Thực trạng ngành du lịch Việt Nam hiện nay

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) giải pháp phát triển mô hình kinh tế chia sẻ trong ngành du lịch việt nam (Trang 58 - 62)

Trong phần này, bài viết sẽ trình bày về thực trạng ngành du lịch Việt Nam nói chung, những cơ hội cũng như thách thức mà chúng ta cần đối mặt trong tương lai, từ đó rút ra được rằng sự tham gia của kinh tế chia sẻ vào nganh du lịch sẽ đem lại những chuyển biến gì. Bằng cách phân tích mặt lợi và hại của những chuyển biến đó, trong phần sau, bài viết sẽ đưa ra một số giải pháp gợi ý nhằm phát triển du lịch nước nhà.

Trước hết về tiềm năng. Việt Nam rất nhiều có tiềm năng lớn về nhiều mặt để phát triển du lịch, có điều kiện thiên nhiên phong phú, có nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng, có truyền thống văn hóa lâu đời với nhiều lễ hội, phong tục tập quán tốt đẹp và độc đáo, nhiều di tích lịch sử, tôn giáo, kiến trúc nghệ thuật đặc sắc, giàu bản sắc nhân văn, nguồn lao động dồi dào thông minh, cần cù và giàu lòng nhân ái. Trong những năm gần đây, ngành Du lịch đã có những đổi mới, từng bước phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật, tạo điều kiện bước đầu thu hút khách trong nước và khách nước ngoài, giới thiệu các danh lam thắng cảnh đất nước, con người và tinh hoa của dân tộc Việt Nam với khách du lịch quốc tế; đáp ứng một phần nhu cầu tham quan, nghỉ ngơi, giải trí của khách trong nước, bước đầu đã thu được kết quả nhất định về kinh tế. Trong những năm qua, du lịch Việt Nam đang trên đà phát triển, lượng khách quốc tế đến cũng như khách du lịch nội địa ngày càng tăng. Du lịch Việt Nam ngày càng được biết đến nhiều hơn trên thế giới, nhiều điểm đến trong nước được bình chọn là địa chỉ yêu thích của du khách quốc tế.

Du lịch phát triển đã góp phần tăng tỷ trọng GDP của ngành du lịch trong khối dịch vụ và tổng thu nhập quốc dân. Những địa điểm có du lịch phát triển thì diện mạo đô thị được chỉnh tranh, sạch đẹp hơn, đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt. Một số địa điểm nổi bật như Sapa, Hạ Long, Sầm Sơn, Huế, Hội An, Nha Trang, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đà Nẵng, Quy Nhơn, … là những nơi có ngành du lịch phát triển nhất nước ta. Ngành du lịch ở những địa điểm này phát triển đã kéo theo sự phát triển các ngành nghề khác, từ đó thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển.

Những năm qua, hàng chục tỷ USD đầu tư trực tiếp nước ngoài và hơn 350.000 tỷ đồng đầu tư trong nước (với hơn 6.100 tỷ đồng đầu tư NSNN từ năm 2006 đến nay) đã được đầu tư cho hạ tầng du lịch quốc gia, hình thành hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch hiện đại tại nhiều địa phương và hình thành rõ hơn các vùng động lực phát triển du lịch Việt Nam.

Năm 2018, toàn ngành đang có 23.600 cơ sở lưu trú với hơn 456.000 buồng và 1.879 doanh nghiệp lữ hành quốc tế và hàng ngàn doanh nghiệp lữ hành nội địa, các cơ sở dịch vụ ăn uống, nhà hàng, cơ sở giải trí văn hóa, thể thao, hội nghị, triển lãm và nhiều loại hình dịch vụ mới ra đời, cải tạo, nâng cấp tại hầu hết các địa bàn phát triển du lịch trọng điểm. Đặc biệt, hàng trăm khách sạn, khu du lịch cao cấp được xây mới, hình thành hàng loạt cơ sở lưu trú (khách sạn và tổ hợp resort) cao cấp như: Intercontinental, JW Marriott, hệ thống khách sạn Mường Thanh, FLC, VinGroup, SunGroup…làm diện mạo ngành du lịch có những thay đổi căn bản.

Hệ thống vận tải du lịch, nhất là hàng không và đường bộ, đang được xã hội hóa mạnh và ngày càng kết nối rộng rãi với các điểm đến trong và ngoài nước, cả tầm ngắn, tầm trung và tầm dài. Việt Nam hiện có 55 hãng hàng không quốc tế đến từ 28 quốc gia và vùng lãnh thổ, với 59 đường bay quốc tế, 52 đường bay nội địa kết nối. Việt Nam đã tham gia hàng loạt văn kiện pháp lý và dự án hợp tác quốc tế về du lịch. Du khách 25 quốc gia đã được miễn visa đến Việt Nam.

Về những điểm đạt được, điều đầu tiên cần đề cập đến là số lượng khách quốc tế đến du lịch Việt Nam tăng trưởng mạnh với tốc độ trung bình trên 12% mỗi năm (ngoại trừ suy giảm do dịch SARS 2003 (-8%) và suy thoái kinh tế thế giới 2009 (-11%). Nếu lấy dấu mốc lần đầu tiên phát động “Năm Du lịch Việt Nam 1990” (khởi đầu thời kỳ đổi mới) với 250.000 lượt khách quốc tế, thì đến nay đã có 10 triệu lượt khách đến Việt Nam trong năm 2016. Khách du lịch nội địa cũng tăng mạnh liên tục trong suốt giai đoạn vừa qua, từ 1 triệu lượt năm 1990 đến 35 triệu lượt năm 2016. Sự tăng trưởng không ngừng về số lượng khách du lịch đã thúc đẩy việc mở rộng quy mô hoạt động của ngành du lịch trên mọi lĩnh vực. Thị phần khách quốc tế đến Việt Nam từ những quốc gia trong khu vực cũng như trên thế giới không ngừng tăng lên. Từ con số khiêm tốn với chỉ 4,6% thị

phần khu vực Đông Nam Á, 1,7% thị phần khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và 0,2% thị phần toàn cầu vào năm 1995, thì đến năm 2016 du lịch Việt Nam đã chiếm 8,2% thị phần khu vực ASEAN, 2,4% khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và 0,68% thị phần toàn cầu.

Trong suốt năm 2017, Việt Nam đã đón được 12,9 triệu lượt khách quốc tế, tăng gần 30% so với năm 2016 cũng như phục vụ hơn 73 triệu lượt khách nội địa. Lần đầu tiên, Việt Nam lọt vào danh sách các quốc gia có tốc độ tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới. Điều này đánh dấu một bước tiến lớn của ngành du lịch nước ta.

Tiếp bước những phát triền vượt bậc của năm 2017, năm 2018, Du lịch Việt Nam ước tính đã đón 15,6 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ trên 80 triệu lượt khách nội địa, với tổng thu từ khách du lịch đạt hơn 620.000 tỷ đồng. Các địa phương là trung tâm du lịch lớn của cả nước như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Đà Nẵng… có tốc độ tăng trưởng mạnh về du lịch; số lượng buồng phòng khách sạn 4-5 sao tăng nhanh; công tác quảng bá, xúc tiến du lịch cũng được đẩy mạnh ở nhiều thị trường… Đặc biệt, năm 2018, du lịch Việt Nam nhận được nhiều giải thưởng danh giá, uy tín trên thế giới, trong đó Việt Nam được trao tặng giải thưởng Điểm đến du lịch hàng đầu châu Á tại Lễ trao Giải thưởng Du lịch Thế giới - World Travel Awards (WTA).

Thêm vào đó, nhiều di sản của Việt Nam được UNESCO công nhận hơn. Những di sản này là các trọng tâm xây dựng và phát triển để thu hút khách du lịch. Các sản phẩm du lịch như tham quan thắng cảnh vịnh Hạ Long, di sản văn hoá Huế, phố cổ Hội An, di tích Mỹ Sơn; du lịch mạo hiểm khám phá hang động Phong Nha-Kẻ Bàng, du lịch nghỉ dưỡng biển Mũi Né, Phú Quốc, du lịch sự kiện Nha Trang... ngày càng thu hút được sự quan tâm lớn của khách du lịch trong và ngoài nước. Các lễ hội được tổ chức ở quy mô lớn đã trở thành những sản phẩm du lịch quan trọng, ví dụ như: lễ hội Chùa Hương, lễ hội bà chúa Xứ, festival Huế, carnaval Hạ Long, lễ hội pháo hoa Đà Nẵng, festival hoa Đà Lạt... Những sản phẩm du lịch và giá trị nổi bật của các điểm đến tại Việt Nam dần được hình thành và định vị. Các khu, điểm du lịch quốc gia và các đô thị du lịch là những điểm

nhấn quan trọng việc hình thành sản phẩm du lịch. Các điểm đến này, mặc dù cũng được định hướng phát triển trong Chiến lược phát triển ngành Du lịch, nhưng trên thực tế, hầu như vẫn chưa được chú trọng đầu tư đúng mức. Có thể nói, cho đến nay, chỉ có một số khu du lịch nổi tiếng từ lâu như Hạ Long - Cát Bà, Hội An, Mỹ Sơn là phát huy được đúng tiềm năng du lịch. Các khu du lịch khác chưa phát huy được hết tiềm năng du lịch của địa phương. Ngoài một số danh lam thắng cảnh thiên nhiên, một số khu du lịch, công trình nhân tạo khác cũng có sức hút khá mạnh mẽ đối với khách du lịch, ví dụ như thủy điện Sơn La, chùa Bái Đính, hầm đèo Hải Vân, khu vui chơi tổng hợp Đại Nam ...

Sự phát triển không ngừng của ngành du lịch đã đóng góp 584.884 tỷ đồng vào GDP Việt Nam, con số này bao gồm cả đóng góp trực tiếp, gián tiếp và đầu tư công (tương đương 13,9% GDP). Trong đó, đóng góp trực tiếp là 279.287 tỷ đồng (tương đương 6,6% GDP). Ngoài ra, ngành du lịch còn góp phần tạo ra 6,035 triệu việc làm trên toàn quốc (bao gồm cả việc làm gián tiếp), chiếm 11,2% tổng số việc làm. Trong đó, số việc làm trực tiếp do ngành du lịch tạo ra là 2,783 triệu, tương đương với 5,2% tổng số việc làm. Đồng thời xét về cơ cấu doanh thu ngoại tệ trong xuất khẩu dịch vụ, doanh thu của ngành du lịch chiếm trên 50% tổng xuất khẩu dịch vụ của cả nước, đứng đầu về doanh thu ngoại tệ trong các loại hoạt động dịch vụ “xuất khẩu”, vượt trên cả các ngành vận tải, bưu chính viễn thông và dịch vụ tài chính. So sánh với xuất khẩu hàng hóa, doanh thu ngoại tệ từ xuất khẩu dịch vụ du lịch chỉ đứng sau bốn ngành xuất khẩu hàng hóa là xuất khẩu dầu thô, dệt may, giầy dép và thủy sản. Thêm nữa, với tư cách là hoạt động “xuất khẩu tại chỗ”, du lịch đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn và tạo ra nhiều việc làm có thu nhập cho xã hội mà hiện nay chưa tính toán hết được.

Bên cạnh những thành tựu đạt được, du lịch Việt Nam cũng đang gặp nhiều khó khăn, một số nội dung tiêu chí là ngành kinh tế mũi nhọn chưa đạt hoặc đạt nhưng chưa bền vững, như: Chiến lược phát triển thị trường khách chưa rõ ràng, thiếu tính khoa học và không nhạy bén với sự biến động của kinh tế và chính trị nên khi có diễn biến xảy ra đã không chủ động và không lường hết tác động đến thị trường khách; chiến lược kinh doanh của các công ty du lịch thiếu bền vững và lâu

dài về thị trường khách du lịch quốc tế, đang còn bị động phụ thuộc vào một vài thị trường khách lớn; kích cầu du lịch nội địa chưa hiệu quả, năng lực cạnh tranh còn thấp... Nguyên nhân của tình trạng trên là bên cạnh một số nguyên nhân chủ quan như: Hệ thống chính chính sách, vai trò quản lý, năng lực đội ngũ chưa đáp ứng được yêu cầu,... còn do sự phối hợp liên ngành chưa hiệu quả; vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương chưa được phát huy đầy đủ; nhận thức về phát triển du lịch chưa đáp ứng yêu cầu phát triển; đầu tư du lịch còn hạn chế và chưa mang lại hiệu quả như mong muốn; một số chính sách có liên quan đến du lịch còn bất cập, chưa kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp du lịch để nâng cao khả năng cạnh tranh và thu hút khách du lịch; vấn đề an ninh an toàn cho khách du lịch còn chưa được đảm bảo…

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) giải pháp phát triển mô hình kinh tế chia sẻ trong ngành du lịch việt nam (Trang 58 - 62)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(99 trang)