Trong những năm gần đây, thị trường tài chính - tiền tệ thế giới có sự phát triển vượt bậc về quy mô và chiều sâu, cơ chế điều hành lãi suất của NHTW các nước thay đổi theo hướng tự do hóa. Ở mỗi nước, NHTW căn cứ vào luật định, điều kiện và bối cảnh phát triển kinh tế - xã hội, thị trường tài chính - tiền tệ ở mỗi quốc gia, mục tiêu của CSTT để áp dụng cơ chế điều hành lãi suất phù hợp với từng thời kỳ nhằm ổn định và phát triển thị trường tiền tệ, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động ngân hàng và sự phân bổ có hiệu quả các nguồn vốn trong nền kinh tế.
Qua kinh nghiệm về điều hành chính sách lãi suất tín dụng ở một số quốc gia có thể rút ra một số bài học cho Việt Nam:
Thứ nhất, NHTW mỗi nước lựa chọn và sử dụng cơ chế điều hành lãi suất phù hợp với mục tiêu chính sách tiền tệ của mình và điều kiện thị trường tiền tệ, không có mô hình chung áp dụng cho các NHTW các nước.
Thông thường, ở các nước phát triển, NHTW sử dụng lãi suất chính thức là lãi suất cho vay qua đêm hoặc lãi suất định hướng liên ngân hàng được xác lập chủ yếu trên thị trường OMO; còn các nước đang phát triển sử dụng lãi suất cho vay ngắn hạn (tái cấp vốn) kết hợp lãi suất tái chiết khấu.
Khi thị trường tiền tệ phát triển và NHTW có khả năng sử dụng các công cụ CSTT gián tiếp để điều tiết lãi suất thị trường, xu hướng chung của NHTW các nước là chuyển dần từ cơ chế kiểm soát trực tiếp sang kiểm soát
gián tiếp lãi suầt thị trường, NHTW các nước thường xây dựng lộ trình chuyển đổi từ kiểm soát trực tiếp sang gián tiếp lãi suất thị trường theo mức độ phát triển của thị trường tiền tệ, khả năng điều hành và kiểm soát rủi ro của các TCTD và khả năng sử dụng các công cụ CSTT gián tiếp của NHTW.
Tại các nước sử dụng các công cụ gián tiếp để điều hành lãi suất thị trường, thị trường tài chính tiền tệ phát triển, hình thành các mức lãi suất chuẩn trên thị trường các tín phiếu, trái phiếu chính phủ, từ đó hình thành đường cong lãi suất trên thị trường, tỷ giá được thả nổi theo quan hệ cung cầu, mục tiêu hàng đầu cùa NHTW là kiểm soát lạm phát, ổn định tài chính và đảm bảo khả năng thanh toán cho nền kinh tế, trong đó CSTT có mục tiêu cuối cùng là kiểm soát lạm phát; khi lạm phát tăng cao thì điều chỉnh tăng lãi suất chủ đạo, sau đó hạ dần để tránh sốc và hỗ trợ cho nền kinh tế.
Thứ hai, sự thay đổi lãi suất chính thức phụ thuộc vào sự lựa chọn mục tiêu của chính sách tiền tệ và diễn biến kinh tế vĩ mô, tình trạng vốn khả dụng của NHTM; lãi suất chính thức cần phải phản ánh vai trò của NHTW là người cho vay cuối cùng trên thị trường liên ngân hàng.
Thứ ba, việc công bố lãi suất chủ đạo của NHTW sẽ tác động nhiều mặt đến nền kinh tế theo nhiều kênh khác nhau; trong đó, có việc gây nên xáo trộn về lãi suất và giá tài sản tài chính trên thị trường vốn và tỷ giá hối đoái trên thị trường ngoại hối tạo điều kiện cho các trung gian tài chính kinh doanh thuận lợi, hiệu quả.
Thứ tư, lãi suất có thể được sử dụng làm mục tiêu hoạt động bổ sung song song với mục tiêu về khối lượng tiền cơ sở nhằm tận dụng cả hai cơ chế điều chỉnh về lượng và về giá trong điều hành CSTT. NHTW các nước có thể lựa chọn các lãi suất ngắn hạn khác nhau làm mục tiêu hoạt động, tùy thuộc vào khả năng kiểm soát của NHTW và mức độ ảnh hưởng của lãi suất được lựa chọn tới mặt bằng lãi suất thị trường và nền kinh tế.
Để kiểm soát lãi suất mục tiêu, một hệ thống các công cụ CSTT thường được sử dụng kết hợp nhằm duy trì trạng thái thường xuyên của lãi suất mục tiêu, hoặc thay đổi mục tiêu đó. Hơn nữa, khi lãi suất mục tiêu được lựa chọn và công bố có nghĩa là NHTW sẵn sàng đáp ứng nhu cầu dự trữ hoặc hấp thụ lượng dự trữ dư thừa với các đối tác tham gia giao dịch nhằm duy trì mục tiêu đó.
Khả năng sử dụng cơ chế điều chỉnh qua lãi suất trong điều hành CSTT của NHTW có thể bị hạn chế trong trường hợp mặt bằng lãi suất nội tệ bị chi phối mạnh bởi mức lãi suất ngoại tệ khi tài khoản vốn được tự do hóa cộng với việc duy trì chính sách tỷ giá cứng.
Thứ năm, xây dựng một cơ chế quản lí và giám sát ngân hàng, hoạt động tín dụng có hiệu quả. Điều này sẽ góp phần hạn chế được những rủi ro cho hệ thống ngân hàng nói riêng và toàn bộ nền kinh tế nói chung.
Thứ sáu, xây dựng môi trường cạnh tranh giữa các ngân hàng. Việc quản lí tập trung trong ngành ngân hàng có thể là nguyên nhân dẫn đến thất bại trong quá trình tự do hoá lãi suất. Kinh nghiệm ở Việt Nam và nhiều nước trên thế giới trong những năm đã qua đã cho thấy hầu hết những khoản nợ khó đòi đều xuất phát từ việc không minh bạch trong hoạt động cung cấp tín dụng của các ngân hàng, can thiệp của chính phủ vào các khoản vay, tính không hiệu quả của hoạt động ngân hàng.. Để khắc phục vấn đề này chính phủ cần nhanh chóng thực thi việc cổ phần hóa các ngân hàng quốc doanh, mở rộng hơn nữa thị trường bảo hiểm, dỡ bỏ các rào cản bảo hộ.
Vì vậy, đối với nước ta, NHNN cần phải nghiên cứu kĩ các cơ chế điều hành chính sách lãi suất của các nước phát triển trên thế giới như: Pháp, Nhật Bản,... để có thể đưa ra được những chính sách lãi suất hợp lí và kịp thời.
KẾT LUẬN CHƯƠNG 1
Ở chương 1 tập trung trình bày hai vấn đề: Lãi suất và chính sách lãi suất. Bắt đầu từ một số quan điểm về lãi suất của các truờng phái kinh tế qua từng thời kỳ đi đến khái niệm về lãi suất. Kế đến trình bày việc phân loại lãi suất theo nhiều yếu tố khác nhau, ví dụ như phân loại lãi suất theo công dụng, phân loại lãi suất theo thời hạn cho vay, theo chủ thể trong quan hệ cho vay, theo biến động của thị truờng,... Tiếp theo là trình bày các nguyên tắc hình thành lãi suất để từ đó thấy đuợc vai trò của lãi suất trong nền kinh tế đặc biệt là trong điều kiện hội nhập hiện nay. Về chính sách lãi suất, trên cơ sở trình bày khái niệm, các công cụ và vai trò của chính sách lãi suất thấy được sự cần thiết phải nâng cao hiệu quả chính sách lãi suất. Kế đó trình bày một số kinh nghiệm điều hành lãi suất của một số quốc gia trên thế giới để từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm hữu ích cho Việt Nam.
Như vậy, chương 1 đã khái quát những cơ sở lý luận về lãi suất và chính sách lãi suất tín dụng của NHTW. Để kết nối giữa lí luận và thực tiễn, phần kế tiếp sau đây xin trình bày về thực trạng điều hành lãi suất tín dụng của NHNN Việt Nam từ năm 2008 đến năm 2014.
CHƯƠNG 2
THỰC TRẠNG CHÍNH SÁCH LÃI SUẤT TÍN DỤNG CỦA NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM