Những vấn đề tồn tại hạn chế

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) áp DỤNG PHÁP LUẬT về THỰC HÀNH QUYỀN CÔNG tố đối với vụ án MA túy từ THỰC TIỄN HUYỆN HOẰNG hóa, TỈNH THANH hóa (Trang 56 - 63)

7. Kết cấu của luận văn

2.2.3. Những vấn đề tồn tại hạn chế

Bên cạnh những kết quả, ưu điểm nêu trên, hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân huyện Hoằng Hóa trong thực hành quyền công tố đối với các vụ án về ma tuý cũng có những hạn chế sau đây:

Khi thực hành quyền công tố các vụ án hình sự về ma tuý, Viện kiểm sát nhân dân huyện Hoằng Hóa chưa có sự thống nhất về việc áp dụng pháp luật hình sự. Điều này dẫn đến việc áp dụng pháp luật trong giai đoạn điều tra các vụ án ma tuý ở huyện Hoằng Hóa có lúc, có vụ còn thiếu thống nhất trong việc xác định tội danh, điều luật và khoản, điểm của BLHS mà bị can đã vi phạm, dẫn đến việc xác định mức hình phạt chưa phù hợp, không tương xứng. Cá biệt có trường hợp việc khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử đã để lọt tội phạm tàng trữ trái phép chất ma túy, bị Tòa án cấp phúc thẩm hủy để điều tra theo thủ tục chung. Sau khi điều tra lại phải khởi tố bổ sung vụ án về Tội tàng trữ trái phép chất ma túy theo quy định tại Điều 194 BLHS năm 1999 sửa đổi bổ sung năm 2009. Đó là vụ án: Mai Trọng Thành – SN 1986 ở xã Hoằng Trạch, Hoằng Hóa, Thanh Hóa đã đến thuê phòng trọ của gia đình chị Nguyễn Thị Yến – SN 1980 ở thôn 1, xã Hoằng Đồng, huyện Hoằng Hóa để bán trái phép chất ma túy. Khoảng 16h15 ngày 08/12/2016 Lê Văn Hải, sinh năm 1986 ở xã Hoằng Tân và Lê Hữu Cường, sinh năm 1984 ở xã Hoằng Thái, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa gọi điện thoại cho Mai Trọng Thành hỏi mua ma túy về sử dụng, Thành đồng ý và hẹn đến phòng trọ nơi Thành đang ở. Do đã nhiều lần mua ma túy của Thành để sử dụng nên Hải, Cường đi thẳng đến phòng trọ số 03 Thành thuê của chị Yến. Đến nơi Hải gõ cửa và hỏi mua 2 tép hê rô in với giá 200.000đ heroin, còn Cường đứng bên cạnh. Thành dùng hai ngón tay đẩy 02 ống nhựa màu trắng được bịt kín hai đầu bên trong có chứa 0,057g có hàm lượng hê rô in là 65,43% qua khe giữa cạnh dưới cánh cửa và nền phòng trọ. Hải cầm ma túy rồi đưa 200.000đ qua khe của cho Thành nhận. Trong lúc hai Hải và Thành đang mua bán trái phép chất ma túy thì bị Cơ quan điều tra Công an huyện Hoằng Hóa bắt quả tang. Thu giữ 02 điện thoại di động, số tiền 1.030.000đ và 0,057g có Heroin; qua khám xét thu giữ 0,057g có hàm lượng hê rô in là 65,43% . Khám xét khẩn cấp thu giữ 1,200g có hê rô in và 3,179g có Methamphetamin. Tổng số thu giữ: 1,360g có heroin và 3,179g có Methamphetamin.

Cơ quan điều tra Công an huyện Hoằng Hóa đã Quyết định khởi tố vụ án hình sự số: 11/CSĐT và Quyết định khởi tố bị can số: 19/CSĐT ngày 14/12/2016 của Cơ quan CSĐT công an huyện Hoằng Hóa đối với: Mai Trọng Thành về tội: Mua bán trái phép chất ma tuý, quy định tại điều 194 Bộ luật hình sự năm 1999 sửa đổi năm 2009.

Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 58/2017/HSST ngày 19/7/2017 của Tòa án nhân dân huyện Hoằng Hóa xử phạt Mai Trọng Thành 7 năm 6 tháng tù về tội Mua bán trái phép chất ma túy. Do Thành có kháng cáo, ngày 19/9/2017 Tòa án nhân dân tỉnh Thanh Húa xét xử phúc thẩm, tại Bản án số 170/2017/HSPT Tòa án nhân dân tỉnh cho rằng: Khối lượng Methamphetamin 3,179g có hàm lượng 62,20% thu trong vụ án quy đổi ra khối lượng là 1,977g đủ yếu tố cấu thành tội “Tàng trữ trái phép chất ma túy”. Nhưng Mai Trọng Thành mới bị khởi tố, truy tố và xét xử về tội “Mua bán trái phép chất ma túy là chưa đầy đủ mà còn bỏ lọt tội “Tàng trữ trái phép chất ma túy” đối với Mai Trọng Thành nên đã hủy Bản án hình sự sơ thẩm số 58/2017/HSST ngày 19/7/2017 của Tòa án nhân dân huyện Hoằng Hóa để điều tra lại theo thủ tục chung. Quá trình điều tra lại Lê Văn Hải và Lê Hữu Cường vẫn giữ nguyên lời khai về hành vi phạm tội của Thành.

Ngày 27/9/2017, Cơ quan điều tra công an huyện Hoằng Hóa đã ra Quyết định bổ sung quyết định khởi tố vụ án hình sự số 01 về tội Tàng trữ trái phép chất ma túy để điều tra nhưng chưa có đủ căn cứ để khởi tố bị can nên đã ra Quyết đinh tách vụ án hình sự số 01 ngày 28/11/2017 để tiếp tục điều tra, xử lý tội Tàng trữ trái phép chất ma túy bằng một vụ án khác.

Sau đó Viện kiểm sát nhân dân huyện Hoằng Hóa đã truy tố và Tòa án nhân dân huyện Hoằng Hóa đã xét xử Mai Trọng Thành về Tội mua bán trái phép chất ma túy theo điểm p khoản 2 Điều 194 BLHS năm 1999 sửa đổi bổ sung năm 2009. Hiện tại Bản án đã có hiệu lực pháp luật

- Còn tồn tại tình trạng chưa thống nhất trong áp dụng pháp luật của các cơ quan tiến hành tố tụng liên quan đến tội danh của các bị can, bị cáo phạm tội về ma

túy. Ví du: Khoảng 21h30 ngày 24/10/2018, tại quán Karaoke Hải Tiến By Night ở thôn Trung Hải, xã Hoằng Thanh, huyện Hoằng Hóa, Dương Văn Đạo – SN 1995 ở xã Hoằng Thanh, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa; Bùi Tuấn Anh – SN 1995 ở xã Hoằng Thanh, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa; Bùi Văn Thụ – SN 1995 ở xã Hoằng Phụ, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa; Dương Văn Thương – SN 1995 ở xã Hoằng Thanh, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa; Nguyễn Văn Thái – SN 1995 ở xã Hoằng Thanh, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa; Nguyễn Trọng Tú – SN 1995 ở xã Hoằng Thanh, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa đã bàn bạc thống nhất cùng góp tiền để sử dụng ma túy. Dương Văn Đạo đã trực tiếp mua ma túy và chia số ma túy này cho tất cả mọi người cùng sử dụng tại phòng VIP 2 của quán, Bùi Văn Thụ đã đưa bằng lái xe của mình cho Đạo để xào ke và sử dụng tờ 10.000 VNĐ do Đạo đưa để quấn làm ống hít ke. Đến khoảng 01h ngày 25/10/2018, khi đang sử dụng ma túy thì Đội Cảnh sát Điều tra tội phạm về ma túy Công an huyện Hoằng Hóa phối hợp với Công an xã Hoằng Thanh đã kiểm tra phát hiện, bắt quả tang cùng tang vật chứng của vụ án. Như vậy, uá trình điều tra vụ án có sự khác nhau về quan điểm giữa Cơ quan điều tra Công an huyện Hoằng Hóa và Viện kiểm sát nhân dân huyện Hoằng Hóa, về tội danh của các bị can Dương Văn Thương, Nguyễn Văn Thái và Nguyễn Trọng Tú. Các bị can này hứa góp tiền để mua ma túy về sử dụng, Cơ quan điều tra Công an huyện Hoằng Hóa có quan điểm các bị can này không phạm tội hứa góp tiền để mua ma túy cho bản thân sử dụng còn quan điểm của Viện kiểm sát nhân dân huyện Hoằng Hóa là các bị can này phạm tội. Khi họp liên ngành tư pháp cấp huyện không thống nhất được quan điểm nên phải xin ý kiến liên ngành cấp tỉnh. Sau khi họp liên ngành tư pháp cấp tỉnh thì liên ngành tư pháp cấp tỉnh thống nhất quan điểm của VKSND huyện Hoằng Hóa. Sau đó Cơ quan điều tra Công an huyện Hoằng Hóa đã khởi tố bị can các bị can trên. Vụ án đã được đưa ra truy tố và xét xử. Bản án đã có hiệu lực pháp luật. Việc không thống nhất được quan điểm của các cơ quan tư pháp cấp huyện khiến vụ án kéo dài và phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung 01 lần.

- Chưa áp dụng triệt để quy định của luật tổ chức VKSND, BLTTHS và các quy chế của ngành KSND nên dẫn đến tình trạng có thời điểm không thực hiện tốt hoạt động THQCT từ đầu, không chủ động bám án, nắm vững tiến độ điều tra vụ án nên chưa thực hiện tốt công tác giám sát hoạt động điều tra, chỉ đạo điều tra, định hướng điều tra. Khi thực hành quyền công tố trong nhiều vụ án, kiểm sát viên còn thụ động, khi Cơ quan cảnh sát điều tra đề nghị phê chuẩn tạm giữ, tạm giam, gia hạn điều tra, thậm chí đến khi vụ án kết thúc điều tra thì Kiểm sát viên mới tiếp cận với hồ sơ vụ án. Do đó, không phát hiện được những vi phạm, thiếu sót và những tồn tại của Cơ quan điều tra trong việc tuân thủ Bộ luật TTHS dẫn đến tình trạng vụ án phải điều tra bổ sung nhiều lần.

Khi tiến hành hoạt động thực hành quyền công tố, vẫn còn tình trạng Kiểm sát viên nghiên cứu hồ sơ vụ án sơ sài, không trích cứu, không thẩm định đầy đủ và yêu cầu cơ quan điều tra làm rõ hành vi phạm tội của bị can, những tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ và các tình tiết khác trong vụ án. Có trường hợp nội dung biên bản hỏi cung bị can, biên bản ghi lời khai nhân chứng của Điều tra viên còn quá sơ sài, chưa phản ánh được toàn bộ diễn biến hành vi phạm tội của bị can và sự việc liên quan đến vụ án. Nhưng Kiểm sát viên không phát hiện kịp thời để yêu cầu cơ quan điều tra đấu tranh với bị can và nhân chứng nhằm làm rõ mâu thuẫn trong các lời khai đó.

Trong quá trình thực hành quyền công tố ở giai đoạn điều tra các vụ án ma tuý, Viện kiểm sát vẫn chưa kịp thời phát hiện thiếu sót của Cơ quan điều tra trong việc tuân thủ các quy định của Bộ luật TTHS hoặc khi phát hiện vi phạm, thiếu sót thì những kiến nghị, kháng nghị, yêu cầu của Viện kiểm sát đối với Cơ quan điều tra về khắc phục những thiếu sót, vi phạm pháp luật trong quá trình điều tra còn hạn chế. Còn thiếu chủ động, nể nang, chưa kiên quyết, dẫn đến hoạt động thu thập chứng cứ, sử dụng, đánh giá chứng cứ để chứng minh tội phạm của Cơ quan điều tra chưa được đầy đủ và chặt chẽ, có những vi phạm nghiêm trọng về trình tự, thủ tục tố tụng, gây khó khăn cho công tác giải quyết án. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến các

trường hợp điều tra lại, điều tra bổ sung, đình chỉ điều tra trong các vụ án ma tuý xảy ra trong thời gian qua.

Quá trình thực hành quyền công tố ở giai đoạn điều tra việc áp dụng, thay thế hoặc hủy bỏ các biện pháp ngăn chặn các vụ án hình sự về ma tuý; Viện kiểm sát còn thực hiện thiếu tính chủ động, không kịp thời và chính xác. Điều này dẫn đến việc áp dụng, thay thế hoặc hủy bỏ biện pháp ngăn chặn còn bộc lộ những thiếu sót ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng, tiến độ giải quyết vụ án như để bị can trốn gây khó khăn cho công tác điều tra, xử lý loại tội phạm, thủ tục hồ sơ áp dụng biện pháp ngăn chặn thiếu đầy đủ và chặt chẽ.

- Trong một số vụ án, Kiểm sát viên chưa nắm vững quy định của pháp luật, đặc biệt chưa thực sự quán triệt và cập nhật quy định của Thông tư 08 08/2015/TTLT- BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP nên đã tiến hành giám định hàm lượng mocphin không cần thiết. Ví dụ: Vào sáng ngày 07/9/2017 Lê Nam Ngọc – SN 1989 ở xã Hoằng Thành, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa đến nhà anh Lê Đình Tâm - sinh năm 1987 ở cùng thôn 6, xã Hoằng Thành, huyện Hoằng Hóa mượn xe mô tô Biển số: 36R1-9976 để đi bán thuốc lào. Trên đường về, lúc đó khoảng 15h 20 phút cùng ngày Lê Nam Ngọc vào khu vực nhà máy thuốc lá huyện Hà Trung mua 01 gói ma túy có trọng lượng 0,188gam loại Heroin của người đàn ông không rõ danh tính, địa chỉ với giá 350.000đ bỏ vào túi áo ngực bên trái đem về nhà để sử dụng. Khi đi đến Km 312 Quốc lộ 1A thuộc địa phận thôn 7, xã Hoằng Quý, huyện Hoằng Hóa thì bị tổ công tác của phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Thanh Hóa phối hợp với đội phòng chống ma túy Công an huyện Hoằng Hóa phát hiện bắt giữ quả tang cùng vật chứng.

Ngày 21/11/2017 CQĐT Công an huyện Hoằng Hóa kết thúc điều tra đề nghị Viện kiểm sát truy tố bị can Lê Nam Ngọc về tội: Tàng trữ trái phép chất ma túy, theo khoản 1 điều 194 của BLHS năm 1999.

Ngày 12/12/2017 VKSND huyện Hoằng Hóa truy tố bị can Lê Nam Ngọc bằng bản cáo trạng số: 04/CTr-VKS-HH về tội: Tàng trữ trái phép chất ma túy, theo khoản 1 điều 194 của BLHS năm 1999.

Trong quá trình thụ lý xét xử, ngày 18/12/2017 Tòa án nhân dân huyện Hoằng Hóa ra quyết định trưng cầu giám hàm lượng Heroin số: 56/2017/QĐ-TCGĐ đối với 0,188g loại: Heroin là vật chứng của vụ án. Tại bản kết luận giám định số: 156/MT- PC54 ngày 27/12/ 2017 của Phòng kỷ thuật hình sự công an tỉnh Thanh Hóa kết luận: 0,188g loại: Heroin có hàm lượng Heroin là 48,30%. Quy đổi tổng trọng lượng là: 0,090gam Heroin.

Viện kiểm sát nhân dân huyện Hoằng Hóa đã ra quyết định rút quyết định truy tố số: 01 ngày 12/02/2018 đối với Lê Nam Ngọc.

Ngày 12/02/2019 VKSND cấp cao tại Hà Nội ra Quyết định kháng nghị Giám đốc thẩm sô: 11/QĐ-VC1-HS;

Ngày 06/3/2020 TAND Cấp cao tại Hà Nội ra Quyết định số 08/2020/HS- GĐT. Hủy Quyết định đình chỉ vụ án số: 16/2018/HSST-QĐ của TAND huyện Hoằng Hóa;

Ngày 27/02/2018 Viện kiểm sát nhân dân huyện Hoằng Hóa ra Quyết định rút Quyết định truy tố số 01/QĐ-VKSHH đối với Lê Nam Ngọc

Ngày 29/01/2019 Viện kiểm sát cấp cao tại Hà Nội có văn bản số: 73/ VC1-V1, và văn bản số: 14/VKS-P7 ngày 30/01/2019 của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thanh Hóa yêu cầu Viện Trưởng Viện kiểm sát nhân dân huyện Hoằng Hóa ra Quyết định hủy Quyết định rút quyết định truy tố số: 01/QĐ-VKSHH ngày 27/01/2018 của Viện kiểm sát nhân dân huyện Hoằng Hóa. Hiện tại vụ án đã được điều tra, truy tố, xét xử lại đối với Lê Nam Ngọc về tội Tàng trữ trái phép chất ma túy theo quy định tại khoản 1 điều 249 của BLHS năm 2015 sửa đổi năm 2017.

Trong vụ án này căn cứ quy định tại Bộ luật hình sự năm 1999, Bộ luật hình sự năm 2015 đối với các tội phạm về ma túy và hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số

08/2015/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP ngày 14/11/2015 của Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ tư pháp; Công văn số 315/TANDTC-PC ngày 11/12/2015 của Tòa án nhân dân tối cao thì đối với chất ma túy đã thu giữ được của Lê Nam Ngọc ở thể rắn, đã có Kết luận là Heroin khối lượng 0,188 g thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 194 BLHS năm 1999 và khoản 1 Điều 249 BLHS năm 2015 ) nên không cần phải căn cứ Kết quả giám định hàm lượng ma túy để giải quyết vụ án. Việc Tòa án nhân dân huyện Hoằng Hóa yêu cầu giám định bổ sung về hàm lượng heroin là không đúng và không cần thiết vì trong trường hợp này phải căn cứ vào khối lượng ma túy đã thu giữ là 0,188 g để giải quyết vụ án mới phù hợp với các quy định của pháp luật.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) áp DỤNG PHÁP LUẬT về THỰC HÀNH QUYỀN CÔNG tố đối với vụ án MA túy từ THỰC TIỄN HUYỆN HOẰNG hóa, TỈNH THANH hóa (Trang 56 - 63)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(96 trang)