mạnh thị trường
Như đã phân tích ở chương 2, Khoản 2 Điều 4 Nghị định 116/2005/NĐ-CP quy định tiêu chí cụ thể về đặc tính hàng hóa, dịch vụ nhưng nội dung liệt kê tại điều khoản này có thể phù hợp đối với hàng hóa nhưng không có một sự liên quan nào tới dịch vụ. Do đó, trong trường hợp cần phải xác định thị trường liên quan của một loại dịch vụ, cơ quan cạnh tranh không thể áp dụng các tiêu chí này để xác định đặc tính của dịch vụ, từ đó, không đảm bảo đầy đủ các yếu tố xác định thị trường liên quan theo quy định của luật. Bên cạnh đó, ngay trong quy định tại Khoản 1 Điều 3 Luật Cạnh tranh khi giải thích về thị trường liên quan, việc xác định thị trường liên quan bao gồm thị trường sản phẩm liên quan và thị trường địa lý liên quan cũng đã tạo nên sự tách biệt hoàn toàn độc lập của thị trường vốn. Do vậy, các nhà soạn thảo luật cần phải làm rõ rằng bản chất của thị trường liên quan là một quá trình đánh giá song song khả năng thay thế đối với sản phẩm cụ thể trên một khu vực địa lý nhất định. Ngoài ra, về cách thức xác định khả năng thay thế cho nhau về giá, cũng đã phân tích ở chương 2, Điểm c Khoản 5 Điều 4 Nghị định 116/2005/NĐ-CP quy định về hàng hóa, dịch vụ được coi là có thể thay thế được cho nhau về giá (có thể được coi là một hình thức đơn giản của phép thử SSNIP được các cơ quan cạnh tranh trên thế giới công nhận rộng rãi trong việc xác định thị
trường liên quan), tuy nhiên quy định này cũng bộc lộ những bất cập khi thực thi trong thực tế.
Tóm lại, cơ quan quản lý cạnh tranh không nên áp dụng một cách cứng nhắc các đánh giá mang tính kỹ thuật đối với việc xác định thị trường liên quan. Cần mở rộng các tiêu chí đánh giá để xác định thị trường liên quan cả về định tính và định lượng để đảm bảo xác định một thị trường liên quan phản ánh đúng thực tế của vụ việc.
Ví dụ, tại Liên minh Châu Âu, thị trường sản phẩm liên quan được định nghĩa như sau: “Một thị trường sản phẩm liên quan bao gồm tất cả những sản phẩm và/hoặc dịch vụ mà người tiêu dùng cho là có thể hoán đổi, thay thế cho nhau về đặc tính, giá cả và mục đích sử dụng của các sản phẩm đó” (EC, 1997, tr.8). Còn tại Hoa Kỳ, riêng đối với các vụ việc cạnh tranh sáp nhập “khi một sản phẩm được bán bởi một công ty sáp nhập (sản phẩm A) cạnh tranh với một hoặc nhiều sản phẩm được bán bởi một công ty sáp nhập khác, cơ quan cạnh tranh sẽ xác định thị trường sản phẩm liên quan xung quanh sản phẩm A để đánh giá về tầm quan trọng của quan hệ cạnh tranh này. Thị trường sản phẩm liên quan đó bao gồm nhóm các sản phẩm có khả năng thay thế cho sản phẩm A, và bao gồm cả sản phẩm A. Vì vậy, cơ quan cạnh tranh có thể xác định một thị trường liên quan bao gồm nhiều sản phẩm” (US Department of Justice and the Federal Trade Commission, 2010, tr.8 – 12). Cụ thể, Ủy ban Thương mại Liên bang đưa ra định nghĩa thông qua hàng loạt những câu hỏi từ các phương pháp được sử dụng khi xác định thị trường sản phẩm liên quan là phương pháp độc quyền giả định (The Hypothetical Monopolist Test), phương pháp giá chuẩn và kích thước SSNIP (Benchmark Prices and SSNIP Size) và thực hiện giả định độc quyền thử nghiệm (Implementing the Hypothetical Monopolist Test).
Vì vậy, khi xác định thị trường sản phẩm liên quan, cơ quan cạnh tranh cần xác định nhóm các sản phẩm được coi là thuộc thị trường sản phẩm liên quan để phục vụ quá trình phân tích các tác động cạnh tranh mà hành vi gây hạn chế cạnh tranh đang bị nghi ngờ có thể gây ra đối với những sản phẩm đó. Một số phương
giới thường sử dụng, gồm: phân tích khả năng thay thế về cầu của sản phẩm dẫn đến hình thành một nhóm các sản phẩm mà theo đánh giá của người tiêu dùng đó là các sản phẩm có khả năng thay thế cho nhau; phân tích khả năng thay thế về cung trong trường hợp ảnh hưởng của khả năng thay thế về cung tương đương với khả năng thay thế về cầu liên quan đến tính hiệu quả và kịp thời; sử dụng phép thử SSNIP.
Đối với thị trường địa lý liên quan, Liên minh Châu Âu đưa ra định nghĩa như sau: “Thị trường địa lý liên quan bao gồm các khu vực nơi mà các doanh nghiệp có liên quan có mối liên hệ với nhau trong việc cung cấp sản phẩm hoặc dịch vụ, trong đó các điều kiện cạnh tranh là đồng nhất và có thể phân biệt với các khu vực địa lý lân cận do các điều kiện cạnh tranh tại các khu vực này là khác biệt đáng kể. Các nhân tố có liên quan trong quá trình xác định thị trường địa lý liên quan bao gồm bản chất và các đặc tính của sản phẩm hoặc dịch vụ có liên quan, sự tồn tại của các rào cản gia nhập thị trường hay thị hiếu của người tiêu dùng, sự khác biệt đáng kể về thị phần của các doanh nghiệp giữa các khu vực địa lý lân cận hay các khác biệt đáng kể về giá” (EC, 1997, tr.8). Còn tại Hoa Kỳ, thị trường địa lý liên quan được xác định cẩn thận thông qua đánh giá từ cả hai phía cung (Geographic Markets Based on the Locations of Suppliers) và cầu (Geographic Markets Based on the Locations of Customers), để từ đó cơ quan cạnh tranh có thể đưa ra kết luận chính xác nhất.
Do vậy, khi xác định thị trường địa lý liên quan, cơ quan cạnh tranh cần xác định khu vực địa lý cụ thể để phục vụ quá trình phân tích các tác động cạnh tranh mà hành vi gây hạn chế cạnh tranh đang bị nghi ngờ có thể gây ra trong khu vực đó. Một số bằng chứng mà cơ quan cạnh tranh có thể xem xét để đưa ra kết luận về thị trường địa lý liên quan như: bằng chứng về sự phân chia đơn đặt hàng tới các khu vực khác nhau trong quá khứ; các đặc tính cơ bản của cầu; quan điểm của khách hàng và đối thủ cạnh tranh; mô hình mua sắm địa lý hiện tại; các rào cản gia nhập và rút khỏi thị trường...
Nhìn chung, khi xác định thị trường liên quan trong một vụ việc cạnh tranh, bất kể là thị trường sản phẩm liên quan hay thị trường địa lý liên quan, các cơ quan
cạnh tranh tại các quốc gia phát triển trên thế giới đều có một bộ những tiêu chí rất cụ thể cùng với những nguyên tắc và hướng dẫn áp dụng – điều mà Việt Nam còn thiếu, để giải quyết từng vụ việc cạnh tranh cụ thể.
Bên cạnh các tiêu chí xác định thị trường liên quan, các nhà lập pháp Việt Nam cũng cần thiết phải xem xét đến việc hoàn thiện bộ tiêu chí cụ thể để xác định sức mạnh thị trường đáng kể của doanh nghiệp (hay nói các khác là khả năng gây hạn chế cạnh tranh đáng kể của doanh nghiệp). Như đã phân tích ở chương 2, các tiêu chí hiện hành chưa đáp ứng được đầy đủ để xem xét, đánh giá một cách toàn diện doanh nghiệp có khả năng gây hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể hay không. Một số tiêu chí mà các cơ quan cạnh tranh trên thế giới thường sử dụng để đánh giá sức mạnh thị trường của doanh nghiệp mà Việt Nam có thể cân nhắc áp dụng như sau:
(i) Tương quan thị phần giữa các doanh nghiệp trên thị trường liên quan; (ii) Rào cản gia nhập, mở rộng thị trường;
(iii) Khả năng tiếp cận, kiểm soát thị trường tiêu thụ sản phẩm hoặc thị trường nguồn cung;
(iv) Năng lực công nghệ, bao gồm cơ sở vật chất, kỹ thuật, trình độ công nghệ sản xuất, tính sẵn sàng của công nghệ và năng lực đổi mới công nghệ;
(v) Cơ sở hạ tầng thiết yếu của doanh nghiệp hoặc khả năng nắm giữ, tiếp cận cơ sở hạ tầng thiết yếu;
(vi) Quyền sở hữu, quyền sử dụng đối tượng quyền sở hữu trí tuệ; (vii) Số lượng khách hàng thường xuyên;
(viii) Quy mô mạng lưới phân phối;
(ix) Chi phí và thời gian của khách hàng khi chuyển sang mua các sản phẩm liên quan khác;
(xi) Các yếu tố đặc thù trong ngành, lĩnh vực mà doanh nghiệp đang hoạt động kinh doanh.
Việc đánh giá một doanh nghiệp có sức mạnh thị trường đáng kể hay không sẽ không phụ thuộc vào một tiêu chí duy nhất mà phải dựa trên nhiều tiêu chí kết hợp với nhau sau khi trải qua quá trình cân nhắc và đánh giá của cơ quan quản lý cạnh tranh.