Hoàn thiện các quy định về thủ tục khiếu nại vụ việc cạnh tranh

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hoàn thiện chính sách cạnh tranh của việt nam trong điều kiện hiệp định đối tác xuyên thái bình dương có hiệu lực (Trang 89 - 91)

Theo quy định của pháp luật cạnh tranh hiện hành thì tổ chức, cá nhân có quyền khiếu nại đến cơ quan quản lý cạnh tranh trong trường hợp tổ chức, cá nhân đó cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm bởi một hành vi vi phạm pháp luật cạnh tranh. Tuy nhiên, khi Việt Nam đã tham gia TPP hoặc các FTAs khác, điều này sẽ có nhiều thay đổi khi phạm vi và đối tượng khiếu nại đến cơ quan cạnh tranh sẽ rộng hơn rất nhiều. Hiệp định TPP cho phép cá nhân có quyền khởi kiện hoặc yêu cầu cơ quan cạnh tranh tiến hành điều tra nhằm ngăn chặn hoặc khắc phục hành vi vi phạm pháp luật cạnh tranh quốc gia. Cụ thể, Khoản 1 Điều 16.3 quy định về quyền khởi kiện cá nhân “là quyền cho phép một người tìm cách khắc phục, bao gồm cả biện pháp ngăn chặn, bằng tiền hoặc các biện pháp khắc phục khác, từ một tòa án hoặc hội đồng độc lập khác về tổn thất cho việc kinh doanh hoặc tài sản của người đó do một hành vi vi phạm luật cạnh tranh quốc gia, một cách độc lập hoặc các biện pháp khác nhằm cho phép thực hiện quyền khời kiện cá nhân một cách độc lập hoặc sau khi cơ quan cạnh tranh quốc gia phát hiện một hành vi vi phạm”. Đồng thời, Hiệp định TPP cũng yêu cầu các quốc gia thành viên phải thông qua hoặc duy trì pháp luật hoặc các biện pháp khác nhằm cho phép thực hiện quyền khởi kiện cá nhân một cách độc lập. Trong trường hợp có quốc gia không thực hiện được điều này thì quốc gia đó phải áp dụng pháp luật hoặc các biện pháp khác cho phép môt người có quyền “yêu cầu cơ quan cạnh tranh quốc gia khởi xướng điều tra đối với một hành vi bị cáo buộc vi phạm pháp luật cạnh tranh quốc gia; và tìm cách khắc phục từ tòa án hoặc một hội đồng độc lập khác nhau khi cơ quan cạnh tranh quốc gia phát hiện một hành vi vi phạm”.

Đây được xem là điểm mới so với các Hiệp định thương mại tự do trước đó bởi nó bổ sung yếu tố đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể kinh doanh không bị ảnh hưởng tiêu cực bởi các hành vi phản cạnh tranh trên thị trường,

đồng thời cũng là sự bổ sung quan trọng cho tố tụng công của pháp luật cạnh tranh mỗi quốc gia thành viên TPP. Để thực hiện duy trì pháp luật hoặc các biện pháp cho phép quyền khởi kiện cá nhân một cách độc lập này, Việt Nam cũng như các quốc gia thành viên TPP khác có thể cần phải xây dựng và đưa ra các tiêu chí hợp lý (reasonable criteria) phục vụ cho mục đích trên. Hay nói cách khác, thủ tục tố tụng cạnh tranh nói riêng và tố tụng pháp luật trong kinh doanh nói chung của Việt Nam sẽ cần có những sửa đổi để phù hợp hơn với các quy định này trong Hiệp định TPP.

Pháp luật cạnh tranh Việt Nam hiện hành cũng quy định trách nhiệm của người khiếu nại là phải cung cấp cho cơ quan cạnh tranh chứng cứ về hành vi vi phạm (theo quy định tại Điểm b Khoản 3 Điều 58 Luật Cạnh tranh) và chịu trách nhiệm về tính trung thực của chứng cứ đã cung cấp cho cơ quan cạnh tranh (theo quy định tại Khoản 4 Điều 58 và Điểm a Khoản 3 Điều 66 Luật Cạnh tranh). Trong khi đó, Hiệp định TPP lại quy định rằng bên khiếu nại yêu cầu cơ quan cạnh tranh tiến hành điều tra thì như vậy việc tìm chứng cứ chứng minh hành vi vi phạm không thuộc trách nhiệm của bên đi khiếu nại mà đó là trách nhiệm của cơ quan quản lý cạnh tranh (“Trong trường hợp một cơ quan cạnh tranh quốc gia cáo buộc có sự vi phạm pháp luật cạnh tranh quốc gia thì cơ quan đó phải có trách nhiệm xây dựng cơ sở pháp lý và chứng cứ thực tiễn đối với hành vi bị cáo buộc đó trong quá trình tố tụng” - Khoản 7 Điều 16.2 Hiệp định TPP). Đây mà điểm khác biệt rất lớn giữa Luật Cạnh tranh hiện nay với các quy định của Hiệp định TPP về vấn đề này. Trên thực tế, điều này là hoàn toàn hợp lý khi mà doanh nghiệp kinh doanh rất khó có thể tiếp cận và cũng không cần thiết phải tìm hiểu các thông tin, số liệu về các doanh nghiệp cạnh tranh khác trên thị trường để chứng minh rằng doanh nghiệp đó có hành vi vi phạm luật cạnh tranh. Doanh nghiệp chỉ cần thiết và chịu trách nhiệm về các hành vi của doanh nghiệp mình, và có quyền khiếu nại khi phát hiện hành vi vi phạm trên thị trường đến cơ quan cạnh tranh. Sau đó, dựa theo thông tin và yêu cầu khiếu nại của doanh nghiệp, cơ quan cạnh tranh sẽ phải xác minh, điều tra xem khiếu nại của doanh nghiệp có chính xác hay không và xử lý vụ việc trong trường hợp có hành vi vi phạm diễn ra. Ngoài ra, có một điểm khác biệt nữa về các chứng

cứ áp dụng trong quá trình tố tụng, đó là các bằng chứng của chuyên gia cũng có thể được công nhận trong trường hợp bằng chứng đó có thể sử dụng.

Chính vì những quy định có tính khác biệt rất lớn này của TPP, trong trường hợp Hiệp định có hiệu lực, những quy định liên quan đến khiếu nại và khởi kiện các vụ việc cạnh tranh trong chính sách và pháp luật cạnh tranh của Việt Nam sẽ cần phải có những thay đổi cho phù hợp. Những sửa đổi này nhìn chung vẫn phải đảm bảo nguyên tắc minh bạch và nguyên tắc công bằng trong thực thi luật cạnh tranh. Ví dụ, cơ quan cạnh tranh có thể giải quyết vi phạm bị cáo buộc một cách tự nguyện thông qua sự chấp thuận của cơ quan cạnh tranh với đối tượng bị điều tra; hay trong trường hợp cơ quan cạnh tranh đã ra quyết định bằng văn bản áp dụng biện pháp xử phạt hoặc khắc phục do hành vi vi phạm pháp luật cạnh tranh đối với một cá nhân, tổ chức thì quốc gia của cơ quan cạnh tranh đó (Việt Nam) phải có quy định dành cho người là đối tượng áp dụng biện pháp xử phạt hoặc khắc phục do hành vi vi phạm pháp luật về cạnh tranh của nước mình cơ hội được xem xét lại hình thức xử phạt hoặc biện pháp khắc phục, bao gồm việc xem xét các sai sót về bản chất hoặc sai sót về thủ tục tố tụng bị cáo buộc, tại một tòa án hoặc một hội đồng độc lập được thành lập theo pháp luật của quốc gia đó.

Đồng thời với việc sửa đổi các thủ tục liên quan đến việc thực thi pháp luật cạnh tranh, Việt Nam cũng cần thiết phải bổ sung/quy định lại về nhiệm vụ và quyền hạn của cơ quản quản lý cạnh tranh trong việc điều tra và xử lý các vụ việc cạnh tranh để phù hợp với các cam kết trong Hiệp định TPP, cụ thể là nghĩa vụ xác định chứng cứ chứng minh hành vi vi phạm của cơ quan quản lý cạnh tranh.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hoàn thiện chính sách cạnh tranh của việt nam trong điều kiện hiệp định đối tác xuyên thái bình dương có hiệu lực (Trang 89 - 91)