạng.
- Ngoài yếu tố gian lận, dễ nhận thấy vấn nạn thông tin rác trên các kênh mua bán trực tuyến tại Việt Nam ngày càng trở nên phổ biến.
- Một số cá nhân, doanh nghiệp chưa hiểu rõ về cách thức tiếp cận khách hàng và khai thác hiệu quả truyền thông trực tuyến, nên ra sức đăng tải tràn ngập thông tin quảng cáo. Vô tình, các thông tin quảng cáo dày đặc đó trở thành gánh nặng cho các website thương mại điện tử tại Việt Nam.
- Chủ sở hữu website phải tiêu tốn nhiều nhân lực cho việc kiểm soát thông tin trên hệ thống, các cá nhân, doanh nghiệp đó lại không thể bán được hàng do không tạo được sự tin cậy trong nội dung đăng tải, người tiêu dùng e dè và lo ngại trước vô số thông tin quảng cáo đa chiều.