Xây dựng và tạo lập hành lang pháp lý chính thức và thống nhất

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hoàn thiện chính sách cạnh tranh của việt nam trong điều kiện hiệp định đối tác xuyên thái bình dương có hiệu lực (Trang 75 - 76)

Thành công bước đầu của Việt Nam trong kiểm soát các hành vi phản cạnh tranh trước hết là đã xây dựng và ban hành được một bộ quy định điều chỉnh tương đối đầy đủ, bao gồm Luật Cạnh tranh và các Nghị định hướng dẫn thi hành, tạo được cơ sở pháp lý cho hoạt động cạnh tranh của doanh nghiệp cũng như việc quản lý nhà nước về cạnh tranh của cơ quan cạnh tranh. Mặc dù pháp luật cạnh tranh ở một số quốc gia tiên tiến trên thế giới như Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU đã có một lịch sử hình thành và phát triển lâu đời, tuy nhiên, đối với một số nước châu Á nó vẫn còn là một lĩnh vực tương đối mới. Việc Việt Nam lần đầu tiên ban hành Luật Cạnh tranh năm 2004 là một bước tiến bộ so với các nước trong khu vực ASEAN. Việt Nam là nước thứ tư trong khu vực ASEAN đã thông qua và áp dụng Luật Cạnh tranh toàn diện, chỉ sau Thái Lan (ban hành năm 1999), Indonesia (năm 1999) và Singapore (tháng 10 năm 2004).

Cho đến thời điểm hiện tại (tháng 10/2017), các hành vi gây hạn chế cạnh tranh tại Việt Nam hiện nay được điều chỉnh bởi hành lang pháp lý chủ yếu như sau:

(i) Luật Cạnh tranh năm 2004;

(ii) Nghị định 116/2005/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Cạnh tranh;

(iii) Nghị định 71/2014/NĐ-CP của Chính phủ Quy định chi tiết Luật Cạnh tranh về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực cạnh tranh.

Nếu như Luật Cạnh tranh đưa ra các quy định khái quát về mặt nguyên tắc liên quan đến hành vi hạn chế cạnh tranh, bao gồm: quy định về hành vi, quy định cấm, quy định miễn trừ, quy định về xử lý vi phạm và quy định về trình tự, thủ tục điều tra và xử lý vụ việc, thì các Nghị định hướng dẫn thi hành quy định chi tiết hơn giúp các cơ quan chức năng có căn cứ rõ ràng hơn khi xem xét các vụ việc liên quan đến hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh. Cụ thể, Nghị định 116/2005/NĐ-CP giải thích rõ hơn các quy định cấm, miễn trừ, trình tự, thủ tục điều tra và xử lý đối với vụ việc hạn chế cạnh tranh; trong khi Nghị định 71/2014/NĐ-CP quy định chi tiết về hình thức và mức độ xử lý đối với hành vi vi phạm quy định về hạn chế cạnh tranh.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hoàn thiện chính sách cạnh tranh của việt nam trong điều kiện hiệp định đối tác xuyên thái bình dương có hiệu lực (Trang 75 - 76)