TPP có một chương riêng về chính sách cạnh tranh (chương 16). Tuy nhiên, Chương này của TPP không bao gồm các cam kết về các chính sách cạnh tranh cụ thể mà chỉ chủ yếu đưa ra các nguyên tắc chung (với 09 điều khoản - cụ thể xem tại phụ lục) nhằm đảm bảo khuôn khổ cạnh tranh bình đẳng trong khu vực qua đó thúc đẩy mục tiêu về thương mại và đầu tư của Hiệp định. Mục tiêu của chương chính sách cạnh tranh trong TPP là hướng đến việc tạo lập và đảm bảo khuôn khổ cạnh tranh bình đẳng trong khu vực thương mại tự do, ngăn chặn và loại bỏ các hành vi kinh doanh phản cạnh tranh trên thị trường, thúc đẩy hiệu quả kinh tế và phúc lợi người tiêu dùng. Do đó, các nước thành viên có nghĩa vụ áp dụng luật cạnh tranh đối với tất cả các hoạt động thương mại trên lãnh thổ nước mình, dựa trên nguyên tắc minh bạch, công bằng trong thủ tục tố tụng và không phân biệt đối xử. Tuy nhiên, các thành viên TPP có thể cho phép một số trường hợp miễn trừ trong quá trình áp dụng luật cạnh tranh quốc gia khi thực hiện mục tiêu chính sách hoặc vì lợi ích công.
Bên cạnh đó, Hiệp định cũng cho phép doanh nghiệp có quyền khởi kiện hoặc yêu cầu cơ quan cạnh tranh tiến hành điều tra nhằm ngăn chặn hoặc khắc phục hành vi vi phạm luật cạnh tranh quốc gia. Đây là một điểm mới so với các Hiệp định thương mại tự do trước đây, là yếu tố bổ sung cần thiết để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể kinh doanh không bị ảnh hưởng tiêu cực do hành vi phản cạnh tranh trên thị trường.
Liên quan đến việc hợp tác giữa các quốc gia thành viên, các nước trong TPP cũng cam kết sẽ cho phép các cơ quan cạnh tranh xem xét ký kết các thỏa thuận hợp tác chuyên môn phù hợp nhằm thúc đẩy thực thi pháp luật cạnh tranh một cách hiệu quả trong khu vực thương mại tự do, trong khuôn khổ nguồn lực có sẵn của các bên. Các nội dung hợp tác bao gồm trao đổi thông tin, thông báo và tham vấn về các vấn đề thực thi pháp luật cạnh tranh. Bên cạnh đó, các nước cũng sẵn sàng tham gia các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật với mục đích chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình xây dựng, thực thi luật và chính sách cạnh tranh. Và mặc dù chương chính sách cạnh tranh này không thuộc đối tượng điều chỉnh của các quy định về giải quyết tranh chấp của Hiệp định TPP, nhưng các nước thành viên có thể tham vấn để xử lý những quan ngại liên quan đến việc thực thi các nội dung của chương này.
Ngoài ra, một số nội dung liên quan đến cạnh tranh còn được thể hiện tại trong các cam kết nằm rải rác trong các điều khoản tại các chương khác ngoài chương chính sách cạnh tranh, mà tiêu biểu là chương 17 của TPP – doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước và độc quyền chỉ định. Mục tiêu chính của các thành viên TPP khi xây dựng bộ nguyên tắc mới về doanh nghiệp nhà nước cũng là để đảm bảo tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế trong khu vực thương mại tự do; đồng thời các thành viên cũng thừa nhận do sự đa dạng về lịch sử, chính trị và kinh tế nên tại một số nước thành viên, đặc biệt là các nước đang phát triển, khu vực doanh nghiệp nhà nước đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu chính sách công, ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an ninh – quốc phòng. Chương này có các quy định cấm hành vi phản cạnh tranh của doanh nghiệp được chỉ định độc quyền. Theo đó, doanh nghiệp nhà nước khi được chỉ định độc quyền
tranh trên một thị trường khác mà doanh nghiệp có tham gia kinh doanh và cạnh tranh với các doanh nghiệp khác, gây tác động bất lợi tới một nước thành viên TPP khác.
Nhìn chung, không chỉ trong Hiệp định TPP, trong các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết hoặc đang đàm phán trong thời gian gần đây (Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu, Hiệp định Đối tác Kinh tế Việt Nam – Nhật Bản, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc...), các điều khoản về chính sách cạnh tranh là nội dung không thể thiếu trong việc tạo nền tảng cho các doanh nghiệp, đối tác thương mại được hoạt động trong khuôn khổ pháp lý đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh nhằm góp phần đạt được các mục tiêu thương mại và đầu tư của các Hiệp định. Các cam kết về chính sách cạnh tranh trong Hiệp định TPP có ý nghĩa quan trọng đối với Việt Nam và mang lại nhiều tác động tích cực cho nền kinh tế nói chung và trong lĩnh vực cạnh tranh nói riêng.
Thứ nhất, các cam kết về pháp luật và chính sách cạnh tranh trong Hiệp định TPP đảm bảo khuôn khổ pháp lý kiểm soát và điều chỉnh các hành vi phản cạnh tranh diễn ra trên lãnh thổ các thành viên Hiệp định gây ảnh hưởng đến thương mại và đầu tư trong khối. Các cam kết này sẽ góp phần hoàn thiện cơ sở pháp lý về cạnh tranh tại Việt Nam, từ đó thu hút, thúc đẩy các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, bao gồm doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, kinh doanh tại Việt Nam khi môi trường kinh doanh được đảm bảo cạnh tranh bình đẳng, minh bạch và không phân biệt đối xử. Ngoài ra, các doanh nghiệp Việt Nam cũng được đảm bảo đối xử bình đẳng khi tham gia cạnh tranh với các doanh nghiệp khác trên thị trường các thành viên TPP khác.
Thứ hai, các cam kết về pháp luật và chính sách cạnh tranh giúp cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam hình thành và thấm nhuần văn hóa cạnh tranh, nâng cao nhận thức về cạnh tranh lành mạnh và có ý thức tự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Thứ ba, các cam kết này tạo điều kiện nâng cao trình độ và năng lực của cơ quan thực thi pháp luật cạnh tranh của Việt Nam thông qua các cơ chế về hợp tác, trao đổi thông tin, tham vấn về những vấn đề liên quan đến cạnh tranh giữa các nước thành viên trong quá trình thực thi cam kết.
Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích nêu trên, các cam kết về chính sách cạnh tranh trong Hiệp định TPP cũng sẽ đặt ra thách thức đối với Việt Nam khi cơ quan thực thi pháp luật cạnh tranh sẽ ngày càng phải đối mặt với nhiều vụ việc cạnh tranh có tính chất phức tạp, hành vi phản cạnh tranh đa dạng và tinh vi trong bối cảnh hội nhập kinh tế sâu rộng trong thời gian tới. Do đó, Việt Nam cần nâng cao khả năng thực thi, cũng như từng bước hoàn thiện và hài hòa hóa pháp luật cạnh tranh trong nước với các cam kết trong Hiệp định TPP để đảm bảo việc thực thi các cam kết một cách hiệu quả.
TÓM TẮT CHƯƠNG 1
Trong chương 1, tác giả đã hệ thống hóa những vấn đề lý luận về cạnh tranh và chính sách cạnh tranh, nêu rõ nguồn gốc, đi sâu vào bản chất và đưa ra những khái niệm một cách tổng quát và trực quan nhất cho các vấn đề nêu trên.
Cạnh tranh là động lực để thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế xã hội; bên cạnh đó, cạnh tranh chỉ xuất hiện khi và chỉ khi nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường, và chỉ có tự do cạnh tranh thì nền kinh tế thị trường mới vận hành theo đúng quy luật tất yếu của nó. Chính sách cạnh tranh ở mỗi một quốc gia luôn luôn hướng đến việc tạo lập và bảo đảm duy trì một môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng và bảo đảm quyền tự do kinh doanh và tự do cạnh tranh của mọi chủ thể trên thị trường.
Ngoài ra, tại chương 1 tác giả cũng tổng hợp và phân tích khái quát nội dung về chính sách cạnh tranh tại các điều khoản cam kết trong Hiệp định TPP. Những điều khoản mang tính nguyên tắc chung về chính sách cạnh tranh này sẽ là những nguyên tắc mà Việt Nam cần phải tuân thủ trong quá trình xây dựng và thực thi chính sách cạnh tranh trong điều kiện TPP có hiệu lực.
CHƯƠNG 2: THỰC TRẠNG CHÍNH SÁCH CẠNH TRANH CỦA VIỆT NAM
2.1. Chính sách kiểm soát hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh