Qua phân tích cơ sở lý luận về mô hình kinh tế chia sẻ và thực trạng mô hình kinh tế chia sẻ áp dụng vào ngành du lịch Việt Nam trong thời gian qua, mô hình kinh tế chia sẻ trong ngành du lịch có một số mặt tích cực như sau:
- Mô hình KTCS trong ngành du lịch cung cấp các nguồn lực trong ngành du lịch, như nhân lực (hướng dẫn viên), vật lực (phương tiện đi lại, nhà trọ, vv..vv..) đến khách du lịch có nhu cầu một cách nhanh chóng thông qua công nghệ. Nói cách khác mô hình này tận dụng một cách có hiệu quả các nguồn lực du lịch nhàn rỗi trong xã hội; tận dụng hiệu quả về cả thời gian và tiết kiệm chi phí. Nhờ sự thuận tiện cho khách du lịch mà các mô hình KTCS trong ngành du lịch ngày càng phát triển tại Việt Nam.
- Mô hình KTCS ngành du lịch thúc đẩy kinh tế phát triển, giúp nâng cao sức cạnh tranh của ngành du lịch nói riêng và nền kinh tế nước ta nói chung, đẩy mạnh sáng tạo trong kinh doanh: Như trong lĩnh vực vận tải, đến nay, ngoài Grab và Uber mà đã nhiều hãng taxi khác tham gia cung cấp ứng dụng đặt xe qua mạng, trong đó có cả các hãng taxi lớn như Vinasun, Mai Linh tham gia. Hiệp hội taxi Hà Nội vừa đưa ra đề xuất xây dựng một trung tâm điều hành đặt xe qua mạng. Đây là môi trường nền tảng dùng chung cho tất cả hãng taxi là tất yếu, phù hợp với chỉ đạo của Chính phủ trong quá trình thực hiện cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.
- Mô hình KTCS ngành du lịch giúp tiết kiệm tài nguyên thông qua việc sử dụng liên tục tài sản trong toàn bộ vòng đời của nó: Đây là lợi ích lớn nhất của mô hình này. Trong thực tế, xe ô tô cá nhân được dùng cho việc cung cấp dịch vụ trên nền tảng công nghệ của Uber, Grab, Lyft… đã giúp tiết kiệm tài nguyên của tài sản. Một ví dụ khác, dịch vụ cho thuê nhà qua Airbnb, Airbnb là viết tắt của cụm từ AirBed and Breakfast, một startup với mô hình kết nối người cần thuê nhà, thuê phòng nghỉ với những người có phòng cho thuê trên khắp thế giới thông qua ứng
dụng di động tương tự như ứng dụng chia sẻ xe Uber, đã giúp những người có nhà còn trống chưa sử dụng hết cho khách du lịch thuê thông qua ứng dụng Airbnb. Hay như Luxstay - một ứng dụng đặt phòng của Việt Nam nhắm vào phân khúc trung và cao cấp cũng đã chọn cách kết hợp với “người khổng lồ” là Rakuten – đại gia thương mại điện tử Nhật để đẩy mạnh ứng dụng này ở thị trường Việt Nam. Đồng thời với việc tiết kiệm trong sử dụng tài sản, máy móc, thiết bị, tiết kiệm tài nguyên… các hoạt động trong mô hình KTCS ngành du lịch cũng có tác động tích cực tới môi trường thông qua giảm phát thải khí nhà kính, giảm khối lượng các chất thải ra môi trường.
- Mô hình KTCS ngành du lịch góp phần thúc đẩy phát triển công nghệ nói chung và công nghệ thông tin nói riêng: mô hình KTCS ngành du lịch ngày càng phát triển, việc sử dụng và phân tích dữ liệu lớn của khách hàng một cách nhanh chóng và hiệu quả chính là “cầu” quan trọng cho ngành công nghệ thông tin phát triển…