Nội dung kiểm soát hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hoàn thiện chính sách cạnh tranh của việt nam trong điều kiện hiệp định đối tác xuyên thái bình dương có hiệu lực (Trang 42)

Như đã nói ở trên, tại Việt Nam, pháp luật cạnh tranh hiện hành không đưa ra một định nghĩa cụ thể về thỏa thuận hạn chế cạnh tranh mà thỏa thuận hạn chế cạnh tranh được liệt vào nhóm các “hành vi hạn chế cạnh tranh”, theo đó “là các hành vi của doanh nghiệp làm giảm, sai lệch, cản trở cạnh tranh trên thị trường” (Khoản 3 Điều 3 Luật Cạnh tranh). Cùng với đó, Luật Cạnh tranh Việt Nam ban hành năm 2004 chỉ quy định cụ thể về tám dạng thức (hành vi) thỏa thuận, bao gồm các thỏa thuận như thỏa thuận ấn định giá, phân chia thị trường, tiết chế sản lượng...quy định tại Điều 8 Luật Cạnh tranh. Mỗi loại thỏa thuận trên được mô tả chi tiết tại Nghị định hướng dẫn thi hành (từ Điều 14 đến Điều 21 Nghị định 116/2005/NĐ-CP của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Cạnh tranh – sau đây gọi tắt là Nghị định 116/2005/NĐ-CP). Như vậy, phạm vi các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị điều chỉnh chỉ nằm trong khuôn khổ các hành vi được quy định trong Luật và Nghị định.

Nhìn vào cách tiếp cận điều chỉnh hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh của Việt Nam nói trên, có thể thấy rằng pháp luật cạnh tranh Việt Nam hiện hành sử dụng cách tiếp cận đối với thỏa thuận hạn chế cạnh tranh hẹp hơn so với cách tiếp cận của các quốc gia phát triển khác ở chỗ: ngoài tám dạng thỏa thuận được luật hóa tại Điều 8 của Luật Cạnh tranh, các hạn chế thương mại bất hợp lý khác hay các hành vi liên kết, thông đồng khác mặc dù có mục đích hoặc hệ quả ngăn cản, hạn chế hoặc làm sai lệch quy luật cạnh tranh trên thị trường nhưng nếu không thuộc tám dạng thỏa thuận được liệt kê sẽ không bị coi là thỏa thuận hạn chế cạnh tranh và không bị xem xét.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hoàn thiện chính sách cạnh tranh của việt nam trong điều kiện hiệp định đối tác xuyên thái bình dương có hiệu lực (Trang 42)