3.3.1.1. Đảm bảo tính độc lập của NHTW và hoạt động ngân hàng
Để đảm bảo thực hiện có hiệu quả cơ chế điều hành lãi suất trong nền kinh tế thị trường thì một điều kiện quan trọng là phải đảm bảo tính độc lập thực sự cho NHTW và không can thiệp hành chính vào hoạt động ngân hàng. Do đó, trước hết Chính phủ cần thực hiện yêu cầu này cũng như đề nghị Quốc hội, các cơ quan Đảng và Nhà nước các cấp cũng thực hiện như vậy. Tính độc lập bao gồm: độc lập trong xây dựng và điều hành CSTT nói chung và CSLS nói riêng, độc lập về các cam kết tài chính và độc lập, tự chủ về tài chính.
3.3.1.2. Xử lý các loại cho vay ưu đãi
Thực tế trong hoạt động kinh tế vẫn cần thiết tồn tại các hình thức tín dụng ưu đãi đối với các đối tượng chính sách, các chương trình dự án đặc biệt của Chính phủ như cho vay hộ nghèo, cho sinh viên vay vốn học tập, cho vay giải quyết việc làm,... Tuy nhiên, để tác động của CSTT nói chung và cơ chế điều hành lãi suất nói riêng không bị sai lệch nhiều thì cần thiết phải có định
hướng cụ thể cho sự trợ giúp với các đối tượng này. Hiện nay, đã thành lập ngân hàng chính sách xã hội Việt Nam nên tất cả các hoạt động tài trợ tín dụng này cần thiết tập trung vào một đầu mối này. Chính phủ chỉ nên quy định hai loại lãi suất ưu đãi là lãi suất cho vay với các đối tượng chính sách xã hội và lãi suất cho vay các dự án và chương trình của Chính phủ.
3.3.1.3. Tạo hành lang an toàn pháp lý và hoàn thiện hệ thống pháp luật
- Tạo hành lang an toàn về mặt pháp lý: Trong bối cảnh đất nước đang có những bước biến chuyển mạnh, đổi mới đồng bộ và toàn diện, đặc biệt xu hướng toàn cầu hóa đang diễn ra rất mạnh. Vì vậy, để NHNN hoàn thành tốt nhiệm vụ, thực hiện các chính sách, giải pháp một cách đồng bộ và có hiệu quả theo mục tiêu của Chính phủ đề ra, xin đề xuất, kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sớm ban hành các văn bản hướng dẫn kịp thời trước những chuyển biến mạnh của nền kinh tế trong nước và các thông lệ quốc tế.
-Chính phủ cần có những chính sách bảo vệ các khu vực sản xuất khi thực hiện cơ chế chính sách lãi suất mới nhằm đảm bảo kinh doanh phát triển và ổn định lâu dài.
-Hoàn thiện hệ thống luật pháp đáp ứng yêu cầu hội nhập: Việt Nam đang hội nhập ngày càng sâu rộng hơn vào nền kinh tế khu vực và thế giới. Cho nên, việc tiếp tục hoàn thiện hệ thống hành lang pháp lý nói chung và hệ thống hành lang pháp lý về hoạt động ngân hàng nói riêng là cần thiết và cấp bách.Việc hoàn thiện hệ thống luật pháp nhằm xây dựng hệ thống ngân hàng lành mạnh, minh bạch, vận hành theo cơ chế thị trường có sự kiểm soát hợp lý của Chính phủ.